SR Fashion Business Talk Ep.13: Thời Trang bền vững – Bền vững và lợi nhuận có thể đồng hành cùng nhau?
Ngày đăng: 29/03/21
Vào ngày Chủ nhật 28.03.2021, SR Fashion Business Talk lần thứ 13 đã được tổ chức trong không gian sang trọng của khách sạn Hôtel des Art Saigon. Lấy chủ đề là đối thoại về thời trang bền vững tại Việt Nam, 3 vị khách mời là chị Trần Hoàng Phú Xuân – CEO của Faslink (công ty chuyên cung ứng giải pháp may mặc và chất liệu thời trang bền vững); chị Vũ Thảo – nhà sáng lập, điều hành và thiết kế của thương hiệu Kilomet 109; Helly Tống – nhà sáng lập của các mô hình kinh tế bền vững là The Yên Concept, Lại đây Refill Station đã có sự chia sẻ về chủ đề Thời Trang bền vững – Bền vững và lợi nhuận có thể đồng hành cùng nhau?
Mở đầu của buổi đối thoại cởi mở, các vị khách mời đã giới thiệu sơ lược về mô hình kinh doanh theo tuyến tính bền vững mà mình đang dày công xây dựng. Chị Phú Xuân là một doanh nhân có tầm nhìn, khi lựa chọn mô hình kinh doanh các loại chất liệu, vật liệu bền vững, thân thiện với môi trường từ 2011 là không hề đơn giản. Kinh nghiệm hơn 10 năm kiên định với mục tiêu góp công xây dựng ngành công nghiệp thời trang bền vững tại Việt Nam, chị đã chia sẻ những góc nhìn thực tiễn trong khía cạnh làm kinh tế, chuỗi cung ứng cho thời trang bền vững và cả những thông tin có giá trị về tiến trình phát triển, quy chuẩn đánh giá thực tiễn các chỉ số bền vững của ngành thời trang trong các năm qua.
Nhà thiết kế Vũ Thảo chắc chắn là một người tiên phong trong lĩnh vực thời trang bền vững tại Việt Nam, khi thương hiệu Kilomet109 được xây dựng để trở nên bền vững, ngay cả khi khái niệm này còn chưa được quan tâm tại Việt Nam. Sự hứng thú và tình yêu mà chị dành cho nền văn hóa bản địa và tinh hoa thủ công mỹ nghệ của các dân tộc thiểu số tại Việt Nam chính là mối nhân duyên giúp chị khởi tạo một thương hiệu thời trang bền vững. Kilomet109 giờ đây không chỉ là thương hiệu bền vững tiên phong tại Việt Nam, mà còn nhận được sự ủng hộ và nhận diện rộng khắp bởi nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này trên thế giới. Thế mạnh của Kilomet 109 là tạo ra chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị và giao thương trực tiếp tới khách hàng của mình. Đây là một điều mà bất kỳ thương hiệu thời trang bền vững nào trên thế giới cũng mong cầu sẽ làm được.
Helly Tống là một influencer trong lĩnh vực sống xanh nổi bật tại Việt Nam. Bản thân chị là một người ăn chay trường và có mối quan tâm thiết thực đến môi trường sống xung quanh mình. Các mô hình kinh doanh do chị sáng lập là The Yên Concept – chú trọng vào việc xây dựng một mô hình không gian sống xanh mượt, giúp đem lại những giá trị tinh thần tích cực bên cạnh kiến tạo vẻ đẹp thẩm mỹ; và mô hình Lại đây Refill Station là để nhằm hạn chế những rác thải bao bì, chai nhựa đựng sản phẩm đến mức tối đa nhất có thể. Bên cạnh việc làm kinh tế bền vững, Helly Tống còn là một người ủng hộ cho các dự án thiện nguyện, nhân văn, thiết thực là Nhà Chống Lũ và chương trình Hạnh phúc xanh của tổ chức quỹ Sống Foundation.
SR Fashion Business Talk Ep.13 được dẫn dắt bởi host là chị Trần Hà Mi – Fashion Marketing Strategist, Co-founder & CEO của Style-Republik & SR Fashion Business School.
Những khó khăn của kinh doanh thời trang bền vững
Trả lời cho câu hỏi “Kinh doanh thời trang tại Việt Nam hiện nay là vô cùng cạnh tranh. Vậy kinh doanh thời trang bền vững thì sẽ có những khó khăn thế nào? Trong bối cảnh COVID-19 vừa qua, Kilomet109 đã làm sao để sống sót qua thời dịch?” Chị Vũ Thảo đã có những chia sẻ cùng chương trình: “Đại dịch đã ảnh hưởng rất nhiều đến ngành thời trang ở phạm vị toàn cầu. Trước thời dịch thì 70-85% lượng khách hàng của chúng tôi là từ quốc tế và khách du lịch đến thăm Việt Nam. Trong thời dịch vừa qua thì lượng doanh thu của Kilomet 109 có suy giảm rõ rệt. Tuy vậy, lượng khách hàng từ nội địa ủng hộ chúng tôi trong thời gian vừa qua là một niềm khích lệ to lớn và khiến chúng tôi cũng vô cùng bất ngờ.
Tại Việt Nam, các thương hiệu thời trang nội địa, quy mô vừa và nhỏ hiện đang phải cạnh tranh lẫn nhau và lẫn các tập đoàn thời trang đa quốc gia. Tuy nhiên, đây là một sự sàng lọc, tạo ra một hiệu ứng ngược lại để thúc tiến cho các thương hiệu có các yếu tố liên quan đến môi trường, sinh kế, bảo tồn, có những tác động tích cực đến xã hội (tạo điều kiện việc làm, thay đổi cách nhìn nhận về chủ nghĩa tiêu dùng…) sẽ có điều kiện để phát triển mạnh mẽ hơn nữa. Bởi khi chúng ta làm thời trang và tạo ra một giá trị khác biệt, gắn kết cảm xúc, hơn là chỉ làm kinh tế đơn thuần hay theo đuổi mỹ cảm, thì nhất định người tiêu dùng sẽ ủng hộ doanh nghiệp của bạn.
Kilomet109 trong thời dịch vừa qua rất may mắn khi nhận được sự khích lệ và ủng hộ thiết thực từ các tổ chức vì môi trường, ủng hộ thời trang bền vững, từ các chuyên gia từ các trường đại học giảng dạy thời trang danh tiếng trên thế giới như Parson School of Design, Fashion Institute of Technology từ New York… Điều này khiến chúng tôi tuy phải đóng cửa bởi cách ly xã hội theo quy định của thời dịch, nhưng lại vẫn hoạt động hiệu quả chứ không “thất nghiệp” tý nào.”
Câu chuyện của Faslink – nhà cung ứng nguyên liệu xanh cho thị trường thời trang nội địa
Chị Phú Xuân, đại diện của Faslink chia sẻ: “Đây là cái duyên của Faslink từ khi mới bắt đầu hành trình cung ứng nguyên liệu xanh cho thị trường thời trang nội địa. Thời điểm lúc bấy giờ thị thị trường vải may mặc tại Việt Nam đã rất cũ, có những chất liệu đã được sử dụng trong ngành may mặc đã rất nhiều năm trước. Hiểu được nhu cầu thiết thực trong việc đổi mới và cần thiết những chất liệu may mặc thân thiện với môi trường, Faslink đã liên kết và có cơ duyên hợp tác với rất nhiều doanh nghiệp lớn tại các nước như Đài Loan, Nhật Bản, Hàn Quốc – là các nước tân tiến và chú trọng bảo vệ môi trường. Từ đó mà các chất liệu xanh, chất liệu tái chế đã trở thành sản phẩm chính của Faslink.
10 năm về trước thì khái niệm bền vững còn quá lạ lẫm và không có nhiều người hiểu và quan tâm. Faslink đã rất kiên định và tin tưởng vào mục đích kinh doanh vì sự phát triển bền vững của ngành thời trang. May mắn thay thì trong khoảng thời gian hơn hai năm đổ lại đây, khái niệm thời trang bền vững đã dần nhận được sự quan tâm hơn, không chỉ bởi các doanh nghiệp, đoàn thể mà còn bởi chính phủ nước ta. Các quy định và sự ưu tiên để phát triển kinh tế bền vững là một chủ đề được quan tâm và thúc tiến phát triển. Faslink vì thế mà nhận được nhiều sự hỗ trợ, động viên và có thêm tiềm lực để phát triển tốt hơn bao giờ hết.”
Helly Tống và lý do vì sao lựa chọn bền vững là nền tảng của việc kinh doanh
Nàng thơ Helly Tống chia sẻ câu chuyện cùng chương trình: “Vào năm 2016, khi em bắt đầu mô hình The Yên Concept, thì lúc đó em chỉ biết về khái niệm sống xanh, chứ không phải là bền vững. Tư duy sống xanh ở thời điểm ban đầu đã khiến cho em nhìn nhận đời sống xung quanh và chợt nhận ra rằng các quốc gia phát triển, văn minh trên thế giới đều rất chú trọng việc bảo tồn môi trường sống. Nhận thức này khiến cho em được truyền cảm hứng để xây dựng một doanh nghiệp chú trọng đến khái niệm sống xanh đó.
Tuy nhiên, khái niệm sống xanh chỉ không dừng lại ở môi trường, mà còn có liên kết tới khía cạnh xã hội, bởi Việt Nam là một quốc gia nằm trong top 5 có lượng rác thải nhựa ra môi trường nhiều nhất trên thế giới. Lúc đó thì em đã nghĩ tới một mô hình kinh doanh, mua sắm mới để giúp giải quyết vấn nạn này là Refill Station. Mô hình kinh doanh này sẽ giúp cho khách hàng mang những chai nhựa đã qua sử dụng, đến và làm đầy lại bằng sản phẩm của các thương hiệu nội địa – vốn chú trọng vào chất lượng và có giá cả hợp lý để làm giảm thiểu lượng rác thải nhựa gây ô nhiễm môi trường và tạo nhiều cơ hội phát triển cho các doanh nghiệp địa phương.
Một trong những khía cạnh quan trọng khác của việc phát triển bền vững là kinh tế. Chính kinh tế sẽ giúp nuôi dưỡng sự tồn tại của mình, cũng như thúc đẩy cho hai yếu tố môi trường và xã hội được bền vững hơn. Khi khách hàng đến và sử dụng dịch vụ của Refill Station, thì họ cũng đồng thời ủng hộ những doanh nghiệp địa phương để họ tiếp tục tạo ra điều kiện việc làm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và tạo ra giá trị, lợi nhuận cho ngành nghề địa phương.
Đối với em, sống bền vững không phải là một xu thế, một lối sống, mà là một tư duy mới. Chúng ta không cố gắng thay đổi quy trình, mà sử dụng sự sáng tạo, tư duy mới để cải cách quy trình cũ đó, để khiến nó không gây nguy hại tới môi trường. Tư duy của em chính là “Sự phát triển bền vững là vừa đáp ứng được nhu cầu hiện tại nhưng không gây ảnh hưởng tới phát triển của thế hệ tương lai. Bởi vì tất cả những gì chúng ta đang tiêu dùng đều là tài nguyên thiên nhiên, và nếu như chúng ta chỉ tiêu hao mà không dưỡng nuôi thì thế hệ kế cận sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều”.
“Sự phát triển bền vững là vừa đáp ứng được nhu cầu hiện tại nhưng không gây ảnh hưởng tới phát triển của thế hệ tương lai. Bởi vì tất cả những gì chúng ta đang tiêu dùng đều là tài nguyên thiên nhiên, và nếu như chúng ta chỉ tiêu hao mà không dưỡng nuôi thì thế hệ kế cận sẽ bị ảnh hưởng rất nhiều”.
Những chia sẻ đầy cảm hứng từ các vị khách mời
Thế hệ ông bà ta đã có lối sống rất tiết kiệm và luôn cố gắng để sửa chữa những món đồ đã cũ – vốn là một hành vi tái chế thiết thực từ ngày xưa, vậy mà bây giờ bền vững mới được mọi người quan tâm và thảo luận rộng rãi như một lối sống mới. Theo chị, khái niệm bền vững đã tồn tại từ bao giờ?
Chị Vũ Thảo: Thói quen tiêu dùng của người Việt của thế hệ trước (sinh năm 1980 trở về trước) là rất xa lạ với chủ nghĩa tiêu dùng, bởi thế mà họ không có lựa chọn nào khác là phải tái chế, sửa chữa lại các món đồ đã cũ của bản thân. Là một người quan tâm tới bền vững, tôi có tham khảo rất nhiều khái niệm học thuật về sự bền vững, nhưng thực chất thì ông bà ta ngày xưa là những người đã tiên phong thực hành việc sống bền vững rất thực tế, bởi đó là một thói quen tựa như hơi thở hàng ngày. Những món đồ cũ được tái chế không chỉ vì lý do tiết kiệm, mà nó còn là bởi vì yếu tố cảm xúc gắn kết với món vật phẩm đó.
Cá nhân tôi tin rằng khái niệm bền vững vốn dĩ đã tồn tại trong văn hóa của người Việt Nam chúng ta từ rất lâu rồi. Những gì cần làm là chúng ta cần phải tiếp tục duy trì, đổi mới và sáng tạo thêm hơn thôi. Nó không phải là một khái niệm gì mới mẻ cả.
Chủ nghĩa tiêu dùng khiến cho guồng quay của ngành công nghiệp thời trang ngày càng nhanh và khiến cho người tiêu dùng quen dần và phụ thuộc vào sự đổi mới liên tục như hiện trạng ngày nay. Vậy thì thời trang có thể trở nên bền vững được không?
Chị Vũ Thảo: Hoàn toàn có thể! Tôi cho rằng cuộc cách mạng mang tính tập thể còn dễ hơn là mang tính cá nhân, và để mỗi cá nhân có thể tự mình thay đổi thì cần phải nỗ lực rất nhiều. Tư duy mua sắm của mọi người tiêu dùng cần phải thay đổi, đó là sự lựa chọn của riêng họ. Người tiêu dùng thay vì chi tiêu vào rất nhiều sản phẩm áo quần có thời hạn sử dụng không bền chắc, thì hãy tiết kiệm để mua sắm những sản phẩm được thiết kế bền chắc, thân thiện môi trường, không lỗi mốt và có giá trị xã hội như tạo ra kết sinh nhai cho người lao động…
Chị Xuân: People – planet – profit là ba yếu tố cần phải quan tâm và phát triển hài hòa, cân bằng trong việc phát triển mô hình kinh doanh thời trang bền vững. Điều này không phải dễ dàng để có thể đạt được, mà cần phải có sự chung tay và kiên trì từ chuỗi cung ứng, người sản xuất, lẫn người tiêu dùng. Những doanh nghiệp có ý định hay đang phát triển thời trang bền vững nên cần phải tự tin hơn, và thực hiện từng bước nhỏ, cho mình thời gian, để đạt được mục đích của mình, và cũng cần hiểu rằng mình sẽ không đơn độc trong hành trình này, sẽ luôn có những tổ chức, cộng đồng sẽ hỗ trợ bạn vì mục đích tốt đẹp đó. Thời trang bền vững là một điều bắt buộc, chứ không phải đơn giản là một xu hướng.
Để tạo ra một sản phẩm bền vững sẽ tốn rất nhiều tâm sức và cần phải đáp ứng được nhiều chỉ số đánh giá về tính hiệu quả của một doanh nghiệp. Người tiêu dùng hiện nay vẫn còn đang bị cuốn theo chủ nghĩa tiêu dùng và còn chưa quen thuộc với việc ủng hộ thời trang bền vững, Vậy làm sao chúng ta có thể đảm bảo được yếu tố lợi nhuận để tiếp tục phát triển bền vững?
Helly Tống: Chúng ta cần phải định vị được thương hiệu của mình và biết được những rủi ro sẽ xảy ra, mà cụ thể là hiểu rằng sản phẩm của chúng ta có thể sẽ mất bao lâu để khách hàng biết tới và ủng hộ sản phẩm mới đó. Từ đó mà cần phải ước tính được một số vốn phù hợp hay có cách để xoay chuyển hay có nguồn trợ lực nếu như kế hoạch ban đầu không diễn ra như dự tính.
Thành công ban đầu không nên chỉ trông mong là lợi nhuận, mà là đủ để có thể tiếp tục vận hành, phát triển. Sản phẩm của doanh nghiệp có thể là mass hoặc niche. Nếu là mass thì cơ may doanh nghiệp sẽ thu được lợi nhuận từ sớm, nhưng nếu là niche thì doanh nghiệp cần phải xác định rõ rằng đây sẽ là một hành trình phát triển rất cần đến sự bền bỉ và kiên trì. Thêm hơn, lợi nhuận nên được xem là thành quả thu được của việc chúng ta đã làm tốt được mục đích là phát triển bền vững được đề ra của mình, không chỉ là sản phẩm, mà còn là môi trường làm việc, yếu tố con người.
Việc sớm có lợi nhuận nhưng lại không thể duy trì mô hình phát triển bền vững thì lợi nhuận đó đơn giản chỉ là một sự tạm thời. Khi xác định theo đuổi mô hình kinh doanh bền vững, bản thân Helly chú trọng nhiều hơn đến sản phẩm, quá trình và con người tạo dựng ra nó hơn là lợi nhuận. Bởi để có thể phát triển bền vững thì ta không thể nào độc bước một mình, mà cần phải đi cùng nhau.
Chị Vũ Thảo: Chúng ta khi muốn xây dựng mô hình kinh doanh thời trang bền vững thì không nên xem đó là một thách thức, mà là một lợi thế. Khi một doanh nghiệp có một sự cải cách, thay đổi trong quy trình sản xuất hay nguồn cung ứng vật liệu thì đó đã là một lợi thế kinh doanh lớn. Nhiều người nhìn nhận thời trang bền vững ở một mức độ quá vĩ mô, nhưng điều đó là không cần thiết.
Lấy ví dụ của thể là thương hiệu thời trang bền vững Stella McCartney đã giới thiệu và phát triển các mẫu thiết kế chỉ được hoàn thiện bởi một đường may – điều này tạo ra rất nhiều tác động tích cực đến môi sinh như tiết kiệm điện. Hay là chúng ta không lựa chọn bao bì nhựa để đóng gói sản phẩm, thay vào đó là lựa chọn các loại vật liệu có khả năng phân hủy và thân thiện với môi trường. Từng hành vi và quyết định nhỏ trong khâu thiết kế cũng vô cùng quan trọng, chẳng hạn như thay vì dùng cúc nhựa, chúng ta có thể sử dụng các loại cúc vỏ trai, cúc vỏ ốc để hoàn thiện sản phẩm.
Chị Xuân: Cách tốt nhất để có thể có được lợi nhuận là tối ưu hóa dòng sản phẩm của doanh nghiệp. Sản phẩm, nếu được, nên được làm ra để phục vụ cho nhiều đối tượng khác nhau. Chẳng hạn như một nguyên liệu xanh có thể được dùng để thiết kế trang phục không chỉ cho nữ giới, mà cả cho nam giới và trẻ em. Hay trong quá trình tạo ra thành phẩm thì những ý tưởng, chi tiết thiết kế, hay kỹ thuật nào có thể được áp dụng để không tổn hao tài nguyên nhất có thể.
Theo góc độ công nghiệp, để có thể đạt được lợi nhuận thì doanh nghiệp sẽ cần phải áp dụng quy luật 80/20. Nguyên lý 80/20 cho chúng ta biết rằng trong bất cứ một nhóm nào cũng có một nhóm đối tượng đóng vai trò quan trọng hơn những đối tượng còn lại. Theo giả thiết, 80% kết quả hoặc sản phẩm được sản sinh ra từ 20% nguyên nhân, và nhiều khi một tỷ lệ rất nhỏ cũng có sức tác động lớn. Công thức này nên được áp dụng và trở thành đòn bẩy để các doanh nghiệp thời trang bền vững có được doanh thu tốt hơn.
Có nhiều nhận định cho rằng thời trang bền vững chỉ dành cho các ông lớn, có vốn đầu tư mạnh, và chỉ là cuộc chơi dành cho giới nhà giàu. Điều này có đúng hay không?
Chị Vũ Thảo: Lấy từ chính kinh nghiệm cá nhân của tôi từ việc xây dựng nên thương hiệu Kilomet 109 thì tôi cho rằng nhận định này không đúng. Khi mà chúng ta lựa chọn ra giá trị cốt lõi và ưu tiên phát triển một khía cạnh nhất định cần thiết của thời trang bền vững, thì mọi việc sẽ trở nên dễ dàng hơn. Ví dụ như là để bảo tồn và ủng hộ sự phát triển của những cộng đồng thiểu số có kỹ thuật sản xuất thủ công hay trang trí chất liệu bền vững – thì bản thân đây là một tác nhân thú vị tạo nên nhận diện và câu chuyện có thể kể của thương hiệu.
Nếu như không có khả năng về vốn mạnh thì chúng ta nên liên kết, hợp tác với các cộng đồng, nhóm phát triển ý tưởng hay các đơn vị có khả năng cung ứng những nguyên phụ liệu minh bạch về quá trình sản xuất, dịch vụ giúp chúng ta nhẹ vốn hơn là việc phải sở hữu hay xây dựng chuỗi cung ứng của riêng mình. Nhưng đừng nên chỉ hợp tác giới hạn trong ngành sản xuất, chế tác và sáng tạo không thôi. Đối với thời trang bền vững thì các doanh nghiệp nên liên kết với các nhóm khoa học (có thể là sinh viên với ý tưởng sáng tạo vì môi trường mới mẻ), các nhóm ngành liên quan, bổ trợ tốt cho thời trang như công nghệ, báo chí, vận chuyển, nghệ sĩ, tổ chức xã hội, môi trường để tìm ra nhiều phương cách hợp tác hay hỗ trợ cho sự phát triển của doanh nghiệp là một điều đáng khích lệ.
Helly Tống: Các doanh nghiệp thời trang bền vững nội địa nên nhận thấy thế mạnh về tài nguyên của đất nước chúng ta. Việt Nam đang sở hữu một nguồn tài nguyên để sáng tạo thành các sản phẩm thời trang bền vững rất dồi dào. Chính vì thế mà sự sáng tạo hay phát kiến ra những ý tưởng mới để chế tác những thứ được xem là không còn giá trị sử dụng, biến nó trở thành một món đồ không chỉ đẹp về mặt thẩm mỹ, có tính công năng, mà còn có câu chuyện đằng sau thì hẳn sẽ không cần quá nhiều vật chất đầu tư.
Làm thế nào để tiếp thị thời trang một cách đúng đắn?
Chị Vũ Thảo: Người tiêu dùng hiện tại rất thông thái, vì vậy các thương hiệu bền vững cần phải minh bạch sản xuất, không kể những câu chuyện dối lừa. Việc minh bạch về sản xuất là cách kể chuyện, và có thể được xem là một cách tiếp thị thời trang đúng đắn nhất.
Việc minh bạch về sản xuất là cách kể chuyện, và có thể được xem là một cách tiếp thị thời trang đúng đắn nhất.
Lấy ví dụ từ thương hiệu Kilomet 109 của tôi như quá trình sản xuất sợi lanh như thế nào, đời sống của nhân công sản xuất ở vùng núi như thế nào… Tất cả những câu chuyện như thế, nó không chỉ đơn thuần là quá trình tạo ra thành phẩm, mà còn sẽ còn cung cấp thông tin bổ ích về những giá trị văn hóa, xã hội đằng sau quá trình sản xuất đó, khiến cho người tiêu dùng hiểu và cảm thấy gắn kết với những mục đích tốt đẹp mà thương hiệu đang muốn cam kết thực hiện về lâu dài.
Chị có thể chia sẻ đôi chút về chất liệu bền vững mà Faslink hiện đang cung ứng cho thị trường thời trang nội địa không?
Chị Xuân: Faslink đem về thị trường Việt Nam rất nhiều nguồn nguyên liệu mới, thậm chí có những chất liệu chỉ mới lần đầu tiên được sản xuất trên thế giới. Từ năm 2011, Faslink đã nhập khẩu những chất liệu vải thân thiện với môi trường để cung ứng cho thị trường nội địa. Faslink đã kết hợp với các doanh nghiệp sản xuất vải lớn trên thế giới để mang đến thị trường trong nước nguyên liệu vải sản xuất từ cây tre. Năm 2017, Faslink tiếp tục ra mắt thành công chất liệu vải tái chế từ bã cà phê khi kết hợp sản xuất với các nhà phát triển sợi uy tín trên thế giới.
Nhiều doanh nghiệp chỉ định sản xuất là đối tác của Faslink có những công nghệ sản xuất tân tiến, có thể giảm thiểu lượng nước hao phí để sản xuất chất liệu (ví dụ như sợi vải tencel) lên tới 70-80%. Faslink cũng đồng thời có cơ may được hợp tác với nhiều doanh nghiệp có khả năng tái chế sinh học các loại phế phẩm hàng ngày của Việt Nam như bã mía, ngô, sen, vỏ sò để tạo ra chất liệu vải tái chế vừa thân thiện với môi trường, vừa giải quyết vấn đề rác thải từ nguyên liệu tự nhiên.
Hiện nay công nghệ sợi tiên tiến đang mang lại cho chúng ta những nguyên liệu kháng khuẩn tự nhiên từ sợi, sẽ hạn chế gây hại tối đa (vì không dùng hóa chất kháng khuẩn) và hiệu quả kháng khuẩn cũng sẽ lâu bền hơn sau nhiều lần giặt. Ví dụ, sợi bamboo, sợi sen, sợi cafe đều ghi nhận tính kháng khuẩn lần lượt là 99.6%, 85% và 80%.
Sau thời dịch, quá trình sàng lọc trong mô hình kinh tế của chúng ta đã dần loại bỏ những thương hiệu kinh doanh thời trang thiếu bài bản, thiếu mục đích và thiếu cả đặc sắc, nhận diện. Vậy đây có phải là thời điểm thích hợp nhất để các thương hiệu nên chuyển mình thành bền vững hay không?
Chị Vũ Thảo: Đây là một thời điểm vô cùng thích hợp để “giác ngộ”, bởi những ảnh hưởng tiêu cực và đời sống tinh thần của tất cả chúng ta trong quãng thời gian dịch bệnh đã khiến cho phần đông chúng ta nhận thức được những giá trị đúng đắn, và những thói quen cần thiết để thay đổi. Đó có thể là hành vi tiêu dùng, nhu cầu ăn mặc thay đổi, nhận thức về môi trường… Bởi thế mà hơn bao giờ hết, việc xây dựng và chuyển mình thành một thương hiệu thời trang bền vững vào lúc này sẽ đi kèm với nhiều lợi thế và sự ủng hộ của người tiêu dùng. Tôi tin rằng thời điểm thời trang bền vững phải là một sự bất buộc, chứ không còn là một sự lựa chọn đang đến rất gần, và vì thế mà những người nhanh chóng nắm bắt và chuyển giao vào lúc này sẽ có được nhiều lợi thế hơn.
SR Fashion Business Talk Ep.13: Thời Trang bền vững – Bền vững và lợi nhuận có thể đồng hành cùng nhau tạm khép lại. Cám ơn các khách mời đã chia sẻ cùng chương trình. Cám ơn nhà tài trợ Faslink cùng Hotel Des Arts, BareSoul đã đồng hành cùng chúng tôi trong chương trình lần này. Video chương trình SR Fashion Business Talk Ep.13 sẽ được cập nhật trên kênh Youtube của Style-Republik! Hẹn gặp lại các bạn trong chương trình lần sau!
Thực hiện: Fellini Rose