Vĩnh biệt “Godmother of the mini skirt” – Mary Quant!

Ngày đăng: 15/04/23

Bầu trời thời trang lại một lần nữa nói lời vĩnh biệt đến một ngôi sao sáng – Mary Quant, một trong những nhà thiết kế thời trang vĩ đại của thế kỷ 20, người phụ nữ tạo ra hình mẫu mới cho hàng nghìn người phụ nữ trên thế giới, và một nhà thiết kế đã không sợ hãi giành lại sự công bằng và tự do cho phụ nữ bằng những phát minh thời trang mang tính thời đại, như những chiếc váy ngắn thật ngắn chẳng hạn.

Vào sáng ngày 14/4, Gia đình của Quant đã chính thức thông báo với báo chí truyền thông rằng nữ nhà thiết kế vĩ đại đã qua đời “bình yên tại nhà”, Surrey, miền nam nước Anh, ở tuổi 93. Thế là, làng mốt thời trang lại tiếp tục phải nói lời vĩnh biệt trong sự tiếc nuối cùng lòng tôn kính vĩ đại với sự ra đi của một trong những nhà thiết kế nữ thay đổi cả thế giới thời trang. 

Lớn lên ở Nam London vào những năm 1930, từ nhỏ Quant đã yêu thích và đam mê sáng tạo. Là con gái của một giáo viên, Quant theo học ngành giáo dục nghệ thuật tại Goldsmith’s College ở London trước khi chuyển sang lĩnh vực thời trang. Trước khi trở thành một trong những nhà thiết kế vĩ đại nhất thế giới, cũng như “làm chủ” hành trình theo đuổi giấc mơ thời trang của mình, Quant từng làm việc với tư cách là người học việc cho một thợ làm mũ. Với sự giúp đỡ của người chồng giàu có và đối tác kinh doanh, Alexander Plunket Greene, và kế toán Archie McNair, bà đã mở Bazaar ở Chelsea vào năm 1955, nơi đây cũng chính là nơi mà bà tạo nên cột mốc lịch sử trên dòng chảy vô tận của thời trang. Làng mốt thường so sánh tầm ảnh hưởng của bà đối với thời trang như sự tác động của The Beatles và Rolling Stones thống trị thế giới âm nhạc. Nói cách khác, Mary Quant là một biểu tượng mãi mãi gắn liền với những quyền tự do cuồng nhiệt của những năm 1960. Bản thân Quant cũng là một người đi trước thời đại, bà luôn là người tiên phong trong những cuộc cách mạng mà bà tham gia – từ mai tóc bob góc cạnh được bàn tay khéo léo của Vidal Sassoon cắt đến cách mà bà tự làm mẫu cho những bộ quần áo của bà.

Bản thân Quant cũng là một người đi trước thời đại, bà luôn là người tiên phong trong những cuộc cách mạng mà bà tham gia – từ mai tóc bob góc cạnh được bàn tay khéo léo của Vidal Sassoon cắt đến cách mà bà tự làm mẫu cho những bộ quần áo của bà.

Trở lại những 60s khi phong trào Swinging Sixties đang nở rộ và được giới trẻ đón nhận nồng nhiệt, có lẽ cô chủ của cửa hàng Bazaar trên đường King’s Road vào năm 1955 ở tuổi 21, không hề biết rằng bản thân mình sắp trở thành người thay đổi bản chất của thời trang mãi mãi.Trong cuốn tự truyện của mình, Quant by Quant, nữ nhà thiết kế đã từng nhắc về thời khắc bà thay đổi chính ngôn ngữ thiết kế của mình, từng bước tạo nên sự bứt phá cho toàn ngành công nghiệp thời trang – “đã có hàng đống quần áo và phụ kiện…áo len, khăn quàng cổ, mũ, đồ trang sức và những thứ lặt vặt khác thường đang chồng chất lên nhau” tại cửa hàng ở Chelsea, tất cả mọi thứ bước ra từ thế giới sáng tạo của bà đều ở đó, cho đến khi Quant cảm thấy nhàm chán với phong cách thời hậu chiến và rồi nữ nhà thiết kế đã chính thức tự tạo ra những bứt phá mới mẻ. Nói không ngoa, trong làng mốt chẳng ai không biết đến Mary Quant, thậm chí đến các thế hệ trẻ sau này, bởi lẽ Mary Quant cùng với những cống hiến và thành tựu mà bà để lại cho kho di sản thời trang đồ sộ cũng như danh xưng “Godmother of the mini skirt” luôn được đề cập như những cột mốc vĩ đại đi vào bề dày lịch sử của thời trang. Mary Quant là một tượng đài vĩ đại trong thế giới thời trang, sáng tạo và nghệ thuật không dễ thay thế, trước hết là “mẹ đẻ” của các những chiếc váy ngắn cũn cỡn. 

Không thể phủ nhận rằng, sự phổ biến lan rộng khắp nơi trên thế giới của mini skirts là chính nhờ vào Mary Quant; thậm chí, một số người đã cho rằng chính Quant là người tạo ra chúng! Trong những năm khắc khổ sau Thế chiến thứ hai và giữa lúc định kiến xã hội còn quá bảo thủ, Quang đã phá tan mọi rào cản bằng những vẻ ngoài sặc sỡ, vui nhộn và đầy gợi cảm, và cả cơn lốc của những chiếc váy trên gối đầy phóng khoáng. Quant đã trình làng giới mộ điệu những chiếc váy ngắn đến 8 inch trên đầu gối tại London vào năm 1966, trùng khớp với sự trỗi dậy của phong trào Swinging và ngay lập tức những chiếc váy của Quant đã gây ấn tượng vô cùng mạnh mẽ, bởi lẽ một phần vì phom dáng gây sốc và thách thức định kiến xã hội lúc bấy giờ cũng như đúng với tinh thần nổi loạn của những người trẻ người Anh ở thời điểm đấy. Tuy nhiên, nếu tham chiếu lại dòng chảy thời trang, nhiều người cũng đã cho rằng nhà thiết kế người Pháp Andre Courreges, người có bộ sưu tập mùa xuân năm 1964 với những chiếc váy ngắn, chính là người phát minh ra mini skirt, nhưng có lẽ những chiếc váy của Courreges không thể gây tiếng vang bên ngoài nước Pháp. Trong khi Courreges xuất thân từ truyền thống của thế giới haute couture với những bộ quần áo đắt tiền, thì ngược lại Quant lại sử dụng nhiều chất liệu và màu sắc khác nhau để khiến những chiếc váy ngắn trở nên phổ biến với phụ nữ trẻ đặc biệt cùng với một ngân sách hạn chế. Bên cạnh đó, cũng có một số cho rằng những chiếc váy ngắn mà nữ diễn viên Anne Francis mặc trong bộ phim “Forbidden Planet” năm 1956 là ví dụ đầu tiên về mini skirt. Cho dù Quant có phải là người đầu tiên thiết kế chúng hay không, thì luôn tồn tại một sự thật không thể phủ nhận rằng Quant chính là người đã mang mini skirt đến với đại chúng và khiến thiết kế này trở thành một trong những dấu ấn vĩ đại nhất trong kho di sản của thời trang. 

Mini trong mini skirt được Quant đặt theo kiểu xe hơi yêu thích của chính mình, bởi lẽ cảm giác “tự do và phóng khoáng.” mà chúng mang lại. Từ cửa hàng của mình trên đường King’s Road ở khu Chelsea thời thượng của London, bà là một phần của cuộc cách mạng thời trang. Chỉ bằng những chiếc váy ngắn thật ngắn  đã thay đổi cách chúng ta nhìn nhận về sự nữ tính từ những năm của thập niên 60 cho đến tận ngày nay, tạo nên hình mẫu mới của những người phụ nữ trẻ trung, hiện đại, tự do và đầy độc lập cũng như chính thức “quay lưng” với những phom dáng bó sát cứng ngắt cơ thể. Trước khi khuấy động thế giới thời trang bằng những chiếc váy ngắn, Mary Quant đã tự cắt váy của bà, sau đó mới bắt đầu trưng bày và bán mini skirt tại cửa hàng ở khu phố Chelsea. Và bất ngờ là, những chiếc váy đó đều ngắn hơn nhiều so với những chiếc váy mà bà đã cắt cho cả mẹ và bà!

“Tôi thích mặc váy ngắn vì tôi muốn chạy nhảy thoải mái và bắt xe buýt đi làm,” Quant từng chia sẻ. Sau khi ra mắt, chiếc váy ngắn của Mary Quant đã nhanh chóng trở thành biểu tượng đại diện cho phong trào “Swinging Sixties” ở London.Từ những ngôi sao nổi tiếng đến mọi tín đồ trẻ yêu thích thời trang đều mê mẩn với những chiếc váy ngắn rực lửa của Mary Quant. Twiggy, cô người mẫu trẻ với đôi chân gầy guộc, vẻ đẹp phi giới tính cùng mái tóc pixie đặc trưng hay được biết đến như nàng thơ của Mary Quant, cũng đang diện mini skirt trên khắp đường băng đình đám. Các thành viên của The Beatles cũng thường lui tới cửa hàng của Quant để tìm váy cho bạn gái của họ. Sự táo bạo của thiết kế này cũng được lan truyền đến tai của các nhà thiết kế đình đám lúc ấy và giới truyền thông. Năm 1962, Vogue giới thiệu các thiết kế của Quant. Đến năm 1964, chiếc váy ngắn đã đến Đức; một năm sau, xu hướng này đã hình thành trên toàn thế giới. Ấy vậy mà mãi đến cuối những năm 60, những chiếc váy ngắn cũn cỡn như vậy cũng xuất hiện trong bộ sưu tập của các nhà mốt danh tiếng nước Pháp như Yves Saint Laurent và Christian Dior.

Twiggy – “nàng thơ” của Mary Quant

Dù được lan truyền trong khắp làng mốt với danh xưng “godmother/mother of the mini skirt”, Mary Quant không bao giờ muốn trở thành người duy nhất nhận được sự nổi tiếng dấy. Bà từng chia sẻ “Các cô gái ở King’s Road đã phát minh ra váy ngắn. Tôi đã làm váy ngắn rồi, nhưng khách hàng luôn muốn chúng ngắn hơn,” hay lời chia sẻ trên tờ The New York Times  “Nếu tôi không làm cho chúng ngắn đi, các cô gái Chelsea, những người có đôi chân tuyệt vời, cũng sẽ lấy dao kéo và tự cắt ngắn váy thôi!” Không đơn thuần là tạo ra một món đồ cháy hàng trong ngành công nghiệp thời trang, chiếc váy ngắn hay những cống hiến của Mary Quant còn là sự giải phóng cho một thế hệ phụ nữ trẻ – giải thoát khỏi những kỳ vọng ngột ngạt, bị ràng buộc bởi định kiến của xã hội và cả sự bó buộc từ những bộ quần áo kích thước siêu siêu nhỏ. “Tôi đã tạo ra những bộ quần áo có thể hoạt động và di chuyển dễ dàng. Chúng cho phép mọi người chạy, nhảy, và giữ được sự tự do quý giá của bạn.”

Từ những chiếc mini skirt trứ danh, quần tất, giày đế bệt đến những chiếc quần cực ngắn, Mary Quant đã dấy lên nhiều làn sóng tranh cãi tại thời điểm đấy. Khi các đệ nhất tiểu thư mặc váy ngắn bước ra nơi công cộng, họ đã bị cảnh sát nghiêm khắc cảnh cáo. Thậm chí chiều dài váy như vậy hoàn toàn là không được phép. Đã có một số ý kiến cho rằng phong cách này hoàn toàn không phù hợp với xã hội lúc bấy giờ vì độ hở hang quá thoải mái của chúng. Khi được tờ Guardian hỏi vào năm 1967, liệu quần áo của bà có thể bị coi là “thô tục” vì chúng quá hở hang hay không, Quant trả lời rằng bà yêu thích sự thô tục và chấp nhận nó. Tuy nhiên, dù có tranh cãi bao nhiêu thì những cống hiến của Quant cho thời trang đều không dễ bị đạp đổ. Bà được phong làm Sĩ quan của Đế chế Anh để phục vụ cho ngành công nghiệp thời trang vào năm 1966, Quant đã từng mặc một chiếc váy ngắn khi nhận vinh dự tại Cung điện Buckingham. Vào năm 2014, cô ấy đã được phong làm Dame (tước hiệu được phong cho vợ của một hiệp sĩ đã được phong tước), vì những cống hiến cho thời trang Anh. Gần đây, bà được bổ nhiệm làm thành viên của Order of the Companions of Honor, một vinh dự hoàng gia chỉ dành cho 65 người “xuất sắc” trong nghệ thuật, khoa học, y học hoặc chính phủ.

Mary Quant chưa bao giờ ngừng sáng tạo, bà cũng chưa từng dừng lại ở những chiếc váy ngắn. Quant luôn thử nghiệm với những kiểu dáng và chất liệu mới mẻ, như PVC chẳng hạn, giống như cách mà bà đã từng chia sẻ: “Thời trang là một thứ luôn đổi mới liên tục”. Câu nói này được phản ánh rõ ràng trong cách mà Mary Quant liên tục cách trưng bày tại cửa hàng trứ danh của mình – Bazzar. “Chúng tôi muốn giải trí cho mọi người cũng như bán hàng cho họ,” Quant từng chia sẻ. Thay vì những màn hình hạn chế đang phổ biến trên khắp các cửa hàng khác ở Chelsea, Quant đã lấp đầy các cửa sổ của Bazaar bằng các tác phẩm được bố trí theo chủ nghĩa siêu thực: một nhiếp ảnh gia bị treo ngược trong khi chụp một ma-nơ-canh; một người mẫu đang đi dạo với một con tôm hùm; những tạo dáng kỳ quặc của người mẫu hay cả những chiếc xe máy được dựng ngổn ngang,…Những chiếc cửa sổ trưng bày này của Bazaar cũng đã thu hút được sự chú ý của những đám đông trên đường phố bằng chính sự lập dị của nó. Đột nhiên, hoạt động mua sắm vào thời điểm đấy trở nên phổ biến và hấp dẫn hơn bao giờ hết. Khách hàng đến với Bazaar không chỉ được chiêm ngưỡng quần áo đẹp, tận hưởng thức uống được phục vụ, tiếng nhạc Jazz vui tươi mà còn tận hưởng được tiếng ồn của đám đông của người phụ nữ đang giành nhau những chiếc váy. Bazaar như một buổi tiệc cocktail sôi động không giờ đóng cửa bao  mà người trẻ nào cũng muốn tham gia. Cũng chính Quant đã ví von cửa hàng của mình là “một cửa hàng kẹo cao cấp dành cho người lớn.”

Bazaar thành công đến mức, Quant đã nhanh chóng chuyển đến các khu vực khác của London và bắt đầu xuất khẩu quần áo của mình sang Hoa Kỳ, nơi “cuộc xâm lược của Anh” đang diễn ra sôi nổi. Chính cửa hàng của Quant đã thay đổi cục diện ngành bán lẻ và biến bà thành một cái tên quen thuộc. Những cống hiến của Quant không dừng lại ở thời trang mà còn phát triển ra đến thế giới làm đẹp, trang điểm đồng thời chuyển sang lĩnh vực đồ dùng nhà bếp và phụ kiện gia đình. Nói không ngoa, chẳng bao giờ có dấu chấm hết trên chặng đường theo đuổi thời trang và giới sáng tạo của Mary Quant. Bởi lẽ khi Mary Quant ngừng dòng thời trang của mình vào năm 1969 để tập trung vào dòng phụ kiện, mỹ phẩm và đồ lót. Bà ấy đã cho rằng việc tham gia vào lĩnh vực kinh doanh ở thế giới làm đẹp được xuất phát từ mong muốn có thể hoàn chỉnh hóa một vẻ ngoài từ đầu đến chân. Mặc dù bản thân nữ nhà thiết kế đã nghỉ hưu vào năm 2000, nhãn hiệu cùng tên vẫn tồn tại. Sau khi được một công ty Nhật Bản mua lại, thương hiệu cũng tiếp tục sử dụng biểu tượng và họa tiết hoa cúc mà Quant đã tiên phong trong những năm 1960, và trong một thời gian dài, công ty đã duy trì một cửa hàng ở London, bên cạnh khoảng 200 cửa hàng ở Nhật Bản. Những đóng góp cho thời trang của bà ấy được trưng bày tại V&A ở London cho đến tận ngày nay. 

Dù huyền thoại ấy đã ra xa thế giới thời trang, nhưng đối với làng mốt Mary Quant luôn là một nữ doanh nhân sắc sảo và là một trong những người đầu tiên hiểu được cách xây dựng và mở rộng thương hiệu của bản thân, người đã can đảm vượt qua mọi rào cản của sự hợm hĩnh và truyền thống cứng ngắc, chống lại những khuôn mẫu để mang lại sức mạnh và sự tự do. Thế giới thời trang đã và đang mang ơn Mary Quant rất nhiều – một nhà cách mạng tiên phong!

Thực hiện Huỳnh Trân

Theo Vogue, Harper Bazaar, Russh