Arnaud de Lummen – Người đánh thức những “thương hiệu ngủ đông”
Ngày đăng: 18/11/19
Những câu chuyện đàm tiếu bắt đầu từ vài năm trước. Trong khi LVMH công bố cung cấp sự ủng hộ tài chính và tư vấn chiến lược cho thương hiệu Maxime Simoens vào tháng 2/2013, đến tháng tiếp theo thì mua lại cổ phần của một thương hiệu giày dép sáng lập bởi nhà thiết kế trẻ người Anh cùng tên Nicholas Kirkwood. Và tập đoàn Kering cũng đã nắm giữ 51% cổ phần của thương hiệu Christopher Kane từ tháng 1/2013, sau đó không lâu quyết định đầu tư vào nhà thiết kế trẻ người Mỹ gốc Pháp, Joseph Altuzarra.
Các trang tin tức liên tục cập nhật một loạt các thương vụ thâu tóm và đầu cơ vào các thương hiệu mới nổi của các “ông lớn” trong ngành công nghiệp thời trang xa xỉ, đồng thời làm dấy lên hàng tá tin đồn về những cái tên mới sẽ được “lên dây cót” tiếp theo. Cũng vào thời gian đó, có một kẻ kỳ lạ vừa mới dấn thân vào ngành công nghiệp phù phiếm này, với niềm tin rằng sẽ có nhiều cơ hội trong việc phục hưng “những cái tên cũ” – những thương hiệu cao cấp danh tiếng một thời và đã bị vùi vào lịch sử. Đó chính là Luvanis!
Luvanis S.A. là một công ty đầu tư tư nhân. Mặc dù được thành lập vào năm 2009 bởi hai cha con người Pháp, Guy de Lummen và Arnaud de Lummen, nhưng có trụ sở chính tại Luxembourg (một quốc gia không giáp biển ở Tây Âu) vì các lý do về thuế. Luvanis là công ty đứng tên trong các thương vụ “thức tỉnh những người đẹp ngủ đông”.
Như “nụ hôn” thức tỉnh nàng Vionnet
Trước khi thành lập công ty Luvanis, giám đốc điều hành Arnaud de Lummen đã nhận ra rằng công việc đánh thức “người đẹp say ngủ” có thể là một mô hình kinh doanh tiềm năng. Cho đến năm 2005, Arnaud de Lummen – người từng theo học tại trường luật Harvard, đã làm việc tại công ty luật quốc tế Cleary Gottlieb Steen & Hamilton trong lĩnh vực sáp nhập và mua lại, mới bắt đầu bước vào sân chơi thời trang khi cha của ông – Guy de Lummen, yêu cầu giúp đỡ khôi phục thương hiệu Vionnet (1912 – 1939) – một công ty mà gia đình đã mua lại từ những năm 1980.
Các thương hiệu có thể tạm ngưng hoạt động nhưng không nhất thiết tất cả đều đánh mất giá trị của mình. Một số quá lỗi thời, nhưng một số khác vượt thời gian.
Arnaud de Lummen
Vào thời điểm Arnaud de Lummen tiến hành tái thiết lập thương hiệu Vionnet, không ít người cho rằng đó là một ý tưởng dại dột. Tháng 7/2006, Arnaud de Lummen công bố “Temple of Fashion” của nhà thiết kế Madeleine Vionnet đã được khởi sinh, trong lời hứa hẹn “một cách tiếp cận độc đáo và chân thực để đưa ra tầm nhìn của Vionnet”. Nhà thiết kế gốc Hy Lạp Sophia Kokosalaki được bổ nhiệm làm giám đốc sáng tạo và Barneys New York – chuỗi cửa hàng bách hóa sang trọng của Mỹ trở thành nhà phân phối độc quyền của thương hiệu. BST mới được ra mắt vào mùa Xuân Hè 2007 – chính là BST đầu tiên dưới tên Madeleine Vionnet sau 67 năm “Ngôi Đền” này đóng cửa và sau 21 năm “Nữ Hoàng Bias-cut” Madeleine Vionnet qua đời.
Sau khi nhà thời trang cao cấp Vionnet được Luvanis S.A. hồi sinh và nắm quyền sở hữu vào năm 2007. Chính thức vào ngày 24/2/2009, Vionnet được mua lại bởi doanh nhân người Ý Matteo Marzotto – cựu tổng giám đốc và chủ tịch của Valentino SpA. Ngài Matteo Marzotto đã tuyên bố thiết lập một cơ cấu mới và độc lập ở Milan. Nhà thiết kế Rodolfo Paglialunga (người vừa rời khỏi Jil Sander vào tháng 3/2017) trở thành giám đốc sáng tạo mới cho Vionnet nhưng đến tháng 9/2011, vị trí đó được đảm nhận bởi hai chị em sinh đôi Barbara và Lucia Croce.
Từ tháng 5/2012, nữ doanh nhân người Kazakhstan – Gogo Ashkenazi đã mua lại phần lớn cổ phần của Vionnet từ tay Matteo Marzotto trước khi kiểm soát toàn bộ thương hiệu vào tháng 11 cùng năm. Ngay sau đó, Gogo Ashkenazi thay thế chị em nhà Croce và tiến hành tái định hướng sáng tạo cho thương hiệu. BST kỷ niệm 100 năm thương hiệu Vionnet được giới thiệu vào tháng 10/2012. Đến đầu tháng 1/2014, Hussein Chalayan được công bố trở thành nhà thiết kế cho dòng Demi-couture, nhanh chóng trình diễn BST Couture Xuân Hè vào ngày 21/1/2014 tại Milan Fashion Week.
Người mang trong mình sứ mệnh phục hưng
Arnaud de Lummen từng phát biểu: “Các thương hiệu có thể tạm ngưng hoạt động nhưng không nhất thiết tất cả đều đánh mất giá trị của mình. Một số quá lỗi thời, nhưng một số khác vượt thời gian”.
Trong vị doanh nhân người Pháp này có một niềm tin vững chắc vào nền tảng di sản của các thương hiệu mang tính biểu tượng, như Dior, Chanel hay Balenciaga. Do vậy, Arnaud de Lummen cho rằng việc hồi sinh những nhà thời trang cao cấp bị lãng quên có ý nghĩa và cơ hội to lớn. Những thương vụ hoài cổ không chỉ đóng vai trò gìn giữ các giá trị nhận dạng và tài sản trí tuệ của lịch sử thời trang, mà thực tế, quá trình này đơn giản hơn nhiều so với việc khởi công xây dựng một tượng đài mới.
Đó là “những người đẹp say ngủ”, theo cách gọi của Arnaud de Lummen. Theo ông, “những thương hiệu tuyệt vời nhất đều có một câu chuyện để kể,…”. Vì thế, Arnaud tin rằng các nhà đầu tư, khách hàng, giới mộ điệu và các thế hệ hậu bối sẵn sàng chi tiền để được lắng nghe. Arnaud de Lummen cũng từng chia sẻ rằng ông thường bán lại các thương hiệu vừa được thức tỉnh cho những ai đó với khoảng giá 1 triệu Euro – 10 triệu Euro, tùy thuộc vào tên tuổi cùng các quyền hạn đi kèm, và khẳng định điều này có thể dẫn đến một bội số lợi nhuận khá hấp dẫn.
Các nhà thời trang sang trọng ở thế kỷ trước, hầu hết thường khép mình lại và biến mất trước dòng chảy thời đại, nhưng ảnh hưởng của họ có thể tồn tại mãi mãi.
Các nhà thời trang sang trọng ở thế kỷ trước, hầu hết thường khép mình lại và biến mất trước dòng chảy thời đại, nhưng ảnh hưởng của họ có thể tồn tại mãi mãi. Một số hoàn toàn bị lãng quên những công trạng, cho đến khi gặp đúng người đúng thời điểm để đưa họ trở lại cuộc sống. Arnaud de Lummen chính là một nhân vật như vậy. Một người có cơ duyên, tầm nhìn sáng tạo và bí quyết kinh doanh, cùng với lòng đam mê và ý chí, dành ra nhiều nỗ lực để khai quật những “thương hiệu ngủ đông” từng rất được yêu thích của thời đại đã qua. Làm sống lại một thương hiệu di sản có nghĩa cung cấp cho con người đương đại một phần lịch sử bị quên lãng. Để làm được điều đó, đòi hỏi phải duy trì chất lượng thủ công và chuyên môn của thương hiệu. Bên cạnh đó, tốc độ chậm đủ, tư duy dài hạn, tiềm lực tài chính cùng với việc quản lý sự kỳ vọng của truyền thông và công chúng, là những nhân tố cần thiết để hồi sinh thành công thay vì gây ra nỗi thất vọng đối với di sản thời trang của thế giới.
Arnaud de Lummen đã làm việc như một người tái định vị giá trị thiết yếu của một “thương hiệu ngủ đông”. Kể cả khi quá trình khởi sinh vấp phải những sai lầm trong việc chỉ định người kế vị hoặc được nắm giữ bởi một chủ sở hữu nóng vội, những yếu tố hiển nhiên không thể phù hợp ngay lập tức sau một khoảng gián đoạn. Những điều kiện như quyền thương hiệu, tính di sản và nguồn gốc là thứ không ai có thể trao đổi mua bán, vì vậy có giá trị thực và không bị đánh mất.
Chuyên gia săn tìm những thương vụ hoài cổ
Sau khi tái lập “Ngôi Đền Thời Trang” Vionnet, Arnaud de Lummen trở thành một chuyên gia trong việc khôi phục các “thương hiệu ngủ đông”. Ngay khi thành lập Luvanis, Arnaud de Lummen bắt đầu khởi xướng công cuộc hồi sinh thương hiệu Moynat và nhiều “người đẹp say ngủ” khác.
Năm 2009, Luvanis mua lại các bản quyền đối với Moynat – nhà sản xuất rương đựng quần áo nổi tiếng của thế kỷ XIX – XX ở Pháp. Moynat được thành lập tại Paris vào năm 1849, đã từng có vị thế cao cấp ngang hàng với Goyard và Louis Vuitton, trước khi biến mất vào năm 1976. Luvanis khẳng định cơ hội hồi sinh của Moynat, một lần nữa “lắp ráp” một nhóm nhân viên nhỏ như đã làm với Vionnet để khởi động hệ thống và sau đó bán lại cho công ty đầu tư Groupe Arnault của Pháp. Thương hiệu Moynat chính thức xuất hiện trở lại với một cửa hàng flagship đặt tại Paris vào tháng 12/2011. Tiếp sau đó là các cửa hàng lần lượt mở ra ở London vào năm 2014; Hồng Kông và Bắc Kinh vào năm 2015; Tokyo, New York, Seoul, Đài Bắc vào năm 2016; và có mặt ở Singapore vào năm 2017.
Từ tháng 10/2014, công ty đầu tư chuyên hồi sinh các thương hiệu bị lãng quên Luvanis càng nhận được nhiều sự chú ý của báo chí khi công bố bán lại thương hiệu Paul Poiret (1903 – 1929), cũng như một phần tài sản lưu trữ của nhà thời trang này. Paul Poiret là một trong những thương hiệu thời trang quan trọng của thế kỷ XX, nổi tiếng với những chiếc áo khoác kimono và nhiều sáng tạo có giá trị khác đối với lịch sử thời trang. Thương hiệu được đặt theo tên của nhà thiết kế Paul Poiret, cùng thời với Coco Chanel và Madeleine Vionnet – là những người thúc đẩy cuộc cách mạng giải phóng phụ nữ khỏi chiếc áo corset.
Tháng 8/2015, sau một quá trình lựa chọn cẩn thận và lâu dài, Luvanis đã ký thỏa thuận với tập đoàn xa xỉ Hàn Quốc Shinsegae International để sang nhượng lại Paul Poiret. Phía Shinsegae đã chính thức xác nhận vào tháng 1/2018 về việc mở cửa ngôi nhà Paul Poiret, tiết lộ bổ nhiệm nữ doanh nhân người Bỉ Anne Chapelle vào cấp quản lý, và nhà thiết kế Yiqing Yin giữ vai trò giám đốc sáng tạo. Thương hiệu Paul Poiret hồi sinh sau giấc ngủ đông kéo dài đến 89 năm, được công bố ra mắt BST mới đầu tiên vào tháng 3/2018.
Hiện tại, Luvanis dưới sự điều hành của Arnaud de Lummen vẫn không ngừng tìm kiếm những thương hiệu vượt thời gian và nỗ lực đánh thức “những người đẹp say ngủ”. Các thương hiệu được lựa chọn thông thường sẽ nhận được sự công nhận lớn, bao gồm các giải thưởng cống hiến hoặc triển lãm chuyên môn.
Sau sự kiện triển lãm quan trọng dành riêng cho nhà thiết kế thời trang người Mỹ Charles James, tổ chức ở bảo tàng nghệ thuật Metropolitan vào năm 2014, công ty Luvanis đã gia nhập và chia sẻ quyền thương mại với những người thừa kế của nhà thiết kế Charles James vào tháng 6/2016, mở đường cho sự hồi sinh ngôi nhà thời trang cao cấp này.
Vị giám đốc điều hành tài năng của Luvanis cũng đã dành nhiều năm để thâu mua quyền sở hữu trí tuệ và thương mại đối với Mainbocher – nhà thời trang đã phát minh ra kiểu thân áo không dây (strapless bodice). Nhà thiết kế Mainbocher đã được mời thiết kế trang phục cưới cho nữ công tước xứ Windsor, Wallis Simpson – một biểu tượng thanh lịch của Mỹ, người đã kết hôn lần thứ 3 với vua Edward VIII (Anh), gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp dẫn đến sự thoái vị của ông để kết hôn với “người phụ nữ tôi yêu”. Luvanis là nhà tài trợ chính của một sự kiện triển lãm trang trọng đối với thương hiệu Mainbocher, mang tên “Making Mainbocher”, tổ chức tại bảo tàng lịch sử Chicago, kéo dài từ tháng 10/2016 đến tháng 8/2017. Cuộc triển lãm tưởng niệm nhà thời trang lớn người Mỹ đã thu hút hơn 100.000 vị khách. Sau đó không lâu, Luvanis công bố kế hoạch khôi phục lại The House of Mainbocher.
Trong khi nước Bỉ có Delvaux, Pháp có bốn nhà sản xuất rương quần áo lớn nhất mọi thời đại – Moynat, Au Départ, Louis Vuitton và Goyard. Để hoàn thiện bộ tứ “luxury trunk makers” của Paris, sau khi thành công hồi sinh Moynat, Luvanis hướng mục tiêu đến thương hiệu Au Départ (thành lập vào năm 1834 và đóng cửa vào năm 1976). Song song đó là thương hiệu sản xuất rương và hàng da lâu đời của Mỹ – Belber, thành lập từ năm 1891 tại Philadelphia và tồn tại đến năm 1970. Công ty Belber đã được hồi sinh từ năm 2016 và hiện nay, Au Départ đã đang được phát triển bởi các chủ sở hữu mới.
Arnaud de Lummen ngày càng tích cực khởi sinh các thương hiệu vượt thời gian với các chuyên môn khác nhau. Luvanis đang trong quá trình tái định vị thương hiệu trang sức Pháp – Vever (1821 – 1982). Một công ty khác thuộc lĩnh vực da thuộc và văn phòng phẩm mang tên Maquet, có nguồn gốc từ Pháp, ra đời từ năm 1841 và chấm dứt hoạt động từ năm 1993. Thêm một thương hiệu chuyên sản xuất rương quần áo cao cấp là Finnigans – thành lập vào năm 1830 tại Anh và kết thúc vào năm 1988. Cùng với Herbert Levine (1948 – 1975) – một thương hiệu sản xuất giày nổi tiếng của Mỹ, từng được mang bởi Jackie Kennedy, Marilyn Monroe và Marlene Dietrich.
Điều quan trọng để phục hưng một “thương hiệu ngủ đông”
Luvanis được xem là vườn ươm tái thiết của các thương hiệu di sản đã ngưng hoạt động, tập trung vào việc xác định bản sắc và thâu mua quyền khai thác giá trị của các thương hiệu bị lãng quên đó, nhằm định vị lại và tìm kiếm các đối tác hoặc nhà đầu tư để tái cấp vốn. Theo các chuyên gia, mô hình kinh doanh này tạo ra sự cân bằng giữa việc: tái khẳng định giá trị di sản của thương hiệu và viết thêm những dòng sử mới.
Di sản và lịch sử của các thương hiệu cũ là những gì làm cho họ độc đáo
Arnaud de Lummen
Để đi đến kế hoạch hồi sinh một thương hiệu, một công ty như Luvanis phải có khả năng thu thập quyền sở hữu từ khắp mọi nơi trên thế giới và trở thành chủ sở hữu duy nhất. Đó được xem là một quá trình phức tạp gần như chỉ đạt được bằng niềm đam mê. Những hành trình không hề dễ dàng. Để làm thức tỉnh “nàng công chúa” đang chìm sâu vào giấc ngủ dài hàng thập kỷ, vấn đề tối quan trọng kèm theo luôn luôn là câu hỏi pháp lý.
Điển hình như Paul Poiret, có đến 5 chủ sở hữu khác nhau trên toàn thế giới. Điều đó có nghĩa là các quyền lực chồng chéo nhau ở khắp mọi nơi, mà theo Arnaud de Lummen, ông gọi là một kiểu “bế tắc của người Mexico” (“Mexican standoff”) hay dễ hình dung hơn như câu chuyện ngụ ngôn “dê trắng và dê đen”. Một tình huống mà không thắng không thua, không ai đóng vai trò chủ chốt, không người nào sở hữu đủ để có quyền quyết định cuối cùng, và không sẵn sàng rút lui khỏi vị trí của họ. Có rất nhiều phương diện chi tiết cần xem xét, cùng với việc củng cố niềm tin tích cực trong các cuộc đàm phán.
Arnaud de Lummen đã tiết lộ rằng: có hai kỹ năng được xem là chìa khóa để thức tỉnh các “người đẹp say ngủ”. Một là: cần có một cách tiếp cận tỉ mỉ đến mọi khía cạnh pháp lý của doanh nghiệp, vì quyền sở hữu thương mại có thể cực kỳ phức tạp do các khu vực pháp lý khác nhau và vấn đề của nhiều chủ sở hữu. Và hai là: cần phải có sự hiểu biết nhất định về các thương hiệu di sản.
Tham khảo:
De Lummen sleeping beauties – Luxos
Sleeping beauty brands myth magic formula – Business of Fashion
Bài: Xu