4 ẩn ý được Kendrick Lamar cài cắm trong màn trình diễn được mong đợi nhất tại Super Bowl Halftime Show

Ngày đăng: 11/02/25

Từ cách lựa chọn diễn viên góp mặt cho đến thời trang, buổi trình diễn của nam rapper Kendrick Lamar vượt xa khía cạnh giải trí, chạm đến nhiều ý nghĩa về văn hóa cũng như thông điệp chính trị. 

Người dân Mỹ nói rằng “không phải người Mỹ nào cũng xem ca nhạc, nhưng mọi người Mỹ đều xem Super Bowl”. Không đơn thuần là một giải bóng lớn, Super Bowl được xem là một ngày lễ quan trọng của toàn dân xứ cờ hoa. Nó trở thành một sự kiện đáng xem không vì những trận đấu quyết liệt mà còn vì một sân khấu âm nhạc hoành tráng tại giờ giải lao. 

Nằm trong khuôn khổ của Super Bowl, phần trình diễn Halftime Show đã trở thành một trong những cơ hội biểu diễn danh giá của giới nghệ sĩ, thậm chí còn được so sánh vinh dự ngang ngửa giải Grammy. Super Bowl Halftime Show không trao giải, không ghi nhận thành tựu nào của các nghệ sĩ tham dự, nhưng khi được ngỏ lời mời biểu diễn, chắc chắn đây sẽ là một trong những thành tựu to lớn. Bởi lẽ, bạn sẽ được cả nước Mỹ sẽ biết đến (chưa tính đến khán giả trên toàn cầu xem chương trình qua màn hình nhỏ). 

Vào trưa ngày 10 tháng 2 năm 2025, nam rapper Kendrick Lamar (Kdot) đã để lại một màn trình diễn giữa giờ mang tính biểu tượng tiếp theo trong tích sử của Super Bowl Halftime Show. Kendrick Lamar, rapper đầu tiên được trình diễn solo tại sân khấu giải lao giữa giờ của trận đấu Super Bowl. Trước sự chứng kiến của 65 nghìn người theo dõi trực tiếp, trên một sân khấu lộng lẫy nhất của nước Mỹ, tôn vinh môn thể thao của Mỹ, Kdot tự hào giơ cao “ngọn đuốc” – với tư cách là một ông vua thống trị Hip Hop Bờ Tây. Không khuất phục trước sự đe dọa từ chính trị hay phe phái nào, Kendrick Lamar luôn kiên trường một lòng bảo vệ hip hop, cũng như gốc rễ của mình. Một người đàn ông sống trong văn hóa, thể hiện văn hóa và bảo vệ văn hóa đó.

Được xem là một trong những rapper vĩ đại trong giới Hip Hop, Kendrick Lamar chứng minh bản thân là một người nghệ sĩ đa nhiệm, và thông minh bằng màn biểu diễn dài hơn 13 phút hoành tráng, bùng nổ và truyền tải nhiều thông điệp văn hóa ý nghĩa. Từ trang phục, sự xuất hiện của những ngôi sao góp mặt cho đến các lời thoại xen kẽ nhiều ca khúc, 4 ẩn ý – tôn vinh có mỉa mai có, được Kendrick Lamar cài cắm khéo léo dưới đây đã giúp phần trình diễn của mình thêm phần thú vị. 

Hình ảnh “Uncle Sam”

Mở màn phần trình diễn là lời dẫn giới thiệu từ “chú Sam” hay “Uncle Sam” được nam diễn viên Samuel L. Jackson hóa thân. 

“Uncle Sam” là biệt hiệu và hình tượng nhân hoá của Hoa Kỳ, thông thường được miêu tả là hình tượng ông già người Mỹ gốc châu Âu mặc lễ phục gile, đầu đội mũ chóp cao có họa tiết quốc kỳ, thân hình cao gầy, để râu dê, phong độ tuấn tú, tinh thần khỏe mạnh. Hình tượng truyện tranh đó do hoạ sĩ nổi tiếng James Montgomery Flagg vẽ cho Uỷ ban Thông tin công cộng. “Uncle Sam” lần đầu xuất hiện ở thời kỳ chiến tranh Mỹ – Anh năm 1812, từ ông Samuel Wilson – người bán thịt đến từ thành phố Troy, hạt Rensselaer, bang New York, chuyên cung ứng thịt bò ướp cho quân đội Hoa Kỳ. Nhãn hiệu trên thùng thịt bò của ông là “EA-US”. Trong đó, EA là tên công ty, US là tên viết tắt của United State, nhưng cũng trùng với tên gọi “Uncle Sam”.

Từ một vài trò đùa của các binh lính, Uncle Sam dần trở thành tên gọi nhân hóa của nước Mỹ. Người Mỹ xem “Uncle Sam” là người thành thật đáng tin cậy, chịu khó chịu nhọc, có tinh thần yêu nước. Đây cũng là biểu trưng cho phẩm chất chung và niềm hãnh diện của công dân Hoa Kỳ. 

“Uncle Sam” của Kendrick Lamar là người da màu, luôn soi mói mọi cử chỉ, hành động của Kdot trong suốt biểu diễn, và đánh giá chúng rằng “too loud, too reckless, too ghetto” (“quá ồn ào, quá liều lĩnh, quá tệ”). Hình ảnh châm biếm này còn đại diện cho định kiến, sự áp đặt từ tiêu chuẩn cộng đồng mà Kendrick Lamar đang cố gắng phá vỡ. 

Quốc kỳ Hoa Kỳ

Trong suốt phần trình diễn, đội vũ công mặc trang phục có màu đỏ, trắng và xanh lam – tượng trưng cho quốc kỳ Mỹ. Khi hàng chục vũ công ùa ra từ chiếc Buick GNX đen bóng, Lamar nhảy xuống sân khấu để biểu diễn bài hát “squabble up”, rồi chuyển sang đĩa đơn năm 2017 của anh, “HUMBLE”. Họ đã tạo hình thành quốc kỳ, sau đó Kendrick Lamar đứng ngay vị trí xé toạc lá cờ một cách thách thức. Có lẽ đây là cách Kendrick đứng lên bảo vệ chính mình và phá vỡ mọi gọng kìm định kiến. Bên cạnh đó, nhiều khán giả cho rằng, Kdot đã hóa thân thành một nhà tiên tri cho một thực tế hỗn loạn của nước Mỹ. “Cuộc cách mạng sắp được công khai. Bạn đã chọn đúng thời điểm nhưng lại chọn sai người”, phát biểu của nam rapper như thể đang nhắm thẳng vào tình hình Hoa Kỳ đang đối mặt với một cuộc khủng hoảng phân cực chính trị sâu sắc. 

Chiếc áo khoác in chữ “Gloria” và dây chuyền A-Minor

Không tha thiết văn hóa flexing như đại đa số các rapper trong lịch sử, phong cách đời thường lẫn trình diễn của Kendrick Lamar thường trung thành với sự giản dị, bụi bặm, gắn liền với cốt hồn của dòng nhạc bắt nguồn từ đường phố, và là “ngôn ngữ” để nam rapper kể những câu chuyện của mình. 

Trong màn trình diễn tại Super Bowl Halftime Show 2025, Kdot diện một chiếc áo khoác varsity custom riêng, bằng da của Martine Rose, mặc cùng quần jeans ống loe của Celine và kết hợp nhiều món phụ kiện như mũ lưỡi trai đội ngược, bao tay da và đôi sneaker Nike Air Diamond Turf 3 màu trắng và đen – một thiết kế giày thể thao đặc trưng của Deion Sanders được phát hành vào đầu năm 2024. Vẻ ngoài được styling bởi Taylor McNeill. 

Nổi bật nhất trong tổng thể trang phục chính là dòng chữ “Gloria” ở mặt trước của áo khoác. Lúc đầu, rất nhiều người xem đã nhầm nó với logo của Florida Gators. Nhưng những người hâm mộ trung thành của K.Dot nhận ra “Gloria” là ca khúc kết thúc trong album GNX năm 2024 của anh. Bài hát là sự bảo chứng cho tài năng viết nhạc, cách chơi vần chơi chữ thông minh của nam rapper. 

Theo các kênh như Genius, “Gloria” mang nhiều tầng ý nghĩa. Nó có thể được coi là một sự tôn vinh đối với những người phụ nữ mạnh mẽ, đặc biệt là những người đã có ảnh hưởng lớn trong cuộc sống và sự nghiệp của Kendrick. “Gloria” trong tiếng Tây Ban Nha có nghĩa là “vinh quang”; cũng là một biểu tượng của sự mạnh mẽ, kiên cường, giống như cách mà Kendrick nhìn nhận những người phụ nữ trong cuộc đời mình. Đĩa đơn cuối cùng trong album GNX cũng có thể đề cập đến sự giác ngộ, và tinh thần đấu tranh kiên cường để vượt qua thử thách. Như nhiều bài hát khác của Kendrick Lamar, “Gloria” phản ánh những cuộc đấu tranh nội tâm hoặc xã hội; nó là một thông điệp khích lệ về việc đứng lên, đối diện với thử thách và không bao giờ từ bỏ.

Bên cạnh chiếc áo khoác mang nhiều ý nghĩa, sợi dây chuyền cũng là chi tiết khiến nhiều trang tin, tạp chí thời trang chú ý, phân tích. Sợi dây chuyền lấp lánh trên cổ của Kendrick nổi bật với chiếc mặt hình chữ “a” viết thường – ám chỉ đến câu diss “chấn động” trong bài, “Not Like Us” của anh: “Tryna strike a chord and it’s probably A-minorrrrrr.” 

Lời đáp trả của Serena Williams

Sau khi “vuốt ve” Uncle Sam bằng bài hát “All the Stars” cùng sự xuất hiện của Sza – lead single của album nhạc phim “Black Panther” (một bộ phim nói rất nhiều văn hóa của Châu Phi), Kdot khuấy động bầu không khí bằng bản nhạc diss thành công nhất mọi thời đại – “Not Like Us”.

Không sợ kiện tụng (vào tháng 1, luật sư của Drake đã đệ đơn kiện phỉ báng Universal Music Group, công ty mẹ đứng sau hãng thu âm của cả hai rapper, cáo buộc tập đoàn này phân phối và quảng bá rầm rộ “Not Like Us” như một cách làm tổn hại đến danh tiếng của nghệ sĩ rap người Toronto.), không sợ bị cấm chiếu, bỏ ngoài tai những lời chỉ trích “too ghetto” từ Uncle Sam, Kendrick thực sự đã chiều lòng người hâm mộ khi thực sự trình diễn ca khúc “Not Like Us”.

Anh trình diễn với tông giọng gầm gừ, thêm chút mỉa mai, khinh khỉnh, cười toe toét nhìn thẳng vào máy quay mà không bỏ qua tên của Drake hay bất kỳ lời cáo buộc nào về lời bài hát. Thêm dầu vào lửa, Kdot đem nhà vô địch quần vợt, người bản xứ Compton (và là bạn gái cũ của Drake) Serena Williams lên sân khấu – nhảy C-Walk theo điệu nhạc. Cho những ai chưa biết, Drake và Serena Williams từng có thời gian hẹn hò, nhưng sau khi chia tay, cả hai dính phải nhiều vụ rắc rối. 

Kendrick Lamar kết thúc phần trình diễn của mình bằng ca khúc “tv-off”, điệp khúc trong bài hát như thể khuyên người xem: hãy tắt tivi đi, màn trình diễn tuyệt vời đã hết rồi!

Thực hiện Dory

Theo L’OFFICIEL USA, Vogue, NPR