Bạn đã biết “đủ nhiều” về đồ bơi bền vững? Tại sao chúng chưa được phổ biến ngày nay?

Ngày đăng: 28/07/22

Mùa du lịch, mùa của đồ bơi, với tinh thần hướng đến thời trang bền vững thì các tín đồ sống xanh nên lựa chọn đồ bơi như thế nào để vừa thời thượng vừa bảo vệ môi trường?

Mặt trời buông xuống chân mặt biển, ánh nắng tắt dần nhường hào quang cho sóng biển óng ánh, những chuyến đi đang đợi bạn phía trước và cũng là lúc các tín đồ lựa chọn cho mình những bộ đồ bơi sành điệu. Tuy nhiên, nếu suy xét về khía cạnh bền vững, đồ bơi có thể mang đến tác động bất lợi đến môi trường. Tại sao?

Thứ nhất, chúng được làm từ các vật liệu tổng hợp (thường là nguyên sinh) như polyester và nylon, các loại chất liệu được điều chế nên từ các loại hóa chất như dầu mỏ hay than đá. Thứ hai, đối với những đồ bơi kém chất lượng thì chất lượng không bảo đảm, không bền cũng như nhanh bị mất dáng. Và cộng theo nhu cầu cập nhật xu hướng thường xuyên, đồ bơi cũng nhanh chóng bị lãng quên trong một góc tủ. Cuối cùng, việc tái chế quần áo bơi hiện nay cực kỳ khó khăn, đồ bơi thường bị vứt tại các bãi rác lớn gây ô nhiễm môi trường vô cùng nặng nề, không chỉ khó phân hủy, đồ bơi còn thải ra môi trường các hạt vi nhựa vô cùng độc hại. 

Ngày nay, ngày càng nhiều thương hiệu sử dụng polyester và nylon tái chế để tạo ra đồ bơi của họ. Tất nhiên, đây không phải là một phương cách sản xuất hoàn hảo, đặc biệt hiện nay có rất nhiều polyester tái chế hiện được sản xuất từ ​​chai nhựa PET. “Chúng ta nên tái chế polyester từ chai nhựa.” Timo Rissanen, phó giáo sư tại Đại học Công nghệ Sydney, chia sẻ và giải thích cách sử dụng lại chai nhựa PET trong thời trang và đưa chúng ra khỏi hệ thống tái chế vòng kín. 

Microplastics vẫn là một vấn đề chính khi bàn đến đồ bơi tái chế, với một nghiên cứu cho thấy rằng polyester tái chế thực sự tạo ra nhiều microfibres gấp 2,3 lần so với polyester thông thường.

Microplastics vẫn là một vấn đề chính khi bàn đến đồ bơi tái chế, với một nghiên cứu cho thấy rằng polyester tái chế thực sự tạo ra nhiều microfibres gấp 2,3 lần so với polyester thông thường. Sau đó, chúng xâm nhập vào đường nước, gây hại cho sinh vật biển, cũng như làm ô nhiễm đất và thậm chí còn có thể xuất hiện trong thức ăn của con người. Dù việc giặt đồ bơi bằng tay có thể làm giảm lượng vi nhựa thải ra môi trường, hay sự tiện năng của các túi lọc hạt vi nhựa nhưng suy cho cùng lượng vi nhựa đó sẽ đổ ra đâu?

Một số thương hiệu, bao gồm cả Natasha Tonic, hiện đang sử dụng các loại sợi tự nhiên như sợi gai dầu (một chất liệu thường được sử dụng cho đồ bơi trước khi phát minh ra polyester và nylon). Tuy nhiên, họ vẫn thường sử dụng elastane để đạt được độ co giãn nhất định, và điều đó một lần nữa góp phần gây ô nhiễm môi trường. May mắn thay, ngày càng có nhiều giải pháp mới, vừa đảm bảo chất lượng vừa thân thiện với môi trường. Chẳng hạn, thương hiệu với tinh thần thời trang bền vững cao – Stella McCartney đã bắt đầu sử dụng Roica, một loại elastane thân thiện với môi trường có chứa hơn 50% hàm lượng tái chế và có thể phân hủy mà không giải phóng bất kỳ hóa chất độc hại nào.

Thiết kế đồ bơi kiêm đồ lót trong bộ sưu tập Stellawear của thương hiệu, được tạo ra bởi sự kết hợp chất liệu giữa Econyl với nylon tái chế từ lưới đánh cá cũ và chất thải công nghiệp khác. McCartney chia sẻ: “Chúng tôi đã phát hiện ra rằng kể từ khi chúng tôi bắt đầu sử dụng Econyl vào năm 2017, chúng tôi đã ngăn chặn được hơn 10 tấn nylon thải ra môi trường. Không những thế, Roica cũng là một chất liệu tuyệt vời từ độ co giãn cao cấp, độ đàn hồi đến khả năng giữ phom dáng – điều mà tôi luôn gặp khó khăn thực hiện và cũng là chất liệu tôi luôn tìm kiếm bấy lâu nay.”

Cho dù được làm từ vật liệu nguyên sinh hay tái chế, khả năng tái chế vẫn là một vấn đề lớn đối với tất cả các thiết kế đồ bơi.

Cho dù được làm từ vật liệu nguyên sinh hay tái chế, khả năng tái chế vẫn là một vấn đề lớn đối với tất cả các thiết kế đồ bơi. Kate Riley, strategy lead về chất liệu và sợi của Textile Exchange chia sẻ: “Khi các sản phẩm may mặc được tạo ra bằng cách sử dụng hỗn hợp các loại vật liệu khác nhau và chúng rất khó tách biệt. Việc bổ sung thuốc nhuộm, hoàn thiện và trang trí cũng làm tăng thêm một mức độ phức tạp khác cho các nhà tái chế.”

Hiện tại, hầu hết quần áo bơi không còn bị chôn vùi ở các bãi rác nữa mà được tái sử dụng để tạo ra các loại sản phẩm trong ngành công nghiệp khác, chẳng hạn như lớp cách nhiệt hoặc lớp lót thảm. Tuy nhiên, mục tiêu thời trang hiện nay là tạo ra một vòng kín tái chế khi đồ bơi được tái chế được nhiều lần – đó là lý do tại sao Stay Wild đã tạo ra một nguyên mẫu hoàn toàn mới với nỗ lực đạt được điều này. Người đồng sáng lập thương hiệu Natalie Glaze giải thích: “Chúng tôi đã tạo ra một loại quần áo có thành phần đơn thể (sử dụng nylon tái chế) không có elastane cùng kỹ thuật dệt kim để tạo độ giãn. Và sau đó nó có thể được tái chế vô thời hạn.”

Vấn đề thật sự nằm ở đây là gì? Chi phí công nghệ cần thiết để thiết lập một vòng kín tái chế cho đồ bơi thật sự rất đắt và đây cũng là lý do tại sao Stay Wild vẫn chưa thể tung sản phẩm đang ấp ủ ra thị trường. Điều này cũng là vấn đề chung trong ngành công nghiệp thời trang. Nói không ngoa, chúng ta phải cần có một khoảng thời gian đủ lâu và thật vững về mặt tài chính thì mới có thế tạo ra những cải tiến mới trong ngành, đặc biệt là khi đề cập đến vấn đề tái chế. Riley chia sẻ: “Chúng tôi cần các giải pháp để mở rộng quy mô. Trọng tâm trong lĩnh vực này cần tập trung vào việc hỗ trợ cho giải pháp mới mở rộng quy trình xử lý chất thải trong quá trình dệt may.”

Cũng cần phải đổi mới hơn nữa để giúp các thương hiệu chuyển sang sử dụng các chất tổng hợp không phân hủy sinh học. Kintra, một loại polyester có thể phân hủy sinh học hoàn toàn mới có nguồn gốc từ ngô, là vật liệu mà chúng ta có thể sẽ thấy nhiều hơn nữa trong tương lai. Rissanen nhận xét: “Các loại sợi mới sau này đều được tạo ra từ các nguồn liều tái tạo chứ không phải nhiên liệu hóa thạch và có thể phân hủy sinh học, do đó không thể gây ô nhiễm môi trường bằng hạt vi nhựa.” 

Hiện tại, biện pháp tốt nhất dành cho các tín đồ thời trang để chọn được đồ bơi để bảo vệ môi trường là dành nhiều thời gian để tìm ra thiết kế dùng vật liệu tái chế, nguồn liệu tự nhiên, dễ phân hủy,… “Làm thế nào để tôi có thể bảo vệ môi trường bằng đồ bơi? Câu trả lời đó là mua một sản phẩm thật chất lượng và chúng có thể tồn tại lâu hơn. Tương tự như việc mua ít hơn nhưng chất lượng cao hơn.” Glaze kết luận. 

Thực hiện: Huỳnh Trân

Theo Vogue