Sự bùng nổ của Mango
Ngày đăng: 08/06/23
Đế chế của Punto Fa, S.L., được biết đến nhiều hơn với tên Mango, đang tiếp tục mở rộng cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, ghi nhận những con số lớn mạnh nhất trong một thập kỷ với lợi nhuận tăng hơn 20%.
Mặc dù phải ngừng các hoạt động ở Nga trong cuộc chiến tranh với Ukraine, điều này đã làm ảnh hưởng tiêu cực đến bảng cân đối kế toán khoảng 20 triệu euro. Tuy nhiên Mango đã mở 119 cửa hàng mới trong năm qua, nâng tổng số cửa hàng lên con số ấn tượng 2.566 và mở rộng sự hiện diện của mình tới 115 thị trường, bao gồm cả Cameroon và Ma-rốc, bên cạnh việc mở thêm 13 cửa hàng mới ở Anh trong tương lai.
Bí quyết thành công của gã khổng lồ thời trang nhanh này chia làm hai hướng: thứ nhất là thông qua sự lãng mạn hóa gu thẩm mỹ Địa Trung Hải, định hình nên một câu chuyện tinh tế với những cô gái như Kate Moss và Miranda Kerr, và những tên tuổi bảo chứng về bóng đá như Zinédine Zidane và Gerard Piqué cho dòng sản phẩm đồ nam; thứ hai là câu chuyện về tính bền vững trong các hoạt động của Mango, cùng tồn tại với bản chất của thời trang nhanh (và do đó không bền vững) của thương hiệu.
Sự mơ hồ trong toàn bộ hệ thống vận hành của Mango mang lại hiệu quả bất ngờ, cũng như không thể chấp nhận được, vì nó mô tả thời trang nhanh bằng tông màu sang trọng, liên quan trực tiếp đến chính những người có ảnh hưởng ngồi trên hàng ghế đầu của các buổi trình diễn thời trang ở Milan và Paris, nhưng chính vì lý do đó mà Mango hoạt động rất hiệu quả – và điều này xứng đáng được phân tích thêm.
Được thành lập tại Barcelona, Tây Ban Nha, vào năm 1984, Punto Fa, S.L. được tạo ra bởi anh em người Thổ Nhĩ Kỳ Isak và Nahman Andic. Bắt đầu với một chuỗi cửa hàng quần áo nhỏ do họ tự thiết kế với tên Isak Jeans, hai anh em bắt đầu kinh doanh vào những năm 1980. Cùng với doanh nhân Enric Cusí, họ chính thức ra mắt Mango. Trang web chính thức của thương hiệu được thành lập vào năm 1995, mặc dù cửa hàng trực tuyến đầu tiên ra mắt vào năm 2000, trong khi dòng sản phẩm dành cho nam giới phải đến năm 2008 mới xuất hiện. Bằng cách sử dụng một câu chuyện thương hiệu đầy sâu sắc, Mango đã làm lu mờ bản chất thời trang nhanh của hãng thông qua các sáng kiến tập trung vào tính bền vững.
Từ năm 2015 đến 2016, đầu tiên là với Second Chances, sau đó là Take Action and We Are Committed, Mango đã tạo ra các bộ sưu tập thời trang và dự án dựa trên các nguyên tắc môi trường, thậm chí quyết định tham gia Hiệp ước thời trang vào năm 2019 để giảm lượng khí thải carbon.
Sau đó, trang web của có một phần mở rộng dành riêng cho mục Tính minh bạch để theo dõi từng bước các hoạt động của chuỗi sản xuất (năm nay Mango là công ty lớn đầu tiên của Tây Ban Nha công bố danh sách các nhà máy Cấp 1, Cấp 2 và Cấp 3) và ý định tốt, chẳng hạn như dự định khiến tất cả các sản phẩm của hãng tuân thủ các tiêu chí bền vững vào năm 2030.
Mango hiện đang giữ số điểm đáng khích lệ là 41-50% trong bảng Chỉ số minh bạch thời trang, đồng thời lọt vào Top 10 thương hiệu trở nên minh bạch hơn vào năm 2022 so với năm trước. Không hơn không kém, trên cùng một trang web, các con số cho thấy hơn bốn nghìn nhà máy trực thuộc của Mango đã sản xuất tổng cộng 115 triệu sản phẩm – một con số khổng lồ. Thật kỳ lạ, cùng một thước đo, ta có thể đo lường sự thành công cũng nói lên tình trạng tiêu thụ quá mức và sản xuất quá mức của Mango.
Ngày nay, Mango là một câu chuyện thành công của thời trang. Ngoài mức tăng trưởng vượt trội ghi nhận trong năm nay, vào năm 2022, tập đoàn đã báo cáo doanh thu là 2,7 tỷ euro, tăng 20,3% so với năm trước và tăng 13,2% so với năm 2019. Khoảng 36% doanh số bán hàng – tương đương 960 triệu euro – được tạo ra từ các cửa hàng trực tuyến, trong đó đồ nữ chiếm 82% tổng doanh số bán hàng.
Vào năm 2022, lợi nhuận trước thuế tăng 26,2% so với cùng kỳ lên 103,3 triệu euro, trong khi lợi nhuận ròng tăng 20,9% lên 81 triệu euro, gấp bốn lần kết quả năm 2019. Và có khả năng là nhiều thương hiệu trong tương lai sẽ đi theo kế hoạch chi tiết của Mango bằng cách cố gắng bắt chước thành công, khả năng kể chuyện và các giá trị của hãng, những thứ thực sự được đền đáp bằng doanh số bán hàng và sự mở rộng thương mại mạnh mẽ. Tuy nhiên, với những nỗ lực như vậy Mango có thoát khỏi định vị thương hiệu thời trang nhanh hay không? Đây vẫn còn là câu hỏi…
Thực hiện: Lexi Han
Theo NSS Magazine