Fashion Week Report: Ngôi vương xu hướng Thu-Đông 2021 gọi tên LOGOMANIA
Ngày đăng: 14/04/21
Bất chấp ảnh hưởng của đại dịch, thời trang cao cấp vẫn tiếp tục mạch sáng tạo của mình với những bộ sưu tập khắp các kinh đô New York, London, Milan, Paris hay Thượng Hải, Tokyo, Đài Bắc,… Rất nhiều xu hướng ra đời và gây bão các nền tảng mạng xã hội. Nhưng vượt lên tất cả và “đập” vào mắt người xem chính là hàng loạt mẫu monogram (họa tiết) được các thương hiệu ưu ái cho xuất hiện trong phần lớn các thiết kế và hứa hẹn phủ sóng trong các chiến dịch quảng bá và đường phố.
Đối với người diện các thiết kế này, monogram và logo mang đến sự nhận dạng, có thể nói là ngay lập tức, đối với người khác. Còn đối với thương hiệu, đó là tài sản vô giá và đáng trân trọng trong kho tàng di sản của mình. Không những thế, việc ứng dụng, sáng tạo monogram và logo trong các thiết kế mới là cách thương hiệu xây dựng độ phủ sóng của mình, đồng thời duy trì tính đặc trưng trong tư duy thẩm mỹ và biểu tượng của thương hiệu.
Trước đây, vào giữa những năm 2010, chúng ta đã thấy các thương hiệu như Gucci, Burberry, Vetements, Fendi, Celine, và nhiều hơn nữa liên tục in, dán chiếc logo của mình lên các sản phẩm và dẫn đến nỗi ám ảnh về logomania và thể hiện tình yêu (một cách thái quá đến khoe mẻ) với một thương hiệu. Nhưng thực chất xu hướng này đã bắt đầu từ đầu những năm 2000, khi mà cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 dẫn đến xu hướng thể hiện sự giàu có, ví dụ như thông qua những chiếc áo khoác đầy hào nhoáng của Louis Vuitton và những bộ áo khoác nhung của Juicy Couture.
Tuy nhiên, với năm 2020-2021, tác động của đại dịch đã mang đến những thứ phức tạp khác cho các tín đồ monogram khi họ không có hoặc rất ít cơ hội để xuất hiện ở những nơi đông người và các sự kiện đặc biệt. Nhưng bất chấp những hạn chế này, các sàn diễn mùa Thu-Đông 2021 vẫn bị bao phủ bởi những mẫu họa tiết được làm mới bởi những nhà mốt mang tính biểu tượng nhất của thời trang.
Gucci
Như nhiều thương hiệu khác, logo của Gucci được cấu thành từ hai mẫu “G” lồng vào nhau đối xứng ngược, đại diện cho tên của vị sáng lập Guccio Gucci, người đã thành lập thương hiệu vào năm 1921. Với xuất phát điểm là thương hiệu đóng và thiết kế hành lý du lịch cho giới thượng lưu tại các khách sạn sang trọng khắp Paris, Gucci lần đầu in logo của mình trên các sản phẩm vào năm 1933. Thiết kế này được sáng tạo bởi con trai của ông, Gucci Aldo và dễ dàng đọc từ nhiều phía khác nhau. Kể từ khi nắm quyền sáng tạo tại thương hiệu trăm năm nước Ý, Giám đốc sáng tạo Alessandro Michele luôn thể hiện sự kính trọng và tận dụng mẫu monogram này trên rất nhiều thiết kế của mình.
Christian Dior
Mẫu họa tiết với các chữ cái “Dior” được lồng vào nhau vô cùng đặc trưng của Christian Dior đã được nhà mốt sử dụng hơn 50 năm nay. “Oblique” (Đường Xiên) ban đầu được tạo ra vào năm 1967 bởi Marc Bohan, giám đốc sáng tạo của Dior từ năm 1961-1989, và kể từ đó đã nhiều lần được hồi sinh bởi Giám đốc sáng tạo hiện tại của hãng là Maria Grazia Chiuri. Mẫu monogram với các chữ cái lồng trên nền vải canvas đã trở nên phổ biến trên các sản phẩm vào những năm 70 và đã xuất hiện trở lại vào đầu những năm 2000 bởi Giám đốc Sáng tạo lúc bấy giờ là John Galliano. Giờ đây, mẫu họa tiết với các chữ cái lồng vào nhau được thể hiện trên các phụ kiện, giày thể thao, đồ bơi và chứng minh được giá trị trường tồn của nó với thời gian.
Louis Vuitton
Không cần phải bàn cãi về tính nhận diện của mẫu monogram nhà Louis Vuitton khi nó vẫn luôn là một trong những mẫu họa tiết có giá trị nhất và luôn được tái tạo qua mỗi mùa. Từ bùng nổ màu sắc thời Marc Jacobs, tối giản lẫn vui tươi dưới bàn tay sáng tạo của Nicolas Ghesquière.
Với lần trình diễn bộ sưu tập Thu-Đông 2021 đến với các chàng trai, Virgil Abloh đã thể hiện một phiên bản hoàn toàn mới của mẫu họa tiết này trên các chất liệu như nhựa PVC, vải dạ, canvas, da,… đặc biệt là trên các mẫu túi xách.
Givenchy
Được ghép lại từ bốn chữ “G” xoay về tứ hướng, được viết hoa với tỷ lệ bằng nhau trong các màu đen, trắng hoặc xám logo của Givenchy là hiện thân của tinh thần sang trọng thuần khiết vối tạo nên vị thế của nhà mốt trong lòng người yêu thời trang. Đây cũng chính là mẫu họa tiết được chính tay nhà thiết kế Hubert de Givenchy tạo nên sau vô số bản phát thảo “Givenchy” chỉ để đội lại một mẫu logo mang đủ các tiêu chuẩn thanh lịch của mình vào năm 1952. Mẫu thiết kế đã trải qua các lần làm mới dưới thời nhà thiết kế người Pháp Paul Barnes vào năm 2003 và Tân Giám đốc Sáng tạo Matthew Williams trong bộ sưu tập Thu-Đông 2021. Từ những mẫu bodysuit, phụ kiện,… đều được phủ đầy mẫu logo trứ danh nhà Givenchy.
Versace
Sự vắng bóng lớn nhất trong các sáng tạo mùa này của Versace chính là biểu tượng Nữ thần Medusa (có lẽ nàng đã bị Perseus mang đi chăng?) để đổi lấy một di sản Hy Lạp – La Mã khác. Bởi chiếc đầu của Nữ thần rắn được chính tay đặt lên làm đại diện của nhà mốt như sự tôn kính đối với những ký ức ức thời thơ ấu của ông khi nhìn thấy trong các tàn tích xung quanh Calabria. Và mẫu họa tiết mới nhất xuất hiện mùa này mang tên La Greca dựa trên mẫu Chìa khóa Hy Lạp truyền thống, tượng trưng cho sự vô hạn và dòng chảy vĩnh cửu của vạn vật.
Marine Serre
Quán quân của Giải thưởng LVMH 2017, Marine Serre nổi tiếng với những thiết kế kết hợp giữa trang phục thể thao và thời trang dạo phố đã phổ biến mẫu họa tiết mặt trăng Hồi giáo, tín ngưỡng của Serre kết hợp với biểu tượng chiêm tinh và văn hóa trên các bản in của cô. Năng lượng của thương hiệu tập trung chủ yếu vào tính tưởng tượng, triết học và giả tưởng với tính thực tiễn. Bằng cách tự tạo nên sự khác biệt, Serre không sử dụng tên viết tắt của tên mình, mà thay vào đó là cách tiếp cận mang tính tiên phong và tương lai thông qua hình tượng trăng lưỡi liềm.
Balmain
Với các sáng tạo Thu Đông 2021 mới nhất của nhà mốt Balmain, Olivier Rousteing đã bày tỏ sự kính trọng đối với người sáng lập Pierre Balmain bằng cách giới thiệu một mẫu họa tiết mới mang tính biểu tượng Labyrinth của năm 1970 trên các bộ quần áo và phụ kiện xuyên suốt bộ sưu tập. Theo truyền thống, mẫu monogram của Balmain được lấy cảm hứng từ những lối đi, hàng cây quanh co, xoắn và rẽ được tìm thấy trong những Khu vườn thời Phục hưng Pháp. Biểu trưng cho sự kết hợp các di sản Paris của Balmain với những kiểu dáng đương đại.
Tại Việt Nam, các thương hiệu bên cạnh việc ra mắt các thiết kế mang đậm dấu ấn của mình cũng đã cho ra đời các sản phẩm với monogram và logo của riêng mình. Điển hình có thể kể đến hãng thời trang đường phố DVRK với mẫu áo cardigan in họa tiết cách điệu của DVRK. Hay Valenciani của nhà thiết kế Adrian Anh Tuấn với mẫu monogram được thể hiện trên các mẫu đầm cổ yếm, áo, túi xách,… Hay với thương hiệu thời trang SIXDO với mẫu họa tiết được giới thiệu ngay từ buổi ra mắt đầu tiên trên những mẫu váy, áo len hay đầm ôm,…
Thực hiện: Hiếu Lê
Ảnh: Sưu tầm