Phong cách Dandy: nữ giới mặc suit là chuyện thường tình
Ngày đăng: 19/04/25
Dandy vốn là thuật ngữ định hình phong cách ăn mặc phong lưu, cầu kỳ của những người đàn ông da màu, cũng như cách họ dùng ngôn ngữ thời trang vượt qua định kiến, vươn lên trong xã hội sau những đàn áp bất công. Tuy nhiên, trong “cuộc cách mạng” đó, những người phụ nữ không đứng ngoài lề.
Chủ đề của sự kiện Met Gala 2025, và triển lãm mùa xuân 2025 tại Viện Trang phục thuộc Bảo tàng Nghệ thuật Metropolitan – “Superfine: Tailoring Black Style” đã mang tinh hoa may mặc của người da màu trở lại tâm bão của sự chú ý.
Từ chủ đề cho đến đề bài dresscode “Tailored for you” của The Met, sự kiện lớn bậc nhất hành tinh tập trung phần lớn vào tầm ảnh hưởng của những người đàn ông da màu như các biểu tượng Oscar Wilde và André Leon Talley, hoặc những ngôi sao đương đại Dapper Dan và A$AP Rocky.
Dandy không chỉ đơn giản là một phong cách thời trang của đàn ông da màu; mà nó là một “cuộc cách mạng” trong nhiều năm mà họ khẳng định bản sắc cá nhân, khao khát tự do trong bối cảnh xã hội, chính trị và văn hoá. Sự hào nhoáng của Dandy đưa họ hiên ngang lấy lại sự sang trọng mà trước giờ bị gạt bỏ.
Trong cuộc cách mạng đó, không chỉ có đàn ông; lịch sử của Dandy còn có dấu ấn của những người phụ nữ vĩ đại. Bởi lẽ, “tiếng nói” của họ cần được giải phóng khỏi gọng kìm định kiến. Và ngôn ngữ thời trang Dandy đã giúp nội tại của họ trở nên mạnh mẽ hơn, để có thể vượt qua mọi rào cản.


Một trong những “female dandy” đầu tiên – ảnh hưởng mạnh mẽ trong lịch sử thời trang lẫn văn hoá thời đại không thể không nhắc đến NTK Gabrielle (Coco) Chanel.
Tư duy thời trang đi trước thời đại của bà giúp nhiều thế hệ phụ nữ can đảm giải phóng cơ thể mình ra khỏi những kiểu dáng gò bó sự thoải mái như váy vóc, áo corset,…DNA thiết kế của bà cũng được định hình phần lớn từ ngôn ngữ thời trang nam giới. Coco Chanel là nhà thiết kế đầu tiên đưa chiếc quần âu của đàn ông vào ngự trị tủ quần áo phụ nữ. Bà giúp những người phụ nữ ở thập niên 20 can đảm thử nghiệm những bộ vest may đo sắc sảo, vốn chỉ dành cho nam giới.
Nữ nhà văn Radclyffe Hall cũng là một nữ dandy thực thụ. Radclyffe Hall độc lập hơn nhiều so với các phụ nữ khác cùng thời. Bà lựa chọn không kết hôn cũng như “rời xa” tủ quần áo nữ tính. Nữ nhà văn thích mặc vest, đóng cà vạt, đeo nơ cổ vừa quyền lực vừa thanh lịch.
Hay nữ ngôi sao Hollywood người Đức, Marlene Dietrich là những mỹ nhân không tuân theo khuôn mẫu cổ hủ, phá vỡ các quy ước thời trang và đại diện cho sự tự do trong thời đại phụ nữ cấm đoán. Là nữ diễn viên đình đám của mọi thời đại, Marlene Dietrich gắn liền với nhiều hình tượng nhân vật, cùng không ít diện mạo thời trang nữ tính, nóng bỏng; nhưng, tạo hình bà trong phim Morroco (năm 1930) với chiếc mũ cao quý tộc và áo đuôi tôm vẫn để lại tác động vô cùng mạnh mẽ. Sau đó, thái độ ngông cuồng của Marlene Dietrich gắn liền với nhiều bộ suit mạnh mẽ của nam giới.
Trong thời kỳ của Old Hollywood Glamour, khi ngành giải trí mải mê với những chiếc đầm dạ hội lộng lẫy, nữ ngôi sao Katharine Hepburn đã để bản sắc mạnh mẽ của mình “cất tiếng” thông qua những bộ suit nam giới quyền lực. Bà thích mặc quần tây, áo sơ mi trắng đóng thùng cùng, khoác ngoài là áo blazer quá khổ và mang giày loafer. Không phải là người tiên phong trong cách ăn mặc này, hay cố gắng tạo nên một chuẩn mực bứt phá mới; nhưng, Katharine Hepburn đã trở thành hình mẫu lý tưởng – truyền cảm hứng cho các nhà thiết kế như Giorgio Armani, Stella McCartney và Gianfranco Ferré sau này.
Stormé DeLarverie đã phát triển cách ăn mặc lấy cảm hứng từ nam giới vô cùng mạnh mẽ trong kỷ nguyên dân quyền. Tên tuổi DeLarverie gắn liền với những màn biểu diễn drag king huyền thoại. Bà thường xuất hiện trong những bộ vest quá khổ, màu đen sắc lạnh.
“Tất cả những gì tôi phải làm là: làm chính mình, và để mọi người sử dụng trí tưởng tượng của họ” bà nói trong bộ phim tài liệu năm 1987, “Stormé: The Lady of the Jewel Box”. “Mặc đồ giống đàn ông không bao giờ thay đổi tôi. Tôi vẫn là một người phụ nữ”. DeLarverie nổi tiếng là một nhà hoạt động vì quyền lợi của cộng đồng người đồng tính.
Bằng cách vay mượn ngôn ngữ thời trang nam giới, những người phụ nữ này họ tiếp cận được một loại quyền năng vô hình để vượt qua bất bình đẳng.
Khoác lên người trang phục nam giới, phụ nữ không cố gắng giả vờ thành phái mạnh mà chống lại sự đàn áp của xã hội, từ đó tái kiến tạo lại khái niệm nữ tính – vốn được định nghĩa bởi thế giới gia trưởng. Dandyism kết tinh di sản may mặc của người da màu; hơn hết nó là thái độ của lòng can đảm, sự cầu thị tự do, vượt qua mọi định kiến.
Thực hiện Dory