“Made in Vietnam” – Một hành trình đáng tự hào, nhưng chưa đủ

Ngày đăng: 08/05/25

Made in Vietnam” và “Made by Vietnam” – cụm từ ngắn gọn nhưng chứa đựng cả hành trình chuyển mình của ngành thời trang Việt Nam, từ vị trí gia công sang vai trò kiến tạo.

Chúng ta không thể mãi chỉ là nơi sản xuất. Đã đến lúc Việt Nam cần là nơi sáng tạo.

Câu nói này không chỉ đúng với ngành công nghiệp nói chung, mà đặc biệt thấm thía khi đặt trong bối cảnh của ngành thời trang Việt Nam. Suốt hàng thập kỷ, cụm từ “Made in Vietnam” được dán lên hàng triệu sản phẩm may mặc, xuất hiện khắp các thị trường lớn trên thế giới từ New York, Paris cho đến Tokyo. Nhưng đằng sau những nhãn mác đó, phần lớn đều không phải là sản phẩm do người Việt thiết kế hay sở hữu. Việt Nam là công xưởng, nhưng chưa thực sự là người kể chuyện trong chính sản phẩm do mình làm ra.

Ảnh: instagram/anheritage.

Và đây chính là lúc câu hỏi cần được đặt ra nghiêm túc: Việt Nam sẽ tiếp tục là “Made in Vietnam” – nơi gia công? Hay chúng ta sẽ trở thành “Made by Vietnam” – nơi sáng tạo, dẫn dắt xu hướng và tạo dấu ấn riêng trong làng thời trang toàn cầu?

“Made in Vietnam” – Một hành trình đáng tự hào, nhưng chưa đủ

Việt Nam hiện là một trong những quốc gia xuất khẩu dệt may lớn nhất thế giới. Theo Tập đoàn Dệt May Việt Nam (Vinatex), với kim ngạch 44 tỷ USD, tăng 11% so với năm 2023, Việt Nam đứng thứ 2 thế giới về xuất khẩu hàng dệt may, sau Trung Quốc và vượt lên Bangladesh. Các thương hiệu đình đám như Nike, Adidas, Uniqlo, H&M đều đặt nhà máy hoặc gia công tại Việt Nam.

Điều đó chứng tỏ tay nghề, năng suất và quy mô sản xuất của Việt Nam không thua kém ai. Nhưng hãy thử nhìn kỹ một sản phẩm “Made in Vietnam”, ta sẽ thấy hầu hết là thiết kế nước ngoài, chất liệu chọn từ nước ngoài, thậm chí mẫu mã và chiến dịch quảng bá cũng nằm ngoài tay người Việt.

Chúng ta giỏi sản xuất, nhưng lại chưa có tiếng nói trong quá trình tạo ra giá trị, điều vốn là phần “tinh hoa” của một sản phẩm thời trang.

Made by Vietnam – Khi người Việt tạo ra câu chuyện của chính mình

Thế nhưng, câu chuyện đã bắt đầu thay đổi. Những năm gần đây, các nhà thiết kế trẻ Việt Nam, các thương hiệu nội địa bắt đầu dám nghĩ lớn, dám làm mới, dám kể câu chuyện của chính mình qua từng bộ sưu tập. Họ không chỉ đơn thuần làm ra sản phẩm, mà còn tạo ra phong cách, tạo ra xu hướng, tạo ra giá trị văn hóa đậm đà bản sắc Việt.

“Made by Vietnam” chính là khát vọng mà ngành thời trang Việt Nam đang hướng tới. Đó là khi sản phẩm không chỉ được làm ra tại Việt Nam, mà còn được thiết kế, sáng tạo, phát triển bởi chính người Việt. Là khi mỗi chiếc áo, mỗi đôi giày mang trong mình hơi thở của đất nước, của con người, của nghệ thuật và tri thức Việt Nam.

Không thể không nhắc đến những nhà thiết kế như Công Trí, Đỗ Mạnh Cường, Lê Thanh Hòa – những cái tên đã đưa thời trang Việt Nam vươn ra quốc tế với phong cách sáng tạo, đậm chất nghệ thuật và bản sắc dân tộc. Họ chính là minh chứng sống động cho việc Việt Nam hoàn toàn có thể trở thành nơi sáng tạo, không chỉ là nơi sản xuất.

Nhưng sáng tạo thì không bao giờ dễ. Để có một chiếc áo đẹp đã khó, để có một thương hiệu kể được chuyện còn khó gấp nhiều lần.

Những người làm thương hiệu local ở Việt Nam hiểu rõ điều đó. Sản xuất nhỏ lẻ, chi phí cao, nguyên vật liệu khó tiếp cận, thị hiếu tiêu dùng chưa ổn định… Tất cả đều là thách thức. Và có lẽ khó nhất vẫn là giữ được “linh hồn” của thương hiệu khi muốn mở rộng quy mô.

Ảnh: facebook/Le Thanh Hoa.

Thời trang Việt có thể đi tới đâu?

Hãy nhìn Nhật Bản với Comme des Garçons, Hàn Quốc với Gentle Monster, Ấn Độ với các thương hiệu sustainable fashion đang nổi bật. Việt Nam hoàn toàn có thể làm được điều tương tự, thậm chí là độc đáo hơn bởi chúng ta có thừa văn hóa, tài năng và tinh thần chăm chỉ. Điều chúng ta thiếu, có lẽ, chỉ là niềm tin vào giá trị riêng, và dũng cảm để kể câu chuyện của mình trước thế giới.

Vậy Việt Nam có gì để kế, câu trả lời là rất nhiều! Chúng ta có thổ cẩm Tây Bắc, với màu sắc tượng trưng cho bản ngã và thiên nhiên, lụa Hà Đông với chất mềm như nước nhưng dai như sợi dọc thời gian. Ta cũng có kỹ thuật nhuộm chàm, khâu tay, in tay… vẫn tồn tại trong những làng nghề nhỏ. Hoặc áo dài, không chỉ là trang phục mà là biểu tượng. Những điều ấy, nếu được tiếp cận với tư duy đương đại, có thể trở thành nền móng cho một bản sắc thời trang Việt vững vàng và khác biệt.

Điều thời trang Việt cần làm lúc này là tập trung vào giá trị thật: điều gì làm chúng ta khác biệt? điều gì khiến sản phẩm của ta có linh hồn? điều gì mà chỉ người Việt mới có thể tạo ra?

Một bản sắc thời trang không thể vay mượn, không thể sao chép. Nó chỉ có thể được chưng cất từ chính trải nghiệm sống, thẩm mỹ và tư tưởng của con người làm ra nó.

Ngành thời trang Việt Nam đang đứng trước ngưỡng cửa của sự chuyển mình mạnh mẽ. Chúng ta không thể mãi chỉ là nơi sản xuất. Đã đến lúc Việt Nam cần là nơi sáng tạo – đây là lời nhắc nhở mà còn là lời kêu gọi hành động cho tất cả những ai yêu thời trang và muốn thấy Việt Nam vươn lên trên bản đồ thời trang thế giới.

Hãy cùng chờ đợi và ủng hộ những bước đi táo bạo, sáng tạo của ngành thời trang Việt Nam trong tương lai gần, để không chỉ có nhãn “Made in Vietnam” mà còn có niềm tự hào “Made by Vietnam” – sản phẩm của trí tuệ, văn hóa và tâm hồn người Việt.

Thực hiện: Song Uyên