5 điều cần ghi nhớ trước khi bắt đầu kinh doanh thời trang trong năm 2022
Ngày đăng: 18/03/22
Ra mắt một bộ sưu tập thời trang chưa bao giờ là câu chuyện của riêng những ý đồ nghệ thuật. Để thành công, nó còn là câu chuyện của những bộ óc kinh doanh.
Ngành thời trang từ lâu vốn đã là cái nôi của sáng tạo, là vùng đất để những cá nhân xuất chúng khám phá và thể hiện tư duy nghệ thuật của mình. Tuy vậy, ngành thời trang cũng không thiếu những trường hợp, những ngôi sao đã vụt tắt trên bầu trời, chỉ vì tư duy sáng tạo không còn phù hợp với thị trường, mà người sau hay cảm thán là những cái kết buồn cho một sự nghiệp vinh quang nhưng cũng đầy cay đắng.
Dưới đây là 5 điều cần ghi nhớ, nếu không muốn dự án thời trang của mình chợt tắt chỉ sau một phút huy hoàng.
Sản phẩm quan trọng, nhưng khách hàng quan trọng hơn
Trên tất cả, đây là điều đầu tiên buộc phải ghi nhớ. Một dự án phức tạp và kỳ công như ra mắt một BST thời trang mới cũng giống như huấn luyện một đội bóng đá: khi mà bạn bắt buộc phải thu hút các tài năng bóng đá cũng như khán giả bỏ tiền mua vé xem trận đấu đó. Để làm được điều này, bạn cần nhớ nguyên tắc sau: Dự án được tạo nên từ những cá nhân.
Những người bạn gặp, cách bạn tương tác với họ và trao đổi những giá trị có ý nghĩa với nhau là yếu tố không nhỏ góp phần vào thành công của một dự án. Khi bắt đầu lên ý tưởng một BST, đừng quên tham khảo ý kiến của tất cả mọi người xung quanh, từ những người trong đội ngũ của bạn, những mối quan hệ ngoài xã hội, cho đến một người bạn vô tình quen trên mạng xã hội. Vì tất cả đều có khả năng trở thành khách hàng tiềm năng của bạn, và biết đâu được, những ý kiến của họ sẽ cho bạn những nguồn cảm hứng dồi dào để sáng tạo nên một BST.
Không chỉ đơn thuần là những cuộc trao đổi nhằm tìm kiếm cảm hứng hoặc hỏi xin ý kiến, bạn nên đầu tư hơn để tìm hiểu về nhu cầu, sở thích cũng như các vấn đề mà thị trường, cộng đồng và đối tượng khách hàng của mình đang gặp phải. Chỉ khi bạn tạo được kết nối với các đối tượng và xác định được những khó khăn của họ thì bạn mới có thể sử dụng những thông tin này để phát triển một giải pháp hoàn hảo, giúp họ giải quyết vấn đề đang gặp thông qua những sản phẩm trong BST của mình. Đó còn được gọi là định hướng thị trường, dựa trên việc xác định nhu cầu chưa được phục vụ hoặc chưa được đáp ứng của nhóm khách hàng. Từ đó, tập trung vào việc đảm bảo sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn sẽ vẫn có giá trị trong mắt khách hàng.
Xu hướng chỉ là nhất thời, bản sắc mới là mãi mãi
Trừ khi doanh nghiệp của bạn là một tập đoàn lớn mạnh, nếu không, bạn gần như không thể tạo ra các BST cho các mùa hoặc liên tục chạy theo các xu hướng. Mặc dù cung cấp sự đa dạng cho khách hàng là cần thiết, nhưng cũng cần nhớ rằng việc phát triển và hoàn thiện một BST “xịn” rất tốn kém. Thay vào đó, bạn cần đảm bảo rằng bạn có một bản sắc phong cách mạnh mẽ, một bản sắc mà các thương hiệu khác khó có thể “sao chép”, đồng thời cho phép bạn hạn chế được việc phải liên tục cải tiến cũng như thay đổi sản phẩm.
Một BST tập trung vào tầm nhìn và thể hiện rõ ràng phong cách đặc trưng sẽ tăng cơ hội tạo ra những tác phẩm mang tính biểu tượng, dễ nhận biết, và thực sự có thể thành công nếu bạn đánh đúng xu hướng. Hơn nữa, tập trung vào ít sản phẩm hơn với bản sắc phong cách mạnh mẽ có thể giúp hạn chế lượng khí thải carbon, cũng như dễ quản lý hơn đối với các giai đoạn như thiết kế và sản xuất.
Nhằm tăng nhận biết về sự khan hiếm và khẩn cấp của mặt hàng may mặc, các thương hiệu đang phát hành collection drops – BST thiết kế có giới hạn với số lượng nhỏ tại một số địa điểm bán lẻ nhất định. Đó là một cách để kết hợp các yếu tố và chiến lược điển hình của phân phối hàng xa xỉ với các sản phẩm tầm trung nhằm thu hút khách hàng chi tiền ngay lập tức. Ở một mức độ nào đó, bằng cách hạn chế sản xuất nhân tạo, bạn đang nâng cao giá trị thương hiệu, đồng thời hạn chế lãng phí.
Gọi vốn cộng đồng (crowdfunding)
Gọi vốn cộng đồng (Crowdfunding) là một phương pháp tài trợ cho doanh nghiệp bằng cách tập hợp những khoản vốn đầu tư nhỏ của các cá nhân thông qua mạng xã hội và các trang web gọi vốn.
Nếu bạn chuẩn bị ra mắt một BST mà không có sự hỗ trợ tài chính từ một thương hiệu lớn hơn, thì một cộng đồng chính là bạn của bạn.
Để bạn có thể tự tin về các thiết kế và chiến lược, việc hiểu chính xác những gì thị trường cần luôn là một điều cần thiết, đồng thời cũng là một thách thức không hề nhỏ. Để đảm bảo BST của bạn sẽ được “chấp nhận” bởi thị trường, không có gì chắc chắn hơn một bài “test” – bán thử sản phẩm cho một nhóm nhỏ khách hàng tiềm năng. Vì vậy, gửi mẫu thử cho những nhà đầu tư của mình, sẽ cho phép bạn quan sát và đo lường mức độ được yêu thích của sản phẩm, từ đó tính toán được những con số về doanh thu và lợi nhuận.
Hơn thế, một cuộc gọi vốn cộng đồng thành công sẽ giúp bạn tạo được tiếng vang và xây dựng hình ảnh uy tín trên thị trường. Thông qua đó, thương hiệu của bạn có thể thu hút về những khoản đầu tư tiềm năng từ những quỹ đầu tư khổng lồ.
Đừng vội vã khi kêu gọi đầu tư từ những nguồn vốn khổng lồ
Hầu hết, các start-up đều có chung một mục tiêu là mau chóng sớm nhận được đầu tư từ các quỹ. Vì công ty càng phát triển, thì tiền chi phí vận hành và duy trì càng nhiều. Chưa kể, nếu có tham vọng phát triển và mở rộng thị trường, thì lại càng cần tiền. Tuy nhiên, thu hút nhà đầu tư quá sớm, đôi khi, không phải là một lựa chọn tốt.
Kêu gọi đầu tư quá sớm, bạn sẽ không đủ thời gian để chứng minh tiềm năng trong mô hình kinh doanh của mình, từ đó dễ dẫn đến việc định giá thấp doanh nghiệp và nhận về khoản đầu tư không xứng đáng. Hơn nữa, nhận đầu tư không chỉ đơn giản là nhận “tiền”. Các nhà đầu tư, đôi khi sẽ muốn can thiệp vào công việc kinh doanh của doanh nghiệp vì họ muốn đảm bảo đồng vốn của mình sẽ sinh lời. Khi đó, mâu thuẫn giữa doanh nghiệp và nhà đầu tư sẽ dễ dàng phát sinh và nếu giải quyết không tốt, nó sẽ khiến thương hiệu của bạn dần dần sụp đổ từ bên trong.
Thời điểm tốt nhất để nhận đầu tư là khi thương hiệu của bạn đã có nhận diện trên thị trường, có bản sắc đặc trưng không dễ dàng bị sao chép, và đủ vững để làm việc với các “shark”.
Lên kế hoạch để đạt tới đỉnh cao, nhưng cũng đừng quên chuẩn bị trước khi mọi thứ bắt đầu thoái trào
Với bất kỳ doanh nghiệp nào, dù lớn hay nhỏ, quản lý tốt vòng đời sản phẩm là chính là con đường giúp thương hiệu duy trì sự thành công. Vòng đời sản phẩm là quy trình từ khi sản phẩm được lên ý tưởng cho đến khi bị đào thải khỏi thị trường.
Không dễ chịu gì khi phải chứng kiến sản phẩm của mình trở nên lỗi thời và bị thay thế bởi những sản phẩm khác. Tuy nhiên, bị lỗi thời không đáng sợ, đáng sợ hơn là bị lỗi thời một cách bị động và chỉ có thể ngồi yên chờ đến ngày bị đào thải. Bằng cách ghi nhớ các giai đoạn của vòng đời sản phẩm, thương hiệu buộc phải chuẩn bị trước các chiến lược kinh doanh và quảng bá cho sản phẩm mới trước khi một dòng sản phẩm cũ bước vào giai đoạn thoái trào.
Thực hiện: Diana Nguyễn
Theo 440 Industries