Sheer dress – Quyền lực từ cơ thể người phụ nữ
Ngày đăng: 11/04/23
Chẳng phải là một xu hướng mới được “dấy” lên trong thế giới thời trang, cũng đã tồn tại theo dòng chảy thời trang xuyên suốt nhiều thập kỷ, nhưng có lẽ đến tận ngày nay xu hướng khoe trọn cơ thể của phụ nữ qua những bộ váy xuyên thấu (sheer dress) mới thật sự được đón nhận!
Tương tự với sự lên ngôi của bất kỳ xu hướng nào trên bảng xếp hạng, sheer dress hay bao quát hơn là trào lưu khoe da thịt của phụ nữ với những bộ trang phục xuyên thấu, vào những ngày đầu mới trình làng xu hướng này cũng tạo ra nhiều đắn đo cho cộng đồng người yêu quý thời trang. Tuy nhiên, có lẽ sheer dress và trào lưu ăn mặc gợi cảm một cách tự tin và thẳng thắn như thế này “thiệt thòi” hơn hết khi chúng phải đối đầu với muôn vàn sự phản bác từ xã hội vì cho rằng đây là cách ăn mặc không đúng đắn và phù hợp với hình ảnh của người phụ nữ. Đây cũng là một trong những động cơ thúc đẩy phong trào nữ quyền từ trước cho đến tận nay. Quả thật chẳng còn có công bằng khi việc đàn ông cởi trần tại nơi công cộng lại được xem là chuyện thường tình, ngược lại phụ nữ thì không.
Mặc dù cách ăn mặc hở hang, khoe da thịt đang ngự trị mạnh mẽ trên đường đua phong cách, nhưng trên thực tế chúng chẳng còn gì mới mẻ đối với biên niên sử thời trang. Lịch sử của nó bắt nguồn có lẽ từ cách ăn mặc biểu tượng của các kỹ nữ Pháp vào khoảng đầu thế kỷ 19. Phong cách mà nhà văn Louis-Sébastien Mercier từng gọi là “à la sauvage – không để người xem định thần, mà cảm nhận được mọi đường nét bí ẩn của vẻ đẹp quyến rũ,” Mercier viết. Trang bìa của quyển My Year of Rest and Relaxation (Ottessa Moshfegh) sẽ giúp chúng ta nhận ra rằng bộ ngực trần vốn đã được người phụ nữ yêu thích khiến người nhìn tò mò bởi đường nét nóng bỏng đang lấp ló dưới mảnh vải mỏng tan. Đó là một bức chân dung vào thế kỷ 18 của một thiếu nữ không tên tuổi, cùng chiếc váy trắng xuyên thấu, khoe trọn bộ ngực trần – và chính yếu tố này cùng với việc bức họa được chọn làm trang bìa của quyển sách của Ottessa Moshfegh, đã dấy lên nhiều vấn đề tranh cãi trong toàn xã hội, đặc biệt là trở thành đề bài bàn luận của văn hóa.
Sự xuất hiện và tồn tại của xu hướng “bỏng mắt” này còn được khởi nguồn từ những năm 20 khi phụ nữ loại bỏ áo corset để thay thế cho những chiếc áo lót mới. Khi cách ăn mặc này phát triển, nó đã mở đường cho sự ra đời của những bộ bikini vào những năm 40 và những chiếc váy ngắn hở đùi vô cùng hiện đại vào những năm 60. Tuy nhiên, phải đến những năm 80 và 90, chất liệu trong suốt (sheer) mới bắt đầu được nhiều người ưa chuộng mặc dưới phom dáng của những chiếc váy cocktails hay áo knit xuyên thấu – một phần cũng được ảnh hưởng từ các sàn diễn đình đám cũng như cách ăn mặc sành điệu của những biểu tượng tiên phong về thời trang thực thụ. Chẳng hạn, khi siêu mẫu Kate Moss xuất hiện trong chiếc váy ánh kim xuyên thấu vào năm 1993 tại một bữa tiệc của Elite Model Agency ở London. Carrie Bradshaw cũng từng khuấy đảo làng mốt bằng chiếc váy màu da “mặc như không mặc” vào năm 1998 và từ đó thuật ngữ “naked dressing” cũng được ra đời. Dù chiếc váy mang tính biểu tượng của Sex and the City không đúng với định nghĩa của sheer dress và cũng chẳng khoe trọn cơ thể, nhưng đó chính là tín hiệu tích cực và tiến bộ mà chúng ta có thể hiếm hoi thấy được trình chiếu HBO. Bên cạnh đó, khi Alber Elbaz trình diễn bộ sưu tập mùa thu năm 1999 của ông ấy cho Yves Saint Laurent Rive Gauche tại Saks Fifth Avenue với chiếc áo voan hoàn toàn trong suốt, thì xu hướng khoe da thịt ở phụ nữ cũng dần trở nên “nóng” hơn bao giờ hết.
Sau cách mạng Pháp, hàng may mặc bằng chất liệu xuyên thấu (sheer garment) tiếp tục tạo ra nhiều vụ bê bối trong cả xã hội và thế giới thời trang. Vào năm 1913, những chiếc chân váy/ đầm x-quang xuyên thấu cơ thể đã gây phẫn nộ đến mức thị trưởng Portland, Oregon, đã ra lệnh bắt giữ những người mặc chúng. Ngôi sao sáng của thời kỳ hoàng kim của “phim câm” – Clara Bow cũng đã xây dựng hình ảnh quyến rũ của mình với chiếc váy xuyên thấu gây tai tiếng trong bộ phim My Lady of Whims (1925). Khi Prudence Severn (Clara Bow thủ vai) được mời tham dự một vũ hội hóa trang với chủ đề “the less worn, the easiest mended”, cô ấy đã hiểu thông điệp theo đúng nghĩa đen và rồi gây ấn tượng mạnh mẽ khi xuất hiện trong bộ váy xuyên thấu gần như không thực sự che chắn được gì! Chiếc váy đã xuất hiện trên màn ảnh rộng trước khi ngành công nghiệp giải trí áp dụng một bộ luật kiểm duyệt – luật Hays, và sự hở hang táo bạo của nó vẫn được đánh giá là vượt qua tiêu chuẩn đến tận ngày nay.
Đến năm 1962, chiếc váy nổi tiếng “Happy Birthday” của Marilyn Monroe đã diện vào đêm sinh nhật “huyền thoại” của ngài Tổng thống John F. Kennedy đã đưa vẻ đẹp lộng lẫy của những chiếc váy xuyên thấu này trở lại ánh đèn sân khấu, và những ngôi sao như Jane Birkin và Cher đến ngày nay vẫn luôn được xem là những biểu tượng thời trang thực thụ một phần là nhờ vào những diện mạo quyến rũ tạo tiếng vang, thậm chí là gây tranh cãi trong thập niên 60, 70 và 80. Tuy nhiên, đến tận những năm 90 thì những chiếc váy gợi cảm “chết người” này mới chính thức bước vào thời kỳ phục hưng thực sự. Sheerness đã kết hợp vô cùng ăn ý với tinh thần phóng khoáng từ grunge – bộ đôi cũng được các nhà thiết kế yêu thích và đem lên các đường băng từ các nhà mốt hàng đầu như Alaïa, John Galliano, Jean Paul Gaultier, Prada và Atelier Versace cùng hàng loạt phiên bản khác biệt. Mặc dù những loại trang phục này trở nên bình thường hóa hơn vào những năm 90, nhưng sự táo bạo của chúng luôn khiến xã hội chú ý và bàn luận dù ở bất kỳ thập kỷ nào.
Dần theo thời gian, và sự phát triển của thế giới thời trang, sheer dress cùng trào lưu khoe da thịt này ngày càng được đón nhận một cách cởi mở hơn. Không đơn thuần là một xu hướng thời trang “ngày một ngày hai”, sheer dress còn là cách mà người mặc, đặc biệt là phụ nữ thể hiện quyền lực của mình – từ đây việc lộ cơ thể cũng không đơn thuần là cách mà người ta muốn gây sốc cộng đồng mạng mà còn thể hiện được nhiều câu chuyện ý nghĩa phía sau.
Năm 1998, tại thảm đỏ VMAa, Rose McGowan đã tạo nên một cột mốc trong lịch thời trang khi tự tin diện một chiếc váy lưới đính đá lấp lánh khoe trọn cơ thể – ngực trần và chỉ có chiếc quần lót họa tiết da báo. Nhiều thập kỷ sau, cô ấy chia sẻ rằng đó là thảm đỏ đầu tiên của cô ấy kể từ khi cô ấy bị Harvey Weinstein cáo buộc cưỡng hiếp vào năm 1997. “Đó là lần đầu tiên tôi xuất hiện trước công chúng sau khi bị tấn công tình dục,” cô ấy nói với Dr. Oz vào năm 2018. “Tôi giống như, đây chẳng phải là thứ mà bạn muốn sao? Và khoảnh khắc đó chính là một tuyên bố mang tính chính trị.” Chiếc váy hở hang “bỏng mắt” và những câu chuyện xoay quanh nó đã góp phần thay đổi văn hóa và cả lịch sử thời trang. Chiếc váy Versace màu xanh lục mang tính biểu tượng của Jennifer Lopez tại lễ trao giải Grammy năm 2000 đã thu hút rất nhiều lượt tìm kiếm trên internet đến mức đã thúc đẩy việc phát minh ra phần Google Hình ảnh…chỉ vì phần cổ váy tuyệt đẹp, khoét sâu đến tận rốn cùng lớp vải voan mỏng tanh để lấp ló bộ ngực bên dưới vô cùng quyến rũ.
Pseudo-nude hay xu hướng khỏa thân “nửa vời” này đã thực sự đã tỏa sáng vào năm 2008, một phần là nhờ sự lăng xê tích cực của những người như Christian Dior và Chloé. Tuy nhiên, độ gây sốc của sự gợi cảm xuyên thấu da thịt đã đạt đến đỉnh điểm vào năm 2014 – khi Rihanna nhận giải biểu tượng thời trang của năm tại CFDA trong một chiếc váy lấp lánh và hoàn toàn trong suốt của Adam Selman cùng chiếc áo choàng lông thú. Với sự quyền lực, thần thái tự tin của một “bad girl” thực thụ, Rihanna đã trở thành đại sứ hoàn hảo cho xu hướng táo bạo này, không chỉ phá tan mọi lời chỉ trích, chiếc váy xuyên thấu của Rihanna năm nào còn như một biểu trưng khuyến khích và tiếp thêm nguồn năng lượng mạnh mẽ cho phụ nữ. Nối tiếp sự lên ngôi mạnh mẽ đó, lịch sử thời trang tiếp tục chứng kiến hàng loạt chiếc váy xuyên thấu tạo nên tiếng vang. Chẳng hạn, Beyoncé cùng chiếc váy “trần trụi” cùng hàng dải kim cương tựa như được đính trực tiếp trên da tại Met Gala 2015 hay khi Kendall Jenner và Bella Hadid đưa ra cách diễn giải khác nhau của riêng họ về xu hướng khoe da hở thịt táo bạo này cho Met Gala 2017.
Sheerness đã trở lại mạnh mẽ vào năm 2022 và từ đó đến nay vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại. Khi Chanel, Nensi Dojaka, Prada, Ferragamo, Dion Lee, Rodarte, Emilia Wickstead, Heron Preston, Rick Owens, LaQuan Smith và Y/Project đều là một trong nhiều thương hiệu đã thể hiện được xu hướng này một cách minh bạch trong hàng loạt bộ sưu tập gần đây. Đặc biệt, xuyên suốt tuần lễ thời trang mùa giải mùa thu năm 2023 – từ New York và London đến Milan và Paris, giới mộ điệu đã có cơ hội thưởng thức được không ít phiên bản lộng lẫy và đẳng cấp của vẻ ngoài hở hang đầy táo bạo này. Heron Preston và Bottega Veneta là nơi mà những chiếc váy hay bộ catsuits xuyên thấu thống lĩnh sàn catwalk. Ở những nơi khác, các nhà thiết kế như Jason Wu, Fendi, Coach và Rodarte đã trình diễn những chiếc váy tuyệt đẹp xuyên thấu da thịt, vừa mang phong cách gothic vừa nữ tính. Còn tại sàn diễn “không có người dẫn dắt” của Gucci, chúng ta có những chiếc áo blouse và váy dài thấm nhuần ngôn ngữ thiết kế của các cựu giám đốc sáng tạo Tom Ford và Alessandro Michele. Những thiết kế gần như hoàn toàn trong suốt, làm nổi bật vẻ đẹp đặc biệt của cơ thể ở bên dưới.
Không chỉ được lăng xê trên sàn diễn, vẻ đẹp quyến rũ cùng sự táo bạo này còn được nhiều ngôi sao ưa chuộng đem lên các thảm đỏ hoành tráng. Chẳng hạn như những chiếc váy trong suốt cùng những vẻ đẹp riêng biệt của các ngôi sao như Ciara, Janelle Monáe, Emily Ratajkowski, Ashley Graham, Julia Garner, Daisy Edgar-Jones, Emma Chamberlain và Hailee Steinfeld tại bữa tiệc thời trang hoành tráng Vanity Fair Oscar.
Tại show diễn Thu Đông 2023 của Marc Jacobs trong Tuần lễ thời trang New York, Emily Ratajkowski đã ra mắt công chúng với kiểu tóc bob với cùng phần áo trong xuyên thấu hoàn toàn. Tại Netflix Golden Globe và Critics Choice Nominee Toast 2023, Rita Ora đã tạo ra một lời tuyên bố mạnh mẽ bằng chiếc váy Rodarte ren xuyên thấu màu tím, kết hợp cùng với bộ nội y bên dưới đi cùng đôi giày cao gót. Sức nóng của sheerness mạnh mẽ đến nổi, chúng có gây ảnh hưởng đến nam giới. Chắc hẳn bạn chưa quên được khoảnh khắc mà Austin Butler và Shawn Mendes thu hút báo giới truyền thông bằng vẻ ngoài hở hang táo bạo trên thảm đỏ? Sheerness cũng xuất hiện với nhiều phương thức khác nhau, chẳng hạn khi những chiếc quần tất xuyên thấu – món đồ vốn chỉ được mặc lót bên trong được diện như những món đồ thường nhật vô cùng sành điệu, Kendall, Kylie Jenner và Hailey Bieber cùng những bứt phá độc đáo là những minh chứng cụ thể. Bên cạnh những chiếc sheer dress, xuyên thấu hoàn toàn, hiệu ứng trompe l’oeil đánh lừa thị giác cùng cách bản in về cơ thể khỏa thân hoặc những chiếc áo giáp hình bộ ngực cũng là cách để phụ nữ thoát khỏi sự xấu hổ mà xã hội luôn áp đặt lên họ.
Nhắc đến sự lên ngôi của sheer dress hay sheer garment chắc chắn không tránh khỏi việc nhắc đến trào lưu Free the Nipple. Trong suốt lịch sử, “nipple” đã và đang tượng trưng cho những ý nghĩa khác nhau, bao gồm cả tuyên bố mạnh mẽ thời trang. Phong trào giành lại quyền giải phóng cơ thể cho phụ nữ – #FreeTheNipple, đã trải qua không ít thăng trầm. Vào năm 1942, khi Tweety Bird lần đầu tiên xuất hiện trong “A Tale of Two Kittie”. Nhà làm phim hoạt hình Bob Clampett ban đầu đã tạo hình cho nhân vật của mình không có lông vũ, nhưng dựa vào luật Hays, bộ kiểm duyệt đã cho rằng nhân vật này quá “trần truồng”, vì vậy Clampett phải che da thịt của Tweety bằng bộ lông màu vàng.
Nhắc đến sự lên ngôi của sheer dress hay sheer garment chắc chắn không tránh khỏi việc nhắc đến trào lưu Free the Nipple. Trong suốt lịch sử, “nipple” đã và đang tượng trưng cho những ý nghĩa khác nhau, bao gồm cả tuyên bố mạnh mẽ thời trang.
Tua nhanh đến năm 2004, khi Janet Jackson hứng chịu nhiều chỉ trích và 20 đài phát sóng của kênh CBS đã bị phạt 550.000 USD vì không đối phó kịp thời cảnh nữ ca sĩ huyền thoại bị vấn đề trang phục, lộ ngực. Mặc dù, những màn kiểm duyệt nghiêm khắc này đã định hình được những tiêu chuẩn nhất định cho ngành công nghiệp điện ảnh nhưng đồng thời cũng dấy lên những bức xúc từ xã hội, chẳng hạn sự trỗi dậy của phong trào #Freethenipple trên khắp các nền tảng xã hội trong thời kỳ hiện đại. Hashtag về phong trào đòi lại quyền bình đẳng về cơ thể của người phụ nữ này bắt đầu nổi lên từ khoảng thời gian 2012-2014. Mặc dù, vào thời điểm đấy đã có không ít đường băng đình đám và sự chú ý, quan tâm từ những người nổi tiếng như Miley Cyrus, Chelsea Handler, Rihanna và Chrissy Teigen, khẩu hiệu “Free the Nipple” thực sự đã có mối quan hệ chính trị hàng thập kỷ gắn liền với phong trào giải phóng phụ nữ những năm 1970. Mặc dù, trào lưu khoe cơ thể dần trở nên phổ biến và được đón nhận nhiệt tình hơn nhưng đến nay, vẻ ngoài táo bạo này vẫn phải chịu những lời cay độc!
Chẳng hạn, khi nữ diễn viên Florence Pugh tham dự show diễn haute couture của Valentino vào năm 2022, chiếc váy xuyên thấu màu hồng nóng bỏng, khoe trọn vòng một của cô đã trở thành vấn đề gây tranh cãi trên khắp nền tảng xã hội. Không chỉ bị gán bởi những nhãn mác không hay về tình dục, xã hội cũng chẳng tập trung vào tính thời trang và xa xỉ của bộ váy mà cơ thể của Pugh còn bị đem ra bàn tán một cách tiêu cực. Hay bộ váy xuyên thấu khoe trọn cơ thể gây tranh cãi của Coi Leray tại show diễn Saint Laurent ở Paris. Tại show diễn xa hoa như vậy, sự xuất hiện của Coi Leray đã thu hút sự chú ý của khắp làng mốt, thậm chí là những người bình thường. Nhiều người đã phán xét về ngoại hình của nữ rapper trẻ tuổi một cách nhanh chóng, một số khác đã cho rằng bộ váy của cô ấy không được coi là “thời trang” hay “sang trọng”. Tuy nhiên, giữa hàng nghìn lời bình luận tiêu cực, cựu biên tập viên, người có ảnh hưởng và cố vấn của Harper’s Bazaar, Chrissy Rutherford, đã lên tiếng và ủng hộ Coi Leray cùng dòng bình luận: “Mọi người cần phải vượt qua ác cảm với vòng một trần trụi của phụ nữ. Nếu bạn không bị xúc phạm bởi những anh chàng cởi trần, thì bạn cần xem lại lý do tại sao bạn lại cảm thấy bị xúc phạm bởi bộ ngực trần của người phụ nữ. Cơ thể phụ nữ luôn bị gợi dục hóa nhưng không ai thực sự đã dừng lại để suy nghĩ về lý do tại sao! Phụ nữ là một sự cám dỗ đối với đàn ông. Chúng tôi là những người luôn phải thay đổi hoặc kiểm soát bản thân để không ‘kích thích’ đàn ông, thay vì chúng tôi mới xứng đáng được tôn trọng bất kể chúng tôi mặc gì hay trông như thế nào.” Sự công bằng trong việc ăn mặc giữ đàn ông và phụ nữ cũng dễ dàng nhận ra trong khi những chiếc áo giáp hình cơ bắp lực lưỡng đều được xem là những thiết kế bình thường, nhưng những chiếc áo giáp sắt hình khuôn ngực phụ nữ lại bị cho là những thiết kế “gây tranh cãi”!
“Mọi người cần phải vượt qua ác cảm với vòng một trần trụi của phụ nữ. Nếu bạn không bị xúc phạm bởi những anh chàng cởi trần, thì bạn cần xem lại lý do tại sao bạn lại cảm thấy bị xúc phạm bởi bộ ngực trần của người phụ nữ…” – Chrissy Rutherford
Rời xa sàn diễn và thảm đỏ, chất liệu trong suốt đã nhanh chóng lấn sân sang “sàn diễn thời trang” đường phố, và không chỉ xuất hiện trên các sàn diễn đẳng cấp hay được lăng xê trên các bộ trang phục sành điệu của người nổi tiếng, xu hướng hở hang gợi cảm này ngày càng trở nên quen thuộc hơn với những tín đồ yêu thời trang bình thường. Có lẽ đó là một hành động đẩy lùi cách định kiến, chống lại những hạn chế thuần túy của chính phủ đối với cơ thể phụ nữ. Có lẽ đó là một dấu hiệu cho thấy chúng ta không nên quá quan tâm đến sự trần trụi của chính mình. Cho dù bạn mặc nó như thế nào, sheer vẫn gợi cảm, phá cách và mạnh mẽ. Cho dù ra sao thì bản chất của thời trang là sự giải phóng, thể hiện bản thân và xây dựng sự tự tin. Phụ nữ không mặc những bộ trang phục xuyên thấu này để thu hút sự chú ý của đàn ông, mà là để lấy những gì họ vốn sở hữu nó. Xu hướng hở hang táo bạo này hay sự lên ngôi của sheer dress vào thời điểm này chẳng còn là phải một xu hướng quá vĩ mô, thay vào đó là một phong trào mà chúng ta sử dụng thời trang như một lối thoát để thể hiện bản thân và thay đổi xã hội.
Thực hiện Huỳnh Trân
Theo Vogue và WWD