Tại sao quảng cáo trên mạng xã hội vẫn hết sức cần thiết?
Ngày đăng: 25/02/22
Trong hai năm ảnh hưởng nặng nề bởi đại dịch, các thương hiệu đang tìm cách để tiết kiệm hết sức có thể, trong đó bao gồm cắt giảm ngân sách cho tiếp thị và quảng cáo. Tuy nhiên, nên hay không nên duy trì quảng cáo trên mạng xã hội là câu hỏi lớn cho những nhà kinh doanh thời trang hiện nay.
Các thương hiệu thời trang hiện nay phải tìm cách tận dụng tối đa các khoản đầu tư của họ, khi chi phí quảng cáo tăng đột ngột trở lại trong giai đoạn bình thường mới. Bonnie Clyde, chủ một thương hiệu thời trang kính mát cho biết, cuối năm qua trong giai đoạn khó khăn, anh đã tăng cường chi phí quảng cáo để thúc đẩy các đơn hàng trực tuyến nhằm bù đắp cho doanh số bán trực tiếp bị sụt giảm do ít khách vãng lai.
Với anh, việc ngừng quảng cáo trên Facebook và Instagram giống như “cắt nguồn cung cấp oxy của thương hiệu”. Một số chủ thương hiệu khác cũng đồng ý với điều này khi họ trực tiếp quản lý các tài khoản mạng xã hội. “Không có đơn hàng trả về nếu không chạy quảng cáo” – Bonnie Clyde cho biết.
Facebook báo cáo mức tăng 22% trong quảng cáo trên các nền tảng của mình trong quý 3, lên đến 21 tỷ USD. Tỷ lệ quảng cáo cũng đã tăng trở lại. Vào đầu tháng 11, giá trên 1 nghìn lần nhấp chuột trên mạng xã hội dao động cao hơn từ 20% đến 60% so với cùng kỳ năm ngoái, theo công ty tiếp thị Within.
Điều này cũng đã tạo ra một khó khăn khác cho các thương hiệu, nhiều thương hiệu đã phải vật lộn để trả cho chi phí quảng cáo trực tuyến ngày càng tăng, mặc dù điều này đã xuất hiện ngay cả trước đại dịch. Với kinh tế ảm đạm, doanh số bán hàng giảm, nhiều thương hiệu không đủ khả năng chi tiêu nhiều cho quảng cáo qua mạng xã hội như trước đây, nhưng họ lại không thể không dựa vào mạng xã hội.
Tiêu tiền để kiếm tiền
Quảng cáo trên mạng xã hội phải trả phí – những bài đăng được quảng bá xuất hiện trong nguồn cấp dữ liệu của người dùng, trong phần story (câu chuyện) hoặc trên trang khám phá – giúp thúc đẩy khách hàng đến fanpage hay trang web của thương hiệu và với hy vọng người xem sẽ mua hàng. Nhưng chi phí để đi từ điểm A (nền tảng truyền thông xã hội) đến điểm B (chốt đơn) là một điểm khó khăn đối với các thương hiệu nhỏ, họ phải chi tiêu nhiều hơn để thu hút khách hàng và có lúc chi phí vượt qua lợi nhuận mà họ thu về được.
Đối với những thương hiệu không có chiến lược dài hạn để thoát ra khỏi chu kỳ này sẽ gặp phải vấn đề: đổ từng đồng tiền kiếm được vào quảng cáo để “mua” thêm khách hàng. Trong khi đó, chi phí của các quảng cáo trên các nền tảng truyền thông xã hội, được đặt thông qua định giá dựa trên đấu giá, ngày càng cao hơn.
Một mặt, các thương hiệu nghĩ rằng mình đang chi tiêu rất nhiều nhưng thực tế, họ lại chưa chi tiêu đủ để có thể tạo nên thay đổi hay nhận thức cho thương hiệu trong tâm trí khách hàng. Mặt khác, hệ thống đấu giá của các mạng xã hội ủng hộ các đơn hàng lớn, có nghĩa là các thương hiệu phải chi thật nhiều cho hoạt động tiếp thị của họ để đạt được sức hút. Vì thế, việc các công ty cần làm tiếp theo là xác định xem thương hiệu có thoát khỏi chu kỳ này được hay không. Một số nhận thấy lợi nhuận 1-1 từ hoạt động tiếp thị của họ, có nghĩa là tiền chi cho quảng cáo trực tiếp dẫn đến doanh số bán hàng gần như tương đương. Nhưng nếu những khách hàng mới đó yêu thích sản phẩm và trở thành người mua hàng nhiều lần, thì những quảng cáo đó về lâu dài sẽ mang lại nhiều lợi nhuận hơn cho thương hiệu.
Fair Harbour, dòng quần bơi dành cho nam, đã bán được rất nhiều vào tháng Hai. Nhưng khi Covid-19 xuất hiện, đồ bơi đã trở thành một trong những danh mục bán lẻ giảm giá nhanh nhất, khiến hy vọng vào mùa xuân bận rộn tan thành mây khói. Thương hiệu mắc kẹt với kế hoạch tiếp thị của mình, bao gồm nhiều quảng cáo trên Instagram, cộng với chi tiêu trên Google… Cô Caroline Danehy, đồng sáng lập và giám đốc sáng tạo, cho biết Fair Harbour xử lý các quảng cáo trên mạng xã hội nội bộ để giảm chi phí trong khi thuê agency tạo nên các chiến dịch tiếp thị số khác.
Thương hiệu nhận thấy rằng các quảng cáo trên mạng xã hội hoạt động tốt nhất khi thương hiệu làm nổi bật tính năng của chính sản phẩm. Như Danehy gọi chúng là quảng cáo “khiến khán giả phải dừng lại” xuất hiện sau khi cô thử nghiệm các định dạng khác nhau, tất cả đều dựa trên những gì thúc đẩy tỷ lệ nhấp chuột cao nhất. “Chúng tôi đã thấy… những gì đang hiệu quả và sau đó chỉ cần dồn lực và bắt đầu thực sự đầu tư sâu vào các kênh trực tuyến đó”, Jake Danehy giám đốc điều hành của công ty cho biết thêm.
Chuyển ngữ: Nhi Nguyễn
Theo Business of Fashion