Nhà thiết kế Jiyong Kim và sáng kiến để “thiên nhiên nhuộm màu trang phục”
Ngày đăng: 30/06/23
Ngành công nghiệp thời trang, được xếp thứ hai trong danh sách các ngành công nghiệp gây ô nhiễm trên toàn cầu chỉ sau ngành nhiên liệu hoá thạch, ảnh hưởng tiêu cực từ rác thải thời trang dẫn tới sự nóng lên toàn cầu đang trở thành một vấn đề nhức nhói. Tuy nhiên, điều này cũng tạo cơ hội mới cho các nhà thiết kế trẻ để thể hiện sứ mệnh của họ, không chỉ gói gọn trong việc sáng tạo và thiết kế, mà còn trong việc bảo vệ ngôi nhà chung của chúng ta.
Chất nhuộm tổng hợp không chỉ gây hại cho con người – hơn thế nữa, chúng còn ảnh hưởng nghiêm trọng tới môi trường. Vấn đề lớn nhất là ở loại chất nhuộm nhân tạo này cần sử dụng rất nhiều nước để sản xuất, theo Ellen MacArthur Foundation, ngành công nghiệp thời trang sử dụng khoảng 93 tỷ mét khối nước (21 ngàn tỷ gallon) hàng năm, đủ để lấp đầy 37 triệu hồ bơi Olympic quốc tế. Ở Châu Á, khu vực xung quanh các nhà máy nhuộm vải do xả thải đã làm biến đổi màu sắc tự nhiên của các con sông gần đó, nhiều người thường nói “đùa” rằng, có thể đoán được màu sắc đang thịnh hành qua màu của dòng sông. WorldBank đã nhận định có đến 72 loại chất độc hại thải ra chỉ từ quá trình nhuộm vải, sự tích tụ này có thể gây chết cây, sinh vật thủy sinh và động vật, làm ô nhiễm các nguồn nước ở xung quanh.
Làm việc trong một ngành công nghiệp gây ảnh hưởng trực tiếp tới môi trường, đã có rất nhiều nhà thiết kế trong và ngoài nước nhận thức được sự nghiêm trọng của vấn đề về môi trường này. Một ý tưởng đã được cho ra đời: sử dụng chính ánh sáng mặt trời để tạo màu cho các loại vải như một phương pháp bền vững mà không cần sử dụng nước hay hóa chất. Trong quá trình “nhuộm vải” này, thời gian là yếu tố quan trọng nhất – đôi khi mất đến vài tháng – để xuất hiện những “dấu ấn” của ánh sáng mặt trời trước khi nhà thiết kế biến những tấm vải thành trang phục hoàn chỉnh.
Jiyong Kim đã sử dụng ánh nắng mặt trời, thay vì quy trình in ấn hoặc nhuộm nhân tạo, để tạo ra các mẫu hoa văn tự nhiên và mềm mại từ ánh nắng trên bộ sưu tập tại lễ tốt nghiệp BA (cử nhân) tại Central Saint Martins năm 2020, bộ sưu tập đã giúp anh trở thành một trong năm người xuất sắc chiến thắng tại sự kiện sáng kiến bền vững Green Trail 2020 từ LVMH và CSM. Cách xử lý chất liệu đặc biệt này đã trở thành ngôn ngữ thiết kế đặc trưng của Jiyong Kim cho tới tận bây giờ.
Sinh ra và lớn lên tại Hàn Quốc, trước khi tập trung vào phân khúc thời trang nam giới, anh đã theo học về thời trang nữ tại Trường Bunka Fashion. Trải qua kì thực tập tại Louis Vuitton dưới triều đại của Virgil Abloh với vai trò trợ lý thiết kế đã ảnh hưởng lớn tới anh, sau này nhà thiết kế trẻ trở thành Head Designer cho Lemaire và Maison Mihara Yasuhiro rồi thành lập nên thương hiệu cùng tên JiyongKim, sau khi tốt nghiệp chương trình học MA (thạc sĩ) tại CSM năm 2022.
Nhìn vào những gì anh đã làm và đang làm hiện nay, chúng ta có thể thấy niềm đam mê cũng như ý thức của anh đối với trang phục bền vững. “Việc sản xuất vải và trang phục đã và đang gây ô nhiễm môi trường và quá trình in ấn và nhuộm rất lãng phí nước, cuối cùng thành phẩm cũng bị vứt bỏ và gây thêm tổn hại cho môi trường. Đó là lý do tại sao tôi đã quyết định tạo ra từng yếu tố cấu thành của một trang phục bao gồm vải, cúc áo và khóa kéo, tất cả đều từ nguyên liệu tái chế, rập được cắt theo một quy chuẩn riêng để giảm thiểu vải thừa.” – Jiyong chia sẻ về công việc của mình.
Nếu không có ánh nắng mặt trời, sản phẩm của JiyongKim sẽ không tồn tại, nó tương tự như mối quan hệ mật thiết giữa sự sống và mặt trời. Những trang phục được thử nghiệm, kết hợp sự cắt may tỉ mỉ đã trao một cuộc đời mới cho những loại vải vóc cũ qua sử dụng. Các bộ trang phục sau khi hoàn thiện đó được buộc, thắt trên mannequin, trên một chiếc xe hay treo trên hàng rào, uốn cong và gấp lại thành các hình dạng khác nhau và để dưới ánh nắng mặt trời trong ít nhất là năm tháng, để vải tự phai màu một cách tự nhiên. Quá trình này đồng thời cũng giúp cắt giảm lượng nước và hoá chất vốn được sử dụng trong các phương pháp nhuộm vải thông thường.
“Mưa thúc đẩy quá trình phai màu dưới ánh nắng mặt trời và gió khiến những tấm vải cử động liên tục, những chuyển động nhỏ như vậy tạo ra sự chuyển tiếp, tạo ra bảng màu mới từ tự nhiên và tạo ra độ sâu màu sắc hoàn hảo mà không bao giờ có thể tạo ra được trong những nhà máy sản xuất hàng loạt.” Jiyong chia sẻ
Cảm hứng cho cách nhuộm vải tự nhiên này là quãng thời gian quan sát những người dân lao động ở Ấn Độ làm việc hàng ngày dưới những cơn nắng nóng đỉnh điểm, mồ hôi đọng lại trên vải và cái ánh nắng tới cháy da cháy thịt đã khiến quần áo của họ phai màu theo thời gian, những vết tích của vẻ đẹp lao động và thời gian đã được JiyongKim tái định nghĩa và truyền tải nó theo góc nhìn thời trang, gọi đó là cách “tự nhiên nhuộm màu trang phục”.
Jiyong tận tụy làm ra những bộ trang phục độc đáo, hoàn toàn bền vững và phù hợp với cách mà nam giới mặc đồ ở hiện tại và tương lai. Lựa chọn của Jiyong trong quy trình thiết kế và sản xuất góp phần giúp cải thiện vấn đề 92 triệu tấn chất thải vải thải ra từ ngành công nghiệp thời trang mỗi năm.
Thực Hiện: Tuấn Hiệp