Điều gì đã khiến chiếc váy đen của Audrey Hepburn trong bộ phim Breakfast at Tiffany’s trở nên bất hữu?
Ngày đăng: 29/06/21
Cách đây 60 năm, Audrey Hepburn đã mê hoặc các tín đồ thời trang bằng chiếc váy đen nhỏ quyến rũ. Sắc đen huyền thoại ấy đã trở thành biểu tượng phong cách bền bỉ suốt từng ấy năm, đến nỗi khi ai đó nhắc đến Audrey, người ta lập tức liên tưởng đến hình ảnh nữ minh tinh điệu đà trong bộ váy đen Givenchy cổ điển.
Câu chuyện rơi vào năm 1961, khi Hepburn hóa thân vào nhân vật nữ chính Holly Golightly trong bộ phim điện ảnh trứ danh “Breakfast at Tiffany’s” (Bữa sáng ở Tiffany), dựa trên cuốn tiểu thuyết cùng tên của nhà văn Truman Capote. Holly là một thiếu nữ xinh đẹp, duyên dáng, luôn khát khao thoát khỏi cuộc sống thôn quê nghèo khó ở bang Texas để hòa nhập vào chốn đô thị phồn hoa New York. Với xuất thân khiêm tốn, nàng trở thành gái gọi rắc rối và ăn diện như một quý bà đích thực.
Nhà sử học thời trang Valerie Steele đã viết trong cuốn sách “The Berg Companion to Fashion” rằng chiếc váy đen nhỏ của Hepburn vẫn nổi tiếng nhất trong tất cả váy đen nhỏ.
Trong cảnh mở đầu của bộ phim, thành phố New York vẫn đang mơ màng trong giấc ngủ dù bình minh đã dần hé rạng. Đường phố không một bóng người ngoài chiếc taxi màu vàng chở nàng Holly xinh đẹp. Trong bộ váy satin đen quyến rũ, găng tay dài, kính râm đẳng cấp cùng vòng cổ ngọc trai lấp lánh và trâm cài tóc diamante quý phái, Holly nhìn chằm chằm vào cửa hàng Tiffany’s trên đại lộ số 5, tiến đến gần ô cửa kính nơi mà nàng có thể chiêm ngưỡng những trang sức quý giá và đắt đỏ, trong khi nhấm nháp ổ bánh mỳ và ly cà phê.
Người ta không dễ quên ánh nhìn đăm chiêu và hồn nhiên của Holly vào những món hàng trang sức cao cấp và bước đi thong dong của nàng trên vỉa hè chưa người qua lại. Gói gọn trong 2 phút, nàng Holly đã định nghĩa như thế nào là một trang phục mang tính biểu tượng của thời trang: ấy là chiếc váy đen nhỏ (hay còn gọi là LBD – Little Black Dress).
Chiếc đầm đen nhỏ xuất hiện cùng Audrey Hepburn trong phần mở đầu của bộ phim hài lãng mạn Breakfast at Tiffany’s do Hubert de Givenchy thiết kế, được xem là một trong những trang phục biểu tượng của thế kỷ 20, và có thể là một trong những chiếc đầm đen nhỏ nổi tiếng nhất mọi thời đại. Hubert de Givenchy cũng là nhà thiết kế tủ quần áo cho Hepburn xuyên suốt tác phẩm điện ảnh này, cùng với nhà thiết kế phục trang Edith Head – một “couturier” sở hữu thẩm mỹ đỉnh cao về nét đẹp tinh tế và sự quyến rũ.
Nét thanh lịch đơn giản vượt thời gian
Chiếc đầm đen nhỏ Givenchy được thiết kế bằng vải satin Ý đẳng cấp. Bộ đầm đen không tay, dài thướt tha với áo trên vừa vặn nhấn mạnh ở lưng, họa tiết cắt xẻ cổ áo đặc biệt, chiếc váy tập trung nhẹ ở phần hông và cắt rộng xuống một bên đùi, đi cùng đôi găng tay đen dài xuống khuỷu tay. Chiếc áo trên nổi bật với chi tiết hở nhẹ ở phần lưng, lộ xương bả vai đầy quyến rũ và tinh tế.
Xuất hiện trong Breakfast at Tiffany’s, Audrey Hepburn diện đôi bao tay đen dài đến khuỷu tay với nhiều tràng hạt lấp lánh, khiến nàng thật quý phái và lãng mạn kiểu Paris. Givenchy không đơn thuần thiết kế bộ đầm mà còn thêm thắt những phụ kiện sang trọng phù hợp như nhiều chuỗi hạt ngọc trai, ống điếu xì gà dài, chiếc mũ đen to và đôi găng tay opera…
Đó là một màn trình diễn “sartorial” có chủ ý gần như thể hiện cá tính đậm nét của Hepburn chứ không đơn thuần là việc hóa thân vào nhân vật Holly. Bộ cánh sang trọng và quý phái đã tô màu cho nét “hoang dã” của nàng, và việc dừng lại bên cửa hàng Tiffany’s càng thể hiện đẳng cấp của người phụ nữ thị thành tự tin, táo bạo, và đôi phần bí ẩn. Chính những điểm đặc biệt ấy đã khiến LBD trở thành chiếc đầm dự tiệc cho nhiều thế hệ phụ nữ.
Little Black Dress và cuộc cách mạng thời trang cho người phụ nữ
Tuy nhiên, người phát minh ra chiếc váy đen nhỏ không phải là Givenchy. Chiến công đó thuộc về các nhà thiết kế trong những năm 1920, mà đáng chú ý nhất là Coco Chanel. Vào năm 1926, bà đã có một bản vẽ chiếc váy đen dài đến đầu gối trong crepe de Chine được xuất bản trên tạp chí Vogue Mỹ.
Tạp chí này ví von chiếc váy đen của Coco Chanel là “Chanel’s Ford” – so sánh trực tiếp với mẫu ô tô Model T màu đen của Henry Ford vô cùng nổi tiếng ở thời điểm đó. Người ta tuyên bố rằng chiếc váy đen nhỏ sẽ trở thành mặt hàng chủ lực cho phụ nữ ở mọi tầng lớp xã hội, giống như Model T được sinh ra cho số đông.
Và quả thật như thế! LBD (Little Black Dress) đã trở thành vũ khí tuyệt vời đem lại tự do và sự quyến rũ cho người phụ nữ, bất kể họ là ai, một tín đồ thời trang hay là người phụ nữ bình thường. Nó không đơn thuần là một chiếc váy lịch lãm, đơn giản mà là một cuộc cách mạng đầy táo bạo ở thời đại mà người phụ nữ chưa hề biết đến tự do là gì, bị trói buộc trong những trang phục dài lê thê và cổ lỗ.
Nhưng LBD ra đời và thay đổi tất cả. Phái đẹp từ tầng lớp thượng lưu đến tầng lớp lao động đều bị “hớp hồn” bởi những đường cắt đúp đơn giản, đầy tinh tế và quyến rũ. Phong cách này đã được bắt chước và áp dụng trong thời kỳ Đại Suy thoái, thế chiến thứ 2… nhờ triết lý “sự cân bằng hoàn hảo giữa nét thanh lịch và tính kinh tế”.
Đến thời Christian Dior ở những năm 1940, chiếc váy đen nhỏ LBD đã xuất hiện với phiên bản tiệc tối đầy quyến rũ. Với chi tiết nịt thắt lưng, chiều dài váy đến bắp chân kết hợp áo choàng đen siêu nữ tính, chiếc váy đen của Dior đã trở thành “hit” mới ở Hollywood, nơi mà những tác phẩm điện ảnh đang cố thúc đẩy hình tượng nữ chính với phong cách thời trang cuốn hút hơn.
Rồi đến Givenchy – chiếc váy đơn giản, quyến rũ và lặng lẽ được thể hiện quá xuất sắc và tài tình trên thân thể và thần thái của nàng Audrey Hepburn. Bộ đôi này đã đưa LBD lên một nấc cao hơn trên con đường diễn giải thời trang hiện đại, tượng trưng cho lối sống tuyệt vời nhưng đơn giản.
Đó là lý do vì sao, nhà sử học thời trang Valerie Steele đã viết trong cuốn The Berg Companion to Fashion rằng chiếc váy đen nhỏ của Hepburn vẫn nổi tiếng nhất trong tất cả. Đó cũng là lời đáp cho câu hỏi vì sao nó đạt mức đấu giá lên tới 604.000 USD trong cuộc đấu giá của Christie’s vào năm 2006, chính thức trở thành trang phục phim đắt nhất mọi thời đại.
Theo edition.cnn