Tạp chí thời trang: Vàng son đã khép? – Phần 1: Si Newhouse – Ngài ấy là ai?

Ngày đăng: 02/08/19

S.I.Newhouse, hay còn được gọi là Si, người ngồi ở vị trí chủ tịch công ty truyền thông Condé Nast từ năm 1975, ông trùm của ngành tạp chí, là người khởi đầu thời kì vàng son của những tờ tạp chí thời trang và giải trí.

Trong thời kì nắm quyền của mình, S.I.Newhouse đã ra quyết định mua và làm lại các tạp chí danh tiếng như The New Yorker, Details cũng như hồi sinh Vanity Fair. Công ty Condé Nast còn sở hữu những tờ tạp chí danh tiếng toàn cầu như Vogue, Wired, Self, W, GQ và Glamour với từng phân khúc độc giả riêng biệt. Si cũng là người đứng sau quyển sách best-seller “The Art of the Deal” của tổng thống Donald Trump nổi tiếng trong thời kì bầu cử tân tổng thống Mỹ.

S.I.Newhouse, hay còn được gọi là Si, người ngồi ở vị trí chủ tịch công ty truyền thông Condé Nast từ năm 1975

Vào cuối năm 2017, ông mất tại nhà riêng ở tuổi 79. Graydon Carter, cựu chủ biên của Vanity Fair, người đã từ chức sau cái chết của Si, đã viết: “Với sự ra đi của Si, chương lớn nhất trong lịch sử của ngành tạp chí – được viết nên bởi những người như Si và Henry Luce – đã đi đến kết thúc”.

Với sự ra đi của Si, chương lớn nhất trong lịch sử của ngành tạp chí – được viết nên bởi những người như Si và Henry Luce – đã đi đến kết thúc – Graydon Carter

Những gì về S.I.Newhouse mà mọi người còn nhớ, ông điều hành Conde Nast từ bàn làm việc với những tấm giấy chú thích xếp chồng lên nhau, trong một căn phòng rộng rãi với nhiều chức năng và đưa ra những mệnh lệnh không mấy thân thiện từ tầng cao nhất của tòa nhà. Những tấm bìa theo phong cách comic-strip khắp các bức tường, một trong số đó có ô vuông để ông giao tiếp với trợ lý. Luật của Newhouse tạo nên những chuẩn mực thời trang, thế nhưng bản thân ông lại không có ý thức về nó. Ông hay diện quần khaki với chiếc áo sweatshirt đen mà huy hiệu trên áo đã sờn, cùng với chiếc áo polo màu trắng, giày đi rất xấu xí.

Si Newhouse, Victoria Newhouse, Susan Newhouse và Donald Newhouse tại đêm tiệc ở Metropolitan Opera Opening Night Dinner vào năm 2006 ở thành phố New York

Là người nắm giữ quyền lực trong ngành tạp chí, ông đã mua và thay đổi những tờ tạp chí theo cái nhìn của riêng mình, bất chấp những ý kiến trái chiều và tạo nên những cú sốc với dư luận cũng như với những người trong ngành. Ông trả 200 triệu để mua The New Yorker vào năm 1985 khi nó có thể kiếm được không tới 6 triệu một năm. Năm 1986 ông chi 25 triệu cho Citibank’s Signature, sau đó biến nó thành Conde Nast Traveler với mức giá rẻ hơn.

Là người nắm giữ quyền lực trong ngành tạp chí, ông đã mua và thay đổi những tờ tạp chí theo cái nhìn của riêng mình…

Rất ít khi tiếp xúc với truyền thông, do đó chân dung về Si rất ít khi được miêu tả. Trong những cuộc chuyện trò nho nhỏ, nếu hỏi ý khiến của ông về những bộ phim, ông sẽ đưa ra những nhận định hết sức xác đáng, có thể nói người đàn ông này là quyển từ điển sống về phim ảnh. Nghệ thuật luôn hiện diện trong tim ông ấy. Ông ấy còn rất thích chiêm ngưỡng các tác phẩm trong viện Bảo tàng Nghệ thuật Đương đại, cũng như sưu tầm rất nhiều danh họa, trong đó có tác phẩm của Picasso, Andy Warhol và Jasper Johns.

S.I. Newhouse Jr. cùng với Tina Brown, biên tập viên của The New Yorker

Khuyết điểm của S.I theo lời các cộng sự là thiếu sự nhạy cảm với con người, ông ấy không phải mẫu người của công chúng. Thời Si trị vì Conde Nast, những cuộc sa thải diễn ra chóng vánh, như Valerie Weaver rời đi chỉ sau một câu hỏi “Có phiền hà gì không nếu chúng ta đổi trưởng ban biên tập nào?”. Grace Mirabella chỉ biết mình bị sa thải thông qua bạn bè trên một bản tin truyền hình.

Khi Newhouse mua lại New Yorker vào năm 1985, ông từng cam kết “giữ gìn chất lượng thông qua việc giữ vững nhân sự và truyền thống của nó”. Nhưng chưa tới hai năm, ông đẩy Shawn về hưu sớm để nhường vị trí chủ bút cho Robert Gottlieb, giám đốc nhà xuất bản Alfred A. Knopf Inc. Hơn 150 cây bút, biên tập và họa sĩ đã ký vào bức thư yêu cầu Gottlieb từ chối nhưng không mang lại kết quả.

Newhouse mua lại New Yorker vào năm 1985

Conde Nast có một guồng quay hối hả, một môi trường làm việc khắc nghiệt và thời gian trở nên mong manh. Kì thực, những gì vẫn luôn thúc giục S.I là nỗi sợ hãi về thất bại: “Sâu thẳm trong tâm trí của Si, mỗi lần ông ấy mua gì đó hay bắt đầu làm gì, luôn có điều gì đó nhiều hơn giữa ông ấy và thế giới thực cũng như đường phố, nơi mà người ta cần tiền lẫn công việc để sinh tồn. Si lo lắng rằng sẽ đánh mất tài sản của nhà mình”.

Trước khi điều hành nhà xuất bản độc lập Conde Nast, Si hầu như chưa bao giờ có kinh nghiệm quản lý trong ngành xuất bản, tuy nhiên chính ông đã đề ra tiêu chí: ông ấy muốn tạp chí có thể thu hút sự quan tâm của những con người ưu tú. Số lượng in ấn không phải là vấn đề. Tầng lớp, chứ không phải số lượng, mới là đối tượng hướng đến, khẩu hiệu của công ty như thế.

Si Newhouse Jr cùng với Anna Wintour, biên tập viên của Vogue

Sau thời gian dài đối đầu với Bazaar, Vogue đã giành lấy vị trí dẫn đầu, là đầu tàu của con thuyền Conde Nast. Kỉ nguyên của biên tập viên Grace Mirabella kết thúc đột ngột, sự ra đi không gì báo trước, và thay vào đó là Anna Wintour, người mà Si hết sức ưu ái. Newhouse có niềm tin vào Anna Wintour, ông ấy để cho cô làm bất cứ điều gì theo suy nghĩ cũng như phong cách của mình.

Anna Wintour và Tina Brown đã trở thành biểu tượng của Conde Nast, họ tỏa sáng và đầy quyền lực như những ngôi sao trong thời kì vàng son của tạp chí thời trang dưới thời S.I.Newhouse.

Anna Wintour và Tina Brown đã trở thành biểu tượng của Conde Nast, họ tỏa sáng và đầy quyền lực như những ngôi sao trong thời kì vàng son của tạp chí thời trang dưới thời S.I.Newhouse. Trang phục xa xỉ, xe hơi thượng hạng và mức lương được đồn đãi đến sáu con số, lối sống đỉnh cao. Những bữa tiệc xa hoa được tài trợ bởi các thương hiệu và các biên tập viên tha hồ thực hiện các ý tưởng của mình, chẳng hề chi nếu đem cả voi vào các bức ảnh thời trang. Conde Nast tạo điều kiện cho các biên tập viên làm mọi thứ, một ngân sách hào nhoáng cho các tạp chí dưới quyền Si.

S.I. Newhouse (thứ 3 từ trái qua) chụp năm 1985. Từ trái qua phải: Donald, Melvin Eggers, S.I. Newhouse, và doanh nhân Harry.

Newhouse không đơn độc lèo lái Conde Nast. Sau lưng ông là một cây bút huyền thoại Alexander Liberman, một người vô cùng tài giỏi làm chỗ dựa. Một biên tập viên chia sẻ về mối quan hệ giữa hai người: “Ông ấy (Alex) dẫn dắt ông ta bước chân vào thế giới nghệ thuật. Alex bước vào các buổi triển lãm văn hóa. Ông ấy dắt Si đi cùng, mở ra những cánh cửa. Mối quan hệ ấy không chỉ đơn thuần về công việc. Alex tự coi mình như người cha của Si. Si và Alex, Alex và Si, họ là một và điều gì đó tương tự vậy”. Newhouse trao cho Liberman điều khiển toàn quyền về mặt sáng tạo tại Conde Nast, một quyền lực to lớn mà không biên tập viên nào có thể sánh bằng.

Si Newhouse và Franca Sozzani

Newhouse trao cho Liberman điều khiển toàn quyền về mặt sáng tạo tại Conde Nast, một quyền lực to lớn mà không biên tập viên nào có thể sánh bằng.

Quyền lực lớn là thế, tuy nhiên Si tuyên bố rằng ông chưa bao giờ có khái niệm tổng quát về công việc của một biên tập viên cho một tạp chí: “Tôi không phải là biên tập viên. Tôi nổi nóng khi người ta hỏi tôi ‘anh muốn làm gì?’”. Tại Conde Nast khi thuộc quyền Newhouse, các biên tập viên được tự do toàn hoàn. “Chúng ta cố gắng thuê những con người thông minh và năng động. Khi họ bắt đầu chỉnh sửa, tạp chí đi theo hướng tạo nên tổng thể bất ngờ với mọi người. Tôi không biết Tina sẽ làm gì. Không ai biết khi Anna đến Vogue cô ấy sẽ đưa cô gái với chiếc áo thun của Lacroix cùng quần jean xanh lên trang bìa. Chúng ta cảm thấy hầu hết mọi thứ diễn ra theo cách của nó, miễn là nó không lố bịch, bạn có thể tạo nên một tạp chí xung quanh những định hướng mà biên tập đề ra”.

Chúng ta cảm thấy hầu hết mọi thứ diễn ra theo cách của nó, miễn là nó không lố bịch, bạn có thể tạo nên một tạp chí xung quanh những định hướng mà biên tập đề ra – Si Newhouse

The New York từng viết về cách làm việc của ông, thay vì yêu cầu phóng viên viết về những gì hay ca ngợi những ai, ông để họ toàn quyền quyết định và ông chỉ xem bài viết vào ngày mà báo đã được xuất bản, như một độc giả trung thành.

Newhouse bị chỉ trích vì cách làm tạp chí với những bài viết về những người thuộc tầng lớp giàu có và nổi tiếng. Nhưng khi lưu lượng phát hành tăng vọt và quảng cáo đổ về, những nhà xuất bản khác cũng học theo cách làm này. Vào cuối thế kỉ 20, hầu hết các tờ báo và tạp chí đều có thêm thông tin về các gương mặt nghệ sĩ hay các thông tin giải trí song song với những mảnh về nghệ thuật hay chính trị để giảm độ khô cứng cho ấn phẩm của mình.

Si Newhouse và Victoria Newhouse

S.I Newhouse đã đưa Conde Nast lên đỉnh cao, không chỉ về danh tiếng mà còn về doanh số. Nó là phi vụ kinh doanh lớn. Conde Nast vừa sản xuất vừa kiếm tiền. Nhiếp ảnh gia Vivian Maier nhận xét: “Newhouse đã xóa mờ đi ranh giới giữa biên tập và quảng cáo, sự khác biệt giữa thông cáo và những gì được dùng để bán”. Cộng sự của S.I, Alexander Liberman, người được cho là đã tạo nên khái niệm “the Newhouse concept” để miêu tả một tạp chí hình mẫu có đóng góp lớn cho ngành tiếp thị, khảo sát độc giả, số lượng báo in và doanh thu quảng cáo.

“Newhouse đã xóa mờ đi ranh giới giữa biên tập và quảng cáo, sự khác biệt giữa thông cáo và những gì được dùng để bán”

Cựu chủ biên Graydon Carter thương tiếc cho người hùng của ngành tạp chí: “Tầm nhìn của Si, phương thức làm việc nhẹ nhàng mà ông ấy đã thực hiện, sẽ được nhớ đến dài lâu ở các tòa soạn cũng như trên các sạp báo trên toàn cầu. Ông ấy là một người tiêu biểu trong kỉ nguyên in ấn”.

Thực hiện: Hoàng Khôi 

Tham khảo:

S.I. Newhouse Jr., Who Turned Condé Nast Into a Magazine Powerhouse, Dies at 89 – The Nytimes

Samuel I. Newhouse, Jr., the Longtime Owner of The New Yorker and Chairman of Condé Nast, Has Died at Eighty-Nine – The Newyorker

‘Si’ Newhouse, Billionaire Publisher of Vogue and GQ, Dies at 89 – Bloomberg

S.I. Newhouse and Conde Nast; Taking Off The White Gloves – The Nytimes

Graydon Carter remembers S.I. Newhouse, jr., the magazine visionary who modernized Condé Nast – Vanityfair