Epilogue – Chương cuối khép lại ba phần của câu chuyện cổ tích viết bởi Gucci
Ngày đăng: 23/07/20
Chương cuối là phần kết khép lại một câu chuyện. Là điểm tích tụ của cặn lắng trầm tích sau mỗi một cuộc khai quật. Đối với Alessandro Michele – Giám đốc sáng tạo của nhà mốt Gucci – đó là lời giải đáp cho những nghi vấn của anh về thế giới thời trang, và con đường tìm câu trả lời cho những nghi vấn đó hệt như một câu chuyện cổ tích gồm ba phần đã được giới thiệu đến công chúng trong buổi livestream đặc biệt dài 12 tiếng đồng hồ vào ngày 17/7 vừa qua trong bộ sưu tập mới mang tên “Epilogue”.
Phần đầu của cuộc chinh phục này bắt đầu vào tháng Hai ở Milan Fashion Week nơi anh trình diễn bộ sưu tập mùa Thu 2020 tại Gucci Hub. Ý tưởng nhen nhóm khi Alessandro muốn tôn vinh sự diệu kỳ của những màn trình diễn thời trang, rằng đó là một nghi thức thiêng liêng và không được phép lặp lại mà qua đó sự sáng tạo được dịp phô bày trước công chúng và để chính những khán giả với những tư tưởng giải phóng tự chiêm nghiệm theo cách hiểu của riêng họ. Anh muốn vén bức màn để tiết lộ những điều nằm phía sau những màn trình diễn đó. Alessandro quyết định chơi trò chơi đảo ngược và đưa những cộng sự vốn luôn ở phía sau cánh gà nay ra giữa ánh đèn sân khấu. Theo anh, chính sự thông minh nhạy bén đầy cảm hứng của một tập thể đấy đã tạo ra linh hồn cho cái đẹp lâu nay luôn làm cả thế giới mê mẩn. Những nghi vấn quanh quẩn trong tâm trí của Alessandro: “Liệu sẽ ra sao nếu vén bức màn tiết lộ sự thật của những ảo giác lung linh kia? Chuyện gì xảy ra nếu ta báng bổ nghi thức của một đức tin? Làm sao để tái định nghĩa lại những nghi vấn, những giác ngộ và những ám chỉ?”
Phần hai được nhào nặn trong thời gian Alessandro thực hiện chiến dịch quảng cáo cho bộ sưu tập Thu Đông 2020 của Gucci vào tháng Năm khi anh cố gắng đi chệch ra khỏi những lề thói quen thuộc đã định sẵn trong cơ chế của thế giới thời trang. Đó là một cuộc thí nghiệm cơ bản khi anh để bản thân xuôi theo ý nghĩ rằng cái đẹp có thể xuất hiện một cách bất ngờ, không hoàn hảo một cách kỳ diệu mà không hề có sự điều khiển hay tác động nào. Anh quyết định quên đi cương vị của mình vốn là một giám đốc sáng tạo luôn bị ám ảnh bởi sự hoàn hảo. Alessandro đã thôi việc nhúng tay vào dàn dựng từng bối cảnh cho đến lên kịch bản mỗi hành động mà anh quyết định để các người mẫu tự vẽ nên bức tranh của riêng họ. Chính họ trở thành những nhiếp ảnh gia, những biên kịch, những nhà sản xuất và những đạo diễn. Ở phần hai, Alessandro cố gắng trả lời những câu hỏi: “Điều gì sẽ xảy ra với truyền thông khi nó không còn là một sự giao tiếp một chiều? Việc khích lệ sự biểu lộ mang tính tập thể thực sự có ý nghĩa gì? Chuyện gì xảy ra với các sản phẩm sáng tạo nếu nó thoát ra khỏi những khuôn rập được định sẵn?”
Và cuối cùng “Epilogue” chính là phần kết để khép lại ba phần của một câu chuyện tình yêu. Lại thêm một tình tiết đơn giản ngắn gọn: Các thiết kế sẽ được mặc bởi những người tạo ra chúng. Bởi những nhà thiết kế mà mỗi ngày Alessandro đều kinh ngạc về sự sáng tạo của họ. Chính họ sẽ trở thành nhân vật chính trong câu chuyện mới này. Họ sẽ dàn dựng lên những gì chúng ta tưởng tượng ra. Một lần nữa, đó là cả một quá trình của việc hoán vai. Khoảng cách được rút ngắn lại. Những màn trình diễn trở thành các cuộc triển lãm. Những thứ ẩn giấu bên trong được khoe ra ngoài. Cái vô hình bỗng trở nên hữu hình, bùng cháy tỏa sáng. Những phân tích của Alessandro về cơ chế vận hành của thế giới thời trang càng được củng cố: sự xáo trộn sẽ được lột tả qua một góc nhìn mới lạ khác thường. Với sự bố trí phù hợp của các máy ảnh mà qua đó nơi sáng tạo nên các thiết kế sẽ là hiện thân của Gucci trong chiến dịch quảng cáo mới. Phần kết giải đáp những câu hỏi: “Liệu mối quan hệ giữa thực tế và hư cấu có bị ảnh hưởng khi ta cho phép những con mắt tò mò được lẻn nhìn vào quy trình sáng tạo hình ảnh? Thời trang và sự mê hoặc của nó sẽ ra sao khi sự thật trong phút chốc trở thành những điều giả dối?”
Ở Epilogue, ta có thể thấy rằng Alessandro không hề đi chệch hướng khỏi những quy tắc thẩm mỹ của mình vốn đã khiến Gucci trở thành một thương hiệu thời trang cao cấp nổi tiếng nhất thế giới. Anh vẫn không thôi yêu mến những họa tiết và màu sắc rực rỡ. Ở bộ sưu tập lần này, anh đem đến một màu sắc bohemian của thập kỷ 60 một cách đậm nét hơn pha lẫn một chút của sự thời thượng xa xỉ.
Alessandro viết nên câu chuyện cổ tích của mình trong ba phần để đặt nghi vấn về các quy tắc, vai trò và chức năng đã giữ cho thế giới thời trang tiếp tục tồn tại bấy lâu nay. Cũng khó thể tránh khỏi việc nhận thức rằng đây chỉ là một phần của cuộc nghiên cứu và là một sự biến đổi có chủ đích: một trò chơi không cân sức mà ở đó Alessandro đã cố gắng tháo dỡ mọi giàn giáo, đảo ngược mọi thứ, dịch chuyển ánh nhìn sang chỗ khác, để thách thức những phạm trù mà chúng ta cố gắng đặt tên cho sự bí ẩn của vẻ đẹp. Alessandro lựa chọn tôn vinh những con người đã làm việc không mệt mỏi phía sau tấm màn sân khấu. Anh vén bức màn hé lộ những điều mà giới mộ điệu chưa bao giờ nhìn thấy trong quá trình sáng tạo ra những hình ảnh đã khiến họ say mê. Anh thách thức những định kiến và quy tắc rập khuôn được định sẵn đã gò bó sự sáng tạo của thời trang. Anh cảm thấy lựa chọn con đường đó mang theo tất cả tình yêu và niềm tin của mình là một điều hiển nhiên và cần thiết. Hơn hết, khi bước trên con đường đó, anh lại nảy ra những nghi vấn mới, khuấy đảo mọi thứ và sản sinh ra những trực giác mới. Và theo đó, phần kết mà Alessandro đem đến thực sự lại là mở ra một chương mới. Một lưu vực đóng lại và mở ra cùng một lúc, là ngưỡng cửa của sự khởi đầu, mà ở đó chúng ta sẽ bắt đầu mơ về tương lai.
Thực hiện: Mỹ Đỗ