Phía sau “Doll-core”: Tủ quần áo của búp bê và khao khát hoàn hảo độc hại
Ngày đăng: 15/04/25
“Doll-core” hay nỗi ám ảnh với búp bê nổi lên như một hiện tượng mới. Vượt xa khỏi nét thẩm mỹ bề ngoài, phía sau trào lưu hoá búp bê là những thông điệp có tác động mạnh mẽ đối với cộng đồng. Xu hướng này là hiện thân cho nỗi ám ảnh về chủ nghĩa hoàn hảo đáng sợ của thời trang, hay là cách phản ứng của nhân loại trong một thế giới không còn an toàn?
Cơ thể búp bê và vai trò của nó trong thời trang
Thời trang và búp bê không có ranh giới phân tách rõ ràng. Không trải qua hỷ nộ ái ố như con người, nhưng tạo hình mô phỏng cơ thể người được làm bằng nhựa, vải, đất sét,…lại sở hữu thần hồn đặc biệt – dẫn lối chúng ta đến với thế giới thời trang huyền ảo. Búp bê hay ma-nơ-canh là “trạm trung gian” nối liền tinh thần thời trang của thương hiệu/ nhà thiết kế đến người cảm thụ. Đối với những nhà thiết kế thời trang, cơ thể búp bê sở hữu số đo chuẩn nhất để họ hiện thực hoá ý tưởng. Với khách hàng, người mua sắm và “sử dụng” thời trang, búp bê vẽ nên một ý niệm về sự hoàn hảo mà bản thân luôn khao khát.


Hồi ức tuổi thơ và chủ nghĩa thoát ly: Tại sao chúng ta quay lại với búp bê?
Ở từng thời đại, khái niệm búp bê được tinh chỉnh sao cho phù hợp. Trong thế giới hỗn loạn, nền hoà bình bị lung lay, suy thoái kinh tế, chủ nghĩa thoát ly được nhấn mạnh, sự thoái lui – một cơ chế tự vệ của tâm lý được đề cao. Nó phản ánh rõ nét trong cách con người phản ứng và hành động trong môi trường sống không còn an toàn như hiện tại: sự căng thẳng khiến họ phải chọn cách “rút lui”, nương tựa tinh thần vào quá khứ với những ngày vô lo, vô âu tuổi thơ cùng sự tưởng tượng về một thế giới màu hồng trong ngôi nhà trò chơi búp bê của mình.


“Doll-core” từ sàn diễn đến văn hóa đại chúng
Sự thích nghi mới đã được thế giới thời trang đón nhận, các nhà thiết kế gắn liền nét thẩm mỹ của búp bê với nguồn cảm hứng về ký ức tuổi thơ. “Girlhood” hay “kid-core” từ đó xuất hiện như những thuật ngữ xu hướng phổ biến trên sàn diễn thời trang. Ảnh hưởng của tông điệu thẩm mỹ này thể hiện rõ trên các sàn diễn lớn. Sandy Liang và “girlhood” vốn là hai vũ trụ sáng tạo hoà thành một.

Trong bộ sưu tập Thu/Đông 2025 của Simone Rocha, thương hiệu đã giới thiệu những chiếc túi thỏ dễ thương, cùng những chi tiết siêu cấp nữ tính như nơ.
Natasha Zinko cũng tái hiện lại những bộ đồ liền quần trẻ em cùng ngôn ngữ thời trang cao cấp, kết hợp chúng với quần ống rộng họa tiết hoa màu hồng bồng bềnh. Ngay cả nhà thiết kế trang sức Alexis Bittar đến từ Brooklyn cũng nắm bắt chủ đề này, tạo ra những phụ kiện khắc họa rõ bản chất của sự ngây thơ và đầy trẻ trung.

Trong khi đó, đối với vũ trụ sáng tạo mang tính tiên phong của Marc Jacobs, “doll-core” và nguồn cảm hứng từ thời thơ ấu đã trở thành ngôn ngữ sáng tạo quen thuộc trong thời gian gần đây. Buổi trình diễn Thu/ Đông 2025 của Marc Jacobs, nhà mốt đã đưa tủ quần áo búp bê vào cuộc sống bằng trí tưởng tượng siêu thực.
Sàn diễn biến thành một thế giới búp bê giấy như mơ, với những người mẫu diện những bộ trang phục quá khổ. Những chiếc váy bồng bềnh, phụ kiện kỳ quặc và những chấm kim sa trên môi và má hồng tạo nên một bầu không khí kỳ quặc. Những đôi giày cũng được nhân 2, nhân 3 kích cỡ, cùng những phom dáng ngộ nghĩnh – gợi nhớ đến bộ đồ chơi quen thuộc của ngày nhỏ.
Trở về mùa mốt Thu/ Đông 2024, những thiết kế của Marc Jacobs cũng đã từng là lối thoát, rời khỏi thực tế căng thẳng của chúng ta. Đó là thế giới của những con búp bê sở hữu đôi mắt màu mè tươi tắn cùng hàng mi cong vút, sở hữu mái tóc đánh phồng hài hước và mặc những bộ trang phục quá khổ. “Sự trẻ con hóa” của thời trang phản ánh khát khao được chiều chuộng, chăm sóc và giải thoát khỏi trách nhiệm của người lớn.

Vượt ra khỏi sàn diễn cao cấp, không còn ở đế chế thời trang, những cuộc trò chuyện xoay quanh “girlhood” đã bùng nổ trong văn hoá đại chúng – với sức ảnh hưởng của búp bê “Barbie”, được khởi xướng từ bộ phim cùng tên vô cùng thành công. Trào lưu POP Mart, văn hoá kawaii, xu hướng trang trí túi xách bằng móc khoá, thậm chí là cách bắt trend “đóng hộp” bản thân như búp bê nhựa bằng thuật toán AI, cũng đang khuyến khích chúng ta chấp nhận và yêu thương đứa trẻ bên trong của mình nhiều hơn.

Năm 2025 chứng kiến sự phát triển liên tục của xu hướng doll-core. Theo dự đoán năm 2025 của Pinterest, phong trào “Dolled Up” được nhấn mạnh với mức tăng 45% trong những lượt tìm kiếm về trang điểm giống búp bê, tăng 130% trong các kiểu giày búp bê và tăng 40% trong ý tưởng nội thất dễ thương. Chuyên gia xu hướng Depop Agus Panzioni giải thích rằng: “Xu hướng hoá búp bê gắn liền với màn khôi phục thẩm mỹ tính nữ”.
Mặt tối của “doll-core”
Đó là một viễn cảnh màu hồng, một khía cạnh tích cực của xu hướng doll-core. Nhưng, trong thời đại mà phái đẹp đang ám ảnh cơ thể mảnh mai từ hiệu ứng Ozempic và vẻ đẹp vĩnh cửu như trong mô tả của bộ phim “The Substance”, nét thẩm mỹ lấy cảm hứng từ búp bê mang đến một thông điệp khắc nghiệt, thậm chí là đáng sợ hơn.
Song song mong muốn quay lại thời thơ ấu, cùng niềm yêu thương đứa trẻ bên trong, “doll core” đã phát triển thành một thứ gì đó mang tính kịch tính và cực đoan hơn.
Đối với một kỷ nguyên tôn vinh nét đẹp đa dạng, phá vỡ quy ước truyền thống, chẳng phải hình mẫu búp bê chính là quan niệm sai lệch?

Coco Chanel đã mất biết bao niên đại để giải phóng cơ thể phụ nữ ra khỏi gọng nẹp của áo corset, bằng kiểu đầm phom suông thoải mái. Nhưng nghịch lý thay, xu hướng doll-core mà chúng ta lăng xê hiện tại lại tái sinh vòng eo con kiến siêu thực.
Sâu xa hơn của xu hướng trang điểm bắt chước làn da bóng như búp bê sứ – được khởi xướng bởi “phù thuỷ hoá trang” Pat McGrath trong show diễn Maison Margiela Artisanal Spring 2024 chẳng phải là thông điệp về nỗi ám ảnh cực đoan với vẻ đẹp không tì vết? Dường như nó cũng đang ám chỉ đến trào lưu tiêm botox hoặc các phương pháp giải phẫu “tàng hình” để sở hữu làn da không nếp nhăn.

Nó dấy lên một câu hỏi nghi ngờ: chúng ta chỉ đơn giản là đang hoá trang hay đang khao khát sự hoàn hảo đến mức phi thực tế?
Thực hiện Dory