Điều gì sẽ xảy ra đối với ngành hàng thời trang và bán lẻ khi ông Donald Trump tái đắc cử Tổng thống Mỹ?

Ngày đăng: 15/11/24

Những điều ngành công nghiệp thời trang cần biết về các chính sách được triển khai dưới sự cầm quyền của Tổng thống Mỹ Donald Trump.

Donald Trump sẽ trở lại Nhà Trắng để đảm nhiệm vai trò Tổng thống thứ 47 của Hoa Kỳ, trong khi đảng Cộng hòa của ông cũng đã giành quyền kiểm soát Thượng viện. Cả thế giới và ngành công nghiệp thời trang và bán lẻ đã bắt đầu đặt câu hỏi về những điều sắp xảy ra dưới nhiệm kỳ mới của ông Trump. Dưới đây là một số khả năng.

Chính sách thuế quan nhập khẩu

Trong chiến dịch tranh cử, một trong những chính sách cốt lõi của ông Donald Trump là giải quyết vấn đề thuế quan đối với hàng nhập khẩu nước ngoài. Theo đó, ông Trump dự định áp đặt mức thuế phổ quát từ 10 đến 20% đối với tất cả hàng nhập khẩu vào Mỹ, trong khi hàng hóa sản xuất từ Trung Quốc có thể phải chịu mức thuế lên đến 60%.

Một số chuyên gia cho rằng động thái này có thể giúp các sản phẩm thời trang và dệt may nhập khẩu từ nước ngoài kém cạnh tranh hơn so với hàng sản xuất tại Mỹ, tuy nhiên, đối với nhiều doanh nghiệp, điều này còn tiềm ẩn những hậu quả đáng lo ngại hơn. Đó là khả năng tăng chi phí nguyên liệu nhập khẩu cho các nhà sản xuất Mỹ, cũng như làm tăng giá hàng hóa nước ngoài cho người tiêu dùng Mỹ – một yếu tố mà Goldman Sachs cho rằng có thể được điều chỉnh nhờ tỷ giá hối đoái linh hoạt.

Chủ tịch Hiệp hội May mặc và Giày dép Hoa Kỳ (AAFA), ông Stephen Lamar thừa nhận rằng chính sách thuế quan này sẽ “thực sự là một thách thức” và có thể “kích hoạt những chu kỳ lạm phát mới nếu các đề xuất của ông Trump trong chiến dịch tranh cử được thực hiện đầy đủ, khiến người dân Mỹ phải trả nhiều tiền hơn để mua sắm hàng ngày.” Ông bổ sung thêm: “Thuế quan là các loại thuế do doanh nghiệp Mỹ và người tiêu dùng Mỹ chi trả, chứ không phải từ Trung Quốc hay các quốc gia cung ứng khác. Những loại thuế này ảnh hưởng không cân xứng đến người tiêu dùng Mỹ có thu nhập thấp và phụ nữ, với thuế suất cao hơn áp dụng cho các sản phẩm giá rẻ, quần áo và giày dép dành cho nữ giới.”

Theo một nghiên cứu của Liên đoàn Bán lẻ Quốc gia (National Retail Federation) do Trade Partnership Worldwide thực hiện, các mức thuế ông Trump đề xuất có thể tiếp tục làm giảm sức mua của người tiêu dùng Mỹ từ 46 tỷ đến 78 tỷ USD mỗi năm sau khi áp dụng. Tổ chức này cho biết, các mức thuế sẽ “gây ảnh hưởng tiêu cực đến chi phí của nhiều loại sản phẩm tiêu dùng tại Mỹ” và có thể ‘quá lớn để các nhà bán lẻ Mỹ có thể gánh chịu,’ dẫn đến việc người tiêu dùng phải trả giá cao hơn. Chi phí cho người tiêu dùng có thể tăng thêm khoảng 10,7 tỷ USD đối với giày dép và 24 tỷ USD đối với hàng may mặc, điều này có thể dẫn đến mức cắt giảm chi tiêu từ 22 đến 33%.

Các chính sách “Made in USA”

Một hệ quả của việc tăng thuế này là sự thay đổi trong tư duy “Made in USA (Sản xuất tại Mỹ)”, vốn đã được ông Donald Trump rất ủng hộ và đã hứa sẽ hồi sinh lĩnh vực sản xuất nội địa. Vị Tổng thống Mỹ đã khẳng định rõ ý định làm cho nền kinh tế Mỹ ít phụ thuộc hơn vào nhập khẩu, điều này đã từng được minh chứng qua một số biện pháp trong nhiệm kỳ trước, bao gồm khoản tín dụng thuế 20% cho các khoản đầu tư mới tại Mỹ. Các biện pháp khuyến khích này được kỳ vọng sẽ tiếp tục được mở rộng trong nhiệm kỳ thứ hai của ông, và có thể dẫn đến việc xóa bỏ hoàn toàn thuế đối với lợi nhuận từ các khoản đầu tư vào sản xuất tại Mỹ.

Theo các nhà phân tích, việc thúc đẩy thuế quan lên hàng nhập khẩu có thể làm gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và các đối tác thương mại. Phát biểu với Just Style, chuyên gia phân tích cấp cao ngành may mặc của GlobalData, bà Louise Deglise-Favre cho biết: “Ông Trump có khả năng làm trầm trọng thêm căng thẳng với Trung Quốc, điều này có thể dẫn đến gián đoạn chuỗi cung ứng và tăng chi phí cho các doanh nghiệp thời trang toàn cầu. Tuy nhiên, sự tự do hóa của Donald Trump cũng có thể giúp phá bỏ các rào cản thương mại trong nội địa Mỹ, tạo lợi thế cho các doanh nghiệp địa phương”.

Ông Stephen Lamar cũng hy vọng chính quyền mới sẽ gia hạn các chương trình đã hết hạn và sắp hết hạn nhằm hỗ trợ quan hệ quốc tế, như Đạo luật Tăng trưởng và Cơ hội châu Phi (AGOA), cung cấp cho một số quốc gia châu Phi quyền tiếp cận thị trường Mỹ mà không phải chịu thuế. Ông Lamar cho biết: “Việc gia hạn ngay lập tức và lâu dài các biện pháp này, kết hợp với chương trình thỏa thuận thương mại được hồi sinh, sẽ tạo ra những cơ hội ổn định để ngành của chúng ta đa dạng hóa và đầu tư, tạo thêm việc làm tại Mỹ và cung cấp các sản phẩm thời trang bền vững và giá cả phải chăng cho các gia đình Mỹ.”

Quan điểm khác biệt về bền vững

Một trong những lập trường gây chú ý và phần nào gây tranh cãi của Tổng thống Mỹ Donald Trump là quan điểm của ông về tính bền vững. Quan điểm này đã được ông tóm gọn trong một bài phát biểu tại New York vào tháng Chín, khi ông tuyên bố: “Để tiếp tục đánh bại lạm phát, kế hoạch của tôi là sẽ chấm dứt Thỏa thuận Xanh Mới – Green New Deal, mà tôi gọi là Trò lừa đảo Xanh Mới – Green New Scam. Có lẽ đây là trò lừa đảo lớn nhất trong lịch sử.”

Được ra mắt vào năm 2006, Thỏa thuận Xanh Mới đặt mục tiêu đạt 100% năng lượng sạch, tái tạo vào năm 2030, đồng thời đảm bảo hàng triệu việc làm được tạo ra thông qua phát triển cơ sở hạ tầng phục vụ mục tiêu này. Một trong những chính mà ông Trump dự định thực hiện vào ngày đầu tiên nhậm chức là dừng các dự án năng lượng gió ngoài khơi và tiếp tục “đào và đào”, một khẩu hiệu ông sử dụng để nhấn mạnh ý định dựa vào dầu và khí đốt để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Đối với ngành thời trang, lập trường của ông Donald Trump có thể đồng nghĩa với việc giảm bớt các quy định về sản phẩm và ít tập trung vào việc áp dụng các nguyên liệu bền vững trong quy trình sản xuất của các công ty.

Các loại thuế quan cũng có thể gây ra “rủi ro gián đoạn lớn hơn cho thị trường vận chuyển container so với các kết quả trước đây”, theo một phân tích gần đây từ Drewry – công ty nghiên cứu về kinh doanh hàng hải, khi chi phí tiêu dùng tăng “không thể tránh khỏi sẽ làm suy giảm nhu cầu tổng thể đối với hàng nhập khẩu dạng container,” ông Simon Heaney, quản lý cấp cao của công ty này, cho biết.

Thực hiện: Lexi Han

Theo Fashion United