Từ scandal hình tượng của Ngô Diệc Phàm: Đằng sau thương hiệu và đại sứ thương hiệu
Ngày đăng: 21/07/21
Ngôi sao nhạc pop người Canada gốc Trung Quốc, Kris Wu – Ngô Diệc Phàm dính vào một vụ bê bối làm rung chuyển mạng xã hội Trung Quốc trong tuần vừa qua. Trước đó, nam nghệ sĩ là người đại diện của các nhãn hàng lớn như Bulgari, Louis Vuitton, Porsche, L’Oréal…
Theo nhiều nguồn tin, là một ngôi sao có độ phủ sóng cao, Ngô Diệc Phàm vốn nắm trong tay hợp đồng của 15 thương hiệu. Tuy nhiên, chỉ sau 2 ngày diễn ra scandal, 14 nhãn hàng đã phải tuyên bố chấm dứt hợp đồng vì áp lực từ công chúng. Từ scandal phá vỡ triệt để hình tượng của Ngô Diệc Phàm, việc thương hiệu hợp tác với ngôi sao để quảng bá khiến cho hình tượng của họ gắn liền với nhau. Khi một bên bị dính vào tiêu cực, bên còn lại không thể không bị ảnh hưởng.
Tuy nhiên, tuỳ vào cách giải quyết khủng hoảng truyền thông của đôi bên sẽ cứu vớt họ hoặc khiến họ mất hẳn giá trị trong lòng công chúng.
Từ scandal phá vỡ triệt để hình tượng của Ngô Diệc Phàm
Sự việc bắt nguồn khi bạn gái Đô Mỹ Trúc tố cáo trên mạng xã hội Ngô Diệc Phàm không chung thủy, đồng thời dụ dỗ “quan hệ” với các cô gái kém tuổi, trong đó có cả trẻ vị thành niên. Đô Mỹ Trúc còn tố cáo chàng diễn viên sống phóng túng, không đúng với hình tượng của một thần tượng dành cho giới trẻ.
Ngô Diệc Phàm đã đưa ra các tuyên bố riêng biệt bác bỏ các cáo buộc và cho rằng đây là hành vi phỉ báng, cũng như hành động nhờ pháp lý can thiệp. Tuy nhiên, là một thần tượng hàng đầu Trung Quốc, scandal của Ngô Diệc Phàm gây ảnh hưởng không kém gì vụ việc Trịnh Sảng nhờ người mang thai hộ rồi bỏ con diễn ra vào đầu năm nay. Người dùng mạng xã hội không còn muốn thấy Ngô Diệc Phàm hoạt động trong giới giải trí.
Cho đến nay, sự hợp tác của Ngô Diệc Phàm với các thương hiệu Trung Quốc, như Tencent Video, thương hiệu C-beauty KANS và trò chơi di động Honor of Kings, đều đã bị chấm dứt. Lancôme tiết lộ rằng hợp đồng của họ với thần tượng đã hết hạn vào tháng 6 khi bị cư dân mạng truy hỏi. Tuy nhiên, điều này chưa thỏa mãn một bộ phận cư dân mạng, vì cho rằng thương hiệu không có lập trường rõ ràng bằng cách đưa ra một thông báo chính thức trên kênh đại chúng.
Louis Vuitton, vốn dĩ hợp tác mạnh mẽ với Ngô Diệc Phàm với vai trò đại sứ thương hiệu, để quảng bá cho các bộ sưu tập thị trường Trung Quốc và cả Quốc tế, đã ẩn đi tất cả các bài đăng liên quan trên trang Weibo của mình và đăng một tuyên bố, nói rằng: “Louis Vuitton rất coi trọng những cáo buộc gần đây liên quan đến ông Kris Wu” và do đó, họ sẽ “đình chỉ hợp tác với nghệ sĩ cho đến khi có kết luận điều tra”.
Thương hiệu và đại sứ: con dao hai lưỡi
Trung Quốc hiện đang là thị trường tiêu thụ hàng hóa xa xỉ lớn nhất toàn cầu. Nhiều thương hiệu quốc tế đang muốn tiến công và mở rộng thị phần ở thị trường này, điều này khiến họ chọn lựa các thần tượng Trung Quốc đang được công chúng yêu thích, nhất là giới trẻ.
Người hâm mộ các ngôi sao, nhất là ngôi sao trẻ tuổi, sẵn sàng chi tiền để theo đuổi thần tượng thông qua việc mua sắm mạnh tay các sản phẩm mà thần tượng của mình quảng bá. Giới trẻ Trung Quốc xem đây là hành động ủng hộ thiết thực cho các thần tượng của mình.
Các thương hiệu nhận thấy rõ ràng giá trị kinh tế mà các ngôi sao mang lại, điều này khiến cho họ bỏ ra số tiền không nhỏ để ký hợp đồng với các ngôi sao. Và rõ ràng, nếu scandal không diễn ra, hợp đồng này mang lại lợi ích cho cả đôi bên. Các thương hiệu thông qua hình ảnh ngôi sao trở nên phổ biến hơn với công chúng và nhận được sự ủng hộ từ fan của ngôi sao đó. Còn với các ngôi sao, ký hợp đồng đại sứ với các thương hiệu mang tầm vóc Quốc tế giúp khẳng định danh tiếng cá nhân của họ, đồng thời gia tăng độ phủ sóng từ thị trường nội địa lên đến toàn cầu.
Nhưng khi scandal diễn ra, câu chuyện lại khác. Đa phần khi ký kết hợp đồng trở thành đại sứ, cũng tức là “gương mặt vàng” của thương hiệu, các ngôi sao buộc phải không có scandal, nếu không họ phải đền một số tiền lớn vi phạm hợp đồng. Các thương hiệu cũng không dễ chịu, nhất là khi vài năm trở lại đây, công chúng có thể tẩy chay từ thần tượng lan sang thương hiệu nhanh chóng nếu họ không kịp thời đưa ra thông báo nêu rõ lập trường.
Nhưng vì sao một số thương hiệu chậm chạp trong việc đưa ra thông báo?
Khi scandal diễn ra, các chuyên gia quan hệ công chúng của thương hiệu sẽ nhanh tay tìm cách giải quyết khủng hoảng nhằm hạ thấp thiệt hại xuống hết mức có thể. Khi đã kí hợp đồng với các ngôi sao làm đại sứ, điều này khiến cho ngôi sao trở thành “người một nhà” với thương hiệu. Có thể thấy các thương hiệu như Bvlgari, L’Oréal Men Expert, hay Louis Vuitton mà Ngô Diệc Phàm đồng thời làm đại sứ, chậm đưa ra tuyên bố về vấn đề này.
Khi scandal xuất hiện trên mạng xã hội, các chuyên gia vừa phải liên hệ với ngôi sao để nắm bắt tình hình: việc thông tin trên mạng có bao nhiêu phần trăm là sự thật (vì với các ngôi sao tin đồn xuất hiện trên mạng là vô số, trong đó có vô số bịa đặt). Đồng thời họ cho người theo sát phản ứng của cư dân mạng (như việc cư dân mạng có đang đánh giá tiêu cực về thương hiệu và đòi thương hiệu có hành động gì hay không).
Trong vài năm trở lại đây, mạng xã hội cũng dễ lan tỏa cảm xúc và chia sẻ những điều tích cực, nhưng đi kèm theo đó cũng là những bình luận quá khích hay tiêu cực. Các thương hiệu tận dụng nền kinh tế thần tượng gặp rủi ro với những bình luận quá khích. Nhưng các thương hiệu càng lớn càng không thể lập tức đưa ra thông báo “phủi tay” với các ngôi sao của mình. Bởi họ phải làm việc với ngôi sao, làm việc với tổng bộ trước khi đưa ra tuyên bố chính thức với công chúng. Họ cũng cho ngôi sao một ít thời gian ngắn để về phía ngôi sao có thể tự minh oan cho mình hoặc chờ phán quyết của luật pháp.
Đa số các thương hiệu với độ ngũ chuyên gia PR hùng hậu thường giải quyết khủng hoảng truyền thông theo hướng thận trọng. Nếu vội vã “phủi tay” với các ngôi sao khi scandal mới nổ ra, họ có vừa mất đi đại sứ, vừa chuốc lấy sự giận dữ của fan trung thành với ngôi sao, vừa khiến cho công chúng nghĩ rằng thương hiệu hành xử không có tình người. Điển hình của sự thận trọng này là tuyên bố từ Louis Vuitton với cụm từ “đình chỉ hợp tác với nghệ sĩ cho đến khi có kết luận điều tra”.
Hiện tại, nhiều dự án có tên Ngô Diệc Phàm đã bị huỷ bỏ. Nếu không thể tự chứng minh trong sạch, Ngô Diệc Phàm sẽ phải đền số tiền lớn cho các thương hiệu mà mình đã hợp tác là điều chắc chắn. Theo Sohu cho hay, số tiền ước tính cho việc thanh lý hợp đồng mà Ngô Diệc Phàm phải gánh có thể lên tới con số 400 triệu tệ (1.400 tỷ đồng).
Thực hiện: Koi