Vivienne Westwood và những sàn diễn khiến giới thời trang rung chuyển
Ngày đăng: 31/12/22
Nhắc về các thành tựu mà nhà thiết kế người Anh quá cố mang đến cho thời trang thì chắc chắn không đếm xuể nhưng để nói về hành trình vĩ đại của Vivienne Westwood thì không thể quên những sàn diễn nổi bật sau đây.
Chuẩn bị bước qua một năm mới cùng nhiều điều mới mẻ đang chờ đón nhưng thế giới thời trang lại phải đón nhận thêm một tin buồn, tiếp tục chứng kiến sự ra đi của một “icon”, một trong những nhà thiết kế vĩ đại nhất thế giới và là người đàn bà không chỉ định hình mà còn khiến thời trang Anh Quốc rung chuyển – “Queen of Punk”, The “one and only” Vivienne Westwood. Ra đi thanh thản bên gia đình ở tuổi 81, nhà thiết kế người Anh đã dành gần cả cuộc đời của mình để mang tinh thần phóng tú, sự nổi loạn, ngông cuồng của Punk vào thời trang, đem lại hào quang và sự công nhận mà thời trang Punk xứng đáng có được; tạo ra một định nghĩa mới cho sự lãng mạn; tạo ra những cuộc gặp gỡ chưa từng có giữa màu sắc, thiết kế, bản in; đem đến thế giới những “cô dâu” quyến rũ nhất và cả sự kết nối sâu sắc giữa thời trang và chính trị.
Dù đã ra đi, rời bỏ thế giới thời trang trong biết bao sự tiếc nuối, nhưng Vivienne Westwood vẫn là mãi là huyền thoại với kho di sản, những giá trị sáng tạo vĩ đại nhất cho thế hệ mai sau. Vivienne Westwood không chỉ làm nên thời trang Anh mà chính bản thân bà đã là đại diện cho thời trang Anh. Không có Vivienne Westwood, sẽ không có thời trang Anh. Trong sự nghiệp kéo dài hơn nửa thế kỷ, Westwood là “nữ hoàng” bảo chứng cho sự kỳ lạ bẩm sinh của thời trang Anh Quốc. Không có Westwood, sẽ không có Alexander McQueen, hay Charles Jeffrey. Và không có bà, London Fashion Week cũng không được xem là một sự kiện thú vị, đáng mong chờ trên khắp thế giới. Đúng vậy, sự ra đi của Westwood là sự mất mát to lớn của thời trang Anh cũng như một áp lực nặng nề của thời trang toàn thế giới.
Xuất thân của Westwood không gắn liền với nghệ thuật và thời trang, định hướng ban đầu của bà cũng chẳng phải là một nhà thiết kế vĩ đại và có tầm ảnh hưởng đến thế giới như hiện tại mà thay vào đó là một giáo viên tiểu học bình thường, cùng với khóa học thêm về làm đồ trang sức. Và đến những năm cao trào của văn hóa Punk cùng thái độ chống đối xã hội của người trẻ, thì nhà thiết kế quá cố mới dần thiết lập tư duy thời trang độc nhất của mình – bà làm thời trang và phụ kiện không giống với cách mà thế giới thời trang và phụ kiện thời điểm đấy đang làm, và dùng thời trang, sự nổi loạn, tự do của Punk và cả thái độ bất cần, không chịu bị ràng buộc bởi bất cứ gì của người trẻ để chống lại một xã hội Anh bảo thủ. SEX – một cửa hàng thời trang của bà và người tình Malcolm McLaren, thánh địa và cội nguồn của Punk/Rock ở Anh, chắc chắn là một trong những cột mốc quan trọng trên hành trình mà Westwood chinh phục thế giới thời trang, đưa Punk ra ánh sáng và thay đổi luật chơi của một hệ thống thời trang cứng ngắt đầy quy củ. Bên trong SEX, sẽ là nơi mà bà “tung hoành” với những chiếc áo phông graphic điên loạn, những thiết kế được “phá nát”, thử nghiệm với fetish-wear, và thay đổi cách làm thời trang truyền thống,…
Ngày nay, khi thời trang đã dần trở nên “linh hoạt”, “tự do” và dành cho tất cả mọi người bởi những cuộc cách mạng của hàng loạt thương hiệu, nhà thiết kế thì Westwood đã là người tiên phong phá tan rào cản về giới từ những ngày trước. Westwood còn là một nhà hoạt động chính trị lâu năm, dùng chính sự nổi loạn đặc trưng của Punk và chính ngôn ngữ thời trang đặc biệt của bản thân để thể hiện những câu chuyện chính trị, những vấn đề nóng hổi trong xã hội, chống lại những cực đoan, bất bình đẳng,… để bảo vệ môi trường, con người, cũng như hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn. Bà đã không ít lần tạo ra cuộc diễu hành thời trang trên phố để thể hiện sự quan tâm của mình về các vấn đề chính trị. Ngoài việc giúp những người trẻ thoát khỏi chế độ tư sản quy củ thời đấy, “bà tiên tóc cam” còn không ngừng đấu tranh cuộc khủng hoảng khí hậu và cả thói quen mua sắm/ tiêu dùng quá mức, tất nhiên là “chỉ thẳng” vào thời trang và chủ nghĩa tư bản của chúng.
Những gì mà Vivienne Westwood để lại cho thời trang và cả thế giới không thể cân đo đong đếm tuy nhiên thành công của bà không thể thiếu đi sự ấn tượng từ những sàn diễn thời trang nổi bật sau đây. Cùng Style-Republik điểm qua chúng như một cách tri ân dành nhà thiết kế kiêm một biểu tượng thời trang vĩ đại này nhé!
Vivienne Westwood FW 1981 – “Pirate”
Pirate là bộ sưu tập đầu tiên mà Vivienne Westwood tung ra sàn diễn thuộc khuôn khổ Tuần lễ thời trang London vào năm 198. Đây cũng là lần đầu tiên mà bà tạm rời xa “chủ nghĩa Punk” đặc biệt của mình để thử nghiệm với những điều lạ, tìm đến cảm hứng về nghệ thuật và lịch sử. Và rồi, nhà thiết kế người Anh đã một lần nữa làm cả làng mốt kinh ngạc với những thiết kế đầy màu sắc, dành cho cả nam và nữ cùng tinh thần lãng mạn – một sự lãng mạn mới vừa cá tính như Punk vừa dịu dàng, quyến rũ cũng vừa cổ điển đầy hoài niệm. Không áo thun hay quần rách rưới, Westwood gửi xuống đường băng những tên cao bồi sành điệu, những công tử con nhà giàu với hàng loạt chiếc mũ kiểu Napoléon thủng lỗ, tay áo Marie Antoinette và những đường diềm xếp nếp của Dick Turpin và cả những đôi giày cướp biển,…
Vivienne Westwood FW 1983-84 – “Witches”
Khi Vivienne Westwood gặp gỡ Keith Haring thì cũng là lúc làng mốt lại có cơ hội thưởng thức thêm những điều mới lạ. Cả hai đã tạo nên sức sống cho một trong những sự hợp tác thú vị nhất giữa thời trang và street style. Cú bắt tay giữa hai tâm hồn nghệ thuật ngông cuồng và không tuân theo bất cứ khuôn mẫu này đã mang đến sàn diễn thời trang đáng nhớ hơn bao giờ hết với một loạt các thiết kế mát mẻ và đầy màu sắc, pha trộn giữa các chi tiết, họa tiết thể thao, cảm hứng châu Á và cách thêm thắt chi tiết nổi tiếng của Haring. “Witches” đến gần hơn với người thưởng thức cũng một phần nhờ vào sự lăng xê nhiệt tình của “nữ hoàng nhạc Pop” – Madonna. Bộ sưu tập lần này cũng là dấu chấm hết cho mối quan hệ hợp tác giữa Westwood và Malcolm McLaren.
Vivienne Westwood FW 1990-91 – “Portrait”
Sự kết thúc đấy cũng là chương mở đầu của hành trình Westwood tìm đến sự kết hợp hoàn hảo giữa vẻ đẹp truyền thống, giá trị lịch sử, nghệ thuật và sự nổi loạn của hai nền văn hóa Anh và Pháp. Từ đó, mở ra loạt các đường băng đi vào lịch sử cũng như những thiết kế bất hủ với thời gian. Tình yêu nghệ thuật và những chiếc áo nịt ngực đình đám của Westwood đều được thể hiện trong bộ sưu tập “Portrait” vào mùa Thu Đông 1900-91. Bà đã lấy cảm hứng trực tiếp từ bộ sưu tập các bức tranh và nghệ thuật trang trí của Pháp ở thế kỷ 18 của Wallace. Đặc biệt là bức Daphnis và Chloe của François Boucher và các thiết kế rococo của đồ nội thất ở thời điểm ấy đã được “hồi sinh” ngay trên những chiếc corset, váy và quần nhung đen. Bằng cách tiếp cận quá khứ một cách đặc biệt vừa hiện đại vừa giữa được chất cổ điển, Westwood đã tạo ra những chiếc corset miễn nhiễm với dòng chảy thời trang, những thiết kế mang đến nguồn cảm hứng mới và trở thành món đồ được mọi tín đồ yêu thích đến tận ngày nay. Bên trong chiếc rương di sản mà bà để lại, chiếc corset và chiếc vòng cổ ngọc trai nhiều vòng sẽ luôn là hai món quý vật luôn luôn có.
Vivienne Westwood FW 1993-94 – “Anglomania”
Từ năm 1993 đến năm 1999, cuộc đối thoại giữa phong cách của Pháp và Anh trong tư duy thời trang đặc biệt của Westwood bắt đầu thể hiện rõ hơn. Thế giới thời trang đã chứng kiến cách bà kết hợp phong cách may đo trang nhã của Anh với sự yêu thích dành cho tỷ lệ cường điệu của người Pháp. Điều này được thể hiện rõ nét trong bộ sưu tập “Anglomania” Thu Đông 1993-94. BST lần này cũng là cột mốc đánh dấu sự hợp tác giữa bà và Andreas Kronthaler, một lần nữa cặp đôi mới lại đem đến những sàn diễn thời trang đẳng cấp và nổi tiếng bậc nhất. Tại “Anglomania”, người xem đã được chiêm ngưỡng màn những biến thế “rối mắt” của tartan được kết hợp vô cùng thú vị với lông thú, vải dệt kim, và cả phom dáng được phóng đại một cách ngạo nghễ. “Anglomania” còn thách thức người xem với những đôi giày cao gót đồ sộ với chiều cao tưởng chừng chỉ có trong những câu chuyện cổ tích. Và rồi giày cao gót đặc biệt của Westwood cũng biết cách gây chú ý khi tạo nên cú ngã “iconic” của siêu mẫu huyền thoại Naomi Campbell.
Vivienne Westwood SS 1994 – “Café Society”
Sự lãng mạn cùng sự khiêu khích, quyến rũ đặc biệt của Westwood được đẩy lên cao trào với những dấu ấn thời trang táo bạo trong “Café Society” – bộ sưu tập Xuân Hè 1994. Trong một không khí đậm chất sân khấu và điện ảnh đầy kịch tính, trên sàn diễn, những chân dài nổi tiếng và các siêu mẫu huyền thoại cùng gương mặt được bôi phấn trắng bệch, phần mắt và môi lòe loẹt từ từ lê bước, liếm bánh kem, liếc mắt tương tác với nhau, đã khiến những chiếc váy dạ hội lộng lẫy, bồng bềnh, những chiếc quần tất táo bạo, chiếc nơ to tướng, phom dáng corset ôm sát đường cong, bản in màu mè,… trở nên kịch tính hơn bao giờ hết. Trước khi “Café Society” khuấy động và khiến cả làng thời trang nháo nhào với không biết bao tranh cãi, chống đối thì bộ sưu tập đã khiêu khích và làm giới báo chí sao nhãng và khó chịu với những bộ bikini đan len siêu nhỏ, những bộ phối phức tạp và cả bộ ngực trần cùng chiếc váy cực ngắn của biểu tượng Kate Moss.
Vivienne Westwood FW 1994-95 – “On Liberty”
Bộ sưu tập Thu Đông 1994-95 “On Liberty” của Vivienne Westwood là cuộc khám khám phá chủ nghĩa lịch sử (historicism) và tình dục. Cũng gây ấn tượng với những phom dáng táo bạo, Westwood tiếp tục bổ sung thêm nhiều bản in tartan mới mẻ, nhiều màu, cùng cảm hứng từ trang phục cưỡi ngựa đầy phóng khoáng từ giới thượng lưu và cả sự hài hước của người Anh. Nếu chiêm ngưỡng cẩn thận, hội tín đồ sẽ thấy được “On Liberty” giống nhưng bộ sưu tập phôi thai của BST “Lumps and bumps” của nhà mốt Comme des Garçons.
Vivienne Westwood FW 2002-03 – “Anglophilia”
Ở bộ sưu tập Thu Đông vào năm 2002-03, Westwood quay trở lại với những giá trị lịch sử đặc trưng của cô với những phiên bản hiện đại phù hợp với thiên niên kỷ mới. Ở “Anglophilia”, chiếc váy lụa nhàu nát của Madame de Pompadour trong bức tranh của François Boucher – một trong những họa sĩ yêu thích của cô, được diễn giải lại vô cùng mượt mà và tinh tế. Những đường cắt bất đối xứng, hương vị của sự lập dị, cuộc gặp giữa nghệ thuật và lịch sử trở nên sống động hơn bao giờ hết trong bộ sưu tập “Anglophilia”.
Vivienne Westwood FW 2003-04 – “Le Flou Taille”
Với tinh thần và mong muốn “cải tiến và lồng ghép kỹ thuật may đo chuẩn Haute Couture trong prêt- à -porter (dòng sản phẩm ready-to-wear)”, Westwood đã thể hiện chất lượng và sự khéo léo là kết hợp sự uyển chuyển từ đường may trên những thiết kế hoàn chỉnh của “Le Flou Taille”. Ở bộ sưu tập này, những bản in và bảng màu của bà cũng dần trở nên nhẹ nhàng mà ngọt ngào hơn.
Vivienne Westwood FW 2005-06 – “Propaganda”
Vivienne Westwood luôn sử dụng thời trang để thể hiện và thách thức thực trạng. Vào những năm 2000, phần lớn những hoạt động, dự án và thiết kế của bà đều thể hiện mục đích tuyên truyền và phản ánh những vấn đề nghiêm trọng mà hành tinh con người đang phải chịu đựng, cụ thể là biến đổi khí hậu. Và “Propaganda” chính là một trong những bộ sưu tập mà nhà thiết kế người Anh thể hiện được tính chính trị rõ nét nhất. Cùng với những ảnh hưởng lịch sử luôn hiện hữu, bộ sưu tập Thu Đông 2005-06 tràn ngập những chiếc corset, váy cách điệu, áo khoác lấy cảm hứng từ quân đội, chi tiết xếp ly phức tạp, kết hợp những slogan ý nghĩa,… tất cả tạo nên những dấu ấn sáng tạo vô cùng đặc biệt.
Vivienne Westwood FW 2015-16 – “Unisex: Time to Act”
Dù nguồn cảm hứng được thương hiệu tuyên bố là “shepherds and Sumerians” (những kẻ chăn cừu và đoàn người Sumer) nhưng thực sự bộ sưu tập “Unisex: Time to Act” lại là cách mà Westwood phản ánh về thời trang unisex và sự hòa nhập. Trên đường băng, người xem được chiêm ngưỡng hàng loạt những bộ suits may đo chuẩn chỉnh, những vẻ ngoài ái nam ái nữ, váy hula, tóc mái, áo choàng có mũ trùm đầu và váy dài in hoa cùng những kiểu tóc kỳ dị nhất.
Việc ra đi của Westwood có thể được xem là sự kết thúc của một kỷ nguyên vĩ đại trong thời trang Anh. Tuy nhiên, chừng nào những đứa trẻ London còn tiếp tục chửi thề, chừng nào thành phố còn tiếp tục chống lại những quy ước của cấp trên, thì Westwood cùng những dấu ấn sáng tạo đặc trưng vẫn còn được ghi nhớ mãi, ở một vị trí đặc biệt cùng tinh thần hoang dã, bất cần đặc biệt.
Thực hiện Huỳnh Trân