Nút giao giữa “high fashion” và “workwear” – Khi thời trang xa xỉ trở nên gần gũi
Ngày đăng: 29/11/24
Địa đàng thời trang cao cấp vốn hào nhoáng, và được xem là vùng đất bất khả xâm phạm. Tuy nhiên, làng mốt đã không ít lần chứng kiến những lúc các nhà mốt đình đám phá vỡ ranh giới vô hình, bước vào cuộc sống thường nhật gần gũi, tinh chỉnh lại những bộ đồng phục quý giá của nhiều ngành nghề. Mối liên giao giữa high fashion và workwear từ đó cũng được hình thành.
Với vẻ đẹp hào nhoáng đặc trưng, sự mơ mộng từ những dáng vóc trừu tượng, sự đẳng cấp từ kỹ thuật thủ công hay sự xa xỉ của trí sáng tạo không thể định giá, thế giới thời trang cao cấp được cho rằng chỉ dành riêng cho giới thượng lưu, trâm anh thế phiệt. Tuy nhiên, đối với những nhà thiết kế, những vĩ nhân trong “giấc mơ” xa xỉ đó, bên trong họ luôn hiện hữu sự bướng bỉnh, tinh thần muốn bứt phá; vì thế đã có những lần họ bước qua ranh giới, may đo trang phục cho những người làm công việc bình thường hơn.
Từ các phi hành gia, tiếp viên hàng không, bác sĩ, cho đến y tá, đã có nhiều lần họ được khoác lên người những bộ trang phục được thiết kế bởi những nhà mốt vĩ đại để đến nơi làm việc. Cùng Style-Republik điểm lại những lần hai “đường thẳng” song song, high fashion – workwear giao thoa ở tại một điểm.
André Courrèges và Pierre Cardin – Đồng phục phẫu thuật
Vào năm 1965, André Courrèges, một nhà thiết kế thời trang vĩ đại người Pháp, đã tạo ra một chiếc váy nhỏ – kiểu dáng sau này đã truyền cảm hứng cho quần áo phẫu thuật của bệnh viện, với phần tay áo ngắn giúp việc rửa tay và chăm sóc dễ dàng hơn. 20 năm sau, ông chính thức hợp tác với bệnh viện bằng cách tạo ra những bộ đồng phục cho nhân viên bệnh viện công ở Paris cùng cách tiếp cận mang tính tương lai và đầy tiên phong. Thiết kế của ông được cả nhân viên y tế và người hâm mộ thời trang Courrèges chào đón nồng nhiệt. Vài năm sau, Pierre Cardin tham gia “cuộc chơi”, cũng tạo ra một dòng sản phẩm dành cho nhân viên y tế, đáp ứng nhu cầu và khắc phục nhiều hạn chế của họ. Tuy nhiên, tác phẩm của nhà thiết kế được coi là quá lập dị; tinh thần vị lai trong trang phục chưa phù hợp với thị hiếu đại chúng; do đó đã những người trong ngành y khoa hướng đến từ chối.
Dior và Cristobal Balenciaga – Đồng phục tiếp viên hàng không của hãng Air France
Vào tháng 3 năm 1962, nhà thiết kế Marc Bohan – lúc đó đang là người “cầm trịch” Dior lúc bấy giờ, đã cho ra mắt những bộ đồng phục cho tiếp viên hàng không hãng Air France. Màu sắc chung của đồng phục được làm sáng hơn thành màu xanh Marceau, và chiếc mũ nồi cũng được đổi bằng chiếc mũ hộp màu xanh nước biển có huy hiệu Air France.
Mọi chi tiết của bộ đồng phục mới đều gợi lên sự tinh tế của thời trang cao cấp. Mặc dù đây là bộ đồng phục thời trang cao cấp đầu tiên, nhưng đây cũng là bộ đồng phục để lại ấn tượng sâu sắc nhất trong tâm trí của các tiếp viên hàng không, thậm chí định hình nên hình ảnh đặc trưng cho hãng hàng không nổi tiếng Pháp.
Vào cuối những năm 1960, nhà thiết kế thời trang người Tây Ban Nha Cristobal Balenciaga – gương mặt tài năng chinh phục thế giới thời trang Pháp, đã được Air France liên hệ để tạo ra một bộ đồng phục mới cho các tiếp viên hàng không của hãng. Dự án này đầy rẫy những thách thức. Tuy nhiên, vào năm 1971, ông đã hợp tác với hãng hàng không này một lần nữa, thêm hai bộ trang phục nữa (một bộ mùa đông và một bộ mùa hè) để giúp nhận diện các tiếp viên hàng không trên mặt đất. Đến cuối năm, nhiều khiếu nại đã được đưa ra về việc nhà thiết kế này không quan tâm đến điều kiện làm việc của họ. Sau Dior và Balenciaga, các thương hiệu lớn như Courrèges, Hermès, Nina Ricci và Christian Lacroix đã nối bước để tạo ra đồng phục cho công ty.
Pierre Cardin – Đồng phục phi hành gia
Tháng 9 năm ngoái, Pierre Cardin đã thông báo rằng họ sẽ hợp tác với Cơ quan Vũ trụ Châu Âu (ESA) để thiết kế trang phục cho các phi hành gia mặc trong quá trình đào tạo tại trung tâm mô phỏng mới ở Cologne, nhằm chuẩn bị cho sứ mệnh lên Mặt trăng sắp tới. Mối quan hệ hợp tác này không phải là ngẫu nhiên, nếu xét đến di sản gắn liền với không gian vũ trụ của Cardin cũng như vai trò của thương hiệu này trong xu hướng Space Age của những năm 1960. Bên cạnh đó, sáng kiến mới này còn được mở rộng từ sự hợp tác trước đó với nhà sản xuất hàng không vũ trụ Pháp-Ý Thales Alenia Space.
Bộ trang phục này sẽ cho phép các phi hành gia phản hồi về hiệu suất của thiết bị trong các tình huống thực tế, chẳng hạn như xử lý các thiết bị được thiết kế để phân tích đá Mặt trăng. Các loại chất liệu cho trang phục tập luyện đã được lựa chọn cẩn thận như một phần trong nghiên cứu của ESA về các vật liệu vũ trụ trong tương lai và kết hợp một số loại vải trước đây được sử dụng trong các bộ sưu tập của Cardin, bao gồm cả vật liệu tổng hợp tái chế màu xanh xốp phủ lên bộ đồ.
Prada – Trang phục phi hành đoàn
Cùng với đơn vị đối tác Axiom Space, Prada trở thành nhà đồng thiết kế trang phục phi hành gia dành cho người phụ nữ đầu tiên và người da màu đầu tiên hạ cánh trên Mặt trăng. Theo NASA, chuyến du hành vũ trụ mang tính lịch sử của nhân loại đó sẽ được bắt đầu sớm nhất là vào tháng 9 năm 2026. Bộ đồ phi hành gia này được công bố tại Đại hội Du hành vũ trụ Quốc tế ở Milan trong một bài thuyết trình của Prada và đối tác Axiom Space.
NASA đã chọn Axiom Space để giám sát quá trình cung cấp và phát triển trang phục phi hành gia cho sứ mệnh Artemis III (một sứ mệnh có người lái đầu tiên hạ cánh xuống Mặt trăng kể từ Apollo 17 vào năm 1972). Axiom Space đã tiếp cận Prada để cùng thực hiện nhiệm vụ quan trọng này.
Trong những hình ảnh được công bố, không có logo Prada nào thể hiện vai trò của thương hiệu Ý trong việc tạo ra bộ đồ phi hành gia. Tuy nhiên, chi tiết đường kẻ sọc màu đỏ được cho phản ánh họa tiết thiết kế đặc trưng của dòng sản phẩm kỹ thuật Linea Rossa của Prada. Trong tiếng Ý, Luna Rossa có nghĩa là Trăng đỏ.
Trên nền màu trắng chủ đạo, thương hiệu còn đắp vải chức năng trên khủy tay và gối quần. Theo tuyên bố chung của những người đồng sáng tạo ra bộ đồ phi hành gia, sự hợp tác của họ tập trung cụ thể vào chất liệu, thiết bị hỗ trợ và lớp ngoài thiết kế. Khi đã lên mặt trăng, bộ đồ sẽ cho phép những người mặc nó “chịu được nhiệt độ khắc nghiệt ở cực nam của mặt trăng và chịu được nhiệt độ lạnh nhất trong ít nhất hai giờ; đồng thời bảo vệ các phi hành gia trong môi trường khắc nghiệt ở nơi con người chưa từng đặt chân đến, để họ có thể đi bộ ngoài không gian trong ít nhất tám giờ”. Hệ thống làm mát được nâng cấp, mũ bảo hiểm được thêm một lớp phủ chắc chắn nhưng dễ nhìn hơn cũng là một trong rất nhiều cải tiến của bộ trang phục phi hành gia này.
Thiết kế AxEMU của Prada đã chứng minh được thương hiệu Ý không đơn thuần là một nhà mốt thời trang, mà còn hiểu rõ chuyên môn, kỹ thuật sản xuất, am hiểu kiến thức về vật liệu thô để đáp ứng được mọi cải tiến trong trang phục phi hành gia.
Thực hiện Dory
Theo NSS Magazine