Hành trình trở thành biểu tượng thời trang của Cruella de Vil
Ngày đăng: 05/06/21
Vào năm 2021, ngay cả những nhân vật phản diện cũng không mặc lông thú.
Biểu tượng thời trang vĩ đại nhất Hollywood đã trở lại với một bộ phim mới toanh, sự quyến rũ đến từ những trang phục đơn sắc của cô đang được phủ sóng ở khắp mọi nơi. Liệu nhân vật *phản anh hùng bị ám ảnh bởi những chú chó đốm này có thể truyền cảm hứng cho chúng ta về cách ăn mặc sau COVID không?
Trong thời đại của sự lành mạnh, lối ăn uống thuần chay và chủ nghĩa tiêu dùng có đạo đức, Cruella de Vil, với khói thuốc màu xanh lá độc hại và sự thèm khát máu của loài chó đốm, là biểu tượng phản diện có phong cách nhất.
Trải qua những tháng ngày đầy mưu mô, dìm những chú mèo con với điệu cười điên cuồng, Cruella đã trở thành nhân vật phản diện có phong cách nhất của Hollywood kể từ khi cô bắt cóc tất cả 101 chú chó đốm trong bộ phim gốc năm 1961. Đối thủ gần đây nhất của cô, Miranda Priestly trong Devil Wears Prada (Yêu nữ hàng hiệu), có thể đã khiến cấp dưới của bà trông thật xác xơ , nhưng ít nhất bà không bắt cóc những chú chó con để nâng cấp trang phục của mình.
Vẻ ngoài của Cruella đã khiến cô trở thành một biểu tượng. Cũng giống như Karl Lagerfeld, Anna Wintour hay Suzy Menkes, cô không chỉ có mái tóc đặc biệt mà còn có gu thẩm mỹ đặc trưng. Dù được miêu tả qua những nét chì hoạt hình sống động của Marc Davis hay do Glenn Close thủ vai trong bộ phim năm 1996, trang phục của cô đều rất đặc biệt. Vẻ ngoài nổi tiếng nhất của cô – chiếc áo khoác lông màu kem khổng lồ với lớp lót màu đỏ, kèm thêm đôi găng tay và đôi giày cao gót đỏ như máu – vẫn toả ra chất quyến rũ đặc trưng. Và mọi thứ về cô đều thật sắc và nhọn: mũi, gò má, lông mày, cằm.
Trong tháng này, một bộ phim mới, lấy bối cảnh ở London những năm 1970, sẽ ra mắt tại các rạp chiếu phim. Trong phim Cruella, Emma Stone đóng vai Estella, một nhà thiết kế thời trang trẻ tuổi và mới ra đời.Tuy nhiên, mâu thuẫn với sếp của cô (Emma Thompson) đã thúc đẩy sự biến chất của cô, để cô trở thành một nhân cách khác, điên cuồng hơn. Ngoài đời thực, vẻ ngoài của Cruella cũng có khả năng truyền cảm hứng cho nhiều người. Bởi vì ngành công nghiệp thời trang, trỗi dậy sau một năm đầy khó khăn trong đó sự hào nhoáng bị thải loại, dường như đang vô thức chuyển sang phong cách của những kẻ phản diện để tăng thêm sự tự tin.
Các dấu hiệu đang có mặt trên khắp các sàn diễn thời trang và đường phố, nơi mà gam đơn sắc đang xuất hiện trở lại, sau vài năm khi những gam màu tươi sáng vẫn thống trị. Ví dụ, trên sàn diễn, người ta có thể thấy chiếc áo khoác vest đơn sắc của Balmain với miếng đệm vai quyền lực quá khổ, gần giống với chiếc mà Close mặc trong bộ phim năm 1996.
Trong khi đó, tại lễ trao giải Grammy vào tháng 3, Beyoncé đeo găng tay Schiaparelli màu đen với móng tay vàng đánh lừa thị giác, giống với các phụ kiện đặc trưng, ma quái như móng vuốt của Cruella (do Glenn Close thủ vai). Tại lễ trao giải Oscar, trang phục Gucci tua rua của Celeste Waite – áo có hoạ tiết răng cưa màu đỏ và đen với túi cầm tay hình trái tim – khiến bạn liên tưởng đến Cruella. Ngay cả Moira Rose, trưởng nhóm Schitt’s Creek, người đã trở thành một hiện tượng của Netflix, cũng là fan cứng của Cruella, với bộ tóc giả hai tông màu và sự trung thành với phong cách đơn sắc.
Giờ đây, trên các sàn diễn, những gam màu đỏ, đen và trắng quỷ dị đang thống trị các bộ sưu tập mùa thu. Sàn diễn mới nhất của Michael Kors có những bộ trang phục với họa tiết da báo và ngựa vằn; áo khoác lông thú giả màu đen, kem và đỏ ruby - trông giống như những trang phục cosplay Cruella de Vil. Burberry cũng bị cuốn vào vòng xoáy “Cruella”. Thương hiệu đã cố gắng thu hút khách hàng rời khỏi những chiếc áo khoác lông vũ, thứ đã trở thành chiếc chăn êm ái trong thời gian giãn cách do COVID, với một loạt những chiếc áo lông thú giả màu kem, khổng lồ, kết hợp các chi tiết trang trí bằng tai thỏ giống thật đến khó tin.
Ngay cả hoạ tiết in hình chó đốm cũng xuất hiện ở khắp mọi nơi, từ những chiếc ghế, giấy dán tường và cho đến các bức tường nổi bật – tất cả đều được tìm thấy trên Instagram. Các ngôi sao truyền hình nổi tiếng cũng là fan trung thành của hoạ tiết này (ví dụ như Tess Daly trong chương trình Strictly của mùa trước), biểu tượng của thế hệ Z (Kendall Jenner đã mua cho Hailey Beiber một đôi dép đi trong nhà in hình chú chó đốm trong dịp sinh nhật của cô); và một người có thể nhẫn tâm như chính Cruella (Ivanka Trump).
Những trang phục làm từ lông thật hoàn toàn vắng bóng trên sàn diễn. Trong các phiên bản trước đây, bộ phim 101 Chú Chó Đốm không lên án việc sử dụng lông thú. Trong khi sự thô bạo và xu hướng bắt cóc những chú chó con dễ thương của Cruella rõ ràng là có vấn đề. Trong bộ phim năm 1961, phiên bản trái ngược của Cruella, Anita với mái tóc vàng như thiên thần, nói rằng cô cũng muốn có một chiếc áo khoác lông thú – chỉ là cô ấy quá vị tha và khiêm tốn để mua một chiếc áo khoác như vậy. Nhà học giả Chantal Nadeau thậm chí còn nói về bộ phim năm 1996 là “một sự hùng biện ngông cuồng, thậm chí khiêu khích về vấn nạn sử dụng lông thú”, bởi vào thời điểm đó ngành buôn bán lông thú đang khởi sắc. Phần tiếp theo, ra mắt năm 2000, cũng không khiến những người phản đối lông thú hài lòng hơn chút nào.
Tuy nhiên, vào năm 2021, ngay cả những nhân vật phản diện cũng không mặc lông thú. Trên thực tế, Disney đã chỉ ra rõ ràng trong phần ghi chú sản xuất “Trong phim của chúng tôi, nhân vật Cruella không gây hại cho động vật theo bất kỳ cách nào… Cruella không có cùng động cơ giống như phiên bản hoạt hình của cô”.
Trong thời trang cũng vậy, lông thú giờ đây được coi là thứ không được tiêu thụ, nó bị cấm bởi phần lớn các thương hiệu trong ngành công nghiệp thời trang.
Trong thời trang cũng vậy, lông thú giờ đây được coi là thứ không được tiêu thụ, nó bị cấm bởi phần lớn các thương hiệu trong ngành công nghiệp thời trang. Ngay cả Anna Wintour – một nhân vật từng ủng hộ lông thú đến mức bị một người phản đối việc sử dụng lông thú ném một con chồn đã chết vào bát súp của mình tại một nhà hàng ở New York – cũng mặc “chiếc áo khoác lông giả bền vững” của Stella McCartney.
Thay vào đó, tủ quần áo năm 2021 của Cruella chủ yếu lấy cảm hứng từ London những năm 1970 và 1980, bao gồm ca sĩ mới nổi người Đức Nina Hagen, Vivienne Westwood và thương hiệu BodyMap sau thời kỳ Punk: có 47 bộ trang phục do Jenny Beavan thiết kế, bao gồm một chiếc áo khoác quân đội với những chiếc cầu vai ấn tượng, những bức tượng nhỏ được xếp chồng lên nhau và một chiếc váy màu đỏ thẫm khổng lồ.
Ngoài ra còn có bộ áo liền quần màu đen lấp lánh và Dr Martens. Trong khi đó, nhà thiết kế tóc và chuyên gia trang điểm Nadia Stacey của bộ phim đã lấy cảm hứng từ thẩm mỹ của nghệ sĩ như David Bowie, *nghệ sĩ drag David Hoyle và Alexander McQueen, cũng như những nhiếp ảnh gia với phong cách đường phố punk – có một phân cảnh, Emma Stone xuất hiện với chữ “the future” (tương lai) được viết trên khuôn mặt của cô ấy bằng phông chữ Sex Pistols.
Stacey cho biết chủ đề lớn của bộ phim là về “việc bạn là ai; có cả một câu chuyện đằng sau nó, về việc Cruella từng che giấu mái tóc đen trắng của mình và dần dần có được sự tự tin để chấp nhận nó ”. Chính “sự không hoàn hảo” đó là thứ khiến cho Cruella trở thành biểu tượng – một cốt truyện rất hiện đại có thể được lấy cảm hứng từ RuPaul’s Drag Race.
Thật vậy, nếu không phải vì đam mê lột da những chú cún con, Cruella đã được ca ngợi như một biểu tượng nữ quyền: bởi vì cô là nhân vật nữ lớn tuổi hiếm hoi với những sở thích của riêng cô. Đúng vậy, cô là một kẻ tâm thần, nhưng là một kẻ đã vượt qua *bài kiểm tra Bechdel. (Khoảnh khắc đó trong bộ phim năm 1996 là khi Anita của Joely Richardson nói với Cruella rằng cô ấy có thể sẽ ngừng làm việc nếu kết hôn.)
Cruella cũng là biểu tượng phong cách mà chúng ta cần khi trưng diện trở lại sau thời gian giãn cách, cũng như nhắc nhở bản thân về cách ăn mặc. Cô từ chối hòa mình vào đám đông. Cô biết cách tạo điểm nhấn. Trong phim hoạt hình, chúng ta nhìn thấy hình ảnh mái tóc nhọn đầy uy nghiêm của cô qua khung cửa sổ và nghe thấy bản nhạc nền đặc trưng, trước khi cô ấy nói: “Anita, bạn hiền!”, Tự nhận mình “Vẫn khốn khổ như thường lệ. Hoàn toàn thảm hại! ” và đặt điếu thuốc thẳng vào trong một chiếc bánh nướng nhỏ.
Vì bộ phim vẫn chưa được chiếu, không thể biết Cruella mới đã bị bóc mẽ và lột xác ở mức độ nào, nhưng cô được định vị như một nhân vật phản anh hùng, chứ không phải là một nhân vật phản diện.
Vì bộ phim vẫn chưa được chiếu, không thể biết Cruella mới đã bị bóc mẽ và lột xác ở mức độ nào, nhưng cô được định vị như một nhân vật phản anh hùng, chứ không phải là một nhân vật phản diện. Tuy nhiên, chúng ta biết rằng vẻ ngoài của cô vẫn rất nổi loạn. Nó chắc chắn là một sự cải tiến đối với những nàng công chúa hoàn hảo – và những chiếc váy màu pastel nhẹ nhàng đi kèm – đã thống trị Disney trong nhiều thập kỷ. Bởi vì có điều gì đó về Cruella sẽ luôn tuyệt vời, ngay cả khi áo khoác lông đã không được coi trọng. Thần thái của cô, cũng như năng lượng của cô, là biểu tượng vĩnh cửu: chiếc váy đen gọn gàng kết hợp với đôi giày đỏ và sự không thoả hiệp với niềm vui và mong muốn của bản thân mình.
Chuyển ngữ: Nhi Nguyễn
Theo The Guardian
Chú thích:
- Nhân vật phản anh hùng (anti-hero): Phản anh hùng, antihero (nam) hay antiheroine (nữ) là nhân vật chính trong câu chuyện nhưng lại thiếu những phẩm chất và thuộc tính của một anh hùng thông thường như về chủ nghĩa lý tưởng, lòng can đảm, hay về đạo đức.
- Nghệ sĩ drag: Nghệ sĩ drag hay còn gọi là drag queen là thuật ngữ gọi những người (thường là nam giới) có phong cách ăn mặc nữ tính, đi kèm theo đó là lối trang điểm dày, đậm. Drag queen thường có những cử chỉ, hành động nữ tính được phóng đại.
- Bài kiểm tra Bechdel: Năm 1985, họa sĩ hoạt hình Alison Bechdel đã tạo ra Bài kiểm tra Bechdel để đánh giá sự lệch lạc giới tính trong phim.
Bài kiểm tra Bechdel hỏi ba câu hỏi đơn giản.
- Truyện có ít nhất hai nhân vật nữ được đặt tên không?
- Hai nhân vật nữ được đặt tên có trò chuyện với nhau không?
- Họ không thảo luận về một người đàn ông trong cuộc trò chuyện đó sao?