Phải chăng thời trang theo mùa đã lỗi thời?

Ngày đăng: 13/05/20

Đại dịch COVID-19 không chỉ gây nên khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới, nó còn đánh mạnh vào hệ thống thời trang. Thứ Hai tuần trước, Saint Laurent tuyên bố rút khỏi lịch trình của Paris Fashion Week và tự tổ chức trình diễn các bộ sưu tập theo lịch trình riêng. Điều này đặt ra câu hỏi: “thời trang theo mùa” diễn ra liên tục từ năm này qua năm khác phải chăng giờ đây đã lỗi thời?

Năm 2019, thương hiệu xa xỉ đến từ nước Pháp đã từng từ chối tham gia tuần lễ thời trang nam Paris thay vào đó thương hiệu trình diễn bộ sưu tập Menswear Xuân-Hè 2019 tại New York và Malibu. Quyết định mới nhất của Saint Laurent được cho là để đối phó với làn sóng thay đổi hậu đại dịch.

Hậu đại dịch, ngành công nghiệp thời trang cần thay đổi

Lệnh cách ly của chính phủ các nước những tuần gần đây là nỗ lực nhằm làm giảm sự lây lan dịch bệnh, nhưng cùng lúc đã “triệt tiêu” nhu cầu của khách hàng đối với các sản phẩm không thiết yếu. Các cửa hàng thời trang phải đóng cửa, theo sau đó tuần lễ thời trang nam giới vào tháng Sáu và tháng Bảy cũng bị hủy. Với tình cảnh hiện tại, tuần lễ thời trang nữ có khả năng sẽ không thể diễn ra, nếu có, nó cũng không thể được trình diễn như bình thường.

“Hơn bao giờ hết, đây là lúc các thương hiệu cần chủ động giữ nhịp điệu của chính mình, điều chỉnh thời gian cho phù hợp và kết nối với mọi người khắp thế giới bằng cách đến gần hơn với khách hàng, cả trong cuộc sống của chính họ,” Saint Laurent phát biểu. “Saint Laurent sẽ sở hữu lịch diễn riêng và ra mắt theo kế hoạch được sắp xếp dựa trên tình hình thực tế và và được thúc đẩy bởi sự sáng tạo.”

Thời trang theo mùa có còn cần thiết?

Một điểm nữa, kể từ rất lâu, các thương hiệu đã không còn quy định (một cách cứng nhắc) những trang phục nào phải thuộc mùa nào. Người ta vẫn thường thấy áo lông trên sàn diễn Xuân-Hè và bắt gặp áo crop top, quần lưới trên đường băng Thu-Đông. Dù gây nên tranh cãi thời gian đầu, giờ đây, chuyện ấy rất đỗi bình thường.

Một nửa đầu năm ảm đạm với các show diễn đều bị hủy hoặc chuyển sang dạng kỹ thuật số, một lượng vô cùng lớn hàng tồn kho chưa được bán, một lần nữa làm dấy lên những tranh luận về tính hiệu quả của các “mùa thời trang”.

Một nửa đầu năm ảm đạm với các show diễn đều bị hủy hoặc chuyển sang dạng kỹ thuật số, một lượng vô cùng lớn hàng tồn kho chưa được bán, một lần nữa làm dấy lên những tranh luận về tính hiệu quả của các “mùa thời trang”. Công việc thiết kế, sản xuất và trình diễn có nghĩa lý gì khi các cửa hàng vẫn còn đóng cửa? Thời trang có nên bỏ qua một mùa không? Chúng ta cần làm gì với những vấn đề chưa được giải quyết như sự lũng đoạn chu kỳ truyền thống và bán lẻ?

Tuyên bố của Saint Laurent như thêm dầu vào lửa và thổi bùng sự tranh cãi vốn đã tồn tại rất lâu. Nhiều người cho rằng một năm đã bị lấp đầy bởi quá nhiều mùa, trong khi số khác cho rằng thời gian của các mùa đã bị biến đổi do nhu cầu của các nhà phân phối, không còn phù hợp với thế giới thực. Có nghĩa là quần áo mùa Xuân lại lên kệ vào giữa mùa Đông và áo khoác lông lại xuất hiện vào mùa Hè tại các khu vực khác nhau.

Ngành công nghiệp thời trang hiện đại vốn là một phát minh của châu Âu và các mùa thời trang ban đầu được hình thành dựa theo các kiểu thời tiết châu Âu. Điều này từng đúng đối với một thị trường xa xỉ chỉ dành cho khách hàng địa phương, và sau đó là các đối tác Bắc Mỹ và Nhật Bản, tất cả đều ở Bắc bán cầu. Nhưng sự giàu lên nhanh chóng của những quốc gia phía Nam bán cầu đồng nghĩa với việc cơ cầu khách hàng càng trở nên đa dạng hơn bao giờ hết. Dù Châu Âu vẫn là khu vực đứng đầu về doanh số bán hàng xa xỉ, nhưng du khách nước ngoài vẫn chiếm ít nhất 50% tổng số giao dịch tại đây. Cùng với Châu Á, Trung Đông, Châu Phi và Châu Mỹ Latin nổi lên và chia nhau phần lớn sức mua hàng xa xỉ toàn cầu, đặc biệt là Trung Quốc Đại Lục. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là “mùa thời trang” không phù hợp với khí hậu ở nước của họ.

Khí hậu Trái Đất đã thay đổi rất nhiều kể từ sau Cách mạng công nghiệp, có những nơi nóng hơn và mùa Hè kéo dài, trong khi một số nơi khác lạnh hơn và ít mưa hơn,… Cùng với sự ô nhiễm, nó đã thay đổi điều kiện mùa ở nhiều nơi, kể cả ở Châu Âu. Làm sao một lịch trình được sắp xếp của hàng trăm năm trước có thể phù hợp hoàn hảo với điều kiện ngay lúc nào?

Nếu không còn thời trang theo mùa…

Trước khi đại dịch bùng nổ, những người tiêu dùng hàng xa xỉ vẫn thường xuyên bay khắp thế giới để vui chơi và làm việc, bước qua các dạng khí hậu một cách dễ dàng. Hơn nữa, họ (các công dân toàn cầu) không còn bị lệ thuộc bởi một lịch thời tiết cố định, các công dân ở Châu Âu có thể đi đến bãi biển bất kỳ lúc nào, kể cả tháng Tám hay Giáng Sinh và người dân tại Singapore có thể diện áo lông nhiều lớp tại một vùng tuyết phủ của Thụy Sĩ. Những khách hàng tại các nền kinh tế đang lên này ngày càng đòi hỏi và buộc các thương hiệu phải đáp ứng đúng nhu cầu và điều kiện thời tiết của mình.

Ngày càng nhiều các bộ sưu tập “không theo mùa” có thể giúp thương hiệu không cần phải dùng việc giảm giá để đẩy hàng tồn. Nó cũng phản ánh rằng phần lớn tăng trưởng doanh số bán hàng xa xỉ vẫn được thúc đẩy bởi các khách hàng mới ở các thị trường mới nổi, vốn rất hứng thú với di sản thương hiệu lâu đời. Khi thị trường Châu Âu cạn kiệt, thời trang buộc phải chuyển hướng và mang đến những sản phẩm đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng xa xỉ từ Thượng Hải đến Lagos (Nigeria), luôn khao khát những thứ mới mẻ với tốc độ chóng mặt.

Đó là lý do vì sao các thương hiệu hàng đầu như Louis Vuitton, Dior, Fendi,… liên tục ra mắt các bộ sưu tập giới hạn, kết hợp cùng các thương hiệu, nghệ sĩ khác quanh năm. Không nhất thiết phải cố định thời gian ra mắt, bộ sưu tập có thể lên kệ ngay sau khi nhà mốt thông báo hoặc nhỏ giọt theo từng đợt tại từng quốc gia.

“Mùa thời trang” có thể mang lại rất nhiều lợi ích như, tập hợp là giúp các thương hiệu đối thủ trình diễn cùng nhau trong một thời điểm. Địa điểm gần và lịch trình nối tiếp nhau tiết kiệm thời gian di chuyển của khách mời, người mẫu, ban tổ chức. Nhưng tất cả đều phải thay đổi nếu muốn tồn tại. Đại dịch là điểm thúc đẩy ngành công nghiệp thời trang, một lần nữa, xem xét lại sự hiệu quả của “mùa thời trang” và tìm kiếm giải pháp thay thế thực tế hơn.

Thực hiện: Hiếu Lê
Theo BoF