Vượt qua định kiến giới và chủng tộc: Xu hướng làm đẹp Hip-Hop năm 90 đến Y2K
Ngày đăng: 19/10/24
Vẻ ngoài của nghệ sĩ có sức ảnh hưởng không thua kém âm nhạc. Nhiều xu hướng làm đẹp hiện nay được kế thừa từ di sản đồ sộ của văn hóa Hip-Hop. Sự giao thoa giữa làm đẹp và Hip-Hop đã dệt nên một câu chuyện lịch sử đầy tự hào, cùng Style-Republik tìm hiểu nhé!
Ngày nay, nhiều xu hướng làm đẹp được định hình bởi văn hóa Hip-Hop. Sự giao thoa giữa làm đẹp và Hip-Hop là kết quả của tiến trình đầy khắc nghiệt, nơi những nghệ sĩ Hip-Hop nữ và người da đen đã phải đấu tranh không ngừng để khẳng định tiếng nói và thẩm mỹ của mình. Họ đã vượt qua định kiến về giới tính và chủng tộc, góp phần mở ra không gian cho những chuẩn mực sắc đẹp đa dạng hơn, tạo nên tầm ảnh hưởng mạnh mẽ trong ngành công nghiệp thời trang và làm đẹp ngày nay.
“Rap is something you do, hip-hop is something you live” – Nghệ sĩ KRS One.
Vào giữa thập niên 90, khi Hip-Hop chủ yếu xoay quanh nam giới và tính nữ thường bị xem nhẹ, các nữ rapper thường phải khoác lên mình vẻ ngoài gai góc, nam tính để có thể tồn tại và được tôn trọng trong môi trường “trọng nam khinh nữ”. Những tên tuổi như Queen Latifah và MC Lyte thường gắn liền với phong cách mạnh mẽ, cứng cỏi để chống lại sự phân biệt giới tính trong giới Hip-Hop. Tuy nhiên, khi Lil’ Kim xuất hiện, bà đã phá vỡ những ràng buộc đó.
Sự xuất hiện của Lil’ Kim trong làng Hip-Hop được xem như một cuộc cách mạng. Bà là người đầu tiên dám, thẳng thẳng và tự tin thể hiện tính nữ, đưa chúng vào phong cách thời trang biểu diễn, vào những ca khúc bắt tai của mình. Bằng sự duyên dáng và táo bạo của mình, Lil’ Kim không chỉ thách thức những chuẩn mực khắc nghiệt về tính nữ trong Hip-Hop, mà còn mở ra một không gian để tôn vinh sự mềm mại, gợi cảm của phái nữ. Điều này đã tạo cảm hứng cho những nghệ sĩ nữ như Missy Elliott, Lauryn Hill, và Foxy Brown tự tin thể hiện phong cách riêng của mình mà không cần phải che giấu hay “gồng mình” theo chuẩn mực nam giới để được tôn trọng.
“I’m a girly girl. I’m strong, but I’m very timid. Very dainty” (Tạm dịch: Em là cô nàng dịu dàng. Mạnh mẽ nhưng e ấp. Và em cũng thanh nhã như một cánh hoa) – Lil’ Kim.
Lil’ Kim – biểu tượng của sắc đẹp vượt thời gian
Lil’ Kim không chỉ khẳng định vị trí của mình qua âm nhạc mà còn tiên phong mở đường cho các nữ rapper, nâng cao vị thế của họ trong thế giới Hip-Hop. Bà chứng minh rằng phụ nữ không cần phải từ bỏ tính nữ để thành công, mà ngược lại, có thể khai thác sức mạnh của sự nữ tính để tỏa sáng. Lil’ Kim đã đóng góp phần quan trọng trong việc biến Hip-Hop trở thành một không gian cởi mở hơn cho sự đa dạng, nơi phụ nữ có thể tự tin thể hiện bản thân mà không bị giới hạn bởi những chuẩn mực cứng nhắc.
Không chỉ ảnh hưởng sâu rộng đến âm nhạc, Lil’ Kim còn để lại dấu ấn mạnh mẽ trong lĩnh vực làm đẹp và thời trang. Bà liên tục trở thành nguồn cảm hứng chính cho các nhà thiết kế, rapper, ca sĩ và stylist, đồng thời góp mặt trong vô số mood board sáng tạo. Bằng cách xây dựng hình tượng độc đáo của mình, điển hình là những kiểu tóc được sáng tạo bởi Dionne Alexander luôn trở thành xu hướng tiên phong trong làm đẹp. Kinh điển là mái tóc giả xanh ngọc với logo Chanel trên phần mái, xuất hiện trên bìa tạp chí Manhattan File năm 2001 và kiểu tóc bạch kim với họa tiết Greek key từ nhà mốt Versace mà bà diện tại buổi trình diễn couture Xuân/Hè của hãng. Nhiều năm sau, chúng ta thấy những nghệ sĩ thế hệ sau như Cardi B và Nicki Minaj tiếp tục kế thừa di sản sắc đẹp của Lil’ Kim qua các phiên bản tóc logo.
Hip-Hop: Từ ổ chuột hóa xa hoa
Dưới bàn tay sáng tạo của những nghệ sỹ trang điểm tài hoa như Nzingha, Eric Ferrell, và Kevyn Aucoin; kết hợp với các nhà tạo mẫu tóc như Dionne Alexander, Tre’ Major, và Chuck Amos, các nữ nghệ sỹ Hip-Hop đã trở thành những biểu tượng sắc đẹp, nơi phong cách có sức ảnh hưởng ngang ngửa với âm nhạc.
Những xu hướng làm đẹp biểu tượng bắt nguồn từ các nữ rapper gạo cội trong Hip-Hop đã ghi dấu ấn sâu đậm vào văn hóa đại chúng. Điển hình là đôi môi đậm của Mary J. Blige trong “Not Gon’ Cry” (1995), kiểu tóc lace-front kinh điển của Lauryn Hill trong “Doo Wop (That Thing)” (1998), bộ tóc giả màu tím lilac nổi tiếng của Lil’ Kim tại lễ trao giải VMA 1999, hay bộ móng tay giả màu tím đính đá quý của Janet Jackson trong “What’s It Gonna Be?!” (1999). Thêm vào đó, kiểu tóc ombré của Aaliyah tại Lễ trao giải MTV Movie Awards năm 2000 khởi đầu của xu hướng tóc nhuộm đình đám thời bấy giờ.
Với tầm ảnh hưởng ngày càng lớn, từ đầu những năm 2000, các thương hiệu mỹ phẩm bắt đầu nhận ra tiềm năng của Hip-Hop như một “miếng bánh” sinh lợi khổng lồ. Năm 2000, MAC Cosmetics tiên phong hợp tác với Mary J. Blige và Lil’ Kim trong chiến dịch Viva Glam, với mục đích gây quỹ cho Quỹ AIDS của MAC. Chiến dịch này thành công rực rỡ, quyên góp được 4 triệu USD, minh chứng cho sức ảnh hưởng mạnh mẽ của các nữ nghệ sỹ Hip-Hop trong lĩnh vực làm đẹp.Từ thành công của MAC, những ông lớn như Estée Lauder, L’Oréal và nhiều thương hiệu khác bắt đầu chú ý đến Hip-Hop và tận dụng nó cho các chiến lược tiếp thị. Điều này không chỉ mang lại lợi nhuận cho các thương hiệu mà còn mở ra cơ hội đại diện và tôn vinh sắc đẹp cho người da đen, điều mà trước đây hiếm khi xảy ra trong các chiến dịch quảng cáo của các thương hiệu lớn trước năm 2000.
“Vào đầu những năm 90, Hip-Hop vẫn còn thô ráp. Nhưng đến đầu những năm 2000, chúng đã trở thành ghetto fab – cụm từ slang thời điểm bấy giờ chỉ lối sống từ khu ổ chuột lên xa hoa. Các công ty bắt đầu nhận thấy giá trị mà Hip-Hop mang lại cho ngành công nghiệp thời trang và làm đẹp. Vì vậy, ngân sách trở nên lớn hơn và ai cũng trông thật giàu có” nhà tạo mẫu tóc nổi tiếng Tym Wallace chia sẻ.
Queen Latifah trở thành gương mặt đại diện của CoverGirl vào năm 2001, đánh dấu một bước tiến lớn cho sự hiện diện của các nữ nghệ sỹ Hip-Hop trong ngành công nghiệp làm đẹp. Tiếp nối đó, Missy Elliott – nữ nghệ sỹ Hip-Hop đầu tiên được vinh danh tại Đại sảnh Danh vọng Rock and Roll – gia nhập chiến dịch Viva Glam của MAC vào năm 2004, theo sau là Eve vào năm 2006. Năm 2007, Beyoncé trở thành gương mặt đại diện cho Emporio Armani, mở rộng thêm sự hiện diện của các nghệ sỹ Hip-Hop trong thế giới thời trang cao cấp.
Hip-Hop và vị thế người da đen
Sự kỳ thị người da đen vẫn kéo dài đến giữa thế kỷ 20, khi những nghệ sỹ da màu không được xuất hiện trên bìa album của chính mình. Ngược dòng thời gian về những năm 1920 đến 1950, âm nhạc của người da đen bị xếp vào danh mục “Race Music” để tách biệt với các thể loại khác. Nhằm thu hút đối tượng người nghe – phần lớn là người da trắng phân biệt chủng tộc, các hãng đĩa chỉ phát hành album của nghệ sỹ da màu nếu không có hình ảnh của họ trên bìa. Đã có thời điểm, thứ duy nhất mà phụ nữ da đen có thể mua được là son môi và kẻ mắt, bởi các loại phấn nền chỉ dành cho làn da trắng.
Kể từ khi các nữ nghệ sỹ Hip-Hop bắt đầu được nhìn nhận bằng tài năng, phong cách thời trang và sức hút đặc trưng, thay vì lăng kính phân biệt giới tính và chủng tộc vào những năm 90, vị thế của Hip-Hop và người da đen dần có sự chuyển dịch. Bên cạnh âm nhạc, vẻ ngoài (thời trang, phong cách trang điểm,…) trở thành phương tiện để những nghệ sỹ thể hiện cá tính và kết nối với người hâm mộ, giúp họ nổi bật trong một ngành công nghiệp do nam giới thống trị. Đối với những người da màu, Hip-Hop là một điều kỳ diệu. Từ sự yếu thế thiệt thòi trong xã hội, họ đã dùng văn hóa và nghệ thuật của riêng mình để sáng tạo và lan tỏa sức ảnh hưởng. Nghệ sỹ đi lên từ đường phố nay đã có thể bán sáng tạo để kiếm sống chân chính và thành công trong các đế chế tỷ đô.
Xu hướng làm đẹp lấy cảm hứng từ các nữ rapper và Hip-Hop đã tạo nên nhiều hình thức nơi người hâm mộ có thể tham gia và đưa nghệ sỹ-công chúng đến gần nhau hơn. Những sản phẩm làm đẹp với mức giá dễ thở sẽ dễ tiếp cận đến công chúng hơn so với vé xem concert. Những xu hướng được thiết lập trong thời kỳ bùng nổ vẻ đẹp hip-hop đã lan rộng ra văn hóa đại chúng. Lấy ví dụ về tóc màu neon rực rỡ. Phong cách này đã đạt đến đỉnh cao mới sau khi Lil’ Kim xuất hiện trước công chúng với màu tóc neon.
“Chúng ta từng chỉ quanh quẩn với những màu tóc nâu, đỏ và vàng. Nếu vào thập niên 90, tôi nói với ai đó rằng tất cả sẽ nhuộm tóc với những sắc màu rực rỡ, họ chắc hẳn sẽ bảo tôi điên. Nhưng giờ hãy nhìn xem, màu sắc đã hoàn toàn thay đổi ngành tạo mẫu tóc và cách mọi người cảm nhận, thể hiện bản thân” Alexander – người đứng sau những kiểu tóc mang tính biểu tượng của các ngôi sao – chia sẻ.
Về trang điểm, từ đôi mắt cánh sắc nét, kỹ thuật tạo khối tỉ mỉ, đến lông mày cong cao đầy kịch tính, những phong cách trang điểm thuộc cộng đồng queer và văn hóa drag đã thổi hồn vào Hip-Hop, tạo nên những xu hướng không bao giờ lỗi thời trong thế giới làm đẹp ngày nay. Thời trang xoay vòng, như nhiều xu hướng từ những năm 90 và 2000, các phong cách này đang quay trở lại. Các kiểu tóc tết, phụ kiện tóc, nail dài, tóc xoăn, son môi đậm,… – đều được truyền cảm hứng từ những nữ nghệ sỹ Hip-Hop thời bấy giờ.
Mặc dù các ngôi sao đang đưa những xu hướng làm đẹp hip-hop cổ điển trở lại nhưng không gian sáng tạo vẫn còn vô hạn. Những xu hướng từ thời kỳ hoàng kim của hip-hop đang được tái định nghĩa, khoác lên mình vẻ hiện đại và phong cách mới mẻ của thời đại. Với hơn 5 thập kỷ phát triển, văn hóa hip-hop không chỉ trường tồn mà còn ngày càng lớn mạnh và không ngừng lan tỏa sức ảnh hưởng.
Thực hiện: Lenna