Ôn lại tình xưa giữa Lady Gaga và Nicola Formichetti
Ngày đăng: 15/02/25
Không đơn thuần là người cộng sự, giám đốc hình ảnh hay stylist, cũng vượt mức tình bạn, Nicola Formichetti và Lady Gaga là đôi tri kỉ mà thế giới thời trang này rất cần; bởi lẽ, họ đã mang đến một kỷ nguyên huy hoàng cho một thế hệ cảm thụ đặc biệt.
Trong ngành công nghiệp thời trang đầy cạnh tranh, mục tiêu về doanh thu, danh vị và danh tiếng khiến những người theo đuổi trở thành đối thủ của nhau, thậm chí là kẻ thù “không đội trời chung”. Tuy nhiên, tình yêu dành cho cái đẹp và niềm đam mê nghệ thuật, sáng tạo là chất keo kết dính của nhiều đôi tri kỉ. Họ là những nhà thiết kế gặp gỡ từ ngày mới bắt đầu sự nghiệp, rồi gắn bó đến mai sau; là nhà thiết kế làm bạn với biên tập viên thời trang, cũng có thể là mối lương duyên giữa ngôi sao nổi tiếng và stylist.
Giữa thời trang và văn hóa đại chúng tồn tại mối liên kết sâu sắc. Trong lịch sử thời trang, chúng ta có không ít những màn “cải tổ” – từ ngôi sao thành biểu tượng thời trang thực thụ; chẳng hạn như Law Roach đã giúp Zendaya thoát được cái mác “công chúa Disney”, Dani Michelle là “phù thủy” đứng sau loạt diện mạo tạo nên danh hiệu “It-Girl” của Kendall Jenner, Dara Allen và Hunter Schafer,…Và nếu bạn bỏ lỡ cặp đôi – vượt giới hạn quan hệ giữa stylist và khách hàng, Lady Gaga và Nicola Formichetti, bạn đã bỏ qua một “vụ nổ thị giác” đình đám nhất của địa hạt thời trang.
Sau bản hit “Die With A Smile” với Bruno Mars, cùng màn ra mắt 2 đĩa đơn mới “Disease” và “Abracadabra”, nữ ca sĩ Lady Gaga chính thức xác nhận sự trở lại với album mới “Mayhem” – được ấn định ngày phát hành vào đầu tháng 3 sắp đến. Từ âm nhạc đến cách xây dựng hình ảnh và diện mạo kỳ quái đến cực đoan trong kỷ nguyên âm nhạc mới, Lady Gaga làm người hâm mộ liên tưởng đến thời đại dark-pop, cùng nét thẩm mỹ đã tạo nên tên gọi “Mother Monster” – nhưng từng bị chính cô “chôn vùi” sau khi phát hành album “Chromatica” vào năm 2020.
Ngay từ khi được hé lộ, tinh thần thời trang lập dị nhưng cũng mang đậm âm hưởng của phong cách avant-garde trong những bộ trang phục mới – được stylist bởi bộ đôi Peri Rosenzweig và Nick Royal, hay còn được gọi là Hardstyle, nhanh chóng làm công chúng hoài niệm về hành trình Lady Gaga phá kén đáng kinh ngạc, lần đầu định danh bản thân ở địa hạt thời trang cùng sự hỗ trợ của Nicola Formichetti.
Trước màn bắt tay tạo dấu ấn giữa stylist Law Roach và nữ diễn viên Zendaya, cuộc gặp gỡ của Lady Gaga và Nicola Formichetti đã bảo chứng cho mối quan hệ hợp tác thành công nhất lịch sử giữa một người nổi tiếng và một giám đốc nghệ thuật. Nicola Formichetti chưa bao giờ thích thuật ngữ stylist. Bởi lẽ, anh cho rằng nó quá hạn chế đối với vai trò của bản thân cũng như công việc anh đảm đương: không chỉ lựa chọn trang phục, mà tạo nên bản sắc thị giác, tạo ra một ngôn ngữ có khả năng định nghĩa lại ranh giới giữa thời trang, nghệ thuật và âm nhạc.
Mối lương duyên giữa Lady Gaga và Nicola Formichetti bắt đầu vào năm 2009, diễn ra trong một buổi chụp ảnh cho tạp chí V của Mỹ. Lúc bấy giờ, Lady Gaga đang trên đà phát triển – một hiện tượng đang đặt lại bảng quy tắc của ngành biểu diễn, trong khi Nicola Formichetti đã là một cái tên nổi tiếng trong ngành thời trang – giữ chức giám đốc thời trang của Vogue Nhật Bản. Từ đó, mối quan hệ của họ ngày càng khắng khít, vượt qua giới hạn của một sự hợp tác (dù trước khi trở thành cộng sự, họ đã và vẫn là bạn bè). Nói một cách chính xác, đó là sự kết hợp sáng tạo định nghĩa lại văn hóa đại chúng, sử dụng cơ thể và hình ảnh như những công cụ thể hiện nghệ thuật cấp tiến. Tắc kè hoa, tiên phong, phá cách, siêu thực,… là những mỹ từ để ta gọi tên những đóng góp mà cặp đôi đã này đã đem lại cho thời trang và nền công nghiệp âm nhạc.
Đối với người hâm mộ âm nhạc, tên tuổi của Nicola Formichetti được biết đến rộng rãi từ khi hợp tác với Lady Gaga. Nhưng trong thế giới thời trang, thực tế lại hoàn toàn khác. Khi nữ ca sĩ vẫn chưa đạt được nhiều thành tựu trong âm nhạc lẫn thời trang, anh đã là một trong những stylist được nhiều người ngưỡng mộ và công nhận. Mỗi diện mạo của Lady Gaga, dưới sự dẫn dắt và định hình có tầm nhìn xa của Nicola Formichetti, đều phá vỡ khái niệm thời trang thuần túy, để trở thành một cảnh tượng đầy kịch tính. Chúng không đơn giản là quần áo nữa mà trở thành biểu trưng cho tình dục, bản sắc và sự phá cách, định hình nên một thế giới mà cái đẹp là một khái niệm linh hoạt. Mỗi diện mạo xuất hiện trước công chúng của Lady Gaga đều được Nicola đảm bảo sự ấn tượng – có thể khắc ghi sâu sắc trong lòng khán giả và “gieo mầm” trong họ sự thay đổi về cách nhìn nhận, cảm thức thời trang, âm nhạc lẫn nghệ thuật.
Năm 2009, Lady Gaga phát hành The Fame Monster”; tấm ảnh bìa của EP được thực hiện bởi một đội ngũ tuyệt vời: đằng sau máy ảnh là Hedi Slimane, nàng thơ là chính Gaga, trong khi chỉ đạo nghệ thuật và phong cách được giám tuyển bởi Nicola Formichetti. Peter Savic đảm nhiệm phần làm tóc, Billy B chịu phần trang điểm. Bối cảnh ảnh chụp đen trắng, có tông màu tối; trong khi đó, Gaga mặc một chiếc áo choàng vinyl bóng màu đen, từ nhãn hiệu House of Blueeyes của nhà thiết kế người London, Johnny Blueeyes. Trang phục này đến từ bộ sưu tập Thu/Đông 2009 của thương hiệu – “Don’t Be Afraid of the Darkness Within”, lấy cảm hứng từ những bộ phim kinh dị kinh điển của Hammer từ những năm 60 và 70. Tác phẩm này chính là cột mốc đánh dấu sự thay đổi trong thẩm mỹ của nữ ngôi sao, đưa cô vào một thế giới đen tối và ma mị hơn.
Thế giới ma quái của Lady Gaga được Nicola xây dựng thu hút vũ trụ lập dị của nhà thiết kế Alexander McQueen. Ca khúc “Bad Romance” trong EP được nghe lần đầu tiên trong buổi trình diễn thời trang cuối cùng do Alexander McQueen thiết kế và sáng tạo. Không những thế, video ca nhạc cho bài hát có hơn 12 bộ trang phục của McQueen, được Nicola Formichetti lựa chọn, cùng với các phụ kiện do nhóm sáng tạo Haus of Gaga chịu trách nhiệm. “Bad Romance” thu về nhiều thành tích áp đảo. Từ âm nhạc đến thời trang, “Bad Romance” trở thành một trong những ca khúc biểu tượng của sự nghiệp Lady Gaga lẫn văn hóa đại chúng. Thành công này giúp kỷ nguyên “kén người nhìn” của nữ ca sĩ bắt đầu thu hút sự chú ý và được đại chúng dần công nhận.
Năm 2010, trong lễ trao giải MTV, “Bad Romance” đã giành chiến thắng ở hạng mục “Video ca nhạc hay nhất”. Đến tham dự sự kiện, Nicola Formichetti và Lady Gaga quyết định tạo nên một xuất hiện ngoạn mục – hứa hẹn trở thành khoảnh khắc ấn tượng nhất trong tích sử thời trang lẫn văn hóa đại chúng. Đúng như dự đoán, chiếc váy làm hoàn toàn bằng thịt sống của nhà thiết kế Franc Fernandez đã giúp kế hoạch của Mr. Gaga (biệt danh của Nicola do người hâm mộ của nữ ca sĩ đặt) thành công. Bộ trang phục được thiết kế bất đối xứng, có đường viền cổ rộng, được chế tác cực kỳ cẩn thận để đảm bảo cấu trúc chắc chắn. Fernandez đã tỉ mỉ lựa chọn những miếng thịt phù hợp nhất, chủ yếu từ sườn của một con bò. Để đảm bảo vừa vặn một cách hoàn hảo, chiếc váy được may trực tiếp vào người Lady Gaga ở hậu trường, ngay trước khi cô xuất hiện trên sân khấu.
Ngoài mối quan hệ với Alexander McQueen, Nicola Formichetti giúp Lady Gaga thiết lập nhiều mối quan hệ sâu sắc với hầu hết các nhà mốt có ảnh hưởng nhất thời đại, cũng như các nhà thiết kế thời trang mới nổi. Cách tiếp cận và làm việc của Formichetti với các thương hiệu rất tỉ mỉ, và không rập khuôn. Anh ưu tiên việc xây dựng tính thẩm mỹ của Lady Gaga lên hàng đầu, thay vì thích nghi thụ động với thẩm mỹ nhất định của từng nhà mốt. Nicola Formichetti thuyết phục những thương hiệu, thậm chí là các nhà mốt khó tính nhất, trao toàn quyền quyết định cho anh trong việc thực hiện trang phục cho Lady Gaga.
Tại Lễ trao giải Grammy năm 2010, Nicola Formichetti đã làm việc với nhà mốt Armani Privé để thiết kế trang phục riêng cho Lady Gaga. Cả hai bộ trang phục đều thể hiện rõ nét thẩm mỹ đặc trưng trong “The Fame Monster”; nhưng chúng đi ngược lại hoàn toàn khỏi biên độ trong thế giới thời trang cao cấp cổ điển của nhà mốt. Màn hợp tác tiếp tục diễn ra trong shoot hình cho tạp chí Vanity Fair US tháng 9 năm 2010. “Mother Monster” đã xuất hiện trong một chiếc váy trong suốt, tô điểm là chiếc corset kim loại cùng đôi giày lập dị – tất cả là những tác phẩm được Armani Privé thiết kế riêng. Cuộc cách mạng thẩm mỹ phi truyền thống đối với nhạc pop (vào thời điểm đó) của Nicola và Gaga đã truyền cảm hứng và động lực cho những nhà mốt cổ điển nhất vượt ra khỏi ranh giới của chính họ.
Cuộc cách mạng thẩm mỹ phi truyền thống đối với nhạc pop (vào thời điểm đó) của Nicola và Gaga đã truyền cảm hứng và động lực cho những nhà mốt cổ điển nhất vượt ra khỏi ranh giới của chính họ.
Vào tháng 5 năm 2011, màn ra mắt album “Born This Way” đã giúp Lady Gaga được tôn vinh như một siêu sao thực thụ trên toàn cầu. Album được kỳ vọng cao này chịu ảnh hưởng từ nhiều thể loại âm nhạc khác nhau từ Whitney Houston đến opera, từ Madonna đến nhạc rock, đến nhạc techno và thậm chí cả nhạc heavy metal của các ban nhạc như Kiss và Iron Maiden. Vào ngày 17 tháng 4 năm 2011, trang bìa của album được mong đợi nhất trong năm, đã được tiết lộ.
Bức ảnh do nhiếp ảnh gia nổi tiếng, Nick Knight chụp dưới sự chỉ đạo nghệ thuật của Nicola Formichetti, khắc họa sự kết hợp giữa Lady Gaga và một chiếc xe máy. Tuy nhiên, không phải tầm nhìn nghệ thuật nào của người nghệ sĩ cũng “chạm” được đến công chúng. Sau khi ra mắt, tấm ảnh bìa nhận lại nhiều lời bình luận không như mong đợi. Cả nhà phê bình và ngay cả những người hâm mộ trung thành nhất đều tỏ thất vọng. Sean Michaels của The Guardian bình luận: “Trông giống hiệu ứng Photoshop rẻ tiền hơn là bìa album được mong đợi nhất năm.”
Bất chấp những lời chỉ trích về bìa album, tính đến ngày 1 tháng 6 năm 2011, “Born This Way” đã trở thành album bán chạy nhất trên toàn thế giới trong thời gian kỷ lục. Với 288.000 bản được bán ra trong ngày đầu tiên và 1.108.000 bản trong tuần đầu tiên chỉ tính riêng tại Hoa Kỳ, album đã vượt qua một triệu bản được bán ra ngay cả bên ngoài thị trường Hoa Kỳ. “Born This Way” cũng đạt được vị trí số một trên bảng xếp hạng của 16 quốc gia, từ Nhật Bản đến Na Uy. Trong kỷ nguyên “Born This Way”, mọi hình ảnh liên quan đến các đĩa đơn trong album và mọi lần xuất hiện trước công chúng, dưới sự chỉ đạo của Nicola Formichetti dưới trướng House of Gaga, đều để lại dấu ấn không thể phai mờ trong lịch sử âm nhạc và thời trang. Một trong số những khoảnh khắc mang tính biểu tượng nhất chắc chắn là cảnh tưởng Lady Gaga xuất hiện tại Lễ trao giải Grammy năm 2011 bên trong một lồng ấp trứng.
Nicola Formichetti, trong một cuộc phỏng vấn với Variety nhân kỷ niệm 10 năm ra mắt “Born This Way”, đã nhớ lại: “Buổi biểu diễn Born This Way tại lễ trao giải Grammy là một khoảnh khắc vô cùng quan trọng đối với tất cả chúng tôi. Chúng tôi đã hợp tác với nhà thiết kế người Anh Hussein Chalayan để tạo ra quả trứng ủ bệnh cho Lady Gaga trên thảm đỏ. Tôi nhớ mình đã ở hậu trường khi Gaga vẫn còn trong quả trứng. Khi đó, cô ấy đã yêu cầu tôi tweet thay cô ấy: ‘Xin chào, tôi là Nicola. Gaga đang trong thời gian ủ bệnh và chúng tôi sắp biểu diễn.’” Đó là một khoảnh khắc mang tính biểu tượng cho pop culture, và đương nhiên cho thời trang. Sau đó, “cổ phiếu” cho sự thành công của Nicola Formichetti trong ngành công nghiệp thời trang tăng chóng mặt, đến mức vào năm 2011, anh được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo của nhà mốt Pháp, Mugler. Và cũng chính Gaga là người đã thúc giục anh chấp nhận vai trò này ngay lập tức, trong khi vẫn tiếp tục làm giám đốc nghệ thuật của cô.
“Vào thời điểm tôi gia nhập Mugler, Gaga vẫn trong chuyến lưu diễn ‘Monster Ball’. Cô ấy đã bay đến Paris để tham gia show diễn của tôi cho Mugler, với tư cách là một người mẫu. Cô ấy đã mặc hai bộ trang phục – một bộ đồ bó sát bằng cao su, và bộ thứ hai là bộ đồ ‘Alien Queen’ màu trắng. Cô ấy thích bộ sưu tập này đến nỗi muốn mặc một bộ đồ bó sát họa tiết da báo cho bữa tiệc sau đó,” Formichetti chia sẻ với Variety. Trong kỷ nguyên “Born This Way”, ngay cả vẻ ngoài thường ngày của Gaga cũng mang đậm tính sân khấu, củng cố cho vị thế trong địa hạt thời trang của nữ ca sĩ thêm vững chắc.
Bên cạnh vẻ ngoài mang tính cách mạng, quá trình nâng cấp phong cách của Lady Gaga trải qua nhiều màn biến đổi quan trọng. Nicola Formichetti không chỉ giúp Lady Gaga phá vỡ nhiều quy ước bất-thành-văn của thời trang chính thống, mà còn vượt qua giới hạn về giới tính. Giám đốc nghệ thuật đã cho nữ ca sĩ mặc một chiếc áo khoác đen với quần dài nam, lấy cảm hứng từ vẻ ngoài của người anh em sinh đôi của chính cô. Sự thay đổi hình ảnh này chính là cơ duyên cho màn ra mắt chính thức của Jo Calderone, bản ngã nam của Gaga, được giới thiệu trong video ca nhạc “You and I”. Nhân vật này đã được giới thiệu trên trang bìa của Vogue Nhật Bản, nhưng danh tính không được tiết lộ rõ ràng rằng đó là Gaga. Tuy nhiên, cả các nhà phê bình và người hâm mộ đều nhận ra cô ngay lập tức.
Vào ngày 3 tháng 8 năm 2012, Lady Gaga tiết lộ trong một cuộc trò chuyện trên LittleMonsters.com rằng “ARTPOP” sẽ là tựa đề cho album mới của cô. Đúng như lời đã được nữ ca sĩ tiết lộ, album đã được phát hành vào tháng 11 năm đó. Được sáng tác bởi nghệ sĩ Jeff Koons, bìa album gồm hình ảnh bức tượng 3D của Lady Gaga, ngồi dạng chân và có quả cầu màu xanh ở giữa, đặt trên nền một bản diễn giải về tác phẩm “Birth of Venus” của Botticelli. Album “ARTPOP” được đón nhận tích cực, nhưng không phải ngay lập tức. Phải mất thời gian để hiểu được sự thay đổi trong kỷ nguyên mới của Lady Gaga.
Tuy nhiên, kỷ nguyên này cũng chứng kiến màn chia tay đầy tiếc nuối giữa Lady Gaga và người cộng sự/ người bạn tri kỷ, Nicola Formichetti và Lady Gaga. “Cô ấy sẽ luôn là người tôi yêu thích nhất, nhưng từ giờ trở đi, trợ lý của tôi sẽ chăm sóc cho vẻ ngoài của cô ấy”, Nicola từng giải thích với WWD. Trong cuộc phỏng vấn đó, anh chia sẻ lại quá trình làm việc với Gaga – người phải thay đổi trang phục ít nhất 12 lần một ngày, đã trở nên mệt mỏi và căng thẳng như thế nào. Ngoài ra, lý do một phần cũng là vì khối lượng công việc của anh bên ngoài ngày càng tăng, với vai trò là giám đốc sáng tạo của Diesel và ra mắt dòng sản phẩm cashmere tại Nhật Bản cho Uniqlo. “Tôi quá bận rộn với các dự án khác để theo dõi cô ấy. Tôi đã hợp với Gaga được năm năm và trong hai kỷ nguyên. Tôi vẫn sẽ tham gia theo một cách nào đó, nhưng tôi không thể dành trọn ngày cho cô ấy.” Nicola Formichetti đã nói với tờ Cosmopolitan vào thời điểm đó.
Trong kỷ nguyên ARTPOP, stylist Brandon Maxwell, trợ lý của Nicola Formichetti, đã đồng hành cùng Lady Gaga. Trong video ca nhạc “Applause”, được đạo diễn và quay bởi Inez & Vinoodh với sự đóng góp của stylist Brandon Maxwell, Gaga xuất hiện với chiếc mũ chóp cao khổng lồ, mặc một chiếc áo từ bộ sưu tập Artisanal Haute Couture Thu/ Đông 2013 của Maison Margiela, cùng với bộ đồ bó sát có ống quần phản chiếu và đôi giày custom, được thiết kế bởi sự hợp tác của Natali Germanotta và Muto-Little Costumes.
Maxwell đã đồng hành cùng Lady Gaga cho đến năm 2018, khi anh quyết định từ bỏ vai trò là stylist của cô. Anh “chuyển nhượng” dự án vẻ ngoài Met Gala 2019 của Lady Gaga cho các trợ lý, Sandra Amador và Tom Eerebout – những người được điểm danh trong bảng xếp hạng những stylist nổi tiếng và có ảnh hưởng nhất thế giới năm 2019 của Hollywood Reporter. Ở Met Gala 2019, Lady Gaga đã diện trang phục của Maxwell thiết kế.
Vào năm 2020, kỷ nguyên mới của Lady Gaga “Chromatica”, Nicola Formichetti và Lady Gaga chính thức “nối lại tình xưa”. Trở lại hợp tác với Gaga với vai trò là stylist, Nicola Formichetti khiến nhiều người hâm mộ của nữ ca sĩ, lẫn làng mốt vui mừng. Bởi lẽ, đó sẽ lúc mà chúng ta một lần nữa được ngắm nhìn bản sắc không-thể-nhầm-lẫn của nữ ca sĩ, đắm chìm vào thời khắc tái sinh của một Lady Gaga “cũ”. Sự kết hợp giữa Lady Gaga và Nicola Formichetti không chỉ là những bộ tóc giả cao ngất ngưởng, thách thức trí tưởng tượng vô song hay đôi giày khổng lồ không-ai-dám-mang; mà là cuộc gặp gỡ sâu sắc của lòng tin và trực giác thẩm mỹ đã viết lại các quy tắc của nhạc pop, và thời trang. Cuộc đối thoại giữa họ không chỉ giới hạn ở bề mặt thẩm mỹ, mà còn đi sâu đến gốc rễ, tạo nên bản sắc.
Sự kết hợp giữa Lady Gaga và Nicola Formichetti không chỉ là những bộ tóc giả cao ngất ngưởng, thách thức trí tưởng tượng vô song hay đôi giày khổng lồ không-ai-dám-mang; mà là cuộc gặp gỡ sâu sắc của lòng tin và trực giác thẩm mỹ đã viết lại các quy tắc của nhạc pop, và thời trang. Cuộc đối thoại giữa họ không chỉ giới hạn ở bề mặt thẩm mỹ, mà còn đi sâu đến gốc rễ, tạo nên bản sắc.
Trong thế giới thời trang đầy biến động, nhiều lần bị đe dọa đánh mất DNA sáng tạo, cuộc gặp gỡ của cả hai cái tên này điều bắt buộc phải xảy ra. Nicola Formichetti và Lady Gaga như một cặp đôi kỳ diệu, hòa quyện giữa tài năng và sự liều lĩnh dám táo bạo, dẫn dắt người xem vào một vũ trụ không giới hạn của cái đẹp và sự phá cách.
Nicola Formichetti, người mang trong mình lửa sáng tạo, đã mở ra một cuộc đời mới cho Lady Gaga – không chỉ là một ca sĩ, mà còn là biểu tượng của thời trang vĩnh cửu. Lady Gaga, với tinh thần dám khác biệt, là tấm vải sống cho những ý tưởng đột phá của Nicola Formichetti. Với mỗi bộ trang phục, họ cùng nhau viết nên một câu chuyện, kể cho thế giới rằng thời trang về lời tuyên bố về bản sắc và khát vọng tự do.
Thực hiện Dory
Theo NSS Magazine