“Nhà May”: Một danh xưng từ phổ biến đến lỗi thời

Ngày đăng: 30/04/25

“Nhà May” – cách gọi đơn giản nhưng chất chứa cả một hành trình phát triển của ngành may mặc Việt Nam. Dù hiện nay, danh xưng ấy đang dần biến mất – không phải vì lạc thời, mà bởi ngành thời trang đang bước vào một kỷ nguyên mới: nơi thương hiệu được tái định danh và tái định vị.

“Nhà may” là hai tiếng quen thuộc, từng gói ghém cả một thời kỳ vàng son của ngành may mặc Việt Nam. Từ Hà Nội, Huế đến TP.HCM, những tấm biển hiệu như “Nhà may Đức Hạnh”, “Nhà may Minh Tân”, “Nhà may Thiết Lập” không chỉ đơn thuần là tên tiệm, mà còn là biểu tượng của tay nghề, sự chỉn chu và niềm tin được vun đắp qua từng đường kim mũi chỉ.

Thời gian trôi, thị trường thay đổi, thời trang Việt bước sang chương mới, nơi thương hiệu không còn là tên người thợ đứng sau quầy may, mà là cả một hệ sinh thái hình ảnh, câu chuyện và phong cách sống. Danh xưng “nhà may” dần lui vào hậu cảnh. Không phải vì lỗi thời, mà vì nó đang chuyển mình, để sống tiếp trong một hình hài khác.

Ảnh: Flickr/SashaPopovic.

“Nhà May” – Hai tiếng gọi thân thuộc

“Nhà may” là cách gọi truyền thống để chỉ các cơ sở chuyên may đo trang phục theo yêu cầu của từng khách hàng. Đây không chỉ là nơi sản xuất quần áo, mà còn là không gian nơi người thợ may đóng vai trò như một nhà thiết kế cá nhân, người tư vấn phong cách, và đôi khi là người truyền cảm hứng về cái đẹp.

Hiệu may gia truyền Vinh Trạch và Đức Trạch của người làng Trạch Xá, trên phố Lương Văn Can. Nguồn: thanglong.chinhphu.vn.
Nhà May Thiện Thưởng Sài Gòn xưa với bảng hiệu thủ công và phông chữ vintage vẽ tay. Ảnh: Tri Thức Trẻ.

Từ “nhà may” trong tiếng Việt là sự nội địa hóa khái niệm “tailor” có nguồn gốc từ tiếng Pháp (tailleur) và tiếng Latin (taliare, nghĩa là “cắt ra”). Cái nôi đầu tiên của nghệ thuật may đo “tailoring” nằm ở Anh quốc, nơi các thợ may đã nâng việc may mặc lên thành một chuẩn mực thẩm mỹ. Quan trọng nhất trong tailoring chính là sự vừa vặn: từng đường cắt, nếp gấp, chất liệu, màu sắc đều được hoàn thiện để tôn lên cá tính và vóc dáng của từng người mặc. Chính vì thế, thời trang tailor không đơn thuần là một ngành nghề, mà là nghệ thuật “thiết kế cho một cá thể duy nhất”.

Nhà may Vinh Trạch nép mình trên phố Lương Văn Can, Hà Nội. Nguồn: hoatienquan.

Trong bối cảnh đó, “nhà may” ở Việt Nam không chỉ là nơi cắt may, mà từng là biểu tượng của sự chỉnh chu, cá nhân hoá và gắn với tầng lớp có điều kiện trong giai đoạn đầu. Tuy nhiên, theo thời gian, mô hình nhà may dần trở nên phổ biến hơn, phục vụ cho cả những người bình dân trong xã hội. Sự lan tỏa ấy không làm giảm đi giá trị của nhà may, mà ngược lại, càng cho thấy vai trò quan trọng và bền vững của nó trong đời sống thường nhật.

Thời hoàng kim nhất của Hồng Ngọc, hàng loạt cửa hàng ra đời ở các phố trung tâm Hà Nội như Hai Bà Trưng, Nguyễn Thái Học và các tỉnh thành lớn trong cả nước. Nguồn Veston Hồng Ngọc.

Danh xưng đại diện cho chất lượng & uy tín

Từ nửa đầu thế kỷ 20 đến trước thời kỳ Đổi mới (khoảng 1930–1986), “nhà may” là điểm đến quen thuộc và đáng tin cậy của người Việt. Khách hàng đến không chỉ để may một bộ đồ, mà để gửi gắm vào đó cả thẩm mỹ cá nhân, niềm tin vào tay nghề, và đôi khi là một sự kiện quan trọng trong đời. Cách đặt “Nhà May + Tên riêng” không chỉ là cách định danh, mà là cam kết: người thợ đứng tên sẵn sàng gánh vác danh tiếng bằng chính đôi tay mình.

Những tiệm may của Sài Gòn xưa với bảng hiệu viết tay thủ công. Do ảnh hưởng của thời kì, họ sử dụng Tailor hoặc Tailleur thay vì để tiếng Việt Nhà may hay Tiệm may

Trong khoảng những năm 1930 – 1950, để biết nhà may nào xuất thân từ làng Cựu (thuộc xã Vân Từ, huyện Phú Xuyên, Hà Nội), người ta có thể nhìn vào biển hiệu có chữ “Phú” hoặc “Phúc”, như Phú Mỹ, Phú Long, Phú Cường, Phú Hải, Phúc Duyên, Phúc Thành… Đến thời nay, hiệu may Phú Cường ở số 10, phố Hàng Trống đã trải qua 4 đời nhưng vẫn còn giữ lại tên cũ nếp xưa với truyền thống nổi tiếng nghề may comple, veston.

Những người thợ may tại làng Cựu. Ảnh: Vietnamnet.
Quảng cáo may âu phục của các hiệu may Phúc Duyên, Phú Long, Vạn Phúc. Hiệu Phúc Duyên ở 163, đường Catinat (Saigon) giới thiệu rằng “mấy ông mấy thầy sẽ được vui lòng đẹp ý vì những tay thợ đều là thợ đã lựa ở ngoài Bắc đem vô”. Nguồn: baochi.nlv.gov.vn/Nguoiraobaocu

Ở Hà Nội, từ những năm 1950 có nhà may Đức Hạnh chuyên về quần áo trẻ em, từng là niềm mơ ước của biết bao gia đình. Mỗi sản phẩm được thêu tay, lựa chọn chất vải cẩn thận, bền đến mức được truyền qua nhiều thế hệ sử dụng. Người sáng lập, bà Trần Thức Lễ, không chỉ là thợ may mà còn là nghệ nhân – người kiểm soát mọi chi tiết, từ mẫu rập đến mũi chỉ cuối cùng.

Cửa hiệu quần áo trẻ em Đức Hạnh, ở số 21 Hàng Trống, ra đời từ năm 1950 và vẫn còn tồn tại đến ngày nay (chuyên kinh doanh đồng phục học sinh). Cạnh bên là hiệu may Phúc Hưng. Nguồn: Đức Hạnh 1950.
Nhiều người vẫn nhớ bà Trần Thức Lễ, với một tấm lòng tâm huyết với nghề, yêu quý trẻ thơ.

Tại Huế có nhà may áo dài Minh Tân, do nghệ nhân Nguyễn Văn Song sáng lập từ năm 1955, nổi tiếng suốt hơn nửa thế kỷ với phong cách áo dài chuẩn mực, mang vẻ đẹp tinh tế đặc trưng xứ mộng mơ. Đến nay, ở tuổi 89, ông vẫn ngày ngày trung thành với triết lý: “Tà áo dài phải úp đều, không được đánh vồng, và từng đường kim mũi chỉ đều phải sắc sảo”. 

Năm 1953, nhà may Thiết Lập ra đời trên đường Pasteur Sài Gòn với thế mạnh cắt may áo dài được phụ nữ Sài Thành ưa chuộng. Những chiếc áo dài của Thiết Lập được cắt may tỉ mỉ và công phu tôn lên nét duyên dáng, nền nã của người phụ nữ, cộng với biệt tài chít ben tạo dáng eo con kiến giúp nhà may của ông bà Bắc nhanh chóng nổi lên như một hiện tượng.

Nhà May Thiết Lập 1953

Những nhà may như Atelier Cao Minh ở Sài Gòn hay Chương Tailor cũng tương tự – không chỉ may đồ, mà may cả niềm tin và phong cách sống cho khách hàng. 

Ông Lý Minh, chủ hiệu may Cao Minh, may vest cho Đại tướng Võ Nguyên Giáp – Ảnh tư liệu. Nguồn phunuonline.com.vn.

Bước vào thời kỳ Đổi mới từ năm 1986, bối cảnh kinh tế thị trường đã làm thay đổi sâu sắc ngành may mặc: xưởng gia công mọc lên, hàng may sẵn phổ biến, và mô hình “nhà may” dần thu hẹp vai trò truyền thống. Danh xưng ấy dần nhường chỗ cho một khái niệm mới: thương hiệu

Khi “Nhà May” không  đủ để gọi tên một thương hiệu

Chính sự chuyển dịch này phản ánh một thay đổi căn bản trong hệ giá trị và cấu trúc ngành. Nếu như trước đây, “nhà may” là nơi thể hiện kỹ thuật cá nhân, tay nghề và mối quan hệ trực tiếp với khách hàng, thì một thương hiệu thời trang hiện đại là thực thể phức hợp hơn nhiều. 

Trong thời đại kỹ thuật số, hành vi tiếp cận thương hiệu của người tiêu dùng cũng thay đổi đáng kể. Khi truy cập vào một thương hiệu thời trang, yếu tố giữ chân khách hàng ngoài trang phục hay danh tiếng của người sáng lập, còn có hình ảnh campaign, cách styling, người mẫu, biểu cảm (posing), thậm chí là cách sắp xếp feed. 

Ảnh: Kilomet109.

Điều này cho thấy: một thương hiệu thời trang ngày nay không còn gói gọn trong câu chuyện cắt may, mà là tổng hòa của rất nhiều kỹ năng và bộ phận – từ thiết kế, nhiếp ảnh, truyền thông, dịch vụ khách hàng đến chiến lược nội dung. 

Trong bối cảnh đó, biển hiệu “nhà may” gỡ xuống, chọn tên rút gọn, logo hóa, theo hướng toàn cầu hơn.

Từ “nhà may” vẫn còn, nhưng đã thu hẹp vai trò. Việc chủ động rũ bỏ danh xưng này là cách nhiều thương hiệu hiện đại tái định vị chính mình, để thích ứng và bứt phá trong một thời đại liên tục thay đổi.

Khi “Nhà May” chuyển mình: Từ cá nhân hóa đến nhận diện thương hiệu

“Nhà may” có thể lui vào hậu cảnh, nhưng tinh thần của nó không biến mất. Một số người nhìn thấy làn sóng đổi thay và chọn trở thành kẻ tiên phong. Như nhà sáng lập Veston Hồng Ngọc, ông Nguyễn Ngọc Chất đã nâng cấp tiệm may thành một thương hiệu veston cao cấp, mạnh dạn quảng bá trên truyền hình với câu khẩu hiệu: “Niềm đam mê của mọi thời đại”. Một quyết định đầy liều lĩnh vào thời điểm quảng cáo truyền hình vẫn còn xa lạ với phần lớn người tiêu dùng Việt.


Ở Sài Gòn năm 1991, NTK Thúy Nga đưa tư duy phương Tây vào từng thiết kế, và một năm sau cô chuyển sang mô hình kinh doanh hàng may sẵn, đặt nền móng cho Thuy Nga Design – boutique cao cấp phục vụ giới doanh nhân.

“Nhà may” từng là tên gọi gắn chặt với người thợ, với di sản tay nghề và mối quan hệ cá nhân nhưng khi bước vào kỷ nguyên mới, mọi thứ thay đổi. Những thương hiệu thời trang Việt Nam được xây dựng bài bản hơn, có tên gọi riêng, câu chuyện riêng và tập khách hàng cụ thể. Đây là bước tiến từ sản xuất đơn lẻ sang tư duy làm thương hiệu.

Chính từ giai đoạn này, cách đặt tên cũng chuyển mình mạnh mẽ. Nếu như trước kia, thương hiệu gắn với tên cá nhân như một lời cam kết, thì giờ đây, tên gọi mang tính gợi mở được xem như chiếc cầu nối giữa thương hiệu và cảm xúc người tiêu dùng. Cách đặt tên mới không chỉ giúp thương hiệu định hình bản sắc, mà còn tạo nên câu chuyện, khơi gợi trải nghiệm và xây dựng cộng đồng khách hàng theo phong cách sống.

Ảnh: Cao Minh Saigon.

Thế hệ local brand hiện nay không đặt tên theo công thức “người + nghề”, mà chọn những từ ngữ mang tính gợi mở, giàu tính biểu tượng và dễ nhận diện thị giác.

Ban đầu, những cái tên quen thuộc với thế hệ 8x, 9x như Ninomaxx, Blue Exchange, Yame, BOO là những thương hiệu mang đến cảm giác năng động, tự do, đậm chất đô thị. Ở phân khúc công sở, Ivy Moda, Elise, NEM, D.CHIC tạo dựng hình ảnh người phụ nữ thành thị hiện đại: thanh lịch và thực tế.

Từ cuối những năm 2000, những cái tên như PUSW manh nha mở đường cho phong trào thời trang đường phố nội địa. Đến giữa những năm 2010, thế hệ local brand như BOBUI (2014), 5THEWAY, SWE, DirtyCoins… tiếp nối và định hình rõ hơn diện mạo của streetwear “made in Vietnam”, thoát khỏi cái bóng hàng nhập khẩu và tạo ra nền văn hóa thời trang bản địa đầu tiên cho giới trẻ thành thị.

Đến thời kỳ hậu đại dịch, thế hệ creative local brand ra đời. Thoát khỏi hình hài áo in graphic hay cái mác đồ gia công, các thương hiệu như Kilomet109, Subtlelenguyen, Gia Studios, La Lune… đã kiến tạo những bản sắc độc lập, sở hữu ADN sáng tạo riêng, đưa thời trang Việt “sánh vai với các cường quốc năm châu”.

Cùng với tên gọi, logo cũng đóng vai trò quan trọng để nhận diện thương hiệu. Không còn bảng hiệu thủ công hay slogan, logo ngày nay tối giản, có khả năng hiện diện từ nhãn mác, túi giấy, đến màn hình điện thoại.

Kết

Câu chuyện đặt tên, tưởng nhỏ, nhưng lại là dấu gạch đầu dòng quan trọng trong hành trình chuyển mình của ngành thời trang Việt. Từ người thợ thủ công đến nhà thiết kế, từ tiệm may góc phố đến thương hiệu cạnh tranh quốc tế – tất cả bắt đầu bằng một cái tên. Người tiêu dùng hiện đại ít khi hỏi: ai là người cắt chiếc áo này? Họ hỏi: thương hiệu đó kể câu chuyện gì, tạo ra giá trị gì, và có khiến tôi trở thành phiên bản tốt hơn của mình không?

Vì thế, danh xưng “Nhà May” có thể lùi về sau nhưng tinh thần thủ công, sự chuẩn mực, sự bền bỉ, vẫn là xương sống cho mọi thương hiệu nội địa nếu muốn đứng vững. Trong mỗi local brand hiện đại, nếu lắng nghe kỹ, ta vẫn có thể nghe thấy âm vang của một “nhà may” nào đó từng đặt nền móng cho ngành may mặc Việt Nam thăng hoa như hôm nay.

Ở một quốc gia có nền tảng gia công mạnh mẽ như Việt Nam, nơi hàng trăm nghìn lao động đang tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu, việc chuyển mình từ dịch vụ may đo truyền thống sang thương hiệu thời trang là con đường tất yếu nếu muốn nâng tầm giá trị. Tên gọi và cách định danh thương hiệu đóng vai trò chiến lược trong hành trình đó. Một cái tên đủ gợi mở, logo đủ tinh giản, ngôn ngữ thương hiệu đủ nhất quán – chính là bộ công cụ tối thiểu để một brand Việt Nam có thể bước ra thế giới, cạnh tranh trong hệ sinh thái thương hiệu quốc tế.

Việc bỏ chữ “Nhà May” không phải chối bỏ truyền thống, mà là cách để viết tiếp di sản ấy bằng một hình hài mới: toàn cầu hơn, chuyên nghiệp hơn, và nhiều cơ hội hơn.

 

Thực hiện: Linhcat

Nguồn tham khảo: Nhịp Sống Hà Nội, Tri Thức Trẻ, VOV, Forbes, phunuonline.com, baochi.nlv.gov.vn, Veston Hồng Ngọc, Anna Võ, GIA Studios, Subtle Le Nguyen, Kilomet109, La Lune.