Những chiếc váy sống mãi từ trang sách đến màn ảnh

Ngày đăng: 25/10/24

Những chiếc váy kinh điển đã đi từ trang sách đến màn bạc, qua hàng thập kỷ vẫn sống mãi và đẹp tuyệt vượt thời gian.

Thời trang và văn học từ lâu đã cùng nhau dệt nên những cung bậc cảm xúc qua nhiều thập kỷ. Cả hai lĩnh vực không chỉ tôn vinh mà còn bổ trợ lẫn nhau, tạo ra vẻ đẹp tinh tế khiến lòng người say đắm. Qua những tác phẩm văn chương kinh điển, ngôn từ sống động của các đại văn hào đã phác họa nên hình ảnh chiếc váy và vẻ đẹp của người phụ nữ, làm say mê biết bao thế hệ yêu cái đẹp. Khi những trang văn được chuyển thể lên màn ảnh, hình ảnh chiếc váy càng trở nên sống động hơn, chiếm trọn trái tim khán giả bất chấp dòng chảy của thời gian.

Trong điện ảnh, trang phục luôn giữ vai trò then chốt, là một trong những yếu tố hàng đầu quyết định sức hút của tác phẩm. Đội ngũ thiết kế phải dồn hết tâm huyết và công sức chỉ để tạo ra một chiếc váy hoàn hảo. Đặc biệt, với những tác phẩm chuyển thể từ tiểu thuyết kinh điển, sự đầu tư càng phải tỉ mỉ hơn, để trang phục có thể sánh ngang với tầm vóc của nguyên tác. Kết quả không bao giờ làm người xem thất vọng, những chiếc váy kinh điển được tái sinh qua lăng kính điện ảnh thật sống động và khó quên. Hãy cùng chiêm ngưỡng những chiếc váy biểu tượng đã vượt qua thử thách của thời gian, từ trang sách đến màn ảnh.

những chiếc váy iconic trong văn học và điện ảnh

War and Peace – King Vidor (1956)

War and Peace là kiệt tác văn học của đại văn hào Nga Lev Nikolayevich Tolstoy, được xem là một trong những tác phẩm kinh điển vĩ đại nhất của thế giới. Phiên bản điện ảnh cùng tên, ra mắt năm 1956 với đại minh tinh Audrey Hepburn trong vai Natasha Rostova đã làm khán giả say đắm phong cách thời trang đỉnh cao của Hepburn. Khi Natasha ra mắt tại một buổi vũ hội xa hoa do một quan chức cao cấp tổ chức, nơi hội tụ tất cả quý tộc Nga, cô diện chiếc váy được thiết kế bởi Fernanda Gattinoni, tái hiện phong cách thời trang đầu thập niên 1800 với một số nét khác biệt so với nguyên tác văn học. 

War and Peace Audrey Hepburn dress chiến tranh và hòa bình Audrey Hepburn thời trang

Với tất lụa họa tiết, giày satin trắng điểm nơ, và chiếc váy voan trắng suông dài trang trí những chi tiết lấp lánh cùng các hoa văn thêu trong suốt, tinh xảo, cùng kiểu tóc à la grecque, Natasha Rostova thanh thoát tựa sương xuất hiện và thu trọn mọi ánh nhìn. Kiểu váy này được gọi là Empire Waist Dress – thiết kế phổ biến trong thập niên 1800 với đường thắt ngay dưới chân ngực tôn lên vòng một, ống tay phồng và tà váy dài chạm đất. Khoác lên đại minh tinh Audrey Hepburn diễm lệ, đã trở thành biểu tượng kinh điển, không chỉ trong War and Peace mà còn là nguồn cảm hứng bất tận cho thời trang và điện ảnh. Gần đây, tạo hình này lại được sống dậy qua vẻ ngoài đầy ấn tượng của nhân vật Penelope Bridgerton trong “Bridgerton” phần 3.

Thời trang của nhân vật Francesca Bridgerton và Penelope Bridgerton trong “Bridgerton” mùa 3 với phom váy của thập niên 1820 và cảm hứng từ những nữ minh tinh màn bạc những năm 1950

The Leopard – Luchino Visconti (1963)

Kiệt tác sinh ra kiệt tác.The Leopard là bộ phim chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Giuseppe Tomasi di Lampedusa, một trong những tiểu thuyết lịch sử xuất sắc nhất. Lấy bối cảnh khi giới quý tộc dần lụi tàn và tầng lớp tư sản mới nổi lên trong thời kỳ Phục hưng nước Ý, bộ phim không chỉ tái hiện sự thay đổi thời đại mà còn mang đến một biểu tượng vẻ đẹp kiêu sa: Angelica Sedara. Nhân vật này gây ấn tượng mạnh khi xuất hiện tại một buổi vũ hội lộng lẫy, khoác trên mình chiếc váy tuyệt mỹ.

Trong nguyên tác văn học, chiếc váy của Angelica được miêu tả là màu hồng, nhưng khi lên phim, nhà thiết kế trang phục huyền thoại Piero Tosi đã khéo léo chuyển sang sắc trắng tinh khôi. Chiếc váy, được tạo nên từ organza và vải ngà voi, sở hữu những chi tiết diềm xếp nếp tinh tế, chân váy xòe rộng và tay áo kịch tính. Để giữ cho tổng thể hài hòa và tinh tế, Claudia Cardinale trong vai Angelica, chọn đeo những món trang sức đơn giản để tôn lên sự cầu kỳ và lộng lẫy của chiếc váy. Sự thay đổi này đã tạo nên dấu ấn trong lịch sử điện ảnh, làm thăng hoa thị giác của khán giả thưởng phim.

váy trong The Leopard

váy trong The Leopard Angelica Sedara

Breakfast at Tiffany’s – Blake Edwards (1961)

Thêm một biểu tượng “nịnh mắt” đầy mê hoặc từ nữ minh tinh huyền thoại Audrey Hepburn. 60 năm trước, nàng chinh phục giới mộ điệu thời trang với chiếc váy đen nhỏ quyến rũ. Sắc đen huyền thoại ấy đã trở thành biểu tượng bền vững trong lịch sử thời trang, là chiếc đầm đen nhỏ nổi tiếng nhất mọi thời đại. Khi nhắc đến Audrey, không thể không nhớ ngay đến hình ảnh kinh điển của nàng trong chiếc váy đen Givenchy, kết hợp cùng trang sức ngọc trai lấp lánh và đôi găng tay đen dài cổ điển. 

“Nàng khoác váy đen, ôm dáng thật xinh. Nàng mang sandal đen, dây ngọc trai lấp lánh. Một cặp kính đen nhẹ vuốt hàng mi, che đi đôi mắt, tựa khúc nhạc si” (She wore a black dress, fitted and fresh, she wore black sandals and a pearl necklace. A pair of black glasses wiped her eyes) –  Đây là cách Holly Golightly – nhân vật do Audrey Hepburn thủ vai được miêu tả trong phần mở đầu của tác phẩm “Breakfast at Tiffany’s”. 

Năm 1961, Audrey Hepburn đã hóa thân thành Holly Golightly, nhân vật nữ chính trong bộ phim kinh điển Breakfast at Tiffany’s, chuyển thể từ tiểu thuyết cùng tên của Truman Capote. Với ước mơ thoát khỏi cuộc sống nghèo khó nơi thôn quê, Holly Golightly đến New York, khát khao tìm kiếm sự tự do và tình yêu. Dù xuất thân nghèo khó, nàng khoác lên mình vẻ ngoài sang trọng, ăn mặc như một quý bà thượng lưu và sống cuộc sống xa hoa. Holly không chỉ là biểu tượng của sự phóng khoáng và táo bạo, mà còn đại diện cho khát vọng chinh phục giấc mơ.

Audrey Hepburn little black dress

Audrey Hepburn chiếc váy đen nhỏ

Harry Potter and the Goblet of Fire – Mike Newell (2005)

Dù màu sắc khác với nguyên tác và từng gây tranh cãi, không ai có thể phủ nhận rằng Hermione trông tuyệt mỹ hơn bao giờ hết trong chiếc váy này. Trong Harry Potter và Chiếc Cốc Lửa, nàng xuất hiện kiều diễm tại Dạ vũ Giáng sinh Yule Ball, sánh bước cùng Viktor Krum, khoác lên mình chiếc váy hồng thắt eo duyên dáng bằng dây ruy băng mềm mại. Phần tùng váy xếp tầng uyển chuyển, buông rũ như dải lụa chạm đất, tôn lên nét thanh lịch và quyến rũ của Hermione. Lấy cảm hứng từ váy của nàng Lọ Lem, dù khác biệt so với nguyên tác, nhà thiết kế trang phục Jany Temime đã tạo nên tác phẩm lộng lẫy, được tôn vinh là chiếc váy kỳ diệu nhất trong toàn bộ loạt phim Harry Potter.

“Ánh mắt dừng lại vào cô gái bên cạnh Krum. Cằm chàng ta hạ xuống, ngỡ ngàng. Đó là Hermione. Nhưng trông cô nàng chẳng giống Hermione chút nào. Cô ấy đã ‘phù phép’ cho mái tóc, chúng không còn rối tung mà mượt mà, sáng bóng và được búi gọn thanh tao sau gáy. Cô khoác chiếc váy xanh dạ yến thảo mỏng manh, Dáng vẻ tự tin, đầy khác lạ. Có lẽ bởi vì thiếu vắng những hai mươi cuốn sách Hermione thường đeo trên vai” – tạm dịch từ trích dẫn trong Harry Potter – Chiếc Cốc Lửa.

@potter.edits934 her with that dress >>> #hermionegranger #gof #hermionedress #yuleball #hermionetok #supremacy #pinkdress #emmawatson ♬ original sound – 𝑵𝒊𝒄𝒌𝒚 ❾¾

Atonement – Joe Wright (2007)

Vượt qua chiếc váy đen nhỏ Audrey Hepburn diện trong Breakfast at Tiffany’s chỉ có thể chiếc váy xanh kiều diễm trong Atonement. Đây là một bộ phim tình cảm chiến tranh Anh Quốc, được sản xuất vào năm 2007 và đạo diễn bởi Joe Wright, dựa vào cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Ian McEwan. Chiếc váy nổi tiếng đến mức có hẳn một trang Wikipedia riêng, góp phần tạo nên thành công hậu mãi của bộ phim. Trước vẻ đẹp không thực của chiếc váy được bồi đắp thêm khi Keira Knightley khoác lên dáng nàng, không ngạc nhiên khi nhà văn Ian McEwan xem chiếc váy xanh ngọc lục bảo như là một nhân vật có thật, đồng lõa với cảnh tình tứ giữa Cecilia (Keira Knightley) và Robbie (James McAvoy).

Chiếc váy như mơ – tác phẩm của nhà thiết kế trang phục người Anh, Jacqueline Durran làm từ lụa satin mềm mại, organza và chiffon với đường nếp ôm lấy chiếc eo thon, để lộ mảnh lưng trần gợi cảm cùng lớp da thịt hững hờ nơi cổ áo khoét sâu. Nàng uyển chuyển những bước chân đầu tiên, xuất hiện trên màn ảnh và làm lu mờ toàn bộ, mọi khung hình và sự tập trung là dành cho nàng. Màu xanh lá theo yêu cầu đặc biệt của đạo diễn, tượng trưng cho sự cám dỗ và bí ẩn, đồng thời đóng vai trò như một điềm báo xấu về những gì sự quyến rũ có thể mang đến, dẫn dắt khán giả nương theo mạch kể của bộ phim.

Atonement dress chiếc váy Atonement

The Great Gatsby – Baz Luhrmann (2013)

Daisy Buchanan (Carey Mulligan), diễm lệ và khó quên là cô gái mà Gatsby mộng tưởng suốt bao nhiêu năm và làm mọi cách để cưới được cô. Daisy đại diện cho thời trang thượng lưu của thập niên 1920 khi khoác lên mình những thiết kế đặc trưng của thời kỳ này như đầm flapper, sequin, đá quý và áo lông. 

Chìm đắm trong thời kỳ hưng thịnh của Hoa Kỳ những năm 1920 với những bữa tiệc xa xỉ thâu đêm tại dinh thự của “Gatsby vĩ đại”. Chàng trai si tình, mê muội nàng Daisy, sẵn sàng chi hàng đống tiền chỉ để tổ chức tiệc cho hàng trăm người, chỉ để chờ một người xuất hiện. Cuối cùng sự chờ đợi của Gatsby được đền đáp, một đêm, Daisy như nàng thơ bước ra từ câu chuyện cổ tích bước vào thế giới của chàng. Kiều diễm với chiếc đầm flapper đính đá quý lấp lánh, duyên dáng trong chiếc nơ lụa nhấn nhá vòng eo, điểm xuyết chiếc cài tóc làm từ ngọc trai và kim cương trên tóc. Trang phục của cô được thiết bởi Catherine Martin, một sự kết hợp hoàn hảo giữa cảm hứng từ thập niên 1920 và những nét hiện đại: chiếc váy từ Miuccia Prada phối với trang sức tuyệt đẹp của Tiffany & Co. 

thời trang của daisy trong The Great Gatsby thời trang 1920 của daisy trong The Great Gatsby

Anna Karenina – Joe Wright (2012)

Bước ra từ kiệt tác văn chương đình đám thứ 2 của Lev Tolstoj, nhân vật chính Anna Karenina đẹp ma mị sánh đôi bên “người đến sau”, chàng trai trẻ Bá tước Vronsky điển trai đến từng chi tiết. Tựa như bức tranh tuyệt đẹp, nhưng cặp đôi là hiện thân của một tội lỗi ngoài lề đạo đức, bị người đời rẻ rúng và coi khinh: ngoại tình. Tạm gác cốt truyện kịch tính sang bên, Anna Karenina do Keira Knightley khiến người xem rung động không chỉ bởi nàng quá đẹp mà còn bởi những chiếc váy nàng mặc. Chiếc váy kinh điển lấy cảm hứng từ kiểu váy có chân rộng của thời kỳ đó, trong khi các chi tiết ở trên lại gợi nhớ đến các thiết kế của Balenciaga và Dior những năm 1950. Thay vì đeo chuỗi ngọc trai, Keira đeo trang sức Chanel, tạo nên nét kỳ diệu và phá cách cho phong thái của nhân vật chính.

“Anna không chọn màu tím hoa cà như Kitty tha thiết mong đợi, mà xuất hiện trong bộ váy nhung đen hở ngực, tôn lên cổ và bờ vai tròn trịa với làn da trắng ngà như thể được tạc từ ngà voi cổ xưa. Đôi tay nàng đầy đặn với cổ tay thanh thoát. Toàn bộ chiếc váy được viền bằng ren Venetian tinh xảo. Trên mái tóc đen bóng mượt hoàn toàn tự nhiên và không chút giả tạo đó điểm xuyết vòng hoa nhỏ xinh kết từ những bông hoa pansy, một bó hoa nhỏ cài trên dải ruy băng đen của thắt lưng, nổi bật giữa những lớp ren trắng. Kiểu tóc của nàng không cầu kỳ, đơn giản những lọn tóc xoăn bướng bỉnh, nhẹ nhàng buông lơi quanh cổ và thái dương. Quanh chiếc cổ đẹp đẽ đó là chuỗi ngọc trai mảnh mai lấp lánh” – tạm dịch từ đoạn trích miêu tả Anna khi cô xuất hiện tại buổi ra mắt của Kitty trong Anna Karenina.

Anna Karenina dress

@lolwhatokig If u know this movie, ur hot #annakarenina #aarontaylorjohnson #kieraknightley ♬ original sound – mila

Scarface – Brian De Palma (1983)

Như chiếc váy màu ngọc lục bảo trong Atonement, chiếc váy lụa trong Scarface cũng là nguồn cảm hứng bất tận cho giới thời trang suốt nhiều thập kỷ. Khi Elvira Hancock (Michelle Pfeiffer) xuất hiện trong chiếc váy lụa xanh mềm mại đã khoe trọn vẻ đẹp thanh mảnh, khiến không ai có thể làm ngơ kể từ lần đầu ra mắt năm 1983 đến tận hôm nay.

Với phần lưng trần quyến rũ và làn da trắng muốt được tôn thêm bởi sắc xanh mát, mỗi bước chuyển động trong bộ váy càng khiến ông trùm mafia Tony Montana không thể rời mắt khỏi người đẹp Elvira Hancock. Đường viền cổ áo và lưng xẻ sâu đầy táo bạo đã biến chiếc váy này thành biểu tượng bất hủ. Dù đã 40 năm kể từ khi Scarface phát hành, thiết kế của Patricia Norris vẫn giữ một vị trí đặc biệt trong lòng các tín đồ thời trang và điện ảnh.
Scarface dress chiếc váy Scarface
@superficialdollxoxo ♬ original sound – superficialdolls

How to Lose a Guy in 10 Days – Donald Petrie (2003)

Gây tiếng vang khi ra mắt vào năm 2003, How to Lose a Guy in 10 Days luôn nằm trong danh sách những bộ phim rom-com kinh điển đáng xem nhất. Câu chuyện xoay quanh mối quan hệ đầy thử thách của hai cá tính mạnh, tình cờ gặp nhau để kiểm chứng lý thuyết riêng của mỗi người.

Chiếc váy vàng chanh biểu tượng của Kate Hudson được thiết kế bởi Karen Patch, nổi tiếng với sự tỉ mỉ và tinh tế. Mẫu slip dress sở hữu sắc vàng rực rỡ, với phần eo hạ thấp tôn lên bờ lưng trắng ngần quyến rũ và ôm sát dáng hình yêu kiều của nữ chính. Chất váy mềm mại càng làm nổi bật mặt dây chuyền kim cương “Isadora” 87 carat từ thương hiệu danh tiếng Harry Winston, trị giá hơn 5 triệu USD vào thời điểm đó. Sau khi bộ phim ra mắt, chiếc váy vàng nhanh chóng trở thành biểu tượng thời trang, được tôn vinh là một trong những thiết kế kinh điển.

How to Lose a Guy in 10 Days dress chiếc váy vàng chanh

@asthclby i NEED this dress! #howtoloseaguyin10days #andieanderson #katehudson #matthewmcconaughey #benjaminbarry #2000s #romcom #fyp #foryoupage #viral ♬ som original – . ♬ ❦

Thực hiện: Lenna