GU – brand giá rẻ hơn Uniqlo, thể hiện chiến lược mới của Fast Retailing?

Ngày đăng: 10/12/24

Các sản phẩm của GU rẻ hơn và trendy hơn Uniqlo, điều này cho thấy Fast Retailing đang có động thái trong cuộc chiến thời trang giá rẻ hiện nay?

Ngày nay, thời trang giá rẻ hiện diện khắp nơi qua các ứng dụng bán hàng trực tuyến. Nhưng công ty mẹ của Uniqlo, Fast Retailing, tin rằng vẫn còn chỗ cho một thương hiệu nữa – một thương hiệu mà hầu hết người Mỹ chưa từng nghe đến: GU, một “thương hiệu chị em” của Uniqlo.

GU.png (1280×640)

Gu đã có cửa hàng đầu tiên của mình bên ngoài châu Á – một cửa hàng flagship rộng 10.225 feet vuông tại Soho, New York (chỉ cách Uniqlo một quãng đường ngắn). Thương hiệu cũng mở thêm một trang thương mại điện tử tại Mỹ để phục vụ khách hàng toàn quốc.

Vậy, GU có gì cho chúng ta ngoài một thương hiệu thời trang nhanh khác? Trước khi đi sâu vào vấn đề này, phát âm của tên thương hiệu cũng rất quan trọng: GU được đọc là gi – iu; cái tên này được lấy cảm hứng từ jiyū, từ tiếng Nhật có nghĩa là “tự do”, một phần quan trọng trong thông điệp của thương hiệu khi bước chân vào “đất nước của sự tự do” – Mỹ.

GU-store-iStock.com-wdstock-scaled.jpg (2560×1772)
Cửa hàng GU tại Soho, New York

Mua sắm tại GU liệu có giống như Uniqlo?

Mua sắm tại GU sẽ có cảm giác quen thuộc với bất kỳ ai đã từng trải nghiệm mua sắm tại Uniqlo, mặc dù thương hiệu này có các đội ngũ sáng tạo và điều hành riêng biệt. Các cửa hàng sạch sẽ, đủ ánh sáng và thiết kế tối giản với nhiều phòng thử đồ và biển chỉ dẫn rõ ràng, giúp khách hàng dễ dàng định hướng cũng như thông tin sản phẩm và giá cả thân thiện.

Các mặt hàng được treo và gấp gọn gàng, được tổ chức sắp xếp cẩn thận theo từng loại. Sự khác biệt nằm ở cách sản phẩm được phối và trưng bày: Những bộ trang phục trên người mẫu và manơcanh có xu hướng trẻ trung và hợp thời hơn, và mặc dù có các khu vực riêng biệt cho nam và nữ, nhưng có sự kết hợp chồng chéo nhiều hơn giữa hai giới tính, khi các manơcanh nữ mặc quần áo nam và ngược lại, khuyến khích người mua sắm chọn từ cả hai khu vực, bất kể giới tính.

HWsweater.jpg (1200×640)

Như CEO Osamu Yunoki mô tả, Uniqlo và GU đều có chung sứ mệnh – “mang lại hạnh phúc, niềm vui và sự hài lòng cho mọi người thông qua những bộ quần áo rất tốt” – tận dụng thiết kế Nhật Bản và quản lý chuỗi cung ứng hiệu quả để cung cấp “những sản phẩm chất lượng tốt với giá thấp để cuộc sống hàng ngày của mọi người thêm phong phú.”

“Sự khác biệt là khái niệm của các thương hiệu,” ông tiếp tục. “Uniqlo là dòng thời trang cơ bản, chất lượng cao, tính ứng dụng cao, nhưng GU là thời trang đại chúng và hợp thời hơn, với giá cả thậm chí còn thấp hơn.” Tại Nhật Bản, các cửa hàng của 2 thương hiệu thường nằm cạnh nhau, và đó là dụng ý của Fast Retailing. “Doanh số bán hàng của cả hai thương hiệu đều tăng lên vì cùng một khách hàng sẽ mua sắm tại cả hai cửa hàng.”

Cách tiếp cận thời trang theo xu hướng của GU hoàn toàn khác với các thương hiệu khác; có thể nói, nó tương đối kín đáo, thậm chí là thận trọng. Như Yunoki làm rõ trong một cuộc phỏng vấn: “GU mang đến nhiều tính chất thời trang hơn, nhưng nó không quá ‘chất chơi’; nó có sự cân bằng tốt.” Nhóm thiết kế của GU tập trung vào các xu hướng chính mà họ tin rằng sẽ có sức hấp dẫn rộng rãi và có tính bền vững. 

Bộ sưu tập thời trang của GU có thể được mô tả là những sản phẩm thiết yếu đa năng được thiết kế thông qua lăng kính của xu hướng – điều này rất hấp dẫn đối với thế hệ Z và người tiêu dùng trẻ tuổi, khi họ không nhất thiết cần hoặc muốn một bộ trang phục mới mẻ, hào nhoáng, chỉ mặc một lần cho mỗi tấm hình #OOTD.

GU có những khác biệt gì ở chiến lược phát triển và kinh doanh?

Trong nội bộ, GU gọi giá trị được đề xuất của mình là “Mini edit Max”, với “mini” ám chỉ giá cả và sự tuyển chọn sản phẩm chặt chẽ, và “max” ám chỉ phong cách và chất lượng, dẫn đến “nhiều khả năng phối đồ hơn với ít sản phẩm hơn”, theo một thông cáo báo chí. Điều này đặt ra câu hỏi, làm thế nào họ có thể đưa ra mức giá thậm chí còn thấp hơn Uniqlo? “Lý do tại sao chúng tôi có thể cung cấp (những mức giá rẻ như vậy) là về cơ bản, các loại vải của sản phẩm khác nhau,” Yunoki giải thích. “Uniqlo cố gắng sử dụng chất lượng cao nhất trong thời trang và GU sử dụng chất liệu có chất lượng tốt, nhưng không phải là cao nhất.” 

Các nhà máy cũng khác nhau, và mặc dù chúng có quản lý khác nhau, nhưng “nhiều nhà máy trong số đó được điều hành bởi cùng một công ty,” theo Yunoki. “Chúng tôi chia sẻ triết lý của tập đoàn với (công ty đó), sau đó họ sẽ hiểu được (tiêu chuẩn của chúng tôi).”

Chiến lược “Mini edit Max” cũng là một yếu tố quan trọng. “Chúng tôi thu hẹp số lượng mặt hàng, rồi sau đó hiệu quả của chuỗi cung ứng sẽ được cải thiện đáng kể, bao gồm cả việc mua nguyên liệu, may mặc, giao hàng, bán hàng, marketing, mọi thứ đều được cải thiện đáng kể. Vì vậy, chúng tôi có thể cung cấp một sản phẩm chất lượng tốt với giá thấp một cách ổn định.”

Nói cách khác, đúng là các sản phẩm của GU (giống như Uniqlo) được sản xuất hàng loạt, nhưng với tốc độ chậm hơn và với sự đa dạng ít hơn nhiều so với các đối thủ trong ngành thời trang nhanh, một số trong số họ phát hành hơn 1.000 mẫu sản phẩm mới trong một tuần. Theo Yunoki, GU ra mắt các mặt hàng mới mỗi tuần hoặc lâu hơn, nhưng chỉ một vài mặt hàng.

“Nếu bạn quan tâm đến các thương hiệu thời trang xu hướng trên toàn cầu, họ có nhiều hơn gấp 10 lần các sản phẩm của chúng tôi, hoặc thậm chí 100 lần. Vì vậy, họ đang cung cấp một loại giá trị khác: Khách hàng có thể lựa chọn từ một loạt các mặt hàng đa dạng, điều mà chúng tôi không làm,” ông Yunoki giải thích. “Triết lý của chúng tôi là không sản xuất bất kỳ mặt hàng nào không cần thiết. Với sự phối hợp giữa cung cầu, chúng tôi luôn tính toán (nhu cầu sản xuất) để không lãng phí ngay cả một mặt hàng duy nhất.” Thương hiệu cũng đang cố gắng sử dụng nhiều “vật liệu bền vững” hơn trong sản xuất, vị CEO này lưu ý.

Ngoài ra, GU cũng lắp đặt các thùng trong mỗi cửa hàng nơi khách hàng có thể bỏ vào những món đồ họ không còn mặc, sau đó được quyên góp cho những người cần, như người tị nạn và cộng đồng vô gia cư, theo như thương hiệu cho biết. Khi nhận thức về hậu quả tàn khốc của thời trang nhanh lên môi trường và xã hội ngày càng tăng, và hầu hết người tiêu dùng Gen-Z tuyên bố coi trọng đạo đức và minh bạch ở mọi thương hiệu – ngay cả khi một số thói quen mua sắm của họ mâu thuẫn với điều đó.

Liệu GU có thể đạt đến thành công như Uniqlo đã làm được hay không, câu trả lời vẫn còn ở phía trước. Nhưng cách mà Fast Retailing đặt cược vào GU trong cuộc đua thời trang giá rẻ đang bùng nổ để giữ chân khách hàng là điều mà những người làm kinh doanh thời trang cần lưu ý trong bối cảnh hiện nay.

Thực hiện: Lexi Han

The Fashionista