Kinh doanh thời trang: Black Friday có còn bùng nổ trong năm 2022?
Ngày đăng: 30/11/22
Theo dự đoán, Black Friday vẫn là dịp để các thương hiệu tăng cường doanh số bán hàng của mình. Tuy nhiên, sức mua có thể không có sự bùng nổ đáng kể khi mà có quá nhiều dịp sale diễn ra, nhất là trong vài tháng cuối năm.
Black Friday, có thể là xem thời điểm bán hàng lớn nhất trong năm của ngành bán lẻ. Trong khi đó ngày Lễ Độc thân 11.11 được xem là ngày hội mua sắm lớn nhất với ngành thương mại điện tử. Black Friday không chỉ dịp để các nhà bán lẻ tăng doanh số kinh doanh, đây cũng là lúc thích hợp để các thương hiệu thời trang tung ra các chương trình ưu đãi nhằm kích thích hành vi mua sắm của khách hàng.
Bắt đầu từ giữa tháng 11.2022 trở đi, có thể thấy các cửa hàng thời trang Việt đang dồn dập treo biển giảm giá. Những tấm biển “sale-off” nổi bật trước cửa hàng trên các con số sầm uất đến trung tâm thương mại. Nhưng không phải cửa hàng thời trang nào cũng thành công với chương trình ưu đãi Black Friday.
Chuyện gì xảy ra khi khuyến mãi dồn dập?
Quý IV luôn được xem là mùa mua sắm trực tuyến cao điểm nhất năm. Để kích cầu mua sắm, giới kinh doanh kỳ vọng vào hai đợt khuyến mãi lớn là 11/11 và 12/12, bên cạnh các đợt giảm giá dịp Giáng sinh, Tết Dương lịch. Các doanh nghiệp cho rằng ngày khuyến mãi 11/11 hay 12/12 vẫn có khả năng tăng trưởng cao so với ngày thường nhưng sức nóng dự kiến không bằng các năm trước.
Theo số liệu theo dõi của nền tảng tiếp thị thương mại toàn cầu Criteo từ Vnexpress, năm ngoái doanh số bán lẻ trực tuyến của Việt Nam trong các dịp như 11/11, 12/12 và Black Friday đã tăng lần lượt 128%, 143% và 92% so với ngày thường.
Tuy nhiên, mùa sale online cuối năm nay có thể không còn bùng nổ như vậy, khi mà các dịp khuyến mãi vào các “ngày đôi” gần đây ngày càng nhiều lên. Criteo cho biết doanh số bán hàng của thương mại điện tử Việt Nam hôm 10/10 vừa qua tăng 48% so với trung bình theo tuần của một tháng trước đó. Trong khi ngày 10/10/2021, nếu cùng khung so sánh, doanh số từng tăng đến 125%.
Vì sao khách hàng không còn quá “mặn mà” với các dịp khuyến mãi?
Nhìn chung, Back Friday vẫn khiến khách hàng mua sắm nhiều hơn thường nhật. Tuy nhiên, những lý do chính như khuyến mãi có vẻ “khủng” nhưng thực tế giảm giá không nhiều hay hàng hoá giảm giá không được đẹp, hàng lỗi mùa không còn sức hút… hoặc chỉ giảm giá rất ít sản phẩm khiến khách hàng có thể vào xem cửa hàng “tấp nập” nhưng… không mua. Đi qua nhiều mùa ưu đãi, người tiêu dùng hầu như đã “bắt bài” các chương trình quảng cáo. Vì thế, họ chỉ chọn mua những sản phẩm giảm giá thực sự và “cạch” những thương hiệu treo biển giảm giá nhưng không thực sự giảm.
Ngoài ra, từ quý 4-2022 đến năm 2023, dự báo kinh tế toàn cầu rất khó khăn, xu hướng suy thoái, lạm phát thấy rõ. Tình hình đã khiến nhiều người cân nhắc nhiều khi mua sắm, nhất là với những sản phẩm không thiết yếu.
Bên cạnh đó, việc nhiều chương trình giảm giá diễn ra liền kề mỗi tháng cũng khiến khách hàng choáng ngợp. Một trong những chiến lược bán hàng là đánh vào tâm lý “cấp bách” của khách hàng (Creating a Sense of Urgency) không còn khả dụng. Khách hàng nhận thấy nếu họ bỏ lỡ chương trình giảm giá này, họ cũng có thể mua nó vào lần sau, hoặc tìm kiếm những sản phẩm thay thế thương hiệu ở các thương hiệu khác (cũng giảm giá).
Làm sao để giảm giá mà vẫn giữ sức hút của thương hiệu?
Nhìn chung, chương trình giảm giá cuối năm sẽ giúp kích thích mua sắm, tăng doanh số bán hàng, giải phóng hàng tồn kho và giải quyết hàng lỗi mùa cho các thương hiệu thời trang. Tuy nhiên, để chương trình giảm giá mang lại ý nghĩa thực tiễn vừa không ảnh hưởng đến “định vị” và “hình ảnh thương hiệu”, Style-Republik nhận thấy một số thương hiệu đã thành công với cách thức như sau.
Thứ nhất, hãy xác định những sản phẩm chủ lực và không bao giờ giảm giá chúng (hoặc chỉ giảm rất ít). Vì với các sản phẩm này, nếu khách hàng thực sự yêu thích họ cũng không thể mua chúng ở bất kỳ nơi nào khác. Hãy tạo dấu ấn riêng, thứ vũ khí bí mật giúp khách hàng luôn nhớ đến thương hiệu.
Thứ hai, không tạo chương trình ưu đãi quanh năm, mà chỉ tạo một hoặc hai lần, đánh vào tâm lý “cấp bách” của khách hàng. Người mua luôn sợ bỏ lỡ một thứ gì đó. Đừng để họ cảm thấy nhàm chán khi trông thấy một sản phẩm mà được “sale” liên tục. Với thời trang, sự “khao khát” đóng vai trò quan trọng trong định giá sản phẩm.
Đừng quên, xây dựng bằng một cá tính độc đáo và một chiến lược truyền thông được đầu tư chỉn chu cho thương hiệu. Để thúc đẩy doanh số bán hàng, không chỉ có chương trình “giảm giá”, thương hiệu cần gắn kết với khách hàng với sự đồng điệu về tinh thần và các giá trị cảm xúc, bao hàm trong đó là lời hứa về giá trị và chất lượng của sản phẩm. Điều này mới giúp giữ chân khách hàng và khiến khách hàng thường xuyên quay lại ủng hộ thương hiệu.
Thực hiện: Hoàng Khôi
Bài viết có tham khảo số liệu trong nguồn bài:
Mùa khuyến mãi trực tuyến cuối năm khó bùng nổ từ Vnexpress