Nhà nghiên cứu & sưu tập cổ vật La Quốc Bảo: Có người trẻ ngóng về chốn cung xưa
Ngày đăng: 04/02/25
Buổi gặp gỡ kéo dài hơn dự liệu. Ban đầu, tôi đến với tư cách người phỏng vấn, nhưng chẳng bao lâu, cuộc trò chuyện chuyển hóa thành một thước phim sống động, nơi tôi không còn là người đặt câu hỏi mà trở thành người học trò say mê lắng nghe. Trước mắt tôi, La Quốc Bảo không chỉ kể chuyện, mà như đang mở cánh cửa dẫn vào kho tàng văn hóa, nơi từng trang sử cựa mình sống dậy, nơi những ký ức xa xưa – vốn chưa từng thuộc về tôi bỗng ùa về, hiện hình qua giọng kể truyền cảm với ngọn lửa đam mê đối với chốn cung đình xưa kia.
La Quốc Bảo, nhà sưu tập cổ vật và nhà nghiên cứu độc lập, đã chọn trang phục cung đình làm ngôn ngữ để kể lại câu chuyện lịch sử. Với cách tiếp cận khoa học, anh tái hiện những bộ y phục xưa và thổi vào đó hơi thở thời đại. Trên hành trình, La Quốc Bảo đã phải đối mặt với nhiều thách thức: từ việc tiếp cận nguồn tư liệu đến việc truyền tải lại giá trị văn hóa mà không làm mất đi tính nguyên bản.
Cùng tìm hiểu về La Quốc Bảo, một người trẻ ngóng về chốn cung xưa để mang trong mình tham vọng “dệt” tiếp những trang sử vàng son trên nền vải vóc tương lai!
Cổ Phục – Thì thầm reo tiếng vọng nghìn năm
Theo La Quốc Bảo, mỗi bộ trang phục không chỉ là sản phẩm may mặc mà mang theo câu chuyện về giai cấp, địa vị và tư duy thẩm mỹ của thời đại. Nhiều người vẫn nghĩ trang phục triều Nguyễn đơn giản và trầm lặng, nhưng thực tế, nền mỹ học của giai đoạn này lại rất phong phú, với những gam màu sặc sỡ, họa tiết tinh tế thể hiện địa vị và quyền lực. Việc bảo tồn những yếu tố này là cách giúp thế hệ trẻ hiểu đúng về quá khứ, thay vì bị chi phối bởi những định kiến hiện đại.
“Đồ nhà Nguyễn rất sặc sỡ và không hề nghèo hay đơn giản như nhiều người tưởng. Thực tế, người Việt xưa thể hiện sự giàu có qua trang trí nhà cửa và trang phục. Ví dụ, bà cố ngoại tôi đeo vàng đầy tay, thậm chí mỗi ngón có ba – năm chiếc nhẫn. Người giàu xưa mặc đồ Tây đắt tiền và phải có quan hệ với Tây mới có thể mặc. Để hiểu đúng, mình phải có sự tìm hiểu và dựa vào bối cảnh”.
Cái hay trong phương pháp làm nghề của La Quốc Bảo là sự phân tích và phản biện yếu tố lịch sử – những điều vốn thâm căn cố đế, hiếm ai dám đặt thắc mắc. Trước năm 2022, giới nghiên cứu và những người quan tâm đến cổ phục Nguyễn triều vẫn tin rằng phượng khấu (cúc áo) của hoàng tộc là hai nửa tách rời, cài vào nhau. Quan điểm này dựa trên chiếc cúc áo trưng bày tại Bảo tàng Cổ vật Cung đình Huế – hiện vật duy nhất được cho là còn sót lại sau 143 năm.
Năm 2022, anh sưu tầm được một hiện vật quý giá: chiếc y khấu chạm chim phượng, từng thuộc về bà Marie Antoinette Boullard-Devé, phu nhân công sứ Thừa Thiên Huế, ông Maurice Devé. Qua quá trình khảo sát, nghiên cứu và đối chiếu với hiện vật này cùng nhiều tư liệu nhiếp ảnh, anh phát hiện rằng phượng khấu thực chất là một khối liền, có bản lề và cố định bằng kim cài. Phát hiện này không chỉ phá bỏ niềm tin vào chiếc cúc áo hình nguyệt tách đôi, mà còn mở ra hướng tiếp cận mới, chính xác hơn trong nghiên cứu và phục dựng cổ phục.
Những “nửa sự thật” được tin tưởng như chân lý tuyệt đối chính là tấm màn che phủ di sản cổ phục Việt Nam. Sự thiếu hụt thông tin chính xác, cộng với việc những hiểu lầm dần trở thành lẽ thường, khiến nhiều giá trị bị bóp méo theo thời gian. Một ví dụ điển hình là quan niệm cho rằng tay áo Nhật Bình luôn có năm màu tượng trưng cho ngũ hành. Nhưng khi phân tích các hiện vật còn lại, La Quốc Bảo nhận thấy không phải thiết kế nào cũng tuân theo quy tắc ấy, có áo có ba hoặc bảy dải màu, phản ánh sự linh hoạt hơn là một công thức bất di bất dịch. “Nhiều người cố gắng gán ý nghĩa sâu xa cho từng chi tiết, nhưng thực tế, nhiều thiết kế chỉ đơn giản là về thẩm mỹ và trang trí. Để hiểu tường tận, chúng ta cần tránh bị common sense (lẽ thường) đóng khung, mà phải biết đối chiếu, tìm hiểu và phản biện”.
Những “nửa sự thật” được tin tưởng như chân lý tuyệt đối chính là tấm màn che phủ di sản cổ phục Việt Nam. Sự thiếu hụt thông tin chính xác, cộng với việc những hiểu lầm dần trở thành lẽ thường, khiến nhiều giá trị bị bóp méo theo thời gian.
Những hiểu lầm như vậy không chỉ làm sai lệch giá trị di sản mà còn tác động đến quá trình phục dựng và bảo tồn. Khi một thông tin chưa đầy đủ bị lặp đi lặp lại, nó dần trở thành sự thật hiển nhiên trong mắt công chúng. Điều này đặt ra một bài toán khó: làm thế nào để khôi phục vẻ đẹp cổ phục và đồng thời trả lại tính xác thực cho từng đường kim, mũi chỉ? Bởi lẽ, bảo tồn không đơn thuần là phục dựng lại quá khứ, mà là tìm cách kể lại câu chuyện của lịch sử theo cách trung thực và toàn vẹn nhất.
Khi di sản bước ra đời sống hiện đại
Bảo tồn trang phục truyền thống không đồng nghĩa với việc đóng khung nó và chính người tái hiện chúng trong quá khứ. Ngược lại, đó là hành trình thổi vào những đường nét xưa cũ một sức sống mới, để di sản không chỉ tồn tại mà còn tiếp tục phát triển trong đời sống đương đại.
Một trong những điều không thể phủ nhận là nền văn hóa Trung Hoa có ảnh hưởng sâu sắc đến khối đồng văn, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, theo La Quốc Bảo, Việt Nam không sao chép nguyên bản mà luôn có quá trình bản địa hóa, biến những yếu tố du nhập thành một phần của văn hóa dân tộc. “Chúng ta không phủ nhận nguồn gốc ảnh hưởng, nhưng khi du nhập về Việt Nam, mọi thứ đã được biến đổi để phù hợp với đời sống và thẩm mỹ của người Việt”, anh nhận định. Chính nhờ quá trình bản địa hóa mà trang phục Việt có những đặc điểm riêng, phản ánh tinh thần văn hóa và xã hội của từng thời kỳ.
Hiểu rõ điều này, anh luôn nỗ lực hợp tác với các nghệ nhân thủ công nhằm giữ gìn những kỹ thuật truyền thống đang dần mai một: thêu tay, dệt lụa, nhuộm màu tự nhiên,… để những giá trị này không chỉ được bảo tồn mà còn liên tục nảy mầm, ngát hương, rồi tỏa khắp bốn phương. Anh đặc biệt chú trọng đến việc tạo ra môi trường phát triển cho các làng nghề, nơi những đôi tay tài hoa vẫn ngày ngày bám trụ với sợi chỉ, khung cửi – bám trụ với cả niềm tin rằng di sản có thể sống tiếp trong tương lai.
Thổ cẩm không chỉ là một tấm vải dệt bằng sợi, mà còn được dệt bằng ký ức, bằng niềm tin và bản sắc của một dân tộc. Trong từng hoa văn là tiếng nói của cha ông, trong từng đường chỉ là hơi thở của núi rừng, của những đôi tay tỉ mỉ gìn giữ truyền thống qua bao thế hệ. Bằng cách đưa thổ cẩm dệt tay của người Êđê vào thiết kế của mình, La Quốc Bảo đã giúp gìn giữ di sản này và tiếp thêm sinh khí để nó có thể tiếp tục sống trong thời đại mới.
Đơn cử là hành trình đến Tây Nguyên để ghé thăm những nghệ nhân dệt thổ cẩm buôn Hra Ning, xã Dray Bhăng, huyện Cư Kuin, tỉnh Đắk Lắk, nơi La Quốc Bảo hợp tác cùng Hội Từ Tâm Đắk Lắk để tìm lại hơi thở nguyên sơ của nghề dệt thổ cẩm. Anh kể, khi đặt chân đến đây, trước mắt anh là một “căn nhà” nhỏ – chữ “căn nhà” buộc phải đặt trong ngoặc kép, bởi nó không có vách tường, mà đơn sơ một mái che tạm bợ giữa đất trời lộng gió. Ở đó, những người phụ nữ Êđê vẫn ngày ngày chịu sương gió, đôi tay bám riết lấy từng sợi chỉ thổ cẩm như bám lấy chính chén cơm manh áo của mình. Dệt vải với họ không chỉ là một công việc. Đó là vòng tuần hoàn của đời sống, là ký ức, là niềm tự hào, là cội nguồn chảy trong từng đường nét hoa văn. Mỗi tấm thổ cẩm sinh ra từ đôi tay ấy không chỉ là một sản phẩm, mà là một câu chuyện được nối dài từ quá khứ đến hiện tại.
Ở đó, những người phụ nữ Êđê vẫn ngày ngày chịu sương gió, đôi tay bám riết lấy từng sợi chỉ thổ cẩm như bám lấy chính chén cơm manh áo của mình. Dệt vải với họ không chỉ là một công việc. Đó là vòng tuần hoàn của đời sống, là ký ức, là niềm tự hào, là cội nguồn chảy trong từng đường nét hoa văn.
Bằng cách đưa thổ cẩm dệt tay của người Êđê vào những thiết kế của mình, La Quốc Bảo không chỉ bảo tồn một di sản, mà còn mở ra một con đường để nó có thể tiếp tục sống giữa thời đại mới—vẫn giữ trọn hồn cốt, nhưng không bị bó chặt trong những khuôn khổ cũ kỹ. Để thổ cẩm không chỉ tồn tại như một kỷ vật của quá khứ, mà thực sự bước vào đời sống đương đại, như nó vốn dĩ xứng đáng.
“Tôi mong muốn mang thổ cẩm Êđê được ứng dụng lên giày và thời trang hiện đại, không chỉ giới hạn trong trang phục của người đồng bào. Một mặt, nó thể hiện tính cộng đồng và quảng bá bản sắc văn hóa. Điều này tôi học được từ case study của Bitis. Tôi muốn nhấn mạnh rằng mỗi hoa văn của người Êđê đều có ý nghĩa riêng, phản ánh hình ảnh đặc trưng và khác biệt so với các dân tộc khác” – Bảo chia sẻ về dự án.
Là người đa nhiệm, Bảo còn tham gia vào lĩnh vực phim ảnh với vai trò cố vấn phục trang lịch sử với trách nhiệm gìn giữ và truyền đạt sự thật chính xác nhất. Anh chia sẻ rằng trang phục trong phim không đơn thuần là yếu tố thẩm mỹ mà còn là phương tiện mạnh mẽ để truyền tải thông điệp văn hóa. Một chi tiết sai lệch trong trang phục có thể dẫn đến những hiểu lầm về lịch sử, làm phai mờ đi bản sắc dân tộc.
Một trong những dự án tâm huyết nhất của La Quốc Bảo là Hoa Quan Lệ Phục – dự án phi lợi nhuận do anh và Nguyễn Phùng Minh Luân khởi xướng, với khát vọng tái hiện vẻ đẹp lộng lẫy của triều phục nhà Nguyễn, là lời tri ân dành cho di sản triều phục nhà Nguyễn, nơi vẻ đẹp lộng lẫy của hoàng bào được tái hiện bằng tất cả sự tôn kính và niềm kiêu hãnh. Thông qua từng đường kim mũi chỉ, Hoa Quan Lệ Phục không chỉ tôn vinh mỹ học cung đình mà còn nâng niu giá trị của chất liệu truyền thống, khẳng định sự tinh xảo của nghệ thuật thủ công Việt Nam.
Dưới bàn tay của anh, chiếc áo Nhật Bình của Nam Phương hoàng hậu – hình ảnh gắn liền với những năm tháng cuối cùng của triều Nguyễn được tái sinh từ bức ảnh chụp tại lầu Công Quán. Đây không đơn thuần là một bản phục dựng, mà là một hành trình đưa quá khứ bước vào hiện tại, trả lại cho chiếc áo dáng hình và linh hồn đã phai mờ theo thời gian.
Tiếp nối, tác phẩm thứ hai thuộc Hoa Quan Lệ Phục là chiếc áo tái hiện từ hiện vật lễ phục Nhật Bình từng thuộc về Nhị phẩm Phu nhân Thái Thị Huệ Khanh, phu nhân của quan đại thần Nguyễn Trừng vào đầu thế kỷ 20, hiện thuộc BST của cháu gái bà, GS.TS Thái Kim Lan. Nếu chiếc áo của Nam Phương hoàng hậu là dấu ấn của một vương triều dần tàn, thì phục trang của bà Thái Thị Huệ Khanh lại mở ra góc nhìn khác về sự hiện diện của y phục cung đình trong đời sống giới quý tộc Nguyễn triều.
Hướng đi nào cho tương lai?
Di sản chỉ thực sự tồn tại khi nó hòa nhịp cùng thời đại. Để làm được điều đó, không chỉ những nhà nghiên cứu hay người làm văn hóa, mà cả công chúng cũng cần có cái nhìn cởi mở hơn về cách ứng dụng di sản trong đời sống. Bảo tồn không có nghĩa lồng quá khứ trong tủ kính, mà là tìm ra cách để viết tiếp quá khứ, thích nghi với nhịp sống hiện đại mà vẫn giữ trọn vẹn giá trị cốt lõi.
Đáng mừng thay, những nỗ lực trong việc gìn giữ và phát huy giá trị trang phục truyền thống đang dần được chú trọng ở tầm vĩ mô. Năm 2019, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã phê duyệt Đề án “Bảo tồn, phát huy trang phục truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam trong giai đoạn hiện nay” với mục tiêu đưa những giá trị trang phục truyền thống đến gần hơn với đời sống, đồng thời khơi dậy lòng tự hào và ý thức gìn giữ di sản văn hóa.
Chỉ khi hiểu rõ những giá trị lịch sử, chúng ta mới có thể kể lại câu chuyện của cha ông một cách trọn vẹn nhất – qua lời nói, từng nếp vải, từng hoa văn, từng mũi thêu đang ngân vang tiếng vọng ngàn năm. La Quốc Bảo đã ngâm nga những trang sử tưởng chừng lặng lẽ, để chúng được kể lại, không chỉ bằng ngôn từ mà còn bằng chính chất liệu và bàn tay của người kế tục. Xuyên suốt cuộc đối thoại, anh đã làm sống dậy những lớp lang quá khứ màu mỡ này ngay trước mắt tôi, cảm ơn anh!
Thực hiện: Lenna