[Brand to know] Le Tonkin: Những trăn trở về con đường phát triển lụa truyền thống Việt Nam
Ngày đăng: 08/05/20
Liên tục sáng tạo với việc kết nối cộng đồng những nhà thiết kế trẻ cùng nguồn cảm hứng vô tận từ di sản sưu tầm theo hàng ngàn năm lịch sử của văn hoá, nghệ thuật và kiến trúc Việt Nam, Le Tonkin mang những giá trị tốt nhất trong việc phát triển thương hiệu và sản phẩm tơ lụa ra Thế giới.
“Giờ đây, lụa không còn đơn thuần là một sản phẩm mà thể hiện cho một lối sống” – Hoàng Anh, đồng sáng lập Le Tonkin – House of Silk – chia sẻ với niềm say mê của một người trẻ đang trăn trở trên con đường phát triển và lan tỏa chất liệu truyền thống này của Việt Nam.
Sản phẩm tôn vinh văn hóa Việt
Ra đời vào cuối năm 2019, Le Tonkin chọn cho mình sứ mệnh là phát triển và bảo tồn những làng nghề truyền thống Việt Nam, bằng cách đương đại hóa sản phẩm, kết hợp mạng lưới nhà thiết kế, từ đó hỗ trợ họ phát triển thương hiệu, sản phẩm và sự sáng tạo. Để bắt đầu, thương hiệu sử dụng lụa – chất liệu truyền thống đặc trưng của nước ta, ngoài ra còn có mây tre đan, sơn mài, kể cả những chạm trổ điển hình khác.
Le Tonkin theo đuổi chất liệu lụa nhằm mang đến các sản phẩm tôn vinh văn hóa Việt lấy cảm hứng từ cái cũ để tạo ra cái mới. Sau khi khảo sát và nghiên cứu các làng lụa đặc trưng ở nước ta, thương hiệu quyết định mang những sản phẩm này đến tay thế hệ tiêu dùng trong nước, đặc biệt là thế hệ trẻ. Hiện nay, Le Tonkin đã hợp tác với làng lụa Nha Xá, Vạn Phúc và Bảo Lộc, cũng là ba nơi sản xuất lụa lớn nhất cả nước.
Để có sự hợp tác này, đại diện của thương hiệu chia sẻ: “Tôi nghĩ khó khăn đầu tiên của hành trình là lấy được niềm tin của làng nghề. Bởi họ đã tiếp cận với nhiều người, nhiều bạn trẻ, nhiều công ty có mong muốn sử dụng họ. Cùng với đó, bạn phải hiểu, mong muốn lớn nhất của làng nghề là họ được tôn vinh. Khi dùng lụa của làng nào, bạn phải nêu tên minh bạch làng ấy. Khi chúng ta khôi phục nét văn hóa nào đấy của làng nghề, việc lấy nét văn hóa của họ khôi phục lại và làm kinh tế chỉ là thứ yếu, điều quan trọng hơn cả là mình phải trao lại cho làng nghề ấy những thành quả xứng đáng của họ. Chúng ta phải giúp đỡ và hỗ trợ họ trước tiên, để họ phát triển được nhà làm lụa hay khung cửi, đó là cái đích là Le Tonkin đang trên đà hướng tới, thay vì đến làng vơ vét và bán lại sản phẩm trên thành phố. Khi vượt qua mong muốn cá nhân là kiếm thật nhiều tiền qua nét đẹp thì sẽ vượt qua được những khó khăn còn lại.”
Sáng tạo trên nền tảng cổ truyền và đương đại
Không muốn tạo ra một sản phẩm riêng của chính mình mà là một sản phẩm độc đáo dưới sự kết nối cộng đồng, sáng tạo trên nền tảng cổ truyền và đương đại; Le Tonkin chọn quan sát hoa văn truyền thống và câu chuyện của mỗi làng nghề, từ đó phát triển và đương đại hóa câu chuyện. Chẳng hạn, những chiếc khăn lụa lấy cảm hứng từ Văn Miếu Quốc Tử Giám – Trường đại học hàng nghìn năm trước thể hiện truyền thống ngàn năm văn hiến của Hà Nội, là một sản phẩm như vậy. Từ góc độ sáng tạo thời trang, Le Tonkin đã nhìn văn miếu từ trên không, từ đó hình dung ra một sơ đồ tối giản. Sau đó, vẽ các họa tiết cổ sau đó sắp xếp lại theo thứ tự khác nhau. Quá trình này đòi hỏi thời gian và lòng kiên nhẫn.
Để có sự cân bằng giữa cái tôi nhằm chứng tỏ bản thân và việc loại bỏ cái tôi để cộng hưởng thiết kế là điều khó khăn và quan trọng nhất. Giờ đây, Le Tonkin đang trên đà đạt được mục đích đó bằng cách cộng tác với nhà thiết kế và các bạn trẻ làm trong lĩnh vực sáng tạo. Như vừa rồi, Le Tonkin đã hợp tác với hai sinh viên trường đại học mỹ thuật để tạo ra những chiếc khăn lụa.
Le Tonkin cũng có hợp tác với một số hãng thời trang của nhà thiết kế Việt Nam, và gần đây nhất là NTK Phương Anh nhằm đưa lụa quyện hòa vào nét sáng tạo và nữ tính. Thông qua việc hỗ trợ Phương Anh về nguyên vật liệu, kiến thức kinh doanh, sản xuất, phân phối, marketing, sáng tạo, thiết kế và xu hướng… Đó cũng là các bước mà Le Tonkin thực hiện khi đồng hành với các NTK tương tự nhằm đạt được sự lan tỏa.
Trong tương lai, Le Tonkin mong muốn phát triển tại làng nghề cơ sở, mà tại đó, các bạn trẻ thích thời trang hoặc con em của làng nghề thích thời trang có thể làm việc và sáng tạo tại chỗ.
Quá trình ra đời một chiếc khăn lụa
Khăn lụa hiện là sản phẩm chính trong danh mục của Le Tonkin. Có hai sự sáng tạo cơ bản, đầu tiên là họa tiết truyền thống nhưng có sự sắp đặt và màu sắc mới mẻ; thứ hai là vẽ lại hoàn toàn những nét đương đại. Chẳng hạn những chiếc khăn lụa lấy cảm hứng từ Văn Miếu Quốc Tử Giám, Le Tonkin sử dụng những họa tiết hình học và đám mây kết hợp. Họ không có ý định vẽ những đám mây mới, bởi vì họa tiết cũ đã rất đẹp, vì thế họa sĩ sẽ sắp xếp lại sao cho thú vị hơn.
Để sản xuất một chiếc khăn lụa như vậy, thì đầu tiên là hoạt động vẽ tay trong vài giờ đồng hồ cho khổ 90×90. Sau đó, bước vào quy trình sáng tạo bằng cách bàn bạc về chủ đề, và trong vòng một tuần, các bạn thiết kế sẽ tư duy sáng tạo, vẽ trên khổ giấy bằng khổ khăn lụa, và điều chỉnh trong độ một tuần nữa. Sẽ mất 3 ngày để đồ lại trên máy tính và mất khoảng vài tuần để chế tác trên bản in kẽm, in lưới, tiếp đó là đổ màu sáng tối đậm nhạt khác nhau. Việc sản xuất không chiếm nhiều thời gian, riêng quá trình sáng tạo này sẽ mất khoảng hơn một tháng.
Một điều nữa mà Le Tonkin hướng đến là sự cân bằng, vì nếu quá sa đà vào sáng tạo thì sản phẩm có thể gặp phải tình huống không bán được hoặc bán với giá quá cao từ đó hạn chế tính lan tỏa, nhưng nếu quá sơ sài trong thiết kế thì khó được trân trọng.
Bên cạnh khăn lụa, Le Tonkin còn có quần áo thời trang nam nữ, veston may đo, phụ kiện, túi… bằng chất liệu lụa và trang sức sơn mài. Thời gian tới, thương hiệu dự định sẽ tiến đến mảng nội thất, chăn ga gối, rèm cửa bằng lụa, để đưa lụa tiến tới bước phát triển sâu xa hơn.
Bài: Trang Ps | Ảnh: Le Tonkin cung cấp