Đôi má hồng “hây hây” qua từng thời kỳ lịch sử
Ngày đăng: 19/04/25
Từ xa xưa đến nay, đôi má ửng hồng luôn có sức hút kỳ lạ. Đằng sau lớp má hồng được hàng triệu tín đồ làm đẹp trên thế giới sử dụng hằng ngày là một hành trình dài, trải qua hàng nghìn năm lịch sử.
Từng đại diện cho phái nam trong những thế kỷ trước, màu hồng đã có hành trình dài trước khi trở thành biểu tượng cho sự nữ tính như hiện nay. Cùng với dòng chảy lịch sử, khi màu hồng dần chuyển dịch từ tủ đồ của các quý ông sang trang phục và bàn trang điểm của phụ nữ, một món mỹ phẩm cũng “lặng lẽ” song hành trong cuộc “di cư” này – má hồng.
Từ phản ứng sinh lý đến đôi má ửng hồng
Charles Darwin từng viết trong cuốn The Expression of the Emotions in Man and Animals:
“Đỏ mặt là biểu hiện kỳ quặc nhất và mang tính biểu hiện nhất trong tất cả các biểu hiện”.
Ông đã dành hẳn một chương để phân tích hiện tượng đỏ mặt như phản xạ sinh lý khi càng cố kiểm soát thì gương mặt lại càng đỏ rực, là những cảm xúc không thể che giấu. Trớ trêu thay, con người đã dành ra hàng thế kỷ để có thể mô phỏng hoàn hảo chính phản ứng không tự chủ ấy…bằng phấn má.
Má hồng qua từng thời kỳ
Thời cổ đại
Trong xã hội cổ đại, con người chủ yếu dựa vào các chất nhuộm từ thực vật và khoáng chất tự nhiên để làm phấn má. Tại Ai Cập, người ta dùng đất son nghiền mịn để tô lên má và môi – tạo nên sắc đỏ tương phản với viền mắt kohl đặc trưng. Tư liệu cổ cho thấy người Hy Lạp đã sử dụng nước ép quả dâu tằm để nhuộm má nhẹ, đồng thời dùng rễ cây Alkanet như một dạng “son thỏi” nguyên thủy. Ngược lại, giới quý tộc La Mã thậm chí kết hợp các hợp chất làm trắng da chứa chì với phấn đỏ vermilion (một dạng bột của khoáng chất cinnabar) để tạo hiệu ứng má hồng. Đáng tiếc thay, cả hai chất nàt đều cực kỳ độc hại và gây tổn hại nghiêm trọng đến làn da của nhiều phụ nữ thời bấy giờ.


Thời Trung cổ
Bước vào thời Trung cổ ở châu Âu, mỹ phẩm không được coi trọng, đặc biệt là má hồng. Làn da nhợt nhạt trở thành chuẩn mực cái đẹp của tầng lớp thượng lưu, trong khi gò má ửng đỏ lại bị gán cho tầng lớp lao động ngoài trời hoặc những người phụ nữ lẳng lơ. Nhiều phu nhân thời bấy giờ đã dùng đỉa để hút máu cho làn da trắng bệch. Tuy nhiên ở thời kỳ này, đôi má có thể được tô điểm bằng nước dâu pha loãng – điểm nhấn “nhẹ nhàng” cho diện mạo nhợt nhạt ấy.
Thế kỷ 15-18
Vào thời kỳ này dần xuất hiện những người phụ nữ tiên phong trong việc làm đẹp, một trong số đó chính là nữ bá tước nổi loạn Caterina Sforza. Dù bận rộn cai trị thành bang, bà vẫn dành thời gian viết cuốn Experimenti – tập hợp các công thức làm đẹp tự chế. Trong đó có hướng dẫn “làm trắng da tay và mặt” bằng nước luộc lá tầm ma, và một công thức má hồng bền màu đến tám ngày bằng cách trộn gỗ đàn hương đỏ với aqua vitae (rượu ethanol) có thể giữ màu đến 8 ngày.

Tại Anh, Nữ hoàng Elizabeth I là người góp phần lan tỏa trào lưu trang điểm mặt trắng bệt với điểm xuyết ánh đỏ nhẹ của má hồng. Tiếc rằng, công thức thời đó lại là “cái bẫy chết người” khi hỗn hợp giữa chì trắng và giấm được quét dày lên mặt như một lớp mặt nạ, hầu như không bao giờ được rửa sạch. Sau đó, lòng trắng trứng sẽ được dùng để phủ lên, tạo hiệu ứng căng bóng tạm thời và làn da bên dưới dần chuyển xám vì thiếu oxy. Dịch bệnh như đậu mùa diễn ra trong giữ thế kỷ 18 khiến phụ nữ phụ thuộc vào lớp bột độc hại này để che đi vết sẹo. Trào lưu thẩm mỹ này cũng lan sang cả triều đình Pháp khi cả nam lẫn nữ đều thay nhau “đắp mặt” bằng phấn trắng, cho đến khi Cách mạng Pháp kết thúc triều đại phong kiến thì kiểu trang điểm này cũng “tàn lụi”.

Thế kỷ 19
Sau “cú sốc” ấy, giới quý tộc Anh thời kỳ Georgian bước vào “kỷ nguyên làm đẹp” nhẹ nhàng hơn. Họ chuộng làn da sáng tự nhiên và đôi má ửng hồng như thiếu nữ chăn bò sữa. Cuốn The Art of Beauty (1825) đã khuyến khích sử dụng các nguyên liệu thực vật như hoa rum, gỗ đàn hương đỏ và carmine (chiết xuất từ côn trùng cochineal, được người Tây Ban Nha mang về châu Âu sau thời kỳ chinh phục châu Mỹ) để tạo nên đôi má hồng ửng đỏ tự nhiên. Đây là loại phẩm màu đỏ đậm, an toàn trên da và đến nay vẫn được sử dụng trong nhiều sản phẩm trang điểm.
Thế kỷ 19-20
Vào thời kỳ này, Nữ hoàng Victoria với quan điểm nghiêm khắc đã tuyên bố mỹ phẩm, trong đó có má hồng là thứ “đáng hổ thẹn” nơi công cộng. Từ đó, việc trang điểm bị xem như chỉ dành cho những cô gái làng chơi. Tuy vậy, nhiều phụ nữ vẫn lén véo má, cắn môi hoặc chấm nhẹ củ dền đỏ trước khi gặp người thương.

Thời kỳ khắt khe đó không kéo dài lâu, đầu thế kỷ 20, các thương hiệu Pháp như Bourjois và Guerlain nhanh chóng đặt nền móng cho một thị trường mỹ phẩm quy mô lớn, trở thành những người tiên phong trong ngành mỹ phẩm hiện đại. Cũng trong giai đoạn này, những cái tên như Max Factor, Elizabeth Arden, Helena Rubinstein, Madame C.J. Walker, Estée Lauder và Revlon cũng phát triển mạnh mẽ và vẫn duy trì sức ảnh hưởng đến tận hôm nay.
Má hồng trước đó được gọi là “rouge” (nghĩa là “đỏ” trong tiếng Pháp) thì nay có đủ dạng từ phấn, kem đến dạng thỏi với tên gọi “blush”. Những cô nàng flapper (tạm dịch: những cô gái trẻ phương Tây) của thập niên 1920 còn dùng má hồng để khoe chân bằng cách thoa má hồng lên đầu gối. Tới những năm 1970–1980, má hồng bùng nổ trở lại với những kỹ thuật tạo khối mới mẻ; từ “blush draping” do Way Bandy thực hiện cho Cher đến kiểu má sắc cạnh trong MV Addicted to Love của Robert Palmer.



Má hồng được hồi sinh mạnh mẽ
Với sự lan toả mạnh mẽ từ TikTok, má hồng đã trở thành chủ đề được hàng triệu người theo dõi. Các trào lưu như sunset blush, sunburn blush hay boyfriend blush lần lượt bùng nổ và chiếm lĩnh mạng xã hội với các hashtag hàng triệu lượt xem.

Không còn giới hạn ở những hộp phấn nén cổ điển, má hồng ngày nay được sản xuất với nhiều kết cấu khác như như kem, gel, tint lỏng, cushion… Nhiều sản phẩm thậm chí được thiết kế 3 in 1, dùng được cho cả mắt – má – môi như một bảng màu mini cho toàn gương mặt, tạo nên sự hài hòa cho tổng thể.
Thực hiện: Amelia
Tham khảo Into The Gloss, allbeauty, BEAUTIFY.TIPS