Những người phụ nữ qua lăng kính của 2 đạo diễn đại tài: Ozu và Kore-eda

Ngày đăng: 04/05/25

Nhìn, ngắm, nhớ và thêm yêu những người phụ nữ ta yêu qua góc máy đại tài của hai thế hệ đạo diễn: Ozu và Kore-eda.

Nhật Bản hiện lên trong tâm trí nhiều người như một thế giới trật tự, ngăn nắp, đầy nghi lễ, truyền thống và sự tiện lợi vượt bật. Mỗi khi ai đó bắt đầu kể về vẻ đẹp của xứ sở mặt trời mọc, những chuyến tàu Shinkansen chính xác đến từng giây, bữa ăn được bày biện như một nghi lễ, phim của Kore-eda lại được đặt vào cuộc trò chuyện của những người yêu phim. Qua góc máy Kore-eda là những câu chuyện hiện đại, rối rắm, những con người sống trong những căn nhà nhỏ, bừa bộn, đầy cảm xúc chất chồng, cố gắng giải những bài toán không hề xa lạ với cuộc sống của chính chúng ta.

Ảnh: Our Little Sister 2015.

Kore-eda đưa người xem bước vào những căn nhà nhỏ, bừa bộn, nơi ký ức, trách nhiệm và yêu thương luôn xếp chồng lên nhau như những chiếc hộp không nắp. Ông kể lại những câu chuyện hiện đại bằng thứ ngôn ngữ điện ảnh giản dị mà day dứt, nơi những đứa trẻ bị bỏ rơi, những gia đình tan vỡ, những mối quan hệ mong manh đều không được giải quyết bằng cao trào, mà bằng sự chấp nhận. Từng khung hình của Kore-eda gợi nhắc đến cụ Ozu, nhưng chất phim của ông lại neo vào hiện thực nhiều bất an hơn.

Ozu Yasujiro, bậc thầy của sự tĩnh lặng, từng nói: “Tôi chỉ muốn làm một khay đậu phụ thật ngon. Nếu ai đó muốn món khác, họ nên tìm kiếm tại nhà hàng hay cửa hàng” (I just want to make a tray of good tofu. If people want something else, they should go to the restaurants and shops).

Điện ảnh của ông như một nghi thức thiền, nơi mỗi cú máy thấp ngang tầm chiếu tatami, mỗi khung hình tĩnh như tranh, mỗi khoảng lặng đều mang ý nghĩa. Nhưng ẩn sau vẻ ngoài trật tự ấy là những thứ xung đột âm thầm: cha và con, truyền thống và đổi thay, thời gian và sự chia ly. Những vết nứt nhỏ trong thế giới của Ozu không bùng nổ mà lan rộng – như một vết nứt trên bề mặt gốm sứ kintsugi, nơi cái đẹp nằm chính trong những vết hàn.

Ảnh: Late Spring 1949.

Điều đặc biệt nối liền hai đạo diễn cách nhau hơn nửa thế kỷ chính là sự quan tâm lặng lẽ nhưng bền bỉ dành cho thế giới phụ nữ -điều mà không nhiều đạo diễn nam có thể làm và làm tốt. Cả Ozu và Kore-eda đều lắng nghe, quan sát và trân trọng những mối quan hệ giữa mẹ và con gái, giữa chị em, giữa những người phụ nữ sống cùng mái nhà qua nhiều thế hệ. Nếu Late Autumn (1960) của Ozu là bản giao hưởng nhẹ buồn về người mẹ góa chồng và nỗi cô đơn âm thầm trong những kỳ vọng hôn nhân, thì Our Little Sister (2015) của Kore-eda lại là bài thơ về sự nâng đỡ giữa ba chị em và cô em gái cùng cha khác mẹ.

Ở họ, phụ nữ không còn là nhân vật phụ trong những câu chuyện của đàn ông. Họ được khắc họa như những con người trọn vẹn, với khao khát, tổn thương và phẩm giá riêng, không bị lọc qua lăng kính của cái nhìn nam giới, mà được kể lại bằng sự thấu hiểu. Chính điều ấy khiến cho điện ảnh của Ozu và Kore-eda trở thành những lát cắt quý giá, để hiểu nước Nhật, hiểu sự dịu dàng, đôi khi mâu thuẫn, trong bản chất con người.

Late Autumn (1960, directed by Yasujirô Ozu)

Trong sắc thu nhàn nhạt của Tokyo, Late Autumn mở ra bằng một nghi lễ giỗ đầu giản dị, nơi người vợ góa Akiko và cô con gái Ayako tưởng niệm người chồng/người cha đã khuất. Bộ phim là một biến tấu dịu dàng từ Late Spring (1949) với cùng chủ đề gia đình, hôn nhân và hy sinh, nhưng lần này, ông thay người cha bằng người mẹ, kể câu chuyện trong chiều sâu nữ tính hơn. Trong Late Autumn, Akiko là một người mẹ, là biểu tượng của thế hệ phụ nữ Nhật sau chiến tranh: kỷ luật. mạnh mẽ và cam chịu.

Ba người bạn cũ của người chồng quá cố giờ trở thành những “ông mối”, tìm cách gả Ayako để cô yên bề gia thất. Nhưng ẩn sau sự nhiệt tình ấy là ánh nhìn lưu luyến dành cho Akiko – người phụ nữ dịu dàng vẫn giữ vẻ đoan trang như thể thời gian chưa từng chạm tới. Họ bàn bạc, tính toán, sắp đặt cuộc hôn nhân cho con gái của người bạn thân đã mất – cũng là con gái của người phụ nữ mà cả ba cùng vấn vương. Họ tưởng rằng mình đang nắm thế cờ cho cuộc đời cô gái xuân thì. Nhưng chính Ayako mới có thể đưa ra nước cờ cho đời mình.

Khác với những bộ phim cùng thời thường tô vẽ sự lãng mạn hay bi kịch hóa thân phận nữ giới, Ozu qua những khung hình tĩnh, những lời thoại như không và những khoảng lặng đã chạm tới tầng sâu của cảm xúc con người: sự cô đơn, bổn phận, hy sinh và những khoảng trống không lời.

Our Little Sister (2015, directed by Hirokazu Kore-eda) 

Khác với gia đình trong khung hình của Ozu, nơi tình thân lặng lẽ và chỉn chu, Kore-eda nhìn những người phụ nữ cũng dịu dàng, cũng tĩnh tại, nhưng ông neo vào hiện thực bất an hơn. Khi nhìn thấy ánh mắt vừa cứng cỏi vừa cô đơn của Suzu (đứa em cùng cha khác mẹ) trong đám tang người cha đã lâu không gặp, ba chị em như thấy chính mình năm xưa. Đồng cảm, họ mời em về sống cùng trong ngôi nhà nhỏ ở Kamakura.

Chị cả Sachi đã sớm trở thành người thay mẹ lo toan gia đình sau khi cha mẹ rời bỏ ba chị em cô. Cô hiểu rõ thế nào là trưởng thành quá sớm, nên càng thấu cảm với đứa em đang bơ vơ tang cha. Sachi muốn giữ tuổi thơ trong ánh mắt em, như cũng như cứu lấy những gì mình bỏ lỡ.

Câu chuyện mở ra chậm rãi như bước chân vào cánh đồng mùi cỏ non sau mưa – không biến cố, không cao trào. Có bi kịch, nhưng cái bi cũng lặng như gió thoảng. Để câu chuyện gần với đời thật, Kore-eda để cho nỗi buồn ở lại, để từ đó, niềm hạnh phúc nhỏ bé có thể nảy mầm. Xuyên suốt bộ phim, ta thấy những buổi cơm tối, những lần giặt áo mưa, hái mận, đạp xe qua tán cây – những mảnh đời vụn vặt nhưng đầy yêu thương. Chính sự giản dị ấy đã hàn gắn họ. Không phải biến cố, mà chính sự dịu dàng và chấp nhận mới khiến những khung hình nở hoa – như dòng suối âm thầm tưới mát vùng đất khô cằn trong tim những con người khát khao kết nối.

Thực hiện: Lenna