Fashion curator – giám tuyển thời trang là gì? Công việc của họ tạo nên ý nghĩa nào trong cuộc sống?
Ngày đăng: 26/05/21
Trong thế giới thời trang, người ta thường tập trung chú ý vào nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia hay người mẫu, vai trò của một “Fashion curator” – nhà giám tuyển thời trang thường ít được nhắc đến. Trong ngành thời trang ngày nay, người giám tuyển thời trang không chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc tổ chức các cuộc triển lãm phù hợp với thị trường; họ còn mang những buổi triển lãm đó cùng bối cảnh lịch sử và văn hóa của nó đến với công chúng. Đội ngũ Style-Republik xin mượn bài viết của cây bút thời trang Isabel Sebode để bạn đọc hiểu thêm về vai trò của nhà giám tuyển thời trang.
Trong một bài báo gần đây về ‘vẻ đẹp của sự vô dụng‘, tôi* (* tác giả Isabel Sebode) đã coi thời trang là nghệ thuật, nhằm khuyến khích tư tưởng cởi mở, coi thời trang vượt ngoài phạm vi về giá trị sử dụng, thay vào đó tập trung nhiều hơn vào vẻ đẹp của nó. Tâm lý này được thể hiện rõ nét qua nghề giám tuyển thời trang – một nghề thường bị hiểu lầm rằng nó tuân theo nguyên tắc thẩm mỹ của ‘nghệ thuật vị nghệ thuật’; mong muốn quan sát thời trang theo *chủ nghĩa khoái lạc đồng thời đạt được sự thoả mãn khi làm như vậy.
Sự tập trung vào bộ ba trụ cột của ngành thời trang (nhà thiết kế, nhiếp ảnh gia, người mẫu) khiên người giám tuyển thời trang là một trong những vai trò bị bỏ qua nhưng cực kỳ quan trọng đối với cả người tiêu dùng và nhà thiết kế. Có lẽ để hiểu hơn vai trò của người giám tuyển, ta có thể so sánh với một nhà phê bình văn học: họ chú ý đến chủ đề và bối cảnh, mong muốn sáng tác các cuộc triển lãm “cung cấp thêm bối cảnh cho câu chuyện” trong phạm trù phục trang, như Shonagh Marshall đã giải thích trong một cuộc phỏng vấn với Tạp chí Twin vào năm 2017.
Trong phần giải thích của mình về các cuộc triển lãm thời trang, Marshall nhấn mạnh vào sự khác biệt giữa thời trang và mỹ thuật. Với thời trang, mục đích của triển lãm là cung cấp bối cảnh; trong khi với nghệ thuật, “nó là trung tâm trong việc đưa ra câu chuyện”. Đó là một sự khác biệt điển hình, thể hiện giám tuyển thời trang như một nghề khai sáng, khuyến khích người tiêu dùng quan sát thời trang sâu sắc hơn sức hấp dẫn về mặt thẩm mỹ hoặc chức năng, để đánh giá đầy đủ ý nghĩa cơ bản của nó. Các giám tuyển thời trang làm việc để thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thời trang, nhấn mạnh giá trị văn hóa và lịch sử thường bị bỏ qua.
Các giám tuyển thời trang làm việc để thay đổi cách chúng ta nhìn nhận thời trang, nhấn mạnh giá trị văn hóa và lịch sử thường bị bỏ qua.
Nhắc đến giám tuyển thời trang, người ta không thể không nhắc đến Vince Aletti: bước vào căn hộ nhỏ của ông ở East Village, chúng ta có thể nhận ra ngay nỗi ám ảnh của ông với các tạp chí thời trang. Trong một cuộc phỏng vấn với The New Yorker vào tháng 4 năm 2019, Aletti ước tính bộ sưu tập của mình lên tới hàng vạn tạp chí. Hoặc có thể là gấp đôi. Kho tàng tạp chí của ông là điểm khởi đầu cho bất kỳ nhà giám tuyển nào, cung cấp một kho lưu trữ về lịch sử thời trang và dòng chảy báo chí. Thông qua việc quản lý các tác phẩm của mình, ông đã tổng hợp cuốn sách ‘Issues’, gồm 100 tạp chí chọn lọc để hé lộ một bộ sưu tập ảnh độc đáo, thời trang và các nhiếp ảnh gia của nó dưới góc nhìn thường bị bỏ quên. Công việc của ông rất tỉ mỉ; ông tìm lời giải thích và câu chuyện cho mỗi bức ảnh trong quá trình gắn bó với nghệ thuật thời trang và nhiếp ảnh. Tuy nhiên, sự cống hiến của ông cho một thú tiêu khiển tốn nhiều thời gian, chiếm nhiều không gian không chỉ là niềm vui của một cá nhân: đó là nguồn lực chính để nhiều nhà thiết kế phát triển các bộ sưu tập mới.
Trên thực tế, nghề nghiệp của Aletti là một phần quan trọng trong ngành công nghiệp thời trang. Trường đại học Mỹ thuật London (UAL) quản lý trung tâm giám tuyển thời trang của riêng mình, để cung cấp “chất xúc tác và nền tảng độc đáo cho những nghiên cứu, triển lãm, hội nghị chuyên đề” cũng như để phát triển các bộ sưu tập mới. Ví dụ: Balenciaga chọn đưa một chiếc áo choàng được chỉnh sửa từ năm 1954 vào bộ sưu tập Mùa thu năm 2017, cho biết cách mà các nhà thiết kế đang sử dụng kho tàng những bộ sưu tập đồ sộ trong quá khứ hoặc các cuộc triển lãm được giám tuyển trong quy trình thiết kế kết hợp giữa quá khứ và hiện tại.
Bản thân các nhà giám tuyển là hạt nhân của kiến thức thời trang, một nghệ thuật mà Tiến sĩ Valerie Steele nắm rõ. Bà làm việc tại Học viện Công nghệ Thời trang, và vai trò Giám đốc Bảo tàng của bà bao gồm giám sát các cuộc triển lãm về các chủ đề như áo nịt ngực hoặc phong cách gothic trong lịch sử thời trang – hoặc như Marshall đã nói, ‘đặt thời trang vào bối cảnh của nó’.
Steele nhấn mạnh rằng công việc giám tuyển phức tạp hơn nhiều so với tưởng tượng. Thay vì là một nghề thủ công thừa thãi, nó có giá trị văn hóa xã hội giống như một cuộc triển lãm trong Phòng trưng bày Quốc gia : “Bạn nghiên cứu và kể một câu chuyện, và chỉ mình bạn đang sử dụng đồ vật để kể một câu chuyện”, bà nói với Twin. Các trang phục được trình bày như mảnh ghép của lịch sử và trở thành một phần của câu chuyện lịch sử thông qua triển lãm, với mục đích “vừa mang tính giáo dục vừa mang tính giải trí; […] để mang lại điều gì đó mới mẻ cho mọi khía cạnh của thời trang.”
Do đó, công chúng có thể tiếp cận được giá trị của thời trang, thể hiện cách thức giám tuyển tồn tại trong cuộc đối thoại với nhà thiết kế và người tiêu dùng. Ví dụ: Bảo tàng V&A (Victoria & Albert) đã tổ chức một cuộc triển lãm về lịch sử của túi xách vào tháng 4 năm 2020, tập trung vào các *đồ tạo tác khác nhau từ thế kỷ 16 trở đi, bằng cách này, món đồ dân dã, hữu ích trong cuộc sống hàng ngày của chúng ta cũng có thể trở thành một câu chuyện lịch sử. Bên cạnh lịch sử thời trang, các triển lãm cũng tìm cách giới thiệu thời trang đương đại nhưng với một cách tiếp cận sáng tạo. Vào tháng 1 năm 2018, Patricia Mears đã tổ chức một cuộc triển lãm với chủ đề Expedition: Fashion from the Extreme, giới thiệu chiếc áo khoác túi ngủ như một trang phục thiết yếu trong đời sống, cũng như các biến thể của nó trong thời trang cao cấp. Triển lãm của Mears giới thiệu mối liên hệ giữa thời trang và chức năng, vẻ đẹp, nghệ thuật và lịch sử, qua đó khám phá vai trò của phục trang trong nền văn hóa của chúng ta, vị nghệ thuật cũng như vị nhân sinh.
Từ những cuộc trò chuyện với Aletti, Marshall và Steele, chúng ta được khuyến khích thay đổi nhận thức về việc giám tuyển. Nó không chỉ quan trọng đối với quá trình sáng tạo của ngành thời trang, mà còn đối với chính bản thân văn hóa. Tương tự như cách chúng ta trân trọng các tác giả khi họ nhắc đến các văn bản cổ điển, hay tính liên văn bản, sự đánh giá của chúng ta về thời trang nên dựa trên bản chất xuyên ngành và sự trường tồn của nó. Và kết quả là gì? Việc giám tuyển tạo điều kiện thuận lợi cho việc tạo ra phục trang có giá trị văn hóa, đồng thời cung cấp cho người tiêu dùng nhận thức về tầm quan trọng của nó. Bởi nếu thiếu hiểu biết, rất có thể người tiêu dùng chỉ cho rằng nó là phục trang đơn thuần mà bỏ qua bối cảnh phức tạp đằng sau nó.
Chuyển ngữ: Nhi Nguyễn
Theo Isabel Sebode/ Varsity
Chú thích:
- Chủ nghĩa khoái lạc: Chủ nghĩa khoái lạc (Hedonism) là hệ thống triết lý đề cao việc mưu cầu lạc thú và tránh né khổ đau như là mục đích chủ yếu trong cuộc sống. Con người chỉ có một nghĩa vụ đạo đức duy nhất là thoả mãn nỗi khát khao khoái lạc và loại bỏ, hay chí ít giảm thiểu trong khả năng có thể, mọi nỗi khổ đau của mình trong đời. (theo Wikipedia)
- Đồ tạo tác (artifact): Đồ do người tiền sử tạo ra, để phân biệt với những đồ vật lấy sẵn trong thiên nhiên