Idol K-pop – Nhân tố làm bùng nổ chỉ số truyền thông của các Tuần lễ thời trang
Ngày đăng: 23/10/24
Các ngôi sao K-Pop đã làm bùng nổ chỉ số truyền thông của các show diễn thời trang tại tuần lễ thời trang Xuân Hè vừa qua…
Tháng thời trang cuối cùng đã kết thúc và mặc dù SS25 được đánh giá là hơi thất vọng về mặt sáng tạo, nhưng mùa này đã đạt được số lượng kỷ lục trên phương tiện truyền thông xã hội. Vậy lí do thật sự là gì? Là nhờ vào sự góp mặt của các Idol Kpop ở hàng ghế đầu. Chúng ta không thể phủ nhận độ phủ sóng của các nghệ sĩ K-pop qua các mùa gần đây, không chỉ làm lu mờ chính các thương hiệu khi mọi người đều hướng sự chú ý vào họ – những người sở hữu lượng người hâm mộ đông đảo trên các mạng xã hội – mà còn mang đến những tác động truyền thông chưa từng có.
Theo dữ liệu từ Lefty và Karla Otto, giá trị truyền thông kiếm được (EMV) của mùa này đạt 839,6 triệu USD, tăng 59% so với FW24 và tăng 16% so với SS24. Hầu hết 20 Influencer đạt top đầu trong báo cáo đều đến từ Châu Á, với 45% là những người nổi tiếng đến từ Hàn Quốc với tỷ lệ tương tác trung bình là 8,8% trong năm nay — cao nhất trong số tất cả những con số đã được ghi nhận.
Sự hâm mộ cuồng nhiệt của fan dành cho các thần tượng hiện tại, vượt xa sự nổi tiếng của các ban nhạc nổi tiếng như The Beatles và One Direction, đã lan tỏa đến những nơi rất xa trong các sự kiện lớn nổi danh trên thế giới như tuần lễ thời trang. Tại Tuần lễ thời trang Milan, để chào đón thành viên của nhóm nhạc BTS với tư cách là đại sứ toàn cầu của Gucci, “Army” (tên fandom của nhóm nhạc này) đã cắm trại bên ngoài khu vườn của Triennale với nhiều hoạt động ủng hộ khác nhau — bất chấp cả khi trời đang mưa.
@britishvogue #Rosé arrives in Paris for YSL’s SS25 show during ParisFashionWeek. #TikTokFashion
Không những thế, những người hâm mộ đã chờ nữ Idol Rosé từ nhóm nhạc ‘Hồng Đen’ – Blackpink đến buổi trình diễn của Saint Laurent ở Paris đông đến mức cô gặp khó khăn khi muốn tiến vào địa điểm tổ chức. Cơn sốt này lớn đến mức người hâm mộ thậm chí còn thiết lập các hashtag được tùy chỉnh trước nhiều tuần: chị cả của Blackpink – nàng đại sứ Dior – đã được ‘fan’ tặng cho hashtag “LADY JISOO AT DIOR PFW” và nó đã trở thành xu hướng cả một ngày trên ứng dụng X. Nhưng tháng thời trang trước, sự thống trị của những Influencer Hàn đã ‘mém bị’ các nghệ sĩ Thái Lan vượt mặt – điều này cũng cho thấy sự xuất hiện của một thị trường tiềm năng mới cho ngành thời trang ở Châu Á.
Có những con số đã cho ta thấy sự tăng trưởng của xu hướng này: vào năm ngoái, trong Tuần Lễ thời trang Xuân/Hạ 2024, Jisoo (Blackpink) đã tạo ra 11,5 triệu USD EMV cho nhà mốt Dior, trong khi năm nay sự hiện diện của cô tại Tommy Hilfiger và Dior đã đẩy giá trị đó lên gần 17 triệu USD, đưa cô lên vị trí thứ hai trong số những người có sức ảnh hưởng hàng đầu của tháng thời trang vừa qua. Dior, năm thứ ba liên tiếp, đã giành được giải vàng cho EMV tổng thể trong tháng thời trang.
Nhưng nếu như Jisoo đã từng là ‘kẻ thống trị’ bảng xếp hạng này trong những năm trước, thì lần này cô đã bị nam diễn viên người Thái Nattawin Wattanagitiphat vượt qua, người đã mang về hơn 14 triệu USD EMV sau khi tham gia show của Dior với tỷ lệ tương tác vượt quá 23%. Điều này đã giúp Dior tạo khoảng cách gần 10 triệu USD so với đối thủ đứng thứ hai, Tommy Hilfiger.
Lisa – cũng là thành viên nhóm nhạc Blackpink – vừa mới được bổ nhịm là đại sứ của Louis Vuitton sau khi kết thúc hợp đồng với Celine, đã giành danh hiệu từ Zendaya, người đã giữ vị trí này trong hơn hai năm, đưa LV lên vị trí thứ tám trong bảng xếp hạng. Nữ diễn viên Thái Lan Rebecca Patricia Armstrong đã ra mắt tại Tuần lễ thời trang Paris và trở thành người có sức ảnh hưởng với EMV cao nhất tại buổi trình diễn của Chanel, cô đã ‘vượt mặt’ Jennie của Blackpink, nữ Idol được người hâm mộ đặt biệt danh là “Chanel sống”.
Kylie Jenner vẫn là người nổi tiếng có EMV cao nhất trong toàn bộ Tuần lễ thời trang Xuân/Hạ 2025 nhờ vào việc tham gia các buổi trình diễn của Atleine và Schiaparelli, cũng như việc trở thành người mẫu kết màn tại Coperni tại Disneyland Paris. Ngoài ra, Jin (BTS) với sự trở lại sau nghĩa vụ quân sự, đã giúp đưa Gucci trở lại top 10, nơi mà thương hiệu đã tụt hạng trong FW24. Tuy nhiên, bên cạnh sự trở lại đầy vinh quang, cũng có những sự vắng mặt đáng chú ý. Hầu hết các thành viên của Stray Kids đều không thể tham dự tháng thời trang do xung đột lịch trình. Loewe, không có đại sứ thương hiệu Seungmin, đã không thể lọt vào top 10, mặc dù có rất nhiều sự mong đợi xung quanh buổi trình diễn của mình và những đồn đoán về việc J.W. Anderson rời khỏi thương hiệu.
Ngược lại, thành viên trẻ nhất của Stray Kids, I.N., đã tạo dấu ấn với lần đầu ra mắt với tư cách là đại sứ thương hiệu cho Bottega Veneta, đưa thương hiệu này trở lại top 10 sau một vài mùa giải không có mặt trong bảng xếp hạng. Tương tự, nhóm Enhyphen, đại sứ của nhà mốt Prada, đã giúp đưa thương hiệu của Miuccia Prada và Raf Simons lên vị trí thứ ba.
Có thể thấy, các thương hiệu đã không ngừng cố gắng tạo dựng ‘mối quan hệ’ này với những ngôi sao K-pop để mang đến danh tiếng cho các buổi trình diễn. Tuy nhiên, ngoài độ phủ sóng trên mạng xã hội về các thần tượng và sự xuất hiện của họ tại các Tuần lễ, liệu 15 phút nổi tiếng này có mang lại lợi ích cho các nhà mốt không? Nhiều người đã nhận thấy rằng mọi người đã quên mất ‘nhân vật chính’ của các buổi trình diễn là bộ sưu tập mới mà chỉ hướng đến những người nổi tiếng. Sự lan truyền này đều được thúc đẩy bởi những người hâm mộ của những người nổi tiếng này — một nhóm khách hàng tiềm năng mà độ tuổi trung bình của họ có vẻ như là không quan trọng mấy đối với các thương hiệu bán túi xách có giá trên 3.000 euro.
Đồng thời, khi một thần tượng xuất hiện bên ngoài show diễn, sẽ có một hàng dài đứng chờ bên ngoài địa điểm tổ chức. Điều này có thể góp phần tạo nên xu hướng trên mạng xã hội và nếu có thể trở thành xu hướng trên mạng xã hội, thương hiệu sẽ được bàn tán nhiều hơn, đặc biệt là ở thị trường Hàn Quốc, nơi ngày càng trở nên hấp dẫn đối với các thương hiệu xa xỉ sau cuộc khủng hoảng doanh số ở Trung Quốc.
Chỉ vài năm sau sự bùng nổ của họ, chúng ta đã thấy những thần tượng đầu tiên thay đổi danh hiệu hoặc gia hạn hợp đồng với tư cách là đại sứ thương hiệu, cho thấy tầm quan trọng của họ đối với các thương hiệu vẫn còn rất nhiều. Nhưng nếu EMV từng được coi là thước đo để phân tích sự tăng trưởng của một thương hiệu, thì giờ đây nó lại bị bóp méo bởi những sự dối trá nhằm làm yên lòng các ban giám đốc đằng sau các tập đoàn lớn. Đối với các buổi trình diễn thời trang, những con số đó không đại diện cho doanh số thực tế của thương hiệu và số lượng không đồng nghĩa với chất lượng.
Thực hiện: Mỹ Tâm
Theo Nss Mag