Mỹ phẩm cao cấp – “Phao cứu sinh” cho thời trang xa xỉ?

Ngày đăng: 10/04/25

Trước bối cảnh kinh tế ảm đạm kéo dài, thị trường hàng xa xỉ Hàn Quốc đang chứng kiến bước chuyển rõ nét trong hành vi tiêu dùng khi doanh số mỹ phẩm cao cấp tăng trưởng vượt trội, bỏ xa mức tăng khiêm tốn của ngành thời trang.

Trong khi người tiêu dùng dè dặt hơn với những khoản chi lớn, các dòng mỹ phẩm cao cấp đang dần thay thế các mặt hàng xa xỉ truyền thống như túi xách hay trang phục hàng hiệu. Sự chuyển dịch này không chỉ giúp các thương hiệu giữ chân khách hàng bằng những lựa chọn “vừa túi” mà còn mở ra hướng đi ổn định giữa thị trường kinh tế đầy biến động. 

Mỹ phẩm cao cấp thay thế ngành thời trang xa xỉ

Theo số liệu từ ngành bán lẻ công bố trên Sunday, các thương hiệu mỹ phẩm cao cấp như Prada, HermèsGivenchy đã ghi nhận mức tăng trưởng với doanh số ấn tượng từ 16% đến 24% trong năm 2024 tại ba chuỗi bách hóa lớn nhất Hàn Quốc bao gồm Lotte, Shinsegae Hyundai. Trong khi đó, doanh số ngành thời trang xa xỉ tại các hệ thống này chỉ tăng chậm ở mức 5-11% trong cùng kỳ.

Cụ thể, doanh số mỹ phẩm cao cấp tại Lotte tăng 20%, Shinsegae đạt 16,3%, và Hyundai dẫn đầu với mức tăng trưởng 24%. Những con số này vượt xa tốc độ tăng trưởng của thời trang tại cùng các hệ thống — lần lượt chỉ ở mức 5%, 6,2% và 11,7%.

The Huyndai Seoul – một trong ba trung tâm mua sắm lớn nhất Hàn Quốc

Hiện tượng này được gọi là “lipstick effect” (tạm dịch: hiệu ứng son môi). Khi nền kinh tế trì trệ, người tiêu dùng có xu hướng lựa chọn những món đồ xa xỉ “vừa túi” như son môi hay phấn mắt cao cấp thay vì đầu tư vào những mặt hàng thời trang đắt đỏ. Theo Min Da-hee, người mua hàng tại Lotte cho biết:

“Ngay cả trong giai đoạn kinh tế khó khăn, sức mua với những món “xa xỉ nhỏ” từ các thương hiệu làm đẹp không hề giảm”.

Đại diện hệ thống bán lẻ Hyundai cũng đồng tình với quan điểm trên, cho rằng phân khúc mỹ phẩm cao cấp đang thúc đẩy sự tăng trưởng của toàn ngành làm đẹp, khi người tiêu dùng có xu hướng ưu tiên các sản phẩm skincare và trang điểm cao cấp thay vì chi tiền cho những chiếc túi hiệu đắt đỏ.

mỹ phẩm xa xỉ

Thương mại điện tử và thương hiệu xa xỉ tham gia cuộc chơi làm đẹp

Sự thay đổi trong ngành hàng làm đẹp không chỉ giới hạn tại các cửa hàng vật lý. Các “ông lớn” thương mại điện tử cũng nhanh chóng “nhập cuộc”, tăng tốc phát triển mảng mỹ phẩm cao cấp để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng ngày càng tăng.

Coupang – một trong những nhà bán lẻ trực tuyến lớn nhất Hàn Quốc đã ra mắt nền tảng Rlux chuyên về mỹ phẩm high-end vào tháng 10/2024, nâng tổng số thương hiệu xa xỉ từ 22 lên 34, bao gồm các tên tuổi quốc tế như Lancôme Estée Lauder. Một số sản phẩm chống lão hóa có giá bán lên đến 980 USD.

rlux
Rlux – Ứng dụng bán lẻ mỹ phẩm đến từ các thương hiệu high-end

Cùng lúc đó, các thương hiệu thời trang xa xỉ cũng mở rộng sang lĩnh vực làm đẹp khi bối cảnh kinh tế toàn cầu bất ổn đang gây sức ép lên doanh số. Theo đó, Louis Vuitton đã công bố kế hoạch ra mắt dòng mỹ phẩm đầu tiên – La Beauté Louis Vuitton vào mùa Thu năm 2025. Các chuyên gia trong ngành đã nhận định đây là bước đi chiến lược nhằm bù đắp cho sự sụt giảm doanh thu ngành thời trang của thương hiệu mặc dù Louis Vuitton chưa tiết lộ cụ thể danh mục sản phẩm hay khả năng mở cửa hàng vật lý tại Hàn Quốc.

 

Xem bài viết này trên Instagram

 

Bài viết do Louis Vuitton (@louisvuitton) chia sẻ

Sự dịch chuyển này càng được củng cố khi Louis Vuitton Moët Hennessy (LVMH) – “ông lớn” đứng sau loạt thương hiệu xa xỉ bao gồm Louis Vuitton, Dior Fendi công bố kết quả tài chính năm 2024 với tổng doanh thu giảm 2% xuống còn 84,68 tỷ euro (tương đương 91,5 tỷ USD). Trong khi thời trang và đồ da giảm 3%, thì nước hoa và mỹ phẩm lại tăng trưởng 2%, cho thấy sự bù đắp rõ rệt đến từ lĩnh vực làm đẹp.

Prada cũng không nằm ngoài “cuộc đua”. Sau khi ra mắt dòng mỹ phẩm vào năm 2023, hãng đã nhanh chóng mở rộng tại thị trường Hàn Quốc với các cửa hàng tại Shinsegae GangnamThe Hyundai Seoul. Đến tháng 1.2025, Prada Beauty khai trương cửa hàng flagship đầu tiên tại khu Seongsu, nơi được ví như “Brooklyn của Seoul” – điểm hẹn quen thuộc của giới trẻ thời thượng. Theo một chuyên gia trong ngành nhận định: 

“Các thương hiệu xa xỉ vẫn duy trì được lượng khách hàng trung thành ngay cả trong thời kỳ kinh tế suy thoái, nhưng không tránh khỏi tình trạng doanh số chững lại. Việc mở rộng sang ngành hàng mỹ phẩm cho phép họ tạo ra nguồn doanh thu ổn định hơn, ít bị tác động bởi những biến động kinh tế ngắn hạn”.

prada beauty
Cửa hàng flagship đầu tiên của Prada Beauty tại Seongsu

Trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu vẫn còn bất ổn, việc các thương hiệu xa xỉ ngày càng dồn lực cho mảng làm đẹp có thể tái định hình toàn bộ cục diện ngành bán lẻ cao cấp và Hàn Quốc được xem như một thị trường then chốt cho xu hướng chuyển mình này.

Việt Nam – Thị trường mỹ phẩm xa xỉ mới

​Thị trường mỹ phẩm cao cấp tại Việt Nam đang chứng kiến sự tăng trưởng đáng kể. Theo báo cáo từ Statista, doanh thu của phân khúc mỹ phẩm và nước hoa cao cấp tại Việt Nam dự kiến đạt khoảng 523,41 triệu USD vào năm 2025, với tốc độ tăng trưởng hàng năm ước tính khoảng 6,51% trong giai đoạn 2025–2029. ​

chanel
Beauty Boutique thứ 2 của Chanel tại Thành phố Hồ Chí Minh

Đáng chú ý, trong một khảo sát của Statista vào năm 2024 cho thấy 59% nữ giới và 19% nam giới tại Việt Nam ưu tiên mua sắm các sản phẩm xa xỉ thuộc lĩnh vực mỹ phẩm và chăm sóc da, cho thấy nhu cầu làm đẹp cao cấp ngày càng phổ biến và bình thường hóa trong thói quen tiêu dùng hàng ngày.

Tuy nhiên, thị trường mỹ phẩm cao cấp nội địa vẫn đang trong giai đoạn phát triển ban đầu. Theo phân tích của BW Confidential, thị trường này được định giá khoảng 116 triệu USD, tương đương 70% quy mô thị trường Indonesia dù dân số Việt Nam chỉ bằng một phần ba. Điều này cho thấy tiềm năng tăng trưởng mạnh mẽ trong những năm tới. ​

thương hiệu xa xỉ việt nam

Sự tăng trưởng này tại Việt Nam được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố, bao gồm sự gia tăng thu nhập của tầng lớp trung lưu, ảnh hưởng từ các xu hướng làm đẹp quốc tế và sự phát triển nhanh chóng của các sàn thương mại điện tử, giúp người tiêu dùng tiếp cận dễ dàng hơn với các thương hiệu mỹ phẩm cao cấp. 

Theo Inside Retail Asia

Thực hiện: Amelia