Đẩy mạnh ranh giới nghệ thuật: Valentino bắt tay với điện ảnh tại Liên hoan phim quốc tế Bắc Kinh
Ngày đăng: 06/05/25
DSau nhiều quý ghi nhận mức giảm nhẹ về doanh thu và sự tụt hạng đều đặn trên Lyst Index, gần đây nhất là vị trí thứ 20 trong quý I/2025 đã gióng lên hồi chuông báo động cho Valentino. Trong bối cảnh đó, thương hiệu cần một cú bứt phá thực sự để xoay chuyển cục diện. Bởi lẽ, tâm thế người tiêu dùng đã thay đổi rõ rệt: sự hào nhoáng xa hoa không còn là thước đo của giá trị. Thay vào đó, họ khao khát sự gắn kết cảm xúc và những biểu hiện sâu sắc của bản sắc văn hóa.
Chính sự chuyển biến này đã buộc các nhà mốt xa xỉ phải đối mặt với những câu hỏi hiện sinh, vượt xa phạm vi thẩm mỹ hay công năng sản phẩm. Trong bối cảnh mới, kể chuyện bằng cảm xúc không chỉ là một kỹ thuật truyền thông – mà đã trở thành trụ cột giúp thương hiệu duy trì sức sống. Tiếp thị văn hóa cũng từ một chiến lược bên lề, nay được nâng lên thành nền tảng không thể thiếu trong hành trình phát triển bền vững.
Hiếm có nhà mốt xa xỉ nào có thể “lướt sóng” văn hóa một cách tinh tế như Valentino. Nhà mốt Ý đã mở rộng dấu ấn văn hóa tại Trung Quốc bằng chiến lược kết nối sâu sắc với nghệ thuật điện ảnh – một bước đi được dàn dựng chỉn chu và đầy chủ đích. Mới đây, sự hợp tác giữa Valentino và hạng mục “Forward Future” của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh trong khuôn khổ Liên hoan Phim Quốc tế Bắc Kinh lần thứ 15 (diễn ra từ ngày 18 đến 26 tháng 4) là một minh chứng điển hình. Tại đây, thời trang, thẩm mỹ và ngôn ngữ điện ảnh được đặt trong một cuộc đối thoại đa tầng – nơi các lĩnh vực cùng nâng đỡ và làm giàu cho nhau.

“Thời trang như một hình thức kể chuyện”: Trao quyền cho thế hệ nhà làm phim mới
Điểm nhấn cho sự hiện diện tại liên hoan phim của Valentino là quan hệ đối tác với hạng mục “Forward Future” của Học viện Điện ảnh Bắc Kinh – được đánh dấu bằng sự ra đời của giải thưởng Dream Forward with Valentino: Costume Creatives Award. Sáng kiến này không chỉ là một cú bắt tay chiến lược, mà còn là minh chứng cho cam kết đầu tư dài hạn vào hệ sinh thái sáng tạo tại Trung Quốc – nơi sản sinh những tài năng trẻ có khả năng ảnh hưởng đến diễn ngôn điện ảnh toàn cầu.
Khi lựa chọn đặt trọng tâm vào thiết kế phục trang – nơi giao thoa giữa kể chuyện và bản sắc thị giác, Valentino đã khẳng định mối quan hệ cộng sinh giữa thời trang và điện ảnh như hai hình thái kể chuyện song hành. Giải thưởng mở ra một không gian sáng tạo để các nhà thiết kế trẻ khám phá cách trang phục không chỉ là yếu tố thị giác, mà còn là phương tiện biểu đạt chiều sâu nhân vật, bối cảnh văn hóa và ngữ nghĩa điện ảnh trong từng khung hình.
Quá trình đánh giá quy tụ một hội đồng danh giá kết nối cả hai lĩnh vực. Đáng chú ý là sự góp mặt của nhà thiết kế sản xuất Huo Tingxiao – người đứng sau phần hình ảnh ấn tượng trong các bộ phim như Anh Hùng và Thập Diện Mai Phục. Những tác phẩm của ông đã góp phần định hình cách thẩm mỹ Á Đông được truyền tải đầy sức nặng và thi vị trên màn ảnh toàn cầu. Bên cạnh đó là biểu tượng sắc vóc châu Á, Lâm Chí Linh. Hành trình của cô là minh chứng sống động cho sự giao thoa linh hoạt giữa thời trang và nghệ thuật biểu đạt điện ảnh.


Ảnh: Valentino
Khi thế hệ mới tỏa sáng: Tài năng trẻ Trung Quốc và cuộc hội ngộ cùng Valentino
Với sáng kiến lần này, Valentino không chỉ đóng vai trò người bảo trợ thầm lặng, mà chủ động định vị mình như một chất xúc tác đầy trọng lượng trong hệ sinh thái sáng tạo đang bùng nổ tại Trung Quốc. Việc đầu tư vào thế hệ nghệ sĩ trẻ phản ánh một tầm nhìn mới về xa xỉ đương đại: không còn là cuộc chơi vay mượn biểu tượng văn hóa, mà là sự tham gia chủ động vào quá trình kiến tạo và đối thoại – nơi các thương hiệu trở thành một phần của dòng chảy sản xuất văn hóa.
Giải thưởng đặc biệt tôn vinh thiết kế trang phục – đúng với tinh thần cốt lõi của Valentino: kể những câu chuyện mang bản sắc riêng qua từng đường kim mũi chỉ.
Danh sách nghệ sĩ trẻ như Trương Hựu Hạo, Tân Vân Lai và Lan Tây Nhã không chỉ đại diện cho lớp sáng tạo tiên phong, mà còn góp phần đưa sáng kiến này chạm đến chiều sâu văn hóa thực sự. Sự góp mặt của họ củng cố thêm cam kết lâu dài của Valentino: gắn kết với tinh thần bản địa, và không ngừng tìm kiếm mối đối thoại đương đại giữa nghệ thuật và thời trang.


Về mặt chiến lược, sự cộng tác này đóng vai trò như một bước chuyển định vị tinh tế trong cách người tiêu dùng am hiểu văn hóa nhìn nhận Valentino. Thay vì áp đặt những giá trị thẩm mỹ từ bên ngoài, thương hiệu đã chọn cách tham gia chân thành vào dòng chảy văn hóa đang vận động của Trung Quốc bằng cách đồng hành cùng những tài năng sáng tạo trẻ. Điều này đặc biệt cộng hưởng với thế hệ người tiêu dùng xa xỉ trẻ tuổi – những người đánh giá cao đóng góp văn hóa của thương hiệu hơn là chỉ dựa trên yếu tố lịch sử hay danh tiếng lâu đời.
Một “salon điện ảnh” đích thực: Không gian cho đối thoại liên ngành
Chiến lược văn hóa của Valentino không dừng lại ở việc vinh danh tài năng, mà còn mở rộng thành nơi các lĩnh vực sáng tạo giao thoa và truyền cảm hứng cho nhau. Buổi lễ tôn vinh và dạ tiệc là một cuộc gặp gỡ được dàn dựng kỹ lưỡng giữa các tên tuổi của điện ảnh, thời trang và mỹ thuật thị giác.
Cấu trúc ba phần của sự kiện phản ánh sự thấu hiểu sâu sắc về cách các không gian khác nhau nuôi dưỡng những hình thức tương tác riêng biệt: sự xuất hiện trên thảm đỏ tại Nhà hát Reignwood tạo nên khung cảnh trình diễn đầy kịch tính; lễ trao giải mang tính nghi lễ tạo nên một khoảnh khắc tôn vinh trang trọng và bữa tối thân mật tại Bảo tàng Nghệ thuật Đám mây thuộc Phòng trưng bày Nghệ thuật Học viện Hội họa Sơn dầu Trung Quốc đã trở thành phòng triển lãm đương đại, nơi chỉ có đối thoại cởi mở giữa các thế giới sáng tạo.

Tôn vinh bậc thầy điện ảnh: Chủ nghĩa hiện đại Antonioni qua ống kính của Michele
Cam kết của Valentino với điện ảnh còn mở rộng đến việc gìn giữ và kết nối dòng chảy lịch sử điện ảnh. Chuỗi phim “Italian Film Masters Screening Series” do Giám đốc Sáng tạo Alessandro Michele đích thân giám tuyển là một ví dụ điển hình về sự đan xen giữa di sản điện ảnh và DNA thẩm mỹ của nhà mốt.
Việc lựa chọn ba tác phẩm kinh điển của Michelangelo Antonioni – Il Deserto Rosso (Sa mạc đỏ), L’Eclisse (Nhật thực) và L’Avventura (Cuộc phiêu lưu) là quyết định mang tính khám phá. Những bộ phim với sự chăm chút về bố cục, khung hình, tâm lý màu sắc và cảm thức cô lập giữa bối cảnh hiện đại, đồng điệu sâu sắc với ngôn ngữ của Valentino. Hành trình điện ảnh đi sâu vào nội tâm nữ giới, những phức tạp cảm xúc và sự đối lập, căng thẳng giữa truyền thống và hiện đại đã song hành mạnh mẽ với cách ngành thời trang xa xỉ ngày nay dung hòa giữa di sản và đổi mới.

Quyết định tuyển chọn ba tác phẩm của Antonioni càng trở nên sâu sắc khi đặt trong bối cảnh lịch sử. Việc Valentino Garavani – nhà sáng lập thương hiệu từng thiết kế phục trang cho nữ minh tinh Monica Vitti trong bộ phim La Notte (Đêm định mệnh, 1961) hé lộ sợi chỉ kết nối tưởng như bị lãng quên trong hành trình kể chuyện của Valentino. Điểm tiếp xúc lịch sử này khẳng định Valentino đã được đan cài tự nhiên với nền điện ảnh hiện đại Ý ngay từ khi mới thành lập.
Ba ngày chiếu phim từ 24 đến 26 tháng 4 tại tại Emperor Cinemas ở Taikoo Li Sanlitun đã biến không gian thương mại thành kho lưu trữ văn hóa sống động. Cây cầu nối giữa quá khứ và hiện tại ấy đã mở ra một cuộc đối thoại, định vị Valentino như người canh giữ di sản văn hóa, đồng thời cũng là người diễn giải đương đại của những nguyên tắc thẩm mỹ trường tồn.
Kỷ niệm tình yêu dưới góc nhìn điện ảnh
Tiếp nối mạch đối thoại văn hóa, Valentinora mắt chiến dịch dành riêng cho ngày Lễ tình nhân 520 tại Trung Quốc do Giám đốc Sáng tạo Alessandro Michele chỉ đạo, lấy cảm hứng từ bộ ba tình yêu của Antonioni, đặc biệt là L’Eclisse và L’Avventura. Thông qua ngôn ngữ điện ảnh, chiến dịch biến ngày lễ thành câu chuyện giàu sắc thái văn hóa, tôn vinh tính thẩm mỹ của Ý, thể hiện sự thấu hiểu tinh tế trước khát khao kép của người tiêu dùng Trung Quốc: vừa tìm kiếm kết nối cảm xúc, vừa mong muốn chiều sâu văn hóa trong từng trải nghiệm thời trang.

Văn hóa như tiền tệ: “Cuộc chơi” dài hạn của Valentino tại Trung Quốc
Với Valentino, thời trang klà bản giao hưởng đa âm của hình ảnh, ký ức và văn hoá. Chính niềm tin sâu sắc vào triết lý “thời trang là nghệ thuật kể chuyện” đã giúp thương hiệu kết nối về mặt cảm xúc và thẩm mỹ với nhiều thế hệ khán giả toàn cầu.

Trong bối cảnh kinh tế nhiều biến động và giá trị tiêu dùng đang không ngừng thay đổi, khoản đầu tư của Valentino vào sản xuất văn hoá trở thành một hình mẫu về khả năng thích nghi bền vững thông qua sự phù hợp văn hóa. Bằng cách đan cài vào kết cấu văn hóa đương đại của Trung Quốc, Valentino đã kiến tạo nên những kết nối cảm xúc bền vững, vượt khỏi mọi mùa mốt.
Chuyển ngữ theo Jing Daily