Vì sao Hermès và Stella McCartney bỗng dưng rút khỏi Hiệp ước khí hậu Fashion Pact?
Ngày đăng: 25/05/23
Hiệp ước khí hậu Fashion Pact ra mắt vào năm 2019 dưới sự thúc giục của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nhằm giải quyết vấn đề ô nhiễm môi trường trong ngành thời trang.
Với sự góp mặt của những gã khổng lồ xa xỉ như Kering, Chanel và Prada; hay những tên tuổi của ngành thời trang thể thao như Nike và Adidas; cùng với những kẻ khổng lồ trong lĩnh vực fast fashion như H&M Group và Inditex, hiệp ước này gần như đại diện cho khoảng một phần ba quyền quyết định của ngành thời trang.
Tuy nhiên, sau một thời gian tuân thủ “lời kí kết”, Hiệp ước khí hậu đã xảy ra khá nhiều vấn đề cần xem xét. Có thông tin cho rằng một số bên đã rút lại sự ủng hộ của họ đối với sáng kiến này, làm dấy lên nghi ngờ về tác động của nó.
Sẽ không có gì đáng ngạc nhiên nếu đó là H&M, công ty đã từng bị cáo buộc “tẩy xanh” (greenwashing) trong quá khứ. Nhưng ngược lại, kết quả đã khiến công chúng ngạc nhiên. Bản thân thương hiệu H&M vẫn luôn tuân theo quy định trong bản cam kết kể từ khi CEO của tập đoàn Thụy Điển, Helena Helmersson trở thành đồng chủ tịch của hiệp hội. Tuy nhiên, “kẻ ra đi” lại là ba thương hiệu: Hermès, Stella McCartney và Cửa hàng bách hóa Selfridges.
Giờ đây, những nghi ngờ nảy sinh do sự ra đi của những cái tên như vậy đã hé lộ vài góc khuất của hiệp ước. Ví dụ, Hermès là một thương hiệu nổi tiếng với sự nghiêm túc trong từng bước đi của mình, họ luôn công khai các báo cáo về tính bền vững trong mọi nỗ lực; Stella McCartney, mặt khác, đã xây dựng toàn bộ thương hiệu của mình dựa trên tính bền vững. Do đó, sự “ra đi” của hai ông lớn này đã tạo ra loạt nghi ngờ vào cách thức hoạt động của chính hiệp ước.
Với tư cách là một “thành viên” trong làng thời trang xa xỉ (cũng như trong thời trang đường phố cao cấp), công ty Inditex thực sự đã lập ra và luôn tuân theo các quy tắc khá nghiêm ngặt về tính bền vững. Tuy nhiên vấn đề duy nhất ở đây chính là mỗi thương hiệu khác nhau đã thực hiện những hoạt động bền vững theo từng cách khác nhau của họ.
Nói cách khác, những nghi ngờ xung quanh Hiệp ước Thời trang của nhiều người là vấn đề liên quan đến khả năng tự điều chỉnh trong nội bộ và khả năng đàm phán, đối thoại của toàn ngành với các tác nhân chính trị và kinh tế trong lĩnh vực kinh tế toàn cầu rộng lớn hơn. Mặc dù ban lãnh đạo Hiệp ước Thời trang tuyên bố đã dành 3 năm qua để đặt nền móng cho sự thay đổi cụ thể, nhưng tiến độ diễn ra rất chậm và khó đo lường. Các bên ký kết được yêu cầu báo cáo tiến độ của họ hàng năm, nhưng nhiều thương hiệu đã “lách luật”: họ lọc ra những thông tin “tích cực” và ít ảnh hưởng đến họ nhất.
Đáng chú ý, gần 40% các bên ký kết đã không đưa ra cam kết chính thức về việc đặt ra các mục tiêu dựa trên cơ sở khoa học đã được xác minh để giảm lượng khí thải của họ – một yêu cầu nằm trong mục tiêu hàng đầu của hiệp ước. Sự thiếu cam kết này làm dấy lên lo ngại về sự sẵn sàng hoặc khả năng của ngành trong việc ưu tiên tính bền vững. Tuy nhiên, vẫn có một số bước tích cực đã được thực hiện, chẳng hạn như tập đoàn hàng xa xỉ Zegna và Kering đã có những nỗ lực đáng kể để giải quyết tác động môi trường trong các hoạt động của họ. Nhưng so với những gì có trong hiện tại, các thành tựu riêng lẻ đó vẫn chỉ là “hạt cát trong sa mạc”. Vì vậy, toàn bộ ngành công nghiệp thời trang cần phải làm nhiều hơn nữa để giải quyết tình trạng ô nhiễm.
Mặc dù Hiệp ước Thời trang đã nhấn mạnh tác động của ngành thời trang đối với thiên nhiên, môi trường và đa dạng sinh học, việc chuyển đổi cam kết ngày càng tăng qua các hành động hữu hình vẫn chưa có gì chắc chắn. Khoảng 40% thành viên đã đặt ra các mục tiêu liên quan đến đa dạng sinh học với sự trợ giúp của các công cụ và nghiên cứu do Hiệp ước phát triển, nhưng tỷ lệ thành viên có chiến lược đa dạng sinh học cụ thể chỉ vỏn vẹn 21%.
Hơn nữa, sáng kiến tập trung vào các dự án năng lượng tái tạo với nhiều ý tưởng đáng khen ngợi, nhưng đây mới chỉ là điểm khởi đầu. Trong một thông báo khá tích cực, có thêm 3 thương hiệu đang dần dần xem xét đến vấn đề này và tham gia ký kết hiệp ước: tập đoàn J. Crew của Mỹ, Chloé (hiện nay đang nằm dưới sự lãnh đạo của Gabriela Hearst đã được cấp danh hiệu B Corp), và cuối cùng, công ty này là một trong số những công ty đạt được độ quan tâm nhất về phạm vi tiếp cận và khối lượng bán hàng trên toàn thế giới, Asics.
Tuy nhiên, bất chấp những tiến bộ mà một số thương hiệu đã đạt được, vẫn cần có hành động hiệu quả hơn. Theo New Scientist, thế giới sẽ tăng 1.5 độ – con số kỷ lục – trong vòng năm năm tới vì biến đổi kí hậu. Do đó, chúng ta cần có những thay đổi thực tế trong ngành thời trang và giải quyết những thách thức môi trường ngày càng cấp bách mà thế giới phải đối mặt khi nhiệt độ tiếp tục tăng qua từng năm.
Thực hiện: Mỹ Tâm