Thời trang phim truyền hình Việt Nam bỏ lỡ hào quang của chính mình

Ngày đăng: 01/05/25

Không như Hàn Quốc, Trung Quốc hay Hoa Kỳ, dù được đầu tư tỉ mẩn từ kịch bản đến hậu kỳ nhưng không hiểu vì sao Việt Nam vẫn mất hút trên cuộc đua “thời trang phim truyền hình”.

Từ những ngày đầu định hình, hai ngành công nghiệp tỷ đô điện ảnh và thời trang đã đi đôi với nhau, tương trợ nhau để phát triển. Vượt xa lớp phục trang tô điểm cho vẻ ngoài của diễn viên, ngôn ngữ thời trang còn được xem là “chất keo” kết dính tính cách cũng như thế giới nội tâm của nhân vật. Quyền năng của thời trang còn mở ra cánh cửa dẫn lối người xem bước vào không gian ảo mộng, để họ tương tác, phân tích và hiểu được hết tâm tư của các nhân vật hư cấu. Không phát ra bất kỳ thanh âm nào, nhưng chỉ bằng vải vóc, hoa văn, màu sắc, và cả các khuôn mẫu phom dáng, thời trang có thể đưa hình ảnh nhân vật trong phim ảnh khắc ghi sâu trong tâm trí người xem. 

Phim điện ảnh “Gái Già Lắm Chiêu 5”

Trong kinh doanh thời trang, cuộc gặp gỡ của hai ngành công nghiệp sáng tạo này chính là vùng đất màu mỡ để phát triển chiến lược quảng cáo. Với độ phủ sóng quy mô tầm cỡ, thu hút số lượng đông đại chúng với mọi lứa tuổi người xem, cơ hội hợp tác với các bộ phim điện ảnh lẫn truyền hình giúp các thương hiệu mở rộng quy phạm tiếp cận đến tệp khách hàng lý tưởng của mình một cách nhanh hơn, dễ dàng hơn và đảm bảo hiệu quả nhất. Phim ảnh khiến kho di sản trăm năm của các nhà mốt đình đám bỗng trở nên gần gũi với khán giả, thay vì xa hoa khó chạm đến. Điều này lại trùng khớp hoàn hảo với chiến lược “trẻ hoá” được nhiều thương hiệu nổi tiếng áp dụng ngày nay. 

Phim điện ảnh “Tháng năm rực rỡ”

Sự giao thoa giữa phim ảnh và thời trang đồng thời còn mở ra không gian tương tác đa chiều cho người xem. Bởi lẽ, khi cốt truyện, âm thanh, hiệu ứng kỹ thuật và hình tượng nhân vật được kết hợp nhuần nhuyễn, người xem có cơ hội tìm hiểu và trải nghiệm sản phẩm cũng như di sản thương hiệu. Đánh vào tâm lý, mong muốn “đẹp như trên phim” của nhiều khách hàng, nhiều thương hiệu đã thành công đưa sản phẩm của mình len lỏi vào cuộc sống thực tế.

Ví dụ, kết hợp với bộ phim “Barbie” cùng làn sóng xu hướng “Barbie-core” Chanel biến những bộ suit váy màu hồng mộng mơ của mình trở thành niềm khao khát của mọi thiếu nữ. Sau thành công của bộ phim “Wicked”, nữ ca sĩ Ariana Grande tăng độ nhận diện cho hai sắc màu xanh lá – hồng (đại diện cho tình bạn giữa nhân vật Glinda và Elphaba) qua dòng sản phẩm r.e.m beauty  phiên bản giới hạn. Từ phim ảnh, thời trang bước vào đời sống của người xem một cách dễ dàng hơn. 

Phim điện ảnh “Người Vợ Cuối Cùng”

Trong dòng chảy lịch sử phim ảnh của Việt Nam, không ít bộ phim đạt độ rating cao về nội dung lẫn sự đầu tư về mặt hình ảnh lẫn trang phục. “Cô Ba Sài Gòn”, “Gái Già Lắm Chiêu”, “Mỹ Nhân Kế”, “Tháng Năm Rực Rỡ”, “Người Vợ Cuối Cùng”…đều là những tác phẩm khiến khán giả xao xuyến không chỉ bằng tình tiết gay cấn mà còn bằng hồi ức thời trang Việt được hồi sinh uyển chuyển trên những thước phim. Tuy nhiên, cuộc hội thoại giữa thời trang phim ảnh chỉ sôi động ở dòng phim điện ảnh; trong khi phim truyền hình thì lặng lẽ “rời khỏi cuộc trò chuyện”. 

K-Drama hay những bộ phim ngôn tình Trung Quốc nổi tiếng với những màn ghi danh vẻ vang trên bản đồ thời trang. Từ cổ trang cho đến mảng phim hiện đại, thành công đó không đơn thuần là trang phục đẹp nữa, mà còn là bản tuyên ngôn về tiếng nói của thời đại, nhưng không quên bảo tồn cốt hồn bản sắc dân tộc. Bản tuyên ngôn đó tốn không ít “giấy bút” phân tích của báo chí truyền thông. Điểm sáng này chính là điều mà thời trang phim truyền hình của Việt Nam đã bỏ lỡ. Việt Nam có hàng loạt tác phẩm phim truyền hình được khán giả hưởng ứng nhiệt thành, nhưng tiếng vang đó được tạo trên mảng nội dung, trong khi thời trang lại “mất tích”. 

Vấn đề nằm ở đâu?

Thiếu hụt stylist chuyên nghiệp hoặc không thực sự đề cao vai trò của họ, không đủ kinh phí, cách thực thi rập khuôn, là những thách thức lớn mà thời trang truyền hình Việt gặp phải. 

Vai trò của stylist bị lãng quên

Khác với phim điện ảnh, stylist Việt Nam hầu như không thực sự được tỏa sáng trên các phim trường làm phim truyền hình. Thay vào đó, trách nhiệm chuẩn bị trang phục được giao phó hoàn toàn cho các diễn viên. Trong giai đoạn tiền kỳ của một dự án phim, các diễn viên sẽ có thời gian làm việc với đạo diễn, giám đốc hình ảnh cũng như giám đốc sản xuất để thống nhất về hình mẫu nhân vật từ trang phục cho đến các layout trang điểm.

Việc này có thể giúp được đội ngũ tiết kiệm chi phí sản xuất như nó khiến chất lượng của phục trang không đồng đều. Đối với các diễn viên, ngoại hình chỉn chu là điều tối quan trọng; nhưng không phải người nghệ sĩ nào mẫn cảm với nghệ thuật và cái đẹp cũng sở hữu thẩm mỹ thời trang ấn tượng, cũng như mang tính ảnh hưởng cao.

Ví dụ, trong bộ phim truyền hình “Hương vị tình thân”, tạo hình của Phương Oanh (do nữ diễn viên tự chuẩn bị) nhận lại không ít lời bình phẩm tiêu cực như lộn xộn, xuề xoà thậm chí là được phối khó hiểu. Đích thân Phương Oanh đã giải thích rằng do nhân vật trong phim trải qua cuộc sống khó khăn, phải trả nợ cho cha mẹ, nên trang phục cũng có phần “khiêm tốn” hơn; dẫu vậy, người xem vẫn chưa thể đồng cảm với nữ diễn viên. Nếu so với các hình tượng nhân vật tương tự của phim hoa ngữ như Ôn Dĩ Phàm (Khó Dỗ Dành) hoặc K-Drama như Ae Sun (Khi cuộc đời cho bạn quả quýt), Việt Nam vẫn bị “thụt lùi” trên đường đua. 

Tạo hình của Phương Oanh trong “Hương vị tình thân”

Không có stylist riêng còn dẫn đến tình trạng hình ảnh của các diễn viên trong xuyên suốt không đảm bảo được sự đồng nhất. Công việc chuẩn bị trang phục của stylist không đơn thuần chỉ là “chọn bừa”, mà là một chiến lược được lên kế hoạch tỉ mỉ; trong đó, trang phục sẽ trở thành công cụ để thế giới nội tại của nhân vật được bộc lộ. Màu sắc, kiểu dáng, hoạ tiết trên trang phục được cài cắm các thông điệp ẩn ý của bộ phim, ý đồ của đạo diễn, thể hiện tâm trạng chủ đạo của từng phân cảnh, cũng như phản ánh dòng chảy của từng thời đại. Công việc phức tạp của stylist đòi hỏi một “cái đầu lạnh”; song, khi được giao phó cho các diễn viên, nó trở nên bản năng hơn rất nhiều. Từ đó, thẩm mỹ của phim không còn chất lượng như ban đầu. 

Tuy nhiên, chúng ta vẫn có một bộ phim truyền hình Việt được đầu tư về mặt trang phục không kém phần quy mô như Hướng Dương Ngược Nắng, 11 Tháng 5 Ngày, Thương Ngày Nắng Về với Khúc Mạnh Quân giữ vai trò làm stylist.

Lỡ mất cơ hội “vàng”

Cho đến nay, kinh phí vẫn là thách thức lớn của nhiều nhà làm phim Việt Nam. Để tối ưu chi phí sản xuất, thời trang và phục trang là một trong những mảnh được cắt giảm. Trong khi đó, ở Hàn Quốc, Trung Quốc, và châu Âu, “bài toán” này được giải bằng sự đồng hành và tài trợ của các thương hiệu nổi tiếng của thị trường nội địa lẫn thế giới. Tuy nhiên, ở Việt Nam, mối liên giao giữa thời trang và phim truyền hình lại không mở ra sân chơi cho nhiều thương hiệu.

Thời trang Việt đang trên đà phát triển với nhiều thương hiệu đầy tiềm năng, cũng không thiếu các nhà thiết kế “cây đà cây đề”; nhưng thật đáng tiếc, những ngôi sao sáng đó không có quá nhiều sân chơi để thể hiện bản sắc độc bản. Tại đây, vai trò của stylist được đề cao. Họ được xem là cầu nối để đưa các thương hiệu toả sáng trên “phim trường”. Nhờ sự lựa chọn tỉ mẩn của họ, đã có nhiều thương hiệu trở thành hiện tượng của đại chúng sau nhiều lần xuất hiện trong các bộ phim mang tính biểu tượng. Chúng ta có nữ nhà báo Carrie Bradshaw trong “Sex and The City” biến chiếc túi baguette của Fendi trở thành di sản vĩnh cữu. Nhưng ở Việt Nam, hiếm có tác phẩm truyền hình nào làm được những kỳ tích đó. 

Tạo hình của cặp nhân vật chính trong phim “7 Năm Chưa Cưới Sẽ Chia Tay” được đánh giá tích cực

Cách làm thời trang rập khuôn 

Thời trang trong phim ảnh hiện thân cho nhân vật: lấy nội tại làm ngòi bút để phác hoạ nên hình tượng bên ngoài. Trong mảng phim điện ảnh, Việt Nam làm rất tốt việc này; tuy nhiên, nhiều đội ngũ sản xuất phim truyền hình lại thực thi điều này khá sơ sài và rập khuôn theo các quy chuẩn thời trang truyền thống, có phần lỗi thời.

Trong bộ phim “Cây Táo Nở Hoa”, sự bướng bỉnh, nổi loạn và tính cách khó ưa của nhân vật phản ánh rõ nét trên những bộ trang phục màu mè, được phối lố lăng; thậm chí khó hiểu. Có thể dễ dàng nhận thấy vẻ ngoài của Báu trong phim được xây dựng theo phong cách maximalism; nhưng nó được diễn giải lỗi mốt, như hệt bị mắc kẹt ở những năm 2010s, mặc dù phim được ra mắt vào năm 2021. Nếu vào vai nữ nhân viên văn phòng, hình tượng nhân vật sẽ được điểm xuyết bằng những bộ vest được cắt may theo kiểu cũ như quần ống bó, áo vest siết eo,…Trong khi, nếu là kỹ sư điện như Phương Nam trong “Hương Vị Tình Thân”, trang phục của nhân vật có phần xuề xoà, và mất luôn thẩm mỹ hoàn hảo ban đầu. 

Trong khi cộng đồng thời trang Việt bị chi phối bởi các xu hướng thời thượng (micro-trend), giới trẻ Việt ngày nay cũng không bỏ sót nhịp đập vào của dòng chảy xu hướng đương đại. Tuy nhiên, các ấn phẩm truyền hình – những thước phim gắn liền với đời sống thực lại phản ánh chậm chạp một cách vô cùng vô lý. Khi thời trang không bắt kịp dòng chảy xu hướng đương đại, tất nhiên các tác phẩm phim ảnh truyền hình không thể trở thành dấu ấn “đậm đà”, và độ khuếch tán cũng chẳng thể mở rộng ra ngoài phạm vi thế giới. 

Tuy nhiên, khi nhìn lại các bộ phim truyền hình vào những năm 2000, Việt Nam làm rất tốt điều này. Từ “Tuyết Nhiệt Đới”, “Bỗng Dưng Muốn Khóc”, cho đến “Vòng Xoáy Tình Yêu”, những bộ phim “vang bóng một thời” để lại ấn tượng sâu sắc trong lòng khán giả một phần là nhờ vào ngôn ngữ thời trang gần gũi với đại chúng lúc bấy giờ. Bức tranh thời trang sống động vào thập niên 00 ở Việt Nam hiện thân rõ nét trên từng thước phim.

Lỡ nhịp trên dòng chảy văn hoá và lịch sử

Là những tác phẩm phim ảnh dành cho đại chúng, tiếp cận và có thể thay đổi nhận thức của số đông người xem, thời trang phim truyền hình phải được đầu tư kỹ lưỡng và bài bản. Đối với thể loại phim cổ trang, công đoạn tiền kỳ này cần được thực thi cẩn thận hơn gấp bội.

Tuy nhiên, trong phim truyền hình Việt, “miền đất sử thi” đó lại được khai thác khá hời hợt. Có thể dễ dàng nhận ra phim cổ trang không phải là thế mạnh của Việt Nam. Những bộ phim truyền hình cổ trang Việt hoặc liên quan đến văn hoá dân tộc thường mắc nhiều lỗi ở phần trang phục. Năm 2018, “Hậu duệ mặt trời” bản Việt gây thất vọng cho người xem với phần lỗi về trang phục, tư thế, quân hàm của quân nhân. Năm 2024, “Đi giữa trời rực rỡ” cũng để lại luồng tranh cãi dữ dội vì sự lựa chọn trang phục sai lệch với truyền thống, văn hoá của người dân tộc Dao.

Trong những dự án này, khâu trang phục phải trở thành những yếu tố được ưu tiên hàng đầu, phải được nghiên cứu bài bản. Bởi lẽ, nó không dừng lại ở phạm quy quần áo nữa mà phải liên kết với văn hoá, lịch sử và con người. 

Thực hiện Dory