Áo hoodie được làm từ vỏ lựu hoàn toàn phân hủy sinh học

Ngày đăng: 14/09/20

Thời trang nhanh là một cách tuyệt vời để thử nghiệm các xu hướng mới như quần vinyl (một loại nhựa dẻo), áo croptop hoặc những cặp kính râm nhỏ xíu của thập niên 90. Nhưng không như các xu hướng thời trang đến rồi đi, những bộ quần áo và phụ kiện đó phải mất hàng thập kỷ hoặc thế kỷ mới có thể phân hủy.

Thương hiệu thời trang nam Vollebak của Anh đã cho ra mắt một chiếc áo hoodie hoàn toàn có thể phân hủy được. Bạn thực sự có thể chôn nó xuống đất hoặc ủ cùng với vỏ trái cây từ nhà bếp của bạn để làm phân sinh học bởi vì chiếc áo này được làm từ thực vật và vỏ trái cây. Dưới tác động của nhiệt và vi khuẩn, và “úm ba la” chiếc áo hoodie đã quay trở lại từ nơi nó được sinh ra, không một dấu vết.

Ảnh: Vollebak / Sun Lee

Việc người tiêu dùng ý thức về toàn bộ vòng đời của các sản phẩm may mặc — từ lúc được tạo ra cho đến lúc vứt đi — đặc biệt quan trọng, nhất là khi nhiệt độ toàn cầu vẫn tiếp tục tăng. Tính đến năm 2016, đã có hơn 2.000 bãi rác khổng lồ ở Hoa Kỳ và mỗi đống rác tạo ra khí methane và carbon dioxide khi phân hủy đã góp phần làm trái đất nóng lên. Theo EPA, hóa chất từ ​​bãi rác sẽ rò rỉ và gây ô nhiễm nguồn nước ngầm. Năm 2020 là năm của thời trang bền vững, không chỉ hạn chế việc gây thêm ô nhiễm mà còn tích cực chống lại nó.

Áo hoodie của Vollebak được làm từ gỗ cây bạch đàn và cây sồi có chứng nhận nguồn gốc. Bột gỗ từ cây được biến thành sợi thông qua quy trình sản xuất khép kín (99% nước và dung môi được sử dụng để biến bột giấy thành sợi đều được tái chế và tái sử dụng). Sau đó, sợi được dệt thành vải để làm ra chiếc áo này.

Chiếc áo hoodie có màu xanh lá cây nhạt vì nó được nhuộm bằng vỏ quả lựu, thứ thường được bỏ đi. Nhóm nghiên cứu của Vollebak đã sử dụng vỏ lựu làm thuốc nhuộm tự nhiên cho áo hoodie vì hai lý do: Nó chứa nhiều phân tử sinh học Tanin, dễ dàng được chiết xuất và trái cây có thể chịu được nhiều loại khí hậu (nó ưa khí hậu nhiệt đới nhưng có thể chịu hàn được  đến 10 độ C). Theo Nick Tidball – đồng sáng lập của Vollebak, nguyên liệu này “đủ mạnh để tồn tại trong tương lai không thể đoán trước của Trái Đất”, nó vẫn có khả năng nằm trong chuỗi cung ứng của công ty ngay cả khi sự nóng lên toàn cầu gây ra nhiều kiểu thời tiết khắc nghiệt hơn.

Ảnh: Vollebak / Sun Lee

Chiếc áo hoodie này sẽ không bị biến chất dưới các điều kiện hao mòn bình thường, kể cả mồ hôi — nó cần nấm, vi khuẩn và nhiệt mới có thể phân hủy sinh học. Sẽ mất khoảng 8 tuần để phân hủy nếu chôn trong phân trộn, và lên đến 12 tuần nếu chôn dưới đất – điều kiện càng nóng, phân hủy càng nhanh. Steve Tidball, cũng là đồng sáng lập của Vollebak (và là anh trai sinh đôi của Nick) cho biết: “Mọi nguyên tố đều được làm từ chất hữu cơ và được để ở trạng thái thô. Không có mực in hoặc hóa chất nào ngấm vào đất. Chỉ thực vật và màu nhuộm từ quả lựu, vốn là chất hữu cơ. Vì vậy, sau 12 tuần phân hủy hoàn toàn, sẽ không có gì còn sót lại”.

Ảnh: Vollebak / Sun Lee

Thời trang bền vững sẽ tiếp tục là trọng tâm phát triển tại Vollebak. Thương hiệu này trước đây cũng đã cho ra mắt những chiếc áo phông làm từ thực vật và tảo có thể phân hủy sinh học. Những người sáng lập đang tìm cảm hứng từ những điều trong quá khứ. Steve Tidball nói rằng: “Trớ trêu thay, tổ tiên của chúng ta cách đây 5.000 năm lại tiến bộ hơn rất nhiều, họ đã làm quần áo từ thiên nhiên, sử dụng cỏ, vỏ cây, da động vật và thực vật… Chúng tôi muốn quay lại thời điểm mà bạn có thể vứt quần áo của mình vào một khu rừng và thiên nhiên sẽ lo liệu phần còn lại”.

 

Chuyển ngữ: Mỹ Đỗ

Theo bài viết  This hoodie is made from pomegranate peels and completely biodegrades đăng trên Fast Company

Ảnh bìa: Vollebak / Sun Lee