Giá trị thật thì không cần ồn ào: Gặp gỡ 4 “má hồng” tài năng của sáng tạo Việt

Ngày đăng: 19/10/24

Cùng gặp gỡ 4 người phụ nữ truyền cảm hứng và mang đến nhiều giá trị cho ngành sáng tạo Việt Nam.

Nhân ngày Phụ nữ Việt Nam 20/10, hãy cùng khám phá hành trình của bốn người phụ nữ nổi bật trong ngành sáng tạo, nghệ thuật Việt Nam. Từ nhà văn, nhà thiết kế thời trang, đến đạo diễn và nhiếp ảnh gia, họ là những người âm thầm tạo ra giá trị sâu sắc, để lại dấu ấn mạnh mẽ qua mỗi tác phẩm và đóng góp của mình.

Nguyễn Thị Minh Ngọc

Là một người phụ nữ đa tài, Nguyễn Thị Minh Ngọc là đạo diễn, biên kịch, nhà văn, giảng viên nổi tiếng với hơn 50 năm cống hiến cho nghệ thuật sân khấu đương đại Việt Nam dẫu con đường nghệ thuật của bà khá chông gai. Vào nghệ muộn, kiếm sống nhờ bán hàng rong, bán thuốc lá, thuốc tây ở vỉa hè để tự mưu sinh, cuộc sống lênh đênh nhưng nghệ thuật gọi tên bà. Bà bén duyên với con đường này tình cờ đến lạ. Có lẽ vì vậy mà viên “Ngọc” sáng của nền nghệ thuật Việt Nam ra đời.

Phụ nữ Việt Nguyễn Thị Minh Ngọc
Đạo diễn, biên kịch, nhà văn, giảng viên Nguyễn Thị Minh Ngọc.

Bà là người đồng sáng lập nhóm Tuổi Trẻ Cười, CLB Đạo diễn thể nghiệm (tiền thân Nhà hát sân khấu kịch 5B), từng chắp bút nhiều kịch bản giá trị như Một nửa của tôi đâu, Thương hoài ngàn năm hay Giữa hai bờ sương khói. Ở lĩnh vực điện ảnh, bà được biết đến với nhiều kịch bản đoạt giải thưởng lớn, trong đó có Song Lang – bộ phim xuất sắc về nghệ thuật cải lương Việt Nam nhận được nhiều giải thưởng danh giá. 

Song Lang – 2018

Với mong muốn bảo tồn nghệ thuật sân khấu Việt Nam cho thế hệ tương lai và mang chúng đến gần hơn với khán giả trong nước lẫn quốc tế, dù đã ngoài 70 tuổi, Nguyễn Thị Minh Ngọc vẫn không ngừng cống hiến cho nghệ thuật. Không chỉ dừng lại ở việc sáng tác, bà thử sức trong nhiều lĩnh vực, từ biên kịch, đạo diễn đến sân khấu, điện ảnh, và giảng dạy. Vì bà mong muốn giữ gìn “Việt Nam” qua nhiều hình thức để truyền lại cho thế hệ tương lai – những người sẽ học về lịch sử Việt Nam qua những trang sách, thước phim, vở kịch,… Khi giảng dạy, bà Nguyễn Thị Minh Ngọc luôn khuyến khích sinh viên trải nghiệm nhiều hình thức sân khấu khác nhau, thậm chí còn tổ chức các buổi diễn múa rối ngay tại lớp học để mang đến cảm nhận chân thực nhất cho người học.

Vũ Thảo

Vũ Thảo là một trong những nhà thiết kế tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững tại Việt Nam. Từ khi bước chân vào ngành thiết kế, cô đã chọn hướng đi khác biệt, chọn khởi nghiệp với thời trang bền vững, một khái niệm còn khá mới mẻ vào thời điểm đó. Tốt nghiệp Học viện Thời trang London (LCFS) năm 2008, Vũ Thảo thành lập thương hiệu Kilomet109 vào năm 2012, với mục tiêu tạo ra dòng thời trang cao cấp, thân thiện với môi trường và dành cho cả nam lẫn nữ.

Nhà thiết kế, nhà sáng lập Kilomet109: Vũ Thảo (ngoài cùng bên phải).

Kilomet109 không chỉ là một thương hiệu thời trang mà còn là biểu tượng cho hành trình bảo tồn và phát triển các kỹ thuật dệt may truyền thống của Việt Nam. Các sản phẩm của cô được làm từ nguyên liệu địa phương như tơ, bông, gai, và sử dụng các kỹ thuật dệt, nhuộm tự nhiên của các dân tộc thiểu số như Nùng, Dao, Thái, Tày, Mường, H’Mong,… tại Mai Châu, Hòa Bình, và Cao Bằng. Sự kết hợp giữa kỹ thuật truyền thống và thiết kế hiện đại không chỉ tạo nên vẻ đẹp độc đáo cho các bộ sưu tập mà còn khẳng định tầm quan trọng của việc bảo tồn văn hóa dân tộc trong ngành công nghiệp thời trang.

Với triết lý kinh doanh bền vững, Vũ Thảo kiên trì xây dựng chuỗi cung ứng khép kín, từ khâu sản xuất nguyên liệu đến khâu thiết kế và hoàn thiện sản phẩm. Dù đối diện với nhiều khó khăn, cô luôn giữ vững niềm tin vào giá trị của tiếng nói bản địa Việt và tầm quan trọng của thời trang trong bối cảnh biến đổi khí hậu và ô nhiễm môi trường ngày càng gia tăng. Những nỗ lực của Vũ Thảo đã truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ nhà thiết kế trẻ theo đuổi con đường thời trang bền vững.

Nguyễn Hoàng Điệp

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp là gương mặt tiên phong của làn sóng điện ảnh độc lập tại Việt Nam. Cô được biết đến với tác phẩm đầu tay “Đập cánh giữa không trung”. Phim truyện dài này đã để lại dấu ấn mạnh mẽ khi giành nhiều thành công tại loạt liên hoan phim quốc tế uy tín như Venice, Toronto, Fribourg, Busan, Bratislava,… Sau đó, Nguyễn Hoàng Điệp tập trung vào sản xuất và hỗ trợ các nhà làm phim độc lập trẻ trong nước. Năm 2021, cô trở thành thành viên trẻ nhất của hội đồng duyệt phim quốc gia và được chính phủ Pháp trao tặng Huân chương Hiệp sĩ Văn chương Nghệ thuật.

Đạo diễn Nguyễn Hoàng Điệp.

Đập cánh giữa không trung (Flapping in the Middle of Nowhere) 2014

Bên cạnh vai trò đạo diễn, Nguyễn Hoàng Điệp còn tích cực hỗ trợ các dự án điện ảnh thành công như Bi, đừng sợ (đạo diễn Phan Đăng Di), Ròm (đạo diễn Trần Thanh Huy) và Kfc (đạo diễn Lê Bình Giang) đã tạo nên động lực và chỗ dựa vững chắc đưa các tác phẩm điện ảnh độc lập Việt Nam vươn xa. Ngoài điện ảnh, cô cũng mở rộng hoạt động của mình sang lĩnh vực nghệ thuật đương đại với Ơ KÌA HÀ NỘI – không gian nghệ thuật độc đáo, sân chơi cho các nghệ sỹ và khán giả yêu nghệ thuật.

Đặc biệt, với vai trò nhà sản xuất, cô còn hoạt động đầy nhiệt huyết trong lĩnh vực sân khấu. Khi nhận thấy sân khấu thiếu khán giả và đồng cảm trước những vở diễn tâm huyết nhưng chưa được biết đến rộng rãi, cô luôn tìm cách để chia sẻ, giúp đỡ và đưa nghệ thuật sân khấu đến gần hơn với đại chúng. Gần đây là sự thành công của vở diễn Hồn Trương Ba, da hàng thịt hợp tác cùng đạo diễn người Nhật Tsuyoshi Sugiyama đã đoạt 1 Huy chương vàng, 2 Huy chương bạc cho các cá nhân tham gia vở tại Liên hoan Kịch nói toàn quốc (6/2024) Thái Nguyên. 

Nguyễn Hoàng Điệp trong không gian Ơ KÌA HÀ NỘI.

Maika Elan

Đi từ chiếc máy ảnh đến những vấn đề xã hội nhạy cảm và gai góc, Maika Elan – nhiếp ảnh gia tư liệu hiện đang sinh sống và làm việc tại Hà Nội là cái tên âm thầm nhưng có sức nặng trong giới nhiếp ảnh nước nhà. Cô nổi tiếng với những dự án đầy tính nhân văn, gợi mở những vấn đề xã hội nhạy cảm và gai góc, như The Pink Choice, Like My Father, Inside Hanoi, Hikikomori, Ain’t Talking Just Lovin’,…

Nhiếp ảnh gia Maika Elan.

Dự án The Pink Choice (Yêu là yêu) là bộ ảnh về cuộc sống của các cặp đôi thuộc cộng đồng LGBTQ+, đã đưa Maika Elan trở thành người Việt Nam đầu tiên đoạt giải Nhất hạng mục “Contemporary Issues” (Các vấn đề đương đại) thể loại Phóng sự ảnh tại giải thưởng World Press Photo 2013. Đây là thành tựu vô cùng ấn tượng, đưa cô trở thành nhiếp ảnh gia Việt thứ hai, sau Nick Út, giành được giải thưởng danh giá này.

The Pink Choice

 

Không chỉ là một nhiếp ảnh gia xuất sắc, Maika còn góp phần truyền cảm hứng và khuyến khích các nhiếp ảnh gia trẻ dấn thân vào những vấn đề nhức nhối của xã hội qua lăng kính cá nhân và nhân văn. Năm 2023, cô trở thành giám khảo của World Press Photo, đánh dấu cột mốc 10 năm kể từ khi cô đoạt giải. Với những tác phẩm mang tính chất suy tư sâu sắc và đầy cảm xúc, Maika đã xóa tan những định kiến về phụ nữ trong nhiếp ảnh, đồng thời khuyến khích sự phát triển của thế hệ nhiếp ảnh gia trẻ, sẵn sàng đối mặt và phản ánh hiện thực xã hội bằng lăng kính chân thực và nhạy cảm.

Thực hiện: Lenna