Có một Việt Nam giàu bản sắc trong mắt các thương hiệu thời trang Việt
Ngày đăng: 28/04/21
Thời trang dần thấm được tác động khủng khiếp của đại dịch đang diễn ra trên toàn cầu hiện nay. Bởi không chỉ xoay quanh những bộ váy áo, thời trang là lĩnh vực cần sự kết nối giữa con người và bản sắc văn hoá. Từ sự tan rã của xu hướng toàn cầu hóa, người làm thời trang đã bắt đầu nhìn nhận một cách nghiêm túc và sâu sắc hơn vào những thứ mà mình đã bỏ qua trước đây để chạy theo xu hướng phát triển của thời trang quốc tế. Đã từ lâu, chúng ta đã có một Việt Nam giàu bản sắc trong thời trang. Và đây là lúc để cùng chiêm nghiệm lại cách mà các nhà thiết kế Việt đã mang bản sắc Việt Nam vào thời trang, đồng thời tìm kiếm nguồn cảm hứng cho tương lai của thời trang Việt.
Bản sắc Việt trong thời trang
Ngay từ thời kỳ đầu của thời trang thiết kế tại Việt Nam, Nhà thiết kế Minh Hạnh đã giới thiệu những giá trị văn hóa Việt Nam đến bạn bè quốc tế thông qua các kiểu dáng trang phục: áo khoác, sơ mi, kimono,… Điều làm cho cô thành công không chỉ bởi ý tưởng mới lạ, mà còn bởi cách xử lý chất liệu đa dạng, bố cục đẹp mắt – giúp cho những mẫu họa tiết cổ trở nên mới mẻ và thú vị hơn.
Tiếp nối NTK Minh Hạnh là những cái tên như Mai Lâm hay Công Trí với cách kể chuyện rất riêng. Vào thời của Mai Lâm, ai có thể nghĩ những biểu tượng như rồng, phượng, hoa sen có thể trông “grunge” và nổi loạn đến thế. Hình ảnh Mai Lâm bước ra chào khán giả trong chiếc áo cổ giao lĩnh mặc cùng quần jeans rách, đầu đội mấn ren và nắm tay người mẫu (mang đôi boot chiến binh cao đến quá gối, mặc áo croptop, quần siêu ngắn, đầu đội mấn và khoác áo bào) bước ra chào gây ấn tượng mạnh với khán giả. Có gì đó đầy mới mẻ và tự tin toát ra từ Mai Lâm. Mai Lâm không khác gì “đứa trẻ hư” khiến người ta tò mò và kinh ngạc như những gương mặt nổi loạn của làng thời trang thế giới.
Còn với Công Trí, có lẽ chúng ta sẽ không thể định hình anh trong bất kỳ một khuôn mẫu hay phong cách nào. Nhưng nhìn chung, trong những bộ sưu tập của anh luôn phảng phất “chất Việt”. Ngay từ khi bắt đầu hành trình của mình, anh đã chọn hình ảnh những nữ anh hùng Việt Nam mạnh mẽ nhưng không thiếu phần nữ tính trong bộ sưu tập “Lá Xanh”. Bộ sưu tập dự thi Collection Grand Prix 2000. Và từ đó, trên những hành trình tiến ra biển lớn, Việt Nam vẫn hiện hữu trong những gì anh giới thiệu đến bạn bè quốc tế.
Từ cách anh chứng minh với thế giới rằng chất lụa Lãnh Mỹ A, thứ báu vật An Nam, đẹp đến thế nào với cái tên không thể Thuần Việt hơn – “Lúa” tại Tokyo Fashion Week 2016. Một năm sau, anh khiến khán giả thán phục với hình ảnh những gánh xe của người bán hoa ven đường được chuyển tải thành những bông hoa rực rỡ trên lưng áo trong bộ sưu tập “Em Hoa”. Kể cả khi ra mắt tại New York trong Tuần lễ Thời trang Thu-Đông 2019/20, chất liệu Lãnh Mỹ A vẫn song hành cùng anh trên những mẫu đầm dạ hội quyến rũ như một cách mà anh thể hiện rằng mình không quên bản sắc Việt Nam.
Song song là NTK Thủy Nguyễn, người đã xây dựng thương hiệu của mình trên nền tảng là văn hóa Việt Nam. Chính điều đó đã giúp thương hiệu của cô luôn tách biệt với số đông. Xuất thân là một họa sĩ, chất họa vẫn luôn tuôn chảy trong các sáng tạo của Thủy Design House qua những bản vẽ đồ họa, đính kết lấy hình tượng từ tranh Đông Hồ. Để từ đó những câu truyện dân gian Việt Nam được cách điệu và làm mới một cách đầy thú vị.
Hay một nhà thiết kế nữ khác chính là Kelly Bùi, người kết hợp vẻ đẹp của người phụ nữ xứ Kinh Kỳ với trang phục mạnh mẽ và cá tính như áo khoác bomber, biker, quần skinny jeans… trong “Tonkin” tại Thượng Hải. Cả bộ sưu tập phủ một sắc đen bí ẩn được mở đầu với hình ảnh người mẫu khoác áo biker đầu đội nón quai thao bước đi trên nền nhạc “Ngồi tựa song đào”.
Tiếp sau đó, thời trang đã sản sinh ra những nhà thiết kế đến gần hơn với nền thời trang quốc tế và có cách khai thác giá trị văn hóa Việt rất riêng. Có thể kể đến hai nhà thiết kế bước ra từ London College for Design & Fashion, Lâm Gia Khang và Thảo Vũ, dù rằng cả hai đi theo hai con đường khác nhau.
Tạo nên những bộ trang phục mang phong cách tối giản nhưng lại có thể kể rất nhiều câu chuyện, Lâm Gia Khang đã khéo léo lồng ghép những hình ảnh rất Việt Nam vào các thiết kế của GIA STUDIOS. Được thể hiện rõ nét nhất trong bộ sưu tập Xuân-Hè 2021 (DELICATE INDOCHINA – Đông Dương kiều diễm) gần đây, là hình ảnh chiếc quạt nan được tái hiện qua chiếc túi cầm tay bằng chất liệu da với bảng màu trung tính. Hay chiếc áo yếm, áo dài, áo tứ thân mang hơi thở đương đại (và có tính ứng dụng). Bên cạnh đó, sự nghiêm khắc trong chất lượng của từng sản phẩm mang nhãn hiệu GIA STUDIOS còn cho thấy sự nghiêm túc của anh trong việc đưa những sản phẩm 100% “made in Vietnam” ra thế giới. Và đáp lại là sự xuất hiện liên tục của cái tên GIA STUDIOS trên các nền tảng thương mại trực tuyến lớn như MODA OPERANDI, FARFETCH,..
Còn với Thảo Vũ, người đã sáng lập ra thương hiệu Kilomet 109, con đường xây dựng một thương hiệu bền vững là một hành trình đầy gian nan nhưng ngọt ngào. Để cho ra đời những sản phẩm ứng dụng với chất liệu tự nhiên, sử dụng các kỹ thuật nhuộm chàm, vẽ sáp ong, nhuộm mặc nưa,… chị cần phải tìm và làm việc cùng các nhóm nghệ nhân. Khó khăn lớn của NTK là “giao tiếp”, để các nghệ nhân “cùng thử nghiệm và làm những điều mới mẻ mà có lẽ hơn mấy chục năm làm nghề họ chưa bao giờ làm”. Tuy vậy, hành trình này đã và đang gầy dựng được một nguồn tư liệu quý giá về văn hóa và phần nào giúp duy trì được nghệ thuật thủ công truyền thống của Việt Nam đang dần bị mai một. Đồng thời góp phần phát triển và bảo tồn các nét đẹp di sản ấy.
Bên cạnh đó, chúng ta có thể kể đến một số sản phẩm vô cùng độc đáo của các thương hiệu như MOI DIEN, DEADEND hay Dynasty The Label. Có thể những trò chơi như ô ăn quan, banh đũa hay tạt lon đã chỉ còn trong tiềm thức, tuy nhiên đó lại là nguồn cảm hứng để MOI DIEN tạo nên thiết kế của mình, ví dụ trò chơi Đông-Tây-Nam-Bắc. Hay xa hơn một chút về thời chiến tranh Việt Nam, hình ảnh những cô gái gợi cảm trên poster, áo bomber của lính Mỹ đã được cách điệu và in trên chiếc khăn bandana của DEADEND. Hoặc chất liệu gấm hoa quý giá được thể hiện trong các thiết kế tươi trẻ, thú vị của Dynasty The Label.
Giá trị Việt Nam, bất kể thời kỳ nào đều thật đẹp đẽ và giàu cảm hứng.
Không chỉ gói gọn trong quần áo, tại địa hạt trang sức và phụ kiện, các thương hiệu Việt cũng đang cho ra đời những sản phẩm độc đáo từ sự kết hợp giữa sáng tạo cá nhân và văn hóa Việt. Nếu Cuội, theMay đặc trưng bởi nét thô mộc mà đậm đà hồn Việt thì CAO Jewelry lại là hình ảnh về một thương hiệu trang sức sang trọng, cao cấp với các chế tác từ vàng, bạc, kim cương tinh xảo từ hình tượng cây tre, hạt lúa,… Hay cả những mẫu giày gỗ được chạm lọng, đục đẽo tinh tế theo hình tượng cổ tích được làm thủ công bởi những nghệ nhân lành nghề của Fashion For Freedom.
Giá trị Việt Nam, bất kể thời kỳ nào đều thật đẹp đẽ và giàu cảm hứng. Bằng sức sáng tạo và tư duy mới mẻ, các thương hiệu thời trang Việt Nam chắc chắn sẽ còn khiến ta ngạc nhiên và cảm phục với những tác phẩm được dựng nên từ bản sắc Việt Nam. Và đó cũng có thể là hành trang cùng họ trên hành trình tiến ra biển lớn, tại sao không?
Thực hiện: Hiếu Lê
Ảnh: Sưu tầm