Fashion seasons: Vì sao có rất nhiều mùa trong thời trang?
Ngày đăng: 03/08/22
Đã bao giờ bạn bối rối vì sao thời trang lại có nhiều mùa đến thế? Từ xuân hạ thu đông đến Pre-collection và lại có thêm Resort/Cruise. Thời trang có thể hào nhoáng khi những gì chúng ta nhìn thấy trên sàn diễn catwalk là những tác phẩm của những bộ óc sáng tạo. Nhưng phía sau ánh đèn hào quang ấy, ngành thời trang hoạt động với guồng quay tất bật của nhiều bộ phận khác nhau cùng chung một mục đích: Thương mại.
Ngành công nghiệp thời trang không thể dừng lại, toàn bộ quá trình có một nhịp độ rất chặt chẽ: sản xuất tiếp tục trong suốt cả năm, cũng như các quy trình thiết kế và phân phối, theo lịch được chia thành hai mùa chính và các mùa phụ. Ngày nay, với sự phát triển của thời trang nhanh, chúng ta thấy càng nhiều thương hiệu chuyển hướng khỏi các bộ sưu tập theo mùa, thậm chí mỗi tháng lại là một bộ sưu tập mới.
Qua bài viết này, Style-Republik sẽ cùng bạn bước vào ngành công nghiệp thời trang tìm hiểu sự vận hành cốt lõi nhất của guồng quay này qua các mùa thời trang trong năm.
Các mùa trong thời trang là gì?
Chúng ta có Xuân, Hạ, Thu, Đông mỗi năm. Trong thời trang sẽ có hai mùa chính Xuân/Hè (Spring/Summer), Fall/Winter (Thu/Đông) – những mùa Ready-to-wear được diễn tại các tuần lễ thời trang lớn Milan, Paris, London, New York. Tuy nhiên, lịch diễn của thời trang ngày nay không còn đơn giản như thế. Nhu cầu tiêu dùng tăng cao, đồng thời để thương hiệu luôn cập nhật đổi mới, nhiều bộ sưu tập được sản xuất nhiều dịp mỗi năm. Ở mỗi nhà mốt sẽ có lịch bổ sung riêng gồm các BST Resort/Cruise, Pre-Fall, Pre-Spring,….
Trong khi các thương hiệu lớn thuộc tập đoàn Kering như Gucci và Yves Saint Laurent đã có quyết định thực hiện các BST “fashionless” hai năm một lần, nhà mốt Chanel kiên trì với lịch diễn truyền thống gồm 6 BST mỗi năm: Spring/Summer Ready-to-wear, Fall/Winter Ready-to-wear, Spring Couture, Fall Couture, Resort Collection, Pre-Fall (Métiers d’art).
Theo một cách đơn giản, sự ra đời của thời trang theo mùa là cách thích ứng với sự thay đổi của khí hậu. Khi trời lạnh hơn, chúng ta mặc quần áo ấm; khi tiết trời vào hạ, chúng ta muốn thứ gì đó mát mẻ, màu sắc tươi sáng.
Vì sao lại phân chia theo mùa?
Mùa xuân/hè bắt đầu vào tháng 1 và kéo dài đến tháng 6, trong khi Thu/Đông kéo dài từ tháng 7 đến tháng 12. Resort/Cruise sẽ có sẵn từ tháng 10 đến tháng 12, trong khi Pre-Fall phải có mặt trước khi BST Thu/Đông ra mắt.
Lúc này, bạn sẽ ngạc nhiên vì sao BST Xuân/Hè và Resort/Cruise lại được bán vào tháng 1 khi trời còn rất lạnh, một số nơi ở châu Âu vẫn còn tuyết rơi. Ngược lại, BST Thu/Đông được bán vào tháng 7 khi bên ngoài trời vẫn ấm.
Các thương hiệu tạo ra các BST phù hợp với các mùa, biểu diễn chúng trước thời gian để trở thành người đi đầu trong các xu hướng của mùa đó, đồng thời người giúp người mua lập kế hoạch và khao khát bộ trang phục đó khi mùa đã thật sự đến. Tuy nhiên, có một số yếu tố làm gián đoạn mô hình hiện tại với sự xuất hiện của thời trang nhanh và ảnh hưởng của nó đến khả năng sáng tạo của ngành.
Ngành công nghiệp thời trang chuẩn bị các bộ sưu tập mỗi mùa như thế nào?
Mọi thứ hoá ra phức tạp hơn những gì chúng ta nghĩ. Một BST Spring/Summer (Xuân/Hè) đang có mặt tại cửa hàng giữa tháng 1 và tháng 2 thì trước đó công việc sản xuất đã phải bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 5 của năm trước. Đây chỉ mới là giai đoạn sáng tạo khi việc nghiên cứu cũng như mua chất liệu đã hoàn thành.
Trong những tháng tiếp theo, các sản phẩm “sample” (sản phẩm mẫu) được thực hiện và fashion show trong giai đoạn chuẩn bị cho tuần lễ thời trang vào tháng 6. BST mà buyers và các nhà báo chứng kiến sẽ không giống hoàn toàn với các mẫu sẽ xuất hiện tại cửa hàng. Sau đó, các fashion buyers sẽ lựa chọn những mẫu có tiềm năng kinh doanh cao trong các phòng trưng bày dành riêng cho họ để đi vào sản xuất và cuối cùng xuất hiện tại các cửa hàng bán lẻ. Sau khi có đơn đặt hàng, giai đoạn sản xuất sẽ bắt đầu, kéo dài trong những tháng mùa đông. Giữa cuối tháng 1 và đầu tháng 3 năm sau, BST Spring/Summer (Xuân/Hè) sẽ đến các cửa hàng.
Mối liên hệ với Tuần lễ thời trang
Như ở phía trên chúng ta đã tìm hiểu, có hai mùa trình diễn chính BST Womenswear: Spring/Summer (Xuân/Hè) và Fall/Winter (Thu/Đông). Tất nhiên không thể không kể đến “Big 4” Tuần lễ thời trang: New York, London, Milan và Paris (theo thứ tự).
Mục đích của Tuần lễ thời trang chính là dự báo xu hướng của mùa tiếp theo cho cánh báo chí và các fashion buyers. Vì thế BST Spring/Summer (Xuân/Hè) sẽ được diễn vào tháng 9, Thu/Đông vào tháng 2 năm sau.
Các Tuần lễ thời trang vốn được tổ chức nhằm trình diễn Womenswear, tuy nhiên ngày nay chúng ta có Menswear, Resort/Cruise, Haute Couture tại Paris cũng như nhiều Tuần lễ thời trang lớn nhỏ khác trên thế giới. Vì thế, có thể cho rằng ở bất cứ thời điểm nào, ở đâu đó trên thế giới đều có Tuần lễ thời trang.
Sau đây là lịch trình dự kiến hàng năm của Tuần lễ thời trang lớn trên thế giới (theo thứ tự diễn ra):
Tháng 1: (Menswear Fall/Winter & Spring Haute Couture)
- London (Men’s)
- Milan (Men’s)
- Paris (Men’s)
- Paris (Haute Couture)
- New York (Men’s)
Tháng 2 & Tháng 3: (Womenswear Fall/Winter)
- New York Fashion Week
- London Fashion Week
- Milan Fashion Week
- Paris Fashion Week
Tháng 5 & Tháng 6: BST Resort/Cruise
Tháng 6 & Tháng 7: (Menswear Spring/Summer & Fall Haute Couture)
- London (Men’s)
- Milan (Men’s)
- Paris (Men’s)
- Paris (Haute Couture)
- New York (Men’s)
Tháng 9 & Tháng 10: (Womenswear Spring/Summer)
- New York Fashion Week
- London Fashion Week
- Milan Fashion Week
- Paris Fashion Week
Mọi thứ từng được hiểu theo cách đơn giản: fashion show cần được diễn trước khi mùa thật sự đến vì các nhà mốt cần thời gian để trình diễn trên sàn runway và sau đó thời gian để sản xuất vì mục đích thương mại dựa theo mức độ yêu cầu từ fashion buyers. Điều này hoàn toàn hợp lý, ít nhất là trên lý thuyết.
Thế nhưng bốn mùa lại không đủ
Đến một ngày, câu chuyện lại không đơn giản như vậy. Bạn có thể yêu thích chiếc áo khoác của thương hiệu X vừa trình diễn trên runway, báo chí và truyền thông đăng tải rất nhiều thông tin sau buổi trình diễn ấy. Bạn lưu lại ngày chiếc áo ấy sẽ ra mắt tại cửa hàng vào mùa tiếp theo và suy nghĩ rằng nhất định mình phải mua. Thế nhưng trong tuần tiếp theo, bạn dạo chơi tại cửa hàng Forever21, Zara hay bất cứ cửa hàng thời trang nhanh nào, bạn đã nhìn thấy một chiếc áo tương tự với một mức giá “cực kì hời”. Mô hình của thời trang nhanh có thể sản xuất một mẫu “copycat” từ sàn diễn một cách nhanh chóng đến nỗi chúng sẽ có mặt ngay tại cửa hàng/website chỉ vỏn vẹn trong vòng một đến hai tuần. Trong khi đó, các nhà mốt truyền thông vốn dĩ cần rất nhiều thời gian cho khâu sau fashion show.
Một phần vì lý do này, các thương hiệu có cách ứng phó chính là ra mắt thêm “mùa”. Thời gian các BST Spring/Summer và Fall/Winter xuất hiện trên kệ của các cửa hàng bán lẻ thật sự không kéo dài, thường là từ hai đến ba tháng. Vì vậy, BST Resort và Pre-Fall sẽ được thêm vào lịch trình vì trái ngược lại, chúng có thể ở lại trên kệ đến tận sáu tháng. Điều này dĩ nhiên mang lại lợi nhuận cho thương hiệu thế nhưng lại là nỗi thống khổ cho các vị trí sáng tạo và thiết kế của thương hiệu.
Lúc này, lịch diễn và sản xuất lại càng chồng chéo hơn khi các thương hiệu ra mắt các BST bổ sung như Resort/Cruise và Pre-Fall. Những BST này sẽ không nằm trong Tuần lễ thời trang mà sẽ do các thương hiệu tự thực hiện và gửi thông tin cho báo chí. Ban đầu, BST Resort/Cruise, nguồn gốc ra đời từ nhu cầu du lịch đến các quốc gia có khí hậu ấm áp của các quý tộc khá giả châu Âu thời xưa mỗi khi mùa đông đến bao phủ châu Âu.
Trong một lá thư ngỏ của Giorgio Armani gửi đến tạp chí WWD vào năm 2020, ông nhận xét rằng đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng quá tải mà ngành công nghiệp thời trang phải đối mặt.
“Sự suy tàn của hệ thống vận hành trong ngành thời trang bắt đầu khi phân khúc xa xỉ áp dụng các phương pháp vận hành của thời trang nhanh, thực hiện chu kỳ phân phối bất tận với hy vọng bán được nhiều hơn, nhưng quên rằng sự sang trọng cần có thời gian để đạt được sự tỉ mỉ và được đánh giá cao. Xa xỉ không thể và không được nhanh chóng. Thật vô lý nếu một trong những chiếc áo khoác hoặc bộ quần áo của tôi sẽ tồn tại trong cửa hàng chỉ vỏn vẹn ba tuần trước khi trở nên lỗi thời, sau đó nó được thay thế bằng hàng mới không quá khác biệt.”
Và rồi thời trang nhanh xuất hiện cung cấp “52 mùa” mỗi năm
Theo năm tháng, ngoài những thay đổi về khí hậu và mô hình du lịch, ngành thời trang, đặc biệt là kinh doanh thời trang đã chứng kiến những thay đổi đáng kể trong thiết kế, sản xuất và kinh doanh trong những năm gần đây.
Vào những năm 1990, nhà bán lẻ từ Tây Ban Nha – ZARA đã đi tiên phong trong mô hình kinh doanh thời trang nhanh. ZARA nổi tiếng từ bỏ khái niệm về các mùa thời trang để chuyển sang chu kỳ sản xuất kéo dài cả năm, cứ sau vài tuần lại mang đến cho khách hàng những thứ mới mẻ. Sự nổi tiếng và phát triển của ZARA là một phần động lực khiến các nhà thiết kế và doanh nghiệp khác, như H&M và Forever 21 nối tiếp bước chân của ZARA vào thập kỷ sau.
Thời trang nhanh cung cấp cho khách hàng những thiết kế với tốc độ nhanh hơn. Các hãng thời trang nhanh có bộ máy cấu trúc khác với các nhãn thời trang cao cấp mà đang hoạt động theo chu kỳ thời trang theo mùa trong nhiều năm.
Mỗi năm, các công ty thời trang nhanh sản xuất khoảng 52 BST nhỏ trong năm. Họ có một lượng hàng tồn kho dồi dào, một thị trường mục tiêu rộng lớn. Họ có thể cung cấp sản phẩm với giá thành rẻ do quần áo không được đầu tư vào chất lượng và số lượng sản phẩm lớn.
Vào cuối những năm 2010, các hãng thời trang “ultra fashion” (cực nhanh) như ASOS, Boohoo, Fashion Nova và bây giờ là Shein trỗi dậy, trở thành những đối thủ đáng gờm của các đế chế thời trang lớn của thập kỷ trước.
Điển hình là với Shein, bạn có thể tìm thấy vô vàn mẫu mã trên website của nhà bán lẻ này. Giống như những người tiền nhiệm, triết lý kinh doanh của Shein dựa trên ý tưởng rằng “càng nhiều càng tốt”, lượng dư thừa đó có thể được bán ra với mức giá rẻ một cách kỳ lạ. Chắc chắn rằng môi trường cũng như chăm lo cho lực lượng lao động không phải mối ưu tiên hàng đầu của họ.
Bên cạnh đó, sự nổi lên của Shein như một gã khổng lồ trong lĩnh vực thời trang nhanh không chỉ nhờ vào chi phí sản xuất thấp hoặc sự hiện diện trực tuyến rộng rãi của công ty này. Giá thành thấp đã giúp Shein đảm bảo một cơ sở dày đặc số lượng người tiêu dùng đang bị thu hút bởi sự hấp dẫn của 2000 mẫu mã mới được thêm vào website mỗi ngày. Ngoài ra, Shein không hề có cửa hàng thực tế – một phần lý do giảm được đáng kể chi phí vận hành cũng như nhân sự.
Với chu kỳ thiết kế, sản xuất và phân phối hoạt động liên tục trong năm, các thương hiệu buộc phải ra mắt sản phẩm mới liên tục. Điều này tạo nên cung nhiều hơn cầu, các nhà bán lẻ buộc phải bỏ bớt lượng dư thừa bằng cách giảm giá chỉ sau vài tháng sau khi sản phẩm có mặt tại cửa hàng. Đồng thời, khách hàng mà đã trả một mức giá cao cho sản phẩm ở thời gian vừa mới ra mắt cảm thấy sản phẩm mình mua bị giảm giá trị. Đây là hiện tượng rất nhiều nhà thiết kế như Giorgio Armani, Dries Van Noten đả kích khủng hoảng bán lẻ hiện tại và yêu cầu các công ty có ảnh hưởng lớn trong ngành thời trang cần thay đổi và mang nhịp độ của “slow fashion” (thời trang chậm) trở lại nhằm bảo vệ giá trị cũng như vòng đời của sản phẩm.
Thực hiện: Như Quỳnh