10 thách thức của ngành thời trang trong năm 2023
Ngày đăng: 07/12/22
Báo cáo thường niên The State of Fashion 2023 dưới sự hợp tác Business of Fashion và McKinsey đã được phát hành. Tiêu đề của ấn bản năm nay là Khả năng phục hồi trước những điều bất định, giải thích về bối cảnh hậu đại dịch hai năm có nhiều bất ổn rất rõ ràng đến từ những căng thẳng chính trị, xã hội và môi trường.
Vào năm 2021 và 2022, toàn bộ ngành thời trang chứng kiến mức tăng trưởng toàn cầu lần lượt là 22% và 13%, tạo tiền đề cho năm 2023 mặc dù phát sinh một số lo ngại có cơ sở. Giữa việc tiếp tục chiến tranh ở Ukraine, khủng hoảng năng lượng và lạm phát gia tăng, ngành thời trang sẽ phải đối mặt với một số thách thức bao gồm tăng trưởng chi tiêu xa xỉ dao động từ 5% đến 10% chủ yếu ở Mỹ, đặc biệt là Trung Đông – khu vực có sự khác biệt về văn hóa sẽ đòi hỏi phải điều chỉnh và bản địa hóa ngôn ngữ thương hiệu. Để làm được điều này, chiến lược hóa chuỗi cung ứng, phân phối và kho bãi ở các nước này sẽ cần các thỏa thuận thương mại và ứng dụng công nghệ mới, dù chủ đề tiếp thị kỹ thuật số ở một xã hội gặp nhiều thách thức kinh tế vẫn rất được quan tâm.
Đó là lý do tại sao báo cáo đã vạch ra 10 thách thức mà ngành thời trang cần phải đối mặt vào năm 2023 nếu muốn vượt qua một trong những giai đoạn bất ổn và phức tạp nhất trong thập kỷ này.
1.Sự mong manh về chính trị xã hội
Giữa việc tiếp tục chiến tranh ở Ukraine và phong tỏa ở Trung Quốc hay sự phân cực chính trị của các nước châu Âu, các vấn đề địa chính trị dường như chưa bao giờ gắn bó chặt chẽ hơn với tương lai của ngành thời trang. Mặc dù tăng trưởng tốt từ 9% đến 13% sẽ diễn ra ở Trung Quốc bất chấp lệnh phong tỏa, cũng như ở Hoa Kỳ, điều tương tự lại không đúng ở Châu Âu nơi lạm phát diễn ra rất đáng sợ. Cả chiến tranh, các điều kiện thời tiết khắc nghiệt do suy thoái môi trường đều tạo ra các trở ngai, chậm trễ trong việc thu mua nguyên liệu thô và tính liên tục của các tuyến giao dịch thương mại.
2. Siêu địa phương hóa từng thị trường
Tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ ở các khu vực cụ thể, chẳng hạn như Trung Quốc, Hoa Kỳ và Trung Đông sẽ làm tăng nhu cầu kiểm soát cục bộ mạnh mẽ hơn đối với các hoạt động kinh doanh. Sự gián đoạn trong quá trình phục hồi của các nền kinh tế quốc gia riêng lẻ cũng sẽ là một thách thức cần được giải quyết. Do đó, giải pháp được áp dụng ở đây là tạo ra các chiến lược đặc biệt theo từng khu vực, cả về tiếp thị, dịch vụ khách hàng và tăng trưởng thực tế.
3.Tác động của khủng hoảng kinh tế
Đối mặt với lạm phát và bất ổn kinh tế vĩ mô, thị trường sẽ phân nhánh: một bên là tầng lớp giàu có, có khả năng vẫn giàu có và tiếp tục chi tiêu ít nhiều như bình thường; mặt khác là tất cả phần còn lại của dân số, dự kiến sẽ cắt giảm chi tiêu không chỉ bằng cách hạn chế mua hàng mà còn đổ dồn vào thị trường đồ cũ, các cửa hàng có chiết khấu cao và dần dần từ bỏ thị trường xa xỉ sơ cấp. Sự phân nhánh này sẽ khiến các nhà lãnh đạo thời trang phải điều chỉnh lại chiến lược, đặt các khoản đầu tư được cân nhắc kỹ lưỡng hơn và trên hết là tránh làm loãng bản sắc thương hiệu trong nỗ lực xây dựng lòng trung thành của khách hàng.
4. Thời trang phi giới tính tiếp tục lớn mạnh
Thời trang càng trở nên phi giới tính thì càng cần phải xem xét lại và tối ưu hóa nhiều sản phẩm, hoạt động tiếp thị và hoạt động bán lẻ truyền thống để phản ánh sự hòa quyện của hai nhánh tiêu dùng vốn đã từng riêng biệt. Bên cạnh đó, sẽ cần phải thay thế đối tượng truyền thống là những người chi tiêu nhiều bảo thủ bằng đối tượng trẻ tuổi, tiến bộ đang ngày càng ưa chuộng các sản phẩm phi giới tính.
5. Sự đột biến của trang phục trang trọng
Giữa việc viết lại các quy tắc về trang phục công sở, sự lan rộng của thời trang phi giới tính và sự tiếp tục của các hoạt động xã hội, trang phục trang trọng cũng sẽ chứng kiến sự phát triển mạnh mẽ. Ở cấp độ thiết kế, chúng ta có thể chứng kiến sự trỗi dậy của trang phục tuyên ngôn bản thân, với đặc trưng không còn bởi mong muốn phù hợp với tiêu chuẩn xã hội mà ngược lại được thiết kế để nổi bật tính độc bản của mỗi người. Ở cấp độ thương mại nghiêm ngặt hơn, trang phục trang trọng chính xác có thể là biểu tượng thượng lưu mà giới cho thuê quần áo xa xỉ (cho đến nay vẫn âm thầm) khát khao chinh phục.
6. Sự trở lại của đa thương hiệu
Sau khi tập trung vào mô hình tiếp thị trực tiếp đến người tiêu dùng mà không cần bên thứ ba, nhiều thương hiệu sẽ phải đối mặt với chi phí tiếp thị kỹ thuật số và bảo trì thương mại điện tử ngày càng tăng. Để làm như vậy, BoF và McKinsey đề xuất quay trở lại đa dạng hóa thương hiệu, với sự gia tăng bán sỉ và đa thương hiệu vật lý và kỹ thuật số với tư cách là đối tác kinh doanh.
7. Bài trừ chiến lược quảng cáo tẩy xanh (greenwashing)
Nếu tất cả các thương hiệu tuyên bố bền vững đều như vậy thì hành tinh này đã được cứu rỗi. Thay vì chỉ nói suông thì hãy hành động cụ thể, cho thấy tác động cụ thể từ các chính sách bền vững của thương hiệu, áp dụng các phương pháp như sản xuất theo đơn đặt hàng và truy xuất nguồn gốc đầy đủ tất cả các nguyên liệu là các nguyên tắc quan trọng đối với các thương hiệu thời trang lớn và thời trang nhanh.
8. Tầm quan trọng của kỹ thuật lành nghề
Khi người tiêu dùng chú trọng giá trị tương xứng với giá tiền và việc phân bổ sản phẩm trên khắp các châu lục gặp nhiều khó khăn, các thương hiệu sẽ phải làm việc sát sao với các nhà máy địa phương hoặc các nhà máy lân cận, tạo ra chuỗi cung ứng ngắn hơn (và bền vững) nhưng cũng tận dụng công nghệ kỹ thuật số để sản xuất ít hơn, tránh lãng phí và thường đảm bảo hiệu quả tốt hơn cũng như ngăn chặn chi phí thất thoát.
9. Sáng tạo và tiếp thị
Luật quản lý dữ liệu mới (may mắn thay) sẽ khiến việc đoán thị hiếu của người tiêu dùng vào đúng thời điểm họ đang nghĩ về chúng trở nên khó khăn hơn. Vì thế, để thu được lợi nhuận từ các khoản đầu tư, tiếp thị sẽ phải trở nên sáng tạo hơn, từ thấm nhuần các khái niệm mới đến khám phá các kênh truyền thông mới nhằm tăng sự chú ý đáng kể của khách hàng.
10. Tái cấu trúc lực lượng lao động
Tối ưu hóa đội ngũ quản lý, trau dồi tài năng và tăng cường thúc đẩy các bộ phận chuyên trách về tăng trưởng kỹ thuật số và tính bền vững sẽ rất quan trọng. Nhìn chung, để đối phó với các ưu tiên và các trường hợp khẩn cấp tiềm ẩn trong bối cảnh mới, mọi công ty phải xây dựng đội ngũ quản lý mạnh và có chức năng, có khả năng phản ứng nhanh nhẹn và quyết đoán với từng thách thức mới.
Thực hiện: Bảo Long
Theo Fashion United