Chọn lựa của du học sinh thời trang Việt Nam trong năm thứ hai ảnh hưởng bởi đại dịch
Ngày đăng: 30/10/21
Trong gần 2 năm vừa qua, đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng rất lớn đến mọi khía cạnh trong đời sống. Nếu xét riêng đến giáo dục, nhiều bạn trẻ đam mê nhóm ngành sáng tạo nói chung, và ngành thời trang nói riêng đã gặp phải không ít khó khăn trong quá trình theo đuổi con đường học vấn ở nước ngoài.
Style-Republik đã tiếp cận và trao đổi với một số du học sinh thời trang để hiểu thêm về những khó khăn trong do đại dịch ảnh hưởng cũng như các giải pháp mà các bạn đã tìm thấy trong giai đoạn này.
Đại dịch đang ảnh hưởng như thế nào đến các du học sinh thời trang?
Đại dịch bùng nổ khiến hầu hết các sinh viên trên thế giới phải áp dụng hình thức học online. Tuy nhiên, đặc thù khi theo học những khối ngành liên quan đến thời trang là sự ưu tiên trong công tác thực hành. Chính vì thế, khi học online, các bạn không có cơ hội được tiếp xúc, quan sát cũng như học hỏi từ cá nhân hoặc doanh nghiệp thực tế, mọi thứ gần như dừng lại ở lý thuyết. Đây cũng đã và đang là một sự thiệt thòi đối với các bạn.
Đặc biệt, ngành thời trang trước giờ vốn khắc nghiệt, không phải tài năng nào cũng sẽ được công nhận và tỏa sáng. Các vị phụ huynh cũng vì thế mà dè chừng hơn khi để con em mình theo đuổi nhóm ngành này hơn là những ngành “chính thống”. Bối cảnh dịch bệnh khiến tình hình kinh tế khó khăn, mọi việc lại càng trở nên phức tạp hơn đối với những bạn sinh viên muốn theo đuổi ngành thời trang, vốn là một trong những ngành đắt đỏ bậc nhất và được cho là khá “mông lung”.
Chia sẻ với Style-Republik, bạn Linh Trần, hiện đang theo học khóa Thạc sỹ Quản trị Thời trang tại Đại học Bologna, Ý cho biết: “Mình sang Ý được 3 tháng thì đại dịch bùng phát và suốt thời gian sau đó mình phải học online. Điều thu hút mình ban đầu ở khoá học này chính là những chuyến đi thực tế đến những doanh nghiệp nổi tiếng hay những bảo tàng thời trang/ nghệ thuật. Nhưng vì đại dịch nên những trải nghiệm đó đã bị cắt ra khỏi chương trình. Thêm vào đó, mình cũng không có cơ hội làm quen được với nhiều bạn cùng lớp để trao đổi văn hoá, vì khi khoá học chuyển sang hình thức online thì nhiều bạn sinh viên quốc tế cũng đã trở về nước để tiết kiệm chi phí sinh hoạt”.
Hầu hết các trường đại học ở nước ngoài sẽ không có chính sách trợ giá học phí trong thời điểm COVID diễn ra, chính vì thế, dù theo học theo một hình thức khác, bất cập hơn nhưng sinh viên vẫn phải trả mức học phí như cũ. Điều này đặc biệt khó khăn cho các bạn sinh viên quốc tế, vì hầu hết các bạn sẽ phải trả mức học phí đắt đỏ, gấp đôi hoặc gấp ba lần so với sinh viên bản địa. Chưa kể đến việc so với những ngành khác, thời trang cũng là một trong số những ngành đắt đỏ nhất. Linh Trần cũng chia sẻ thêm: “Nếu biết trước tình hình dịch bệnh phức tạp và kéo dài như thế này, có lẽ mình đã lựa chọn hoãn lại việc học. Bởi khóa học thời trang của mình vốn dĩ tập trung vào ứng dụng thực hành, nhưng do tình hình hiện tại nên buộc phải tập trung vào lý thuyết”.
Trong khi đó, nhiều bạn có ý định du học ngành thời trang cũng lưỡng lự trong bối cảnh hiện tại. Trò chuyện với Thư Quỳnh, một bạn sinh viên đang có ý định du học ngành thời trang tại London, Anh cho biết: “Mình vốn định nhập học ngành thiết kế thời trang từ năm ngoái, tuy nhiên sau đó đại dịch bùng phát và mình quyết định không đi nữa. Ở thời điểm đó, và ngay cả hiện tại, không ai có thể biết trước được liệu tình hình có khả quan hơn không. Nhất là khi ngành thiết kế thời trang đòi hỏi phải tương tác và thực hành rất nhiều, ở trường cũng cung cấp những trang thiết bị như máy may, máy in chuyên dụng cũng như nguyên vật liệu để sinh viên thực hành. Điều mà bạn không thể học được nếu chỉ ở nhà”
Không chỉ như vậy, những bạn sinh viên thời trang còn gặp những khó khăn trong việc tìm nguyên vật liệu ví dụ như tình trạng khan hiếm vải hay những chi tiết trang trí cho những dự án ở trường bởi hầu hết các cửa hàng cung cấp đã bị đóng cửa do giãn cách xã hội. Đặc thù của sinh viên thời trang là liên tục phải làm những dự án cá nhân hay những dự án nhóm, chính vì vậy, sự khan hiếm nguyên vật liệu cũng gây cho các bạn không ít khó khăn. Thêm vào đó, việc không được trải nghiệm những show diễn thời trang trực tiếp từ các thương hiệu cũng tước đi không ít cơ hội học hỏi từ các bạn.
Tuy nhiên, nếu nhìn vào mặt tích cực hơn, khi đối mặt với khó khăn, sự sáng tạo cũng sẽ được phát huy ở mức tối đa. Có lẽ đây là thời điểm kích thích sức sáng tạo để các bạn làm việc và tạo ra những sản phẩm ấn tượng với nguồn nguyên liệu còn giới hạn. Có thể tận dụng những nguyên liệu từ những dự án cũ và biến nó thành những cái mới, vì một tương lai phát triển bền vững hơn.
Giải pháp nào cho các bạn du học sinh thời trang?
So với nhiều nước trên thế giới, Việt Nam vẫn là nước kiểm soát dịch rất tốt bởi những bài học khó khăn trong quá khứ. Trong khi đợi mọi thứ trở lại với trạng thái bình thường, các bạn du học sinh thời trang hoặc các bạn có ý định du học có thể tìm đến những khoá học online để có thể theo đuổi đam mê từ xa, hoặc các bạn cũng có thể tham khảo những mô hình giáo dục thời trang trong nước, một số môi trường tiêu biểu có thể kể đến như:
F.A.C.E – The Fashion Design Academy: Được thành lập từ năm 2011, đây là một môi trường giáo dục chuyên nghiệp nhưng không kém phần thân thiện, cung cấp những khóa học dài hạn và ngắn hạn về thời trang. Các bạn được tiếp thu nguồn kiến thức bài bản và chuyên sâu từ những giảng viên làm việc lâu năm trong ngành. Đặc biệt, những giáo viên nổi tiếng thế giới trong lĩnh vực thời trang như thầy Shingo Sato (người sáng lập kỹ thuật TR Cutting); giáo sư Marie Genevieve Cyr (giảng dạy bộ môn Creative Design Process từ trường Parsons School of Design), thầy Julian Roberts (người sáng lập kỹ thuật Subtraction Cutting),… cũng được mời về thỉnh giảng tại F.A.C.E.
SR Fashion Business School: Đây là trường cung cấp những kiến thức kinh doanh thời trang thực tế đầu tiên tại Việt Nam. Ngoài ưu thế là những giảng viên đều là những chuyên gia kỳ cựu về thời trang trong thị trường Việt Nam, những kiến thức mà SR Fashion Business School cung cấp cũng rất thực tế, thiên về ứng dụng hơn là lý thuyết, để các bạn sinh viên có thể bắt đầu làm việc trong những lĩnh vực đòi hỏi chuyên môn cao. Đặc biệt hơn cả, trường còn tư vấn và hỗ trợ các bạn kết nối với những tổ chức, doanh nghiệp danh tiếng đang có nhu cầu tuyển dụng, phù hợp với nhu cầu của từng sinh viên.
London College of Fashion & Design: Đây cũng là một địa chỉ đáng tin cậy cho những bạn sinh viên đam mê thời trang. Trường có những khoá học ngắn hạn và dài hạn, phù hợp với nguyện vọng và nhu cầu của từng sinh viên. Ngoài ra, trường cũng liên kết với một số trường đại học danh tiếng ở Anh, Mỹ, Châu Âu và Singapore như Đại học Middleton (Anh) hay Học viện Marangoni (Ý). Trường là nơi ươm mầm những tài năng nổi bật trong ngành thời trang như Lâm Gia Khang hoặc Vũ Tá Linh.
Ngoài ra, những đại học chính quy như Đại học Văn Lang, Đại học Hoa Sen hay Đại học Kiến Trúc (UAH), Đại học Mỹ Thuật Công Nghiệp cũng cung cấp những khóa học thời trang thú vị, nổi tiếng là nơi sản sinh ra những bộ sưu tập ấn tượng từ các tài năng thiết kế trẻ.
Tuy nhiên, đối với những bạn vẫn ấp ủ giấc mơ du học, thời điểm chững lại của thế giới cũng đồng nghĩa với việc các bạn có nhiều thời gian hơn để suy nghĩ về việc lựa chọn trường, ngành nghề để thực sự biết mình muốn gì. Nếu các bạn vẫn kiên trì với giấc mơ thời trang, trong tương lai không xa, khi phần lớn thế giới đều được tiêm vaccine, tin chắc rằng các bạn sẽ tiếp cận được với nó. Còn trong thời điểm hiện tại, việc theo đuổi những khoá học online có lẽ là lựa chọn khả thi và an toàn nhất trong thời điểm này.
Tuy đại dịch Covid-19 đã làm ảnh hưởng và trì trệ đến ngành giáo dục nói riêng trong một thời gian dài, khiến giấc mơ du học của các bạn sinh viên thời trang phải tạm gác lại hoặc không được diễn ra trọn vẹn. Nhưng tin rằng, khi đã vượt qua được thời điểm khó khăn này, các bạn sinh viên sẽ trở lại trường với một sức sáng tạo mạnh mẽ hơn, và các bạn, dù ít dù nhiều, cũng sẽ linh hoạt hơn rất nhiều trong việc thích ứng với ngoại cảnh cũng như xử lý vấn đề, một kỹ năng rất cần thiết trong bối cảnh thế giới hiện tại.
Thực hiện: Nhi Nguyễn