Phải chăng thứ thời trang xuề xòa đang giết chết Haute Couture?
Ngày đăng: 26/11/20
Cũng như những người thuộc tầng lớp thượng lưu New York, trang phục hằng ngày của nam tài tử Timothée Chalamet thường là mũ len, áo hoodie đắt tiền và quần jean. Chàng trai của “Call Me By Your Name” bước trên đường phố Manhattan giữa mùa bầu cử với chiếc áo hoodie màu cam cháy khiến trang phục này một lần nữa gây được sự chú ý của giới trẻ. Hình ảnh ấy đã xuất hiện khắp các trang mạng xã hội.
Phong cách ăn mặc xuề xòa (nonchalant style), hay còn được gọi là normcore, nhấn mạnh vào việc ăn mặc thoải mái với những món đồ kinh điển. Sẽ không có chỗ cho những big logo, thắt lưng kim cương sang chảnh hay áo lông kiêu kỳ, Normcore từ chối những thứ đồ sang trọng và thường chọn một bảng màu trung tính, unisex.
Cách ăn mặc này được định nghĩa từ giữa những năm 2010. Các nhà bán lẻ như American Apparel và Uniqlo đã bắt kịp xu hướng sản xuất quần áo cho thế hệ có phong cách ăn mặc như thế, kể cả Steve Jobs hay Mark Zuckerberg, nghĩa là chỉ mặc những trang phục cơ bản lặp đi lặp lại. Những chiếc áo hoodie, quần thể thao, quần jeans rộng thùng thình đã trở thành món đồ luôn có mặt trong tủ đồ của những đứa trẻ thế hệ Z.
Khi người tiêu dùng hướng đến những bộ đồ thể thao thay vì quần áo được thiết kế riêng, dù muốn hay không, các thương hiệu xa xỉ cũng phải bắt đầu điều chỉnh lại hệ thống sản phẩm để gia nhập đường đua. Năm 2016, Gucci ra mắt mẫu áo hoodie có in big logo trên trang web của mình, báo hiệu kỷ nguyên mới sẽ lấy thế hệ trẻ làm trung tâm. Balenciaga, Vetements và Marc Jacobs nhanh chóng tiếp bước. Không lâu sau, các nhà mốt kinh điển như Dior, Saint Laurent và Louis Vuitton cũng bắt đầu cho ra đời những mẫu hoodie trong bộ sưu tập của mình. Với ba đến bốn lần ra mắt, những chiếc áo hoodie dần dần hòa vào vòng sáng tạo của thương hiệu.
Đối với khách hàng trẻ, thời trang cao cấp giờ đây là những chiếc thắt lưng hàng hiệu, khóa cài hình logo to bản, giày thể thao họa tiết monogram. Thứ hoàn toàn trái ngược với những gì một thương hiệu tạo ra khi nó mới chào đời. Đó là một phong cách sang trọng độc quyền với những chiếc đầm đính cườm lộng lẫy và túi da cừu được chế tác kỳ công với những tiêu chuẩn nghiêm ngặt. Thật khó cho những người không am hiểu về thời trang để tin rằng mẫu váy Juno của Christian Dior và chiếc áo thun in tuyên ngôn nữ quyền hiện đại của Giám đốc Sáng tạo Maria Grazia Chiuri được làm ra bởi cùng một xưởng may.
Trong khi đó, những chiếc thắt lưng logo GG màu vàng, bạc ngày càng xuất hiện dày đặc trên hông của các influencer. Nhưng ít ai còn quan tâm đến khởi đầu như một hãng làm yên ngựa Ý vào năm 1906 của thương hiệu. Và khi Tom Ford gia nhập Gucci vào những năm 1990, ông đã thổi một luồng sinh khí mới vào nhà mốt và đưa nó lên đỉnh sang trọng với vải hoa và lụa bóng.
Tiếp quản nhà mốt vào năm 2015, Alessandro Michele đã thay đổi gần như hoàn toàn thẩm mỹ của Gucci. Các rạn nứt trong chính thương hiệu và những người yêu quý nó là không thể tránh khỏi. Đối với người nổi tiếng, những thiết kế theo phong cách normcore chỉ giống như trang phục thường ngày. Nhưng với phần lớn người tiêu dùng không thể bỏ ra hàng nghìn đô cho những món đồ, những chiếc áo hoodie giá rẻ có lẽ là phương án tốt hơn. Sự gia tăng của những bộ sưu tập theo phong cách đường phố cũng giúp phong cách ăn mặc này chiếm ưu thế, buộc các nhà mốt phải thay đổi để thu hút khách hàng, vốn đang yêu thích kiểu ăn mặc xuề xòa.
Demna Gvasalia đã đạt được những thành công thương mại và chiếm được sự công nhận của giới phê bình, nhưng tầm nhìn của Cristobal Balenciaga lại rất khác so với người sáng lập Vetements. Trong khi huyền thoại Tây Ban Nha được xem là người có tầm nhìn xa với những kiểu dáng danh lịch, bay bổng, Gvasalia lại là bậc thầy của những trang phục normcore, trong đó, phải kể đến bộ sưu tập thời trang nam mùa Thu 2017.
Gần đây, một trong những trụ cột của làng thời trang, Givenchy cũng đã thay đổi giám đốc sáng tạo khi mời Matthew Williams về tiếp quản thương hiệu. Điều này được xem là cách mà LVMH bắt đầu chuyển hướng thương hiệu theo một phong cách trẻ trung và tiệm cận hơn với giới trẻ. Givenchy Xuân-Hè 2021 đã không còn một dấu ấn gì của Clare Waight Keller và thay vào đó là sự gai góc, mạnh mẽ và mang tính xu hướng mà Matthew Williams sẽ xây dựng.
Ngành công nghiệp thời trang đang thay đổi và các thương hiệu buộc lòng phải chạy theo số đông. Khi nhu cầu đối với những trang phục thủ công tốn hàng ngàn giờ lao động giảm xuống, liệu các thương hiệu có chấp nhận từ bỏ Haute Couture không? Câu hỏi này đang dần được trả lời!
Thực hiện: Hiếu Lê
Tham khảo: CR Fashion Book