Dư âm SS/FW25, khi kỹ thuật draping – “đền đài cung điện” của thời trang đương đại lên ngôi

Ngày đăng: 22/05/25

Rũ xuống, xoắn lại hay bồng bềnh – Draping hôm nay sẽ kể về “đền đài, cung điện” qua từng thớ vải, để những giấc mộng bay bổng đưa các “con chiên” dừng bước trước “nhà nguyện” của chính mình.

Có một kỹ thuật đã lặng lẽ tồn tại từ những buổi đầu của văn minh nhân loại – nơi người Lưỡng Hà và Ai Cập cổ đại dệt nên những dáng hình đầu tiên của vải vóc buông rũ, qua chiton, peplos, chlamys hay himation như lớp y phục của các vị thần được thổi hồn từ đá cẩm thạch.

Thời gian trôi qua, Draping không lùi về quá khứ mà bước tiếp như một “giao lộ” nơi thời trang gặp gỡ kiến trúc, nơi kỹ thuật trở thành xúc cảm.

Và hôm nay, những nếp gấp ấy vẫn là nơi chốn để tâm hồn người thiết kế neo đậu, để cái tôi sáng tạo cất cánh – mềm mại nhưng đầy cấu trúc, như thành lũy được xây từ mơ mộng. Hôm nay, ta bàn về Draping khi mà kiến trúc cất lời, như những giấc mơ chứa đựng “tàn tích” bắt đầu từ thớ vải xếp nếp tạo nên vị nữ thần hay đền đài thuộc về thế giới đương đại đang chuyển mình.

Sàn diễn SS/FW25 vừa qua chứng kiến sự trở lại đầy thi vị của Draping, các nhà thiết kế không chỉ dừng lại ở việc diễn giải theo chiều hướng điêu khắc mà biến Draping trở thành loại vải phủ và quấn quanh cơ thể như thể chúng là những tác phẩm nghệ thuật đang ẩn mình chờ ngày “khai quan điểm nhãn”, xuất hiện hùng vĩ trước công chúng.

Biên độ sáng tạo lần này ghi nhận bản hợp ca từ nhiều tiếng nói độc bản và không thể không nhắc đến Maison Alaïa dưới “vương triều” của Pieter Mulier – người viết tiếp khối di sản đồ sộ với tinh thần tuyệt đối tôn vinh cơ thể phụ nữ của “kẻ ngoại đạo” Azzedine Alaïa. 

Ngay năm 2024, khi vừa “đăng vị” ngôi vương GĐST tại nhà mốt, Pieter đã nhanh chóng “đệ tên bảng vàng” lần nữa cho thương hiệu này sau khoảng thời gian “bình bình”, chưa thực sự gây được tiếng vang lớn ở những BST trước đó. Dưới bàn tay chèo lái của GĐST mới, ngôi nhà này đã thực sự trở thành một “vương cung thánh đường” chào đón những ai trót yêu thích nghệ thuật và cái tôi thời trang sắc sảo. Không ồn ào, không đốt tiền vào những canh bạc truyền thông, Alaïa là “vương cung thánh đường” tạo dựng từ chủ nghĩa tối giản và triết lý thiết kế sâu sắc.

Alaïa, WS25
Alaïa, FW25
Alaïa, FW25

Alaïa là bảo chứng cho khái niệm “Quiet Luxury'” hàng thật giá thật. BST FW25 với những tà váy dài, xếp nếp hoàn toàn hay chiếc đầm draping hở một bên tay với đường cắt ngay eo đậm tính cấu trúc, có lẽ “tham vọng” của nhà mốt giờ đây là hun đúc hình tượng về những nữ thần thần thoại nhưng thuộc về riêng Alaïa và rất Alaïa!

Draping dưới tay Pieter trở thành cấu trúc cơ thể đầy bản lĩnh, như thể mọi đường cong của vải vóc được sắp đặt để tôn vinh từng chuyển động, từng nhịp thở của người mặc và như những khối kiến trúc nhỏ gọn, kết hợp tinh thần bộ lạc Bắc Phi của nhà mốt với tầm nhìn lạnh lùng, lý trí của trường phái Antwerp.

Ngoài hai BST trên, hẳn công chúng còn nhớ đến chiếc đầm xanh iconic mà Jennie Kim đã diện được thiết kế riêng từ Alaïa khi cô tham dự Met Gala vào năm ngoái. Dù vẫn còn những ý kiến tranh luận về việc “lạc đề” hay không nhưng không thể phủ nhận rằng thiết kế là một “tác phẩm nghệ thuật” phô diễn trọn vẹn kỹ thuật cầu kỳ của nhà mốt khi chiếc đầm được tạo nên với chỉ 1 cuộn vải dài 13 mét và hoàn toàn không có sự chắp nối nào ở đây.

Bộ cánh từ Alaïa là minh chứng điển hình cho sự chuyển mình táo bạo và sắc sảo của kỹ thuật Draping hiện đại. Draping trong thiết kế này không mang tinh thần “nữ thần” mềm mại thuần túy, mà giống như một điêu khắc sống động tôn vinh sự chủ động của cơ thể – một biểu trưng cho hình dung của công chúng về “nữ thần thời hiện đại”.

Trong một sắc thái khác, Roberto Cavalli của Fausto Puglisi như viết nên những bản tình ca cổ đại. Lấy cảm hứng từ Pompeii – thành phố bị chôn vùi nhưng chưa từng lụi tàn trong trí tưởng tượng nghệ thuật – những lớp drape hiện lên như lớp bụi thời gian, phủ mờ nhưng không làm nhòa ký ức. Váy lụa màu cát, nhung đỏ Pompeian gợi nhớ đến trang phục của các quý bà La Mã, nhưng được tái hiện với góc nhìn đương đại, mọi thứ tựa như vệt dư quang của một đế chế – hùng vĩ mà mong manh, kiêu hãnh mà đầy hoài niệm.

Roberto Cavalli, FW25

Không theo đuổi sự cổ điển mà đắm chìm trong hình học và chuyển động cơ học, Francesco Murano đem đến một cảm thức mới về draping qua bộ sưu tập AEQUUS LIBRA. Vải ở đây không còn là tấm nền, mà trở thành hình khối có ý thức riêng, như những khối điêu khắc mềm tan nhưng đầy tiết chế. Murano đưa draping về đúng nghĩa là hình thức chạm khắc không gian bằng vải – nơi những chiếc chitons Hy Lạp được tái hiện để đối thoại.

Francesco Murano, FW25

Trong khi đó, Alberta Ferretti dưới bàn tay của Lorenzo Serafini lại kể câu chuyện nữ thần. Những lớp chiffon lệch vai được xử lý tinh tế, khiến ta liên tưởng đến các tượng cẩm thạch sống động, nơi draping là ngôn ngữ của sự dịu dàng, của thanh thoát, của vẻ đẹp không cần lý giải. Một bản tình ca thuần túy của sự nữ tính.

Alberta Ferretti, FW25

Ngay cả Calvin Klein, cái tên vốn gắn liền với chủ nghĩa tối giản, cũng không đứng ngoài cuộc chơi này. Bộ sưu tập mới của CK cho thấy một sự chuyển mình tinh tế khi sử dụng draping như điểm nhấn để tạo chiều sâu thị giác – nhẹ nhàng, chuẩn xác và đầy tiết chế. Ở đây, kỹ thuật không được phô bày, nhưng hiện hữu như một nhịp thở nội tại – chậm rãi và khéo léo.

Calvin Klein, FW25

Tuy không nằm trong khuôn khổ mùa giải Thu Đông, nhưng chiếc áo khoác xếp nếp “The Draped Jacket” của Loewe chắc chắn phải được nhắc đến. Hiệu ứng xếp nếp điêu luyện kết hợp cùng tinh thần siêu thực đã khiến thiết kế này trở thành “câu trả lời cuối cùng” khi nét tinh tế được gọt dũa vừa khít với sự sáng tạo vượt trội. Đây cũng là lời tạm biệt ngọt ngào mà GĐST Jonathan Anderson để lại cho nhà mốt Tây Ban Nha sau hành trình 11 năm gắn bó. Không độc bản thì không là Loewe!

Ảnh: nychaa

Và khi ánh sáng của Draping không còn chỉ soi rọi ở những kinh đô thời trang, ta cũng thấy thứ ánh sáng ấy len lỏi và ngân vang trong tinh thần sáng tạo của những nhà thiết kế Việt, là thứ ngôn ngữ kể chuyện riêng, mềm mại, bản địa, và đầy cảm xúc. Không nằm ngoài dòng chảy ấy, các local brand Việt khai thác draping như một chất liệu thẩm mỹ mới mẻ – nơi mỗi đường lượn, mỗi nếp xếp không chỉ làm đẹp hình thể mà còn khơi mở chiều sâu tâm tưởng.

Vừa ra mắt BST mới mang tên Luminheart, C.Dam ngay lập tức khiến giới chuyên môn cũng như những trái tim yêu thời trang Việt phải nức nở. Tiếp tục hành trình khám phá nội tâm đầy phức cảm, lần này nguồn cảm hứng chủ đạo đến từ luân xa số 4 (luân xa đại diện cho tình yêu, lòng trắc ẩn và sự thanh khiết), BST lần nữa đem đến cuộc đối thoại siêu hình, với tình yêu được khắc họa như một dạng thức năng lượng rõ ràng, thấu cảm bắt nguồn từ trái tim và được chuyển đổi qua hình học, hình khối đầy đối cực. Sau Paramount đến hiện tại, hành trình tìm kiếm và giải mã các ý niệm thông qua thế mạnh draping, điêu khắc trên vải ngày càng hiện diện mạnh mẽ, đưa người xem chìm sâu vào thế giới riêng của thương hiệu.

Ảnh: cdam.official

Với lần trở lại này, Draping là diễn giải hữu hình của cái vô hình – những rung cảm thầm kín chỉ có thể cảm nhận bằng sự đồng điệu của linh hồn. Chưa bao giờ những đường cắt, những nếp gấp trong tư duy thiết kế của C.Dam chỉ đơn giản là sự tồn tại đơn điệu của hình học, hơn thế nữa, chúng phải là hiện thân của những cảm xúc chưa thành lời, của nội tâm đầy phức tạp và đại diện cho ngôn ngữ thiết kế hiện đại, cao cấp, không ngừng luận giải cho thế giới quan của mình qua vải vóc.

Một tiếng nói khác cũng vừa cất lên, không hoảng loạn, không rền vang,…mà chỉ như hơi thở nhẹ nhàng nhưng ẩn chứa ẩn chứa một cấu trúc kiêu hãnh và kiên cường thầm lặng. BST “HOÀNG HÔN TRÊN CÁNH LỤA – A Sunset Woven in Silk” của Das La Vie là một chương để thương hiệu tôn vinh sự nữ tính “theo cách duyên dáng của riêng nó”.

Ảnh: das.lavie

Những lớp lụa và chiffon mỏng nhẹ, được xử lý khéo léo để đổ rũ mềm mại theo chuyển động cơ thể, không chỉ tôn lên đường nét nữ tính mà còn gợi nhắc đến hình ảnh mang cảm giác thần thoại nhưng vẫn giữ được nét hiện đại. Mỗi nếp gấp, mỗi tầng bèo nhún như nốt nhạc của sự điềm tĩnh, gợi cảm và đầy bản lĩnh, làm nên vẻ đẹp “lặng mà vang”.

Từ sàn diễn quốc tế đến các sưu tập trong nước, Draping đã trở thành phương tiện kiến tạo những “đền đài cung điện” mới của thời trang đương đại – nơi cái đẹp không còn nằm ở sự hoàn hảo cố định, mà ở chuyển động và sự gợi mở. SS/FW25 vừa qua, những xếp nếp mềm rũ, những lớp vải tựa kiến trúc uốn lượn đã một lần nữa khẳng định sức sống bền bỉ của Draping: cổ điển nhưng không lỗi thời, nền tảng nhưng luôn biến hóa. Và cũng tại chính những “cung điện” ấy, hình ảnh “nữ thần thời hiện đại” được khắc họa rõ nét hơn bao giờ hết bằng lớp lụa khẽ buông, những đường gấp có chủ ý và tinh thần tự do không bị ràng buộc bởi bất kỳ quy tắc nào. Draping với tính biểu tượng và sức biểu đạt đặc biệt đã, đang và sẽ tiếp tục là chất liệu xây nền cho thời trang của tương lai.

Thực hiện: Elio

Theo Nss Magazine, Vogue