Làm thế nào để triển khai Influencer Marketing có hiệu quả cho thương hiệu?
Ngày đăng: 27/04/23
Bài viết này sẽ cung cấp những thông tin cơ bản về Influencer Marketing và cách mà các thương hiệu nhỏ cũng có thể áp dụng phương thức marketing này hiệu quả trong chiến lược kinh doanh của mình.
Influencer Marketing là một công cụ mới mà các công ty đang sử dụng để nhân rộng độ phủ sóng về thương hiệu thông qua mạng xã hội. Khi mà ngày càng có nhiều influencer xuất hiện và trở nên rất phổ biến, không có gì phải bàn cãi tại sao các công ty lại chọn Influencer Marketing trong chiến dịch truyền thông quảng cáo sản phẩm.
Trong bài viết này, chúng ta sẽ thảo luận về Influencer Marketing và là làm thế nào để thương hiệu của bạn có thể áp dụng chiến lược tiếp thị này.
Influencer Marketing là gì?
Influencer Marketing là một kiểu chiến lược marketing liên quan đến việc hợp tác với những cá nhân có lượng người theo dõi đáng kể và có ảnh hưởng tương đối với những người theo dõi của họ, điển hình là trên các nền tảng mạng xã hội như Instagram, YouTube và TikTok. Những cá nhân này, được gọi là những người có ảnh hưởng – influencer, thường là các chuyên gia hoặc người có kinh nghiệm trong các lĩnh vực tương ứng với họ, hoặc đã xây dựng một lượng lớn người theo dõi bằng cách tạo ra các nội dung hấp dẫn.
Mục tiêu của Influencer Marketing là tận dụng phạm vi tiếp cận và độ tin cậy của influencer để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ cho những người theo dõi họ. Các thương hiệu hợp tác với influencer để sản xuất các nội dung được tài trợ, chẳng hạn như review sản phẩm, hoặc sử dụng sản phẩm được tài trợ, phù hợp với sở thích và phong cách của influencer và đối tượng mục tiêu của thương hiệu. Bằng cách đó, thương hiệu có thể nhân rộng tầm ảnh hưởng và nâng cao nhận thức của người tiêu dùng về thương hiệu, thúc đẩy doanh số bán hàng và xây dựng mối quan hệ với những người theo dõi của influencer đó.
Trọng tâm của chiến lược marketing này là gì?
Influencer Marketing có thể là một chiến lược hiệu quả đối với nhiều doanh nghiệp, nhưng giống như bất kỳ chiến lược marketing nào, hiệu quả của nó phụ thuộc vào nhiều yếu tố như mục tiêu của thương hiệu, đối tượng mục tiêu, mức độ chân thực của người ảnh hưởng và mức độ tương tác với người theo dõi của họ.
Một trong những lợi ích của Influencer Marketing là cho phép các thương hiệu tiếp cận khối lượng người theo dõi hiện có của influencer, và tận dụng uy tín và sự yêu thích của influencer đó với những người theo dõi họ. Điều này có thể dẫn đến tăng nhận thức về thương hiệu, tăng phạm vi tiếp cận và mức độ tương tác.
Influencer Marketing cũng có thể tiết kiệm chi phí hơn so với các phương thức quảng cáo truyền thống, vì các thương hiệu thường có thể đàm phán, thỏa thuận chi phí với các influencer dựa trên khối lượng người theo dõi của họ hoặc kiểu nội dung họ sản xuất.
Tuy nhiên, quan trọng nhất vẫn là chọn influencer phù hợp với mục tiêu thương hiệu và chiến dịch marketing cho sản phẩm của thương hiệu đó. Các thương hiệu nên làm việc với những influencer thực sự quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ của thương hiệu, và những người thực sự phù hợp với các giá trị và thông điệp thương hiệu. Điều quan trọng nữa là đảm bảo rằng đối tượng theo dõi của influencer phù hợp với đối tượng mục tiêu của thương hiệu về nhân khẩu học, sở thích và khả năng kinh tế.
Ngoài ra, Influencer Marketing có thể khiến các thương hiệu khó đo lường và theo dõi ROI, điều này có thể gây khó khăn cho việc xác định hiệu quả của chiến dịch quảng bá. Các thương hiệu sẽ phải đặt mục tiêu và KPI rõ ràng cho chiến dịch và theo dõi các số liệu như tỷ lệ tương tác, tỷ lệ click vào đường link bán hàng và chuyển đổi bán hàng.
Làm thế nào để triển khai Influencer Marketing có hiệu quả cho doanh nghiệp nhỏ của bạn?
Influencer Marketing có thể là một cách hiệu quả để các doanh nghiệp nhỏ tiếp cận nhiều đối tượng hơn để quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Bạn có thể bắt đầu bằng cách xác định những influencer phù hợp với doanh nghiệp của mình. Hãy tìm kiếm những influencer có lượng người theo dõi phù hợp với đối tượng mục tiêu và những người có khả năng quan tâm đến sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn. Đôi khi số lượng người theo dõi không quan trọng bằng việc họ có phù hợp thật sự với thương hiệu của bạn hay không. Ví dụ thương hiệu bạn kinh doanh sản phẩm thời trang bền vững, như vậy các influencer mà bạn chọn lựa nên có lối sống bền vững và truyền cảm hứng đến cộng đồng bền vững tại Việt Nam chẳng hạn. Nhân vật này có thể sẽ phù hợp hơn một Tiktoker chuyên hướng dẫn phối đồ theo xu hướng. Các influencer cũng sẽ từ chối nếu sản phẩm của thương hiệu bạn không phù hợp với hình ảnh của họ.
Khi bạn đã xác định được những influencer tiềm năng, hãy liên hệ với họ để xem liệu họ có muốn cộng tác với doanh nghiệp của bạn hay không. Hãy luôn làm việc rõ ràng về những gì bạn đang tìm kiếm và ngân sách phù hợp, để đổi lấy những nội dung mà influencer đó sản xuất, bạn có thể kèm theo sản phẩm miễn phí hoặc phí hoa hồng bán hàng. Điều quan trọng, hãy chân thành và tôn trọng influencer trong quá trình thương lượng.
Nếu thương hiệu bạn không đủ ngân sách để mời các influencer có lượng người theo dõi cao và quá nổi tiếng, bạn có thể cân nhắc các Micro-Influencers (là những người có lượng người theo dõi khoảng 1.000 – 40.000 người trên một nền tảng xã hội) hay thậm chí Nano-Influencers (nhóm đối tượng có sức ảnh hưởng tương đối nhỏ, khoảng dưới 1.000 người). Họ có cộng đồng theo dõi riêng và quan tâm đến những chia sẻ từ họ, điều này mang đến cảm giác chân thật hơn cho các bài đăng trải nghiệm.
Hơn nữa, khi làm việc trực tiếp với influencer, thương hiệu nên cân nhắc thật kỹ về hợp đồng và nên làm việc qua văn bản. Các điều khoản trong hợp đồng cần phải minh bạch, rõ ràng và cụ thể. Điều này có thể bao gồm tạo các bài đăng được tài trợ trên mạng xã hội, giới thiệu sản phẩm trong video hoặc bài đăng trên blog, hoặc tổ chức một cuộc thi hay giveaway… Ngoài ra, hãy xem xét cung cấp giảm giá hoặc khuyến mãi độc quyền cho những người theo dõi của influencer để khuyến khích họ mua hàng.
Từ ồn ào của “chiến thần” Võ Hà Linh, các thương hiệu cần tham khảo để “tỉnh táo” khi hợp tác cùng KOC (Key Opinion Consumer – là khái niệm được hình thành dựa trên hoạt động cơ bản của KOLs và influencers).
Cuối cùng, hãy sử dụng các công cụ phân tích để theo dõi sự thành công của chiến dịch Influencer Marketing. Điều này sẽ giúp bạn xác định khả năng hoàn vốn đầu tư và điều chỉnh kế hoạch của mình khi cần.
Thực hiện: Lexi Han