Khám phá dòng chảy thời trang qua từng thập kỷ
Ngày đăng: 12/03/21
Theo dòng chảy lịch sử, 100 năm không phải là thời gian quá dài. Nhưng với lịch sử thời trang, 100 năm là sự khác biệt rất lớn giữa việc cố gắng nhét mình vào chiếc quần nịt bụng ôm siết eo, khoác trên người bộ váy dài đến mắt cá chân và việc thoải mái mặc quần legging Nike, mang giày Vans như bạn thường mặc bây giờ.
Trong những năm tháng ấy, đã có rất nhiều sự thay đổi lớn về công nghệ, chính trị, văn hoá và cả chuẩn mực xã hội. Thời trang chính là tấm gương phản chiếu xã hội đương thời một cách cụ thể nhất. Từ những đôi giày cao gót đế thô những năm 70 đến bộ bikini lưng cao của năm 40, những kiểu dáng trang phục của thập kỷ trước giờ vẫn là nguồn cảm hứng vô tận cho các nhà thiết kế ngày nay. Hãy cùng nhìn lại những xu hướng đã tạo nên sức ảnh hưởng lớn đến thời đại qua bài viết sau.
1900s: The S-Bend Corset – Chiếc corset đường cong chữ S
Thời kỳ Edwardian chứng kiến sự ra đời của chiếc corset “đường cong chữ S” hay còn gọi là “corset tốt cho sức khoẻ”, một kiểu dáng làm thay đổi tư thế người mặc. Tuy nhiên sự thật là corset cũng không “tốt hơn” so với những chiếc corset dáng chữ V là bao.
Vào cuối thập kỷ này, “girdles” (một loại đồ lót ôm vừa vặn vào phần thân dưới, kéo dài xuống phần hông) được ưu ái hơn và dần thay thế kiểu dáng đồng hồ cát vốn dĩ là nỗi ám ảnh của phụ nữ thời bấy giờ. Nhiều loại trang phục khác cũng xuất hiện, đem đến nhiều sự lựa chọn hơn như áo khoác blazer, váy dài và áo len cho tủ đồ của các quý cô.
1910s: Váy hobble
Thời gian này độ dài của váy đã được kéo lên mắt cá chân giúp việc di chuyển của nữ giới trở nên dễ dàng hơn. Tuy vậy, xu hướng váy “hobble skirt” được sáng tạo bởi nhà thiết kế Paul Poirot trở nên phổ biến. Chiếc váy túm lấy dưới đầu gối, hạn chế chuyển động của người phụ nữ thậm chí có thể dẫn đến chấn thương. Mặc dù xu hướng này không tồn tại lâu nhưng những chiếc “duster coat” (áo khoác có công năng chống bụi bảo vệ trang phục bên trong) và những đôi boots thắt dây ở thời đại này vẫn được yêu thích và tiếp tục tồn tại cho đến ngày nay.
1920s: Phong cách Flapper
Thật dễ hiểu tại sao váy suông flapper được xem là điểm nhấn của thập niên này. Với phần eo váy thả lỏng, đính cườm lộng lẫy và phụ kiện lông vũ, flapper có sức hấp dẫn mạnh mẽ. Mặc dù vậy, phong cách tạo sự ảnh hưởng nhất lại là trang phục có phần tinh tế hơn. Theo Từ điển lịch sử thời trang, đây cũng là năm Coco Chanel giới thiệu Little black dress. Chiếc váy mang đến sự đơn giản và sang trọng, thay vì là màu gợi nhắc đến những người hầu hay quả phụ, màu đen nay đã trở nên phong cách.
1930s: Váy dạ hội may theo đường cắt chéo
Trong khi nước Mỹ đang quay cuồng đương đầu với cuộc Đại suy thoái thì điện ảnh trở thành nơi chào đón chủ nghĩa thoát ly. Ở đó, các minh tinh màn ảnh như Bette Davis, Jean Harlow, and Joan Crawford tỏa sáng trong những chiếc váy dạ hội lộng lẫy và những bộ suit được may đo cẩn thận. Dáng trang phục thời điểm ấy dài và thon gọn nhờ vào kỹ thuật bias-cut của Madeleine Vionnet đem lại cảm giác thanh thoát, mềm mại với lớp vải như được phủ lên đường cong cơ thể người phụ nữ.
1940s: Sự xuất hiện của Bikini
Một trong những kết quả không lường trước được trong thời chiến đó chính là sự phát triển mạnh mẽ của áo tắm hai mảnh – kết quả từ việc cắt giảm vải thực hiện bởi Chính phủ Mỹ vào năm 1943.
Ba năm sau, nhà thiết kế người Pháp Louis Réard ra mắt kiểu dáng bikini chúng ta thường thấy ngày nay và đặt tên dựa trên địa điểm diễn ra những cuộc thử nghiệm hạt nhân của Mỹ. Không những vậy, ông còn táo bạo cắt vải sâu dưới rốn dù vấp phải nhiều phản đối. Điều này chỉ được chấp nhận sau nhiều thập kỷ trôi qua.
1950s: New Look
Sau thời kỳ chiến tranh ảm đạm, năm 1947, Christian Dior đã đem đến The New Look định hình thời trang trong thập kỷ tới. Phần eo thon gọn, định hình phần ngực và xòe rộng xếp tầng bằng vải taffeta dày dặn, chiếc váy là sự tương phản của trang phục thời chiến. Ngay cả những trang phục nhẹ hơn cuối cùng đã trở thành món đồ phổ biến của phụ nữ trung lưu ở các bang và vẫn giữ phần lớn nét nữ tính đặc trưng này: váy thắt eo, váy dài đến ngang bắp chân và bộ áo len.
1960s: Những chiếc váy mini skirt
Những chiếc váy ngắn len lỏi về phía bắc những năm 1960. Điểm khởi đầu cho sự thay đổi này tại cửa hàng Bazaar của nhà thiết kế Mary Quant ở London. Sau này, cô chia sẻ với tờ The New York Times rằng: “Nếu tôi không làm cho chúng ngắn đi, các cô gái Chelsea, những người có đôi chân tuyệt vời, cũng sẽ lấy dao kéo và tự cắt ngắn váy thôi.”
Vào thời điểm đó, chiếc váy gây ra tranh cãi nhưng rõ ràng những người phản đối cuối cùng đã bị áp đảo. Thêm vào đó, hai trong số màu phổ biến vào Thời đại không gian (The Space Age) đó chính là trắng và bạc, đây cũng là màu sắc thể hiện sự tiên tiến trong công nghệ vải. Màu trắng quang học đặc trưng của nhà thiết kế André Courrèges cảm hứng từ sự ra đời của chất tẩy trắng vào cuối năm 1960 theo sử gia Valérie Guillaume.
1970s: Những đôi giày cao gót đế thô
Quần jean trở nên rộng hơn, gót cao hơn và vải tổng hợp tràn ngập các cửa hàng thời trang trong những năm 70. Tại New York, nhóm các cô gái sành điệu ở Studio 54 của Halston đã đưa các xu hướng disco như áo hai dây Lurex và quần palazzo trở nên phổ biến, trong khi đó ở bên kia Đại Tây Dương, phong cách punk phát triển mạnh, tiên phong bởi Vivienne Westwood và Malcolm McLaren với áo phông rách cùng hoạ tiết kẻ sọc.
1980s: Quần Legging
Nếu có một item nổi tiếng vào những năm 80 nhưng vẫn được ưa chuộng vào ngày nay, thì đó là quần legging. Với cơn cuồng thể dục nhịp điệu trong thập niên 80, quần legging sợi vải spandex đã trở thành một xu hướng thời trang phổ biến mặc dù trước đó, chúng thường được mặc với tất giữ ấm chân, áo nỉ lệch vai cùng phụ kiện scrunchies.
Phụ nữ ngày càng tự tin hơn tại nơi làm việc và đang cố gắng xây dựng sự nghiệp chuyên nghiệp của mình. Chính vì thế, dễ dàng bắt gặp những bộ suit vai rộng đầy quyền lực trở thành trang phục thể hiện sự mạnh mẽ, rắn rỏi của những người phụ nữ văn phòng. Như nhà sử gia Bonnie English viết trong cuốn sách Lịch sử văn hóa về thời trang trong thế kỷ 20 và 21, “Những người phụ nữ có sự nghiệp thăng tiến đã sử dụng thời trang như một ngôn ngữ để biểu thị cho kỳ vọng của họ về quyền lực và vị trí trong cơ cấu quản lý của các tập đoàn lớn.” Để vượt qua rào cản vô hình, những chiếc blazer độn vai giúp họ tự tin hơn.
1990s: Chủ nghĩa tối giản lên ngôi
Văn hóa hướng đến giới trẻ của thập kỷ “Smells Like Teen Spirit” là mảnh đất màu mỡ để Grunge nắm giữ, nhất là khi bộ sưu tập đột phá của Marc Jacobs cho thương hiệu Perry Ellis vào năm 1993. Thanh thiếu niên bấy giờ yêu thích những chiếc áo khoác nỉ rộng thùng thình và họa tiết in hoa. Ngày nay, chúng ta vẫn còn tìm thấy chúng trong các cửa hàng đồ cũ.
Ở những nơi khác, chủ nghĩa tối giản đã trở thành điểm nhấn trong thời trang, với những chiếc váy slip dress, vải sheer và bảng màu đen, xám và trắng thống trị runway.
Sau cùng, ảnh hưởng của hip-hop ngày càng thịnh hành hơn, thế hệ MTV sao chép những phong cách mà họ thấy ở các nghệ sĩ như TLC, Aaliyah và Salt-N-Pepa.
2000s: Trào lưu quần áo thể thao
Được yêu thích bởi nhiều ngôi sao nổi tiếng như J.Lo, Paris Hilton, Britney Spears từ những năm đầu 2000, giờ đây những set đồ thể thao Juicy Couture làm từ vải nỉ và vải nhung đã dần trở thành item hoài cổ. Không chỉ người nổi tiếng, ngay cả thương hiệu này cũng mong muốn đem hào quang của nó trở lại. Bên cạnh đó, chúng ta phải kể đến những chiếc áo thun hoạ tiết, những IT bags in logo to tướng, nón lưỡi trai Trucker cap và cả cách ăn mặc hở eo.
2010s: Phong cách Athleisure
Đã hơn 10 năm qua, xu hướng athleisure vẫn tồn tại mạnh mẽ. Skinny jeans luôn là item được công chúng ưa thích mặc dù có rất nhiều lời tiên đoán chúng sẽ mau lỗi thời. Điều đó cũng tương tự với phong cách athleisure. Giờ đây chúng ta thoải mái xuống phố với đôi giày thể thao, áo thun và hoodies cả ngày mà vẫn trông thời thượng. Liệu ai muốn từ bỏ phong cách thoải mái như vậy phải không?
Athleisure trở nên thịnh hành sau những năm 2010 nhờ các fashionista như Rihanna, Gigi Hadid, Beyoncé,…
Chuyển ngữ: Như Quỳnh
Theo Whowwhatwear