SR Fashion Career Talk – Chuỗi sự kiện University Tour: Đầu tư cho sự nghiệp thời trang diễn ra tại Đại học HUTECH
Ngày đăng: 07/06/20
Sau sự kiện thành công tại Đại học Văn Lang, ngày 05 tháng Sáu vừa qua, hội thảo “Fashion Career Talk” nằm trong chuỗi sự kiện University Tour do Style-Republik và SR Fashion Business School tổ chức đã đến với các bạn sinh viên trường Đại học HUTECH.
Trò chuyện trong buổi talk lần này là ba khách mời đã có nhiều năm làm việc ở nhiều lĩnh vực khác nhau trong thời trang. Đầu tiên là chị Châu Nguyễn General Manager tại ADFC, cựu Country Manager của ZARA, tiếp đến là chị Hiền Trần, Founder của RDV (Retail Design Vietnam) , cùng với chị Tee Trương, Founder của 102 Production, cựu Production Director của Zalora Việt Nam, cuối cùng chính là chị Trần Hà Mi – Fashion Marketing Strategist, CEO & Co-Founder của Style-Republik và SR Fashion Business School, người đã kết nối các vị khách mời cùng khán giả của chương trình.
Visual Merchandising (Bán hàng trực quan) có phải chỉ là thay đồ cho mannequin?
Xuất thân là sinh viên thiết kế nội thất trường Đại học Văn Lang, chị Hiền Trần sau đó đảm nhận vị trí quản lý Visual Merchandising cho các thương hiệu. Từ những quan sát trong quá trình làm việc, chị nhận thấy đây là một ngành mới mẻ ở Việt Nam và thành lập RDV (Retail Design Vietnam) đến nay được 2 năm.
Theo chị Hiền, bản thân cụm từ Visual Merchandising (VM) đã rất rõ nghĩa, Visual là những gì liên quan đến thị giác, ánh sáng, màu sắc, kiểu dáng,… Và Merchandising có nghĩa là hàng hóa, làm thế nào để sản phẩm trông thật bắt mắt khách hàng (ngay từ xa), khiến khách hàng thích sản phẩm. Dù là nhìn qua window display hay đi vào cửa hàng, tất cả phải khiến người mua bị thu hút, khiến họ muốn đến khu vực sản phẩm để chạm, ngắm nhìn và thử lên người. Đó là cả một quá trình để có thể bán được sản phẩm thành công.
Đối với một người làm VM, công việc một ngày rất đa dạng. Đầu tiên là kiểm kê hàng hóa, sắp xếp sản phẩm đầy đủ, thay trang phục cho mannequin khi có bộ sưu tập mới, báo hiệu cho khách hàng biết mình có những sản phẩm mới. Bên cạnh đó, người làm VM cũng phải kiểm tra doanh số để nắm được sản phẩm nào bán tốt, cái nào không, từ đó xây dựng được kế hoạch trưng bày và giới thiệu sản phẩm.
Chị Hiền cũng cho biết thêm, đối với một bạn nhân viên bán hàng tại các cửa hàng/thương hiệu lớn phải biết về VM, chứ không chỉ dừng lại ở việc giới thiệu và chào khách. Bởi nếu sắp xếp và trưng bày sản phẩm bắt mắt thì cơ hội để khách hàng rút hầu bao sẽ cao hơn rất nhiều.
Production Director (Giám đốc sản xuất) – người đứng sau những bộ hình mãn nhãn
Chia sẻ cùng các bạn sinh viên, chị Tee Trương, người từng giữ vị trí Studio Manager và sau đó là Production Director của Zalora, đã giới thiệu các công việc mà một Studio Manager phải biết. Đó là sắp xếp, phân chia công việc cho từng cá nhân trong một đội ngũ sản xuất hình ảnh, từ photographer, stylist đến retoucher (hậu kỳ),… Studio Manager cũng phải đảm bảo công việc đúng tiến độ và theo sát kế hoạch đã đề ra.
Còn đối với một Production Director, công việc sẽ bao quát hơn. Họ là người chịu trách nhiệm sản xuất một bộ ảnh, chiến dịch,… và làm việc cùng đội ngũ sản xuất. Bên cạnh đó, mỗi bộ ảnh cần có một Art Director (Giám đốc nghệ thuật) giúp định hướng thẩm mỹ của sản phẩm. Tiếp đến trong đội sản xuất là photographer, nhiếp ảnh gia sẽ dựa theo ý tưởng của Giám đốc nghệ thuật để sáng tạo góc máy, nắm bắt khoảnh khắc. Còn về Stylist, công việc chính sẽ là phối hợp trang phục, phụ kiện để phù hợp với ý tưởng bộ hình. Cuối cùng là Model, việc quan trọng nhất chính là tạo dáng, tương tác với sản phẩm. Tất cả cộng hưởng với nhau để đảm bảo hình ảnh đẹp nhất, nói lên tinh thần của bộ sưu tập.
Retail/Brand Manager – Người chịu trách nhiệm phát triển thương hiệu
Với một Quản lý thương hiệu, trách nhiệm mà người làm ở vị trí này là rất lớn và vô cùng quan trọng. Theo chị Châu Nguyễn, doanh số và lợi nhuận là những ưu tiên hàng đầu đối với một thương hiệu. Bên cạnh đó, Quản lý thương hiệu cần phải nắm rõ tình hình hàng hóa, các sản phẩm được bán là gì và bán thế nào đều phụ thuộc rất lớn vào các quyết định của Quản lý thương hiệu. Đối với các thương hiệu quốc tế mà chị Châu làm việc, có hai dạng phân phối hàng hóa chính: Một là hãng sẽ gửi các sản phẩm đến thị trường trong nước, hai là thông qua sự chọn lựa của Quản lý thương hiệu, thường họ sẽ bay sang nước đặt trụ sở chính để chọn những sản phẩm phù hợp với quốc gia mà mình quản lý.
Bên cạnh đó, Quản lý thương hiệu còn là người chịu trách nhiệm về việc xây dựng hình ảnh thương hiệu, từ cách bày trí, sắp xếp cửa hàng đến các chiến lược marketing, quảng bá đến khách hàng,… Cuối cùng, nhưng rất quan trọng, đó là mở rộng chuỗi cửa hàng và mang các thương hiệu mới về thị trường Việt Nam. Đây là điều hết sức quan trọng trong sự phát triển thương hiệu và hệ thống bán lẻ.
Fashion Marketing – Mang thương hiệu đến gần hơn với khách hàng
Để có thể đảm bảo chỉ tiêu doanh số và tăng độ nhận diện đến khách hàng không thể không nhắc đến bộ phận Marketing. Sau rất nhiều năm làm việc ở các thương hiệu, tạp chí ở vai trò Giám đốc Marketing, chị Hà Mi đã giới thiệu một cách khái quát về công việc của một người làm Marketing thời trang.
Liệu Fashion Marketing có phải chỉ là làm hình ảnh quảng cáo? Ở nhiều cấp bậc khác nhau, công việc cũng rất đa dạng. Về cơ bản, Marketing trong thời trang cũng tương đồng với các lĩnh vực khác. Điều quan trọng là bạn cần hiểu rõ bộ sưu tập của từng mùa để có thể truyền đạt nó đến báo giới một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, người làm Marketing cũng làm việc với người nổi tiếng, các KOL để lan tỏa bộ sưu tập mạnh mẽ hơn đến công chúng. Không những thế, họ làm việc cùng đội Visual Merchandising cũng là nhiệm vụ của Marketing, để có thể lên kế hoạch trưng bày sản phẩm thật đẹp mắt và giữ đúng tinh thần sản phẩm, song song đó là trách nhiệm xây dựng chiến lược quảng bá để đưa hình ảnh sản phẩm, được production team sản xuất, đến khách hàng của mình một cách tốt nhất.
Với guồng quay của rất nhiều bộ sưu tập một năm, khối lượng công việc là rất lớn và không ngừng nghỉ. Để duy trì độ nhận diện của sản phẩm và gắn kết với khách hàng, bộ phận Marketing cũng cần phải tổ chức các event, fashion show,… và các hoạt động nhỏ khác.
Thời trang là sự liên kết của những lĩnh vực vô cùng đa dạng
Qua những giới thiệu của khách mời về ngành nghề mà mình làm việc, không khó để thấy, dù ít dù nhiều, từng vị trí trong bộ máy vận hành của một thương hiệu thời trang đều có sự tương quan mật thiết với các vị trí khác. Những lĩnh vực thiên về hình ảnh, sáng tạo như Visual Merchandising hay Production cũng sẽ cần làm việc và trao đổi rất nhiều với bộ phận quản lý cũng như Marketing để đưa ra những kế hoạch làm việc hiệu quả và có thể truyền tải tốt nhất tinh thần bộ sưu tập, quan trọng là đảm bảo doanh thu cho thương hiệu.
“Hãy học và học thật giỏi, cơ hội làm việc trong ngành thời trang sẽ luôn chờ đón bạn.” – Chuyên gia Marketing Trần Hà Mi
Cơ hội nghề nghiệp là vô cùng rộng mở
Lời khuyên chung của các diễn giả chính là đừng lo lắng và nản chí dẫu bạn bắt đầu từ những vị trí rất nhỏ. Chị Hiền Trần cho biết, dù bày trí rất đẹp và gọn gàng, nhưng khi khách hàng vào mua xong lại trở nên lộn xộn và phá hỏng công sức của mình, nhưng đừng nản lòng, những khó khăn và thử thách ban đầu rèn luyện cho bạn ý chí để có thể đến được vị trí cao hơn.
Còn theo chị Châu Nguyễn, thị trường bán lẻ có tiềm năng hồi phục và phát triển sau khủng hoảng rất tốt. Trái với nhiều lo lắng, sức mua đã trở lại bình thường sau đại dịch, chị đã có thể kéo được 90% KPI mà ban đầu đã đề ra dù đã mất 2-3 tháng đóng cửa các cửa hàng. Điều đó cho thấy cơ hội việc làm là rất lớn và ổn định trong ngành bán lẻ thời trang trong tương lai gần. Và cũng như chị Hà Mi chia sẻ: “Hãy học và học thật giỏi, cơ hội làm việc trong ngành thời trang sẽ luôn chờ đón bạn.”
Style-Republik muốn gửi lời cảm ơn đến các diễn giả của chương trình là chị Châu Nguyễn, chị Hiền Trần, chị Tee Trương và Host chương trình chị Hà Mi đã cùng chia sẻ về công việc và cơ hội của những ngành nghề thú vị trong thời trang. Đồng thời ban tổ chức cũng muốn gửi lời cảm ơn đến Khoa Kiến Trúc Mỹ Thuật trường Đại học HUTECH đã tạo điều kiện để ban tổ chức và cũng cám ơn các bạn sinh viên đã đến dự và giao lưu cùng chương trình.
Cùng chờ đón sự trở lại của SR Fashion Business Talk ep 10 – chương trình kỉ niệm 1 năm sự ra đời của SR Fashion Business Talk với chủ đề Thời trang Việt làm sao để vực dậy sau đại dịch? diễn ra vào cuối tháng 06 năm nay! Thông tin sẽ được công bố trên Fanpage và Website của Style-Republik!
Thực hiện: Hiếu Lê